I. QUY ĐỊNH MỚI CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI 2024
1. Đất không có giấy tờ sử dụng trước 01/7/2014 được cấp Sổ đỏ
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định trước 01/7/2014 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền nay được Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã xác nhận không có tranh chấp thì được cấp Sổ đỏ.
Theo đó, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 quy định cụ thể việc cấp Sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất theo thời điểm sử dụng đất:
- Trước ngày 18/12/1980;
- Từ ngày 18/12/1980 - trước ngày 15/10/1993;
- Từ ngày 15/10/1993 - trước ngày 01/7/2014.
Hiện nay, đối với trường hợp này, Luật Đất đai số 45/2013/QH14 chỉ quy định cấp Sổ đỏ đối với đất không có giấy tờ trước 01/7/2004. Còn đất sử dụng trước 01/7/2014 mà không có giấy tờ phải đáp ứng điều kiện khắt khe hơn:
- Đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2014.
- Có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.
Nói chung, Luật Đất đai 2024 giúp tăng cơ hội cấp Sổ đỏ đối với đất không có giấy tờ trước 01/7/2014.
2. Bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường
Hiện nay, khung giá đất được ban hành định kỳ 05 năm/lần và là căn cứ để Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng bảng giá đất tại địa phương.
Bỏ khung giá đất, đồng nghĩa với việc các tỉnh sẽ được tự quyết định Bảng giá đất mà không phụ thuộc vào giá đất tối thiểu - tối đa của khung giá đất. Điểm a khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai 2024 nhấn mạnh, việc định giá đất phải đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Điều 159 Luật này cũng quy định, Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Bảng giá đất mới sẽ được công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026, sau đó sẽ điều chỉnh hằng năm thậm chí trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh trong năm để phù hợp với giá thị trường. Mà tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được tính theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Cụ thể:
Giá trị của thửa đất cần định giá (01m2) = Giá đất trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K)
Theo đó, khi Bảng giá đất được xây dựng theo giá thị trường thì giá đền bù thu hồi đất cũng sẽ tăng, người dân sẽ hạn chế được tối đa thiệt hại khi bị thu hồi đất. Đồng thời, khoản 4 Điều 102, khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai 2024 quy định đơn giá bồi thường thiệt hại thực tế về nhà, nhà ở, công trình xây dựng; đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi phải bảo đảm phù hợp với giá thị trường.
Bên cạnh đó, Bảng giá đất được dùng để tính tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Theo đó, khi Bảng giá đất được xây dựng tiệm cận với giá đất thị trường sẽ khiến thuế, phí chuyển nhượng đất tăng, hạn chế hiện tượng đầu cơ đất đai và có thể khiến giá đất giảm về đúng giá trị thực tế. Lúc này, người dân có nhu cầu thật sự sẽ tiếp cận được với đất đai, nhà ở theo đúng giá trị.
Có thể thấy, về cơ bản, việc bỏ khung giá đất xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường là hoàn toàn phù hợp.
3. Thêm nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất từ 01/8/2024
Điều 157 Luật Đất đai 2024 đã bổ sung thêm một số trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất từ ngày 01/8/2024 so với quy định tại Điều 110 Luật Đất đai 2013, Điều 11, 12 Nghị định 45/2014/NĐ-CP như sau:
- Đất để làm bãi đỗ xe, xưởng bảo dưỡng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng; đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm;
- Sử dụng đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng; đất xây dựng công trình công nghiệp đường sắt; đất xây dựng công trình phụ trợ khác trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu, đón tiễn hành khách, xếp dỡ hàng hóa của đường sắt;
- Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
- Sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất
- Sử dụng đất xây dựng công trình cấp nước sạch và thoát nước, xử lý nước thải tại khu vực đô thị và nông thôn;
- Sử dụng đất không phải đất quốc phòng, an ninh cho mục đích quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp quân đội, công an;
- Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi.
4. Đơn giản hóa điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp
Từ 01/8/2024, hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư/trong cùng thửa đất hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở chỉ cần đáp ứng điều kiện:
- Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thay vì phải đáp ứng kế hoạch sử dụng đất cấp hằng năm.
- Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được ban hành theo thời kỳ 10 năm còn kế hoạch sử dụng đất được ban hành theo từng năm nên đương nhiên cơ hội chuyển mục đích sử dụng đất theo Luật mới cũng dễ dàng hơn.
5. Đa dạng hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất
Luật Đất đai 2024 đã mở rộng các hình thức bồi thường về đất. Cụ thể, khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai 2024 quy định, việc bồi thường về đất được thực hiện thông qua 01 trong 04 hình thức:
1. Giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi; hoặc
2. Bằng tiền trong trường hợp không có đất để bồi thường người dân có nhu cầu; hoặc
3. Bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi; hoặc
4. Nhà ở.
Trong đó, ưu tiên người được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở được lựa chọn bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu thì đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
6. Bị thu hồi đất nông nghiệp được bồi thường bằng đất ở/nhà ở
Khoản 6 Điều 111 Luật Đất đai 2024 quy định: Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở mà đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định tại Điều 95 của Luật này mà có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở và địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở thì được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư.
Tức là, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp mà bị thu hồi đất được bồi thường bằng đất ở/nhà ở nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định;
- Có nhu cầu bồi thường bằng đất ở/nhà ở;
- Địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở.
7. Phải bàn giao nhà ở tái định cư mới được thu hồi đất
Một trong những điều kiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư (khoản 3 Điều 80 Luật Đất đai 2024).
Đối chiếu với quy định tại khoản 6 Điều 91 Luật này, việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất. Theo đó, có thể hiểu, phải hoàn thành việc bố trí tái định cư, bàn giao nhà ở tái định cư trước khi có quyết định thu hồi đất.
8. Bổ sung nhiều khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất
Luật Đất đai 2013 quy định các khoản hỗ trợ chính khi Nhà nước thu hồi đất gồm có:
- Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;
- Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;
- Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở;
- Hỗ trợ khác (hỗ trợ người đang thuê nhà ở không thuộc sở hữu Nhà nước; Hỗ trợ khi thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn…)
Bên cạnh các khoản hỗ trợ trên, Luật Đất đai 2024 quy định thêm các khoản hỗ trợ khác:
- Hỗ trợ di dời vật nuôi;
- Hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời đối với tài sản gắn liền với đất là phần công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn theo pháp luật về xây dựng mà đến thời điểm thu hồi đất giấy phép đã hết thời hạn.
9. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa
Luật Đất đai 2013 không cho phép hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 đã bỏ quy định này. Theo đó, từ ngày 01/8/2024, người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa.
10. Tăng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp
Theo đó, khoản 1 Điều 177 Luật Đất đai 2024 quy định, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất. Điều này cho phép cá nhân tích tụ đất nông nghiệp, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng đầy đủ công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến tới sản xuất nông nghiệp hiện đại, tăng thu nhập cho người nông dân.
11. Hộ gia đình không còn là đối tượng sử dụng đất
Trong các đối tượng sử dụng đất quy định tại Điều 4 Luật Đất đai 2024 không còn hộ gia đình. Chỉ công nhận đối tượng hộ gia đình sử dụng đất trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Đồng nghĩa với việc, từ ngày 01/01/2025, hộ gia đình sử dụng đất sẽ không được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất với tư cách hộ gia đình sử dụng đất.
12. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất như cá nhân trong nước.
Điển hình trong đó quy định về nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho họ trực tiếp tham gia vào giao dịch bất động sản trong nước… không phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng.
II. QUY ĐỊNH MỚI VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT
1. Việc bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi
Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định việc bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 1 Điều 96, khoản 1 Điều 98, khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai.
Theo quy định giá đất tính tiền sử dụng đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng đất ở, đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trường hợp bồi thường bằng cho thuê đất thu tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì giá đất tính tiền thuê đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho tổ chức kinh tế có đất ở thu hồi là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở mà có chênh lệch giá trị giữa tiền bồi thường, hỗ trợ về đất với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất khác hoặc tiền mua nhà ở thì xử lý như sau:
- Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất lớn hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi được nhận phần chênh lệch;
- Trường hợp tiền bồi thường, hỗ trợ về đất nhỏ hơn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp khi được giao đất, thuê đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc tiền mua nhà ở thì người có đất thu hồi phải nộp phần chênh lệch.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quỹ đất, quỹ nhà và tình hình thực tế tại địa phương quy định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở để bồi thường cho người có đất thu hồi quy định.
2. Các trường hợp khác được bồi thường về đất và điều kiện được bồi thường về đất quy định tại khoản 3 Điều 95 của Luật Đất đai gồm:
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 138 của Luật Đất đai.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà đã sử dụng đất ổn định, thuộc các trường hợp được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, điểm a và điểm c khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 139 của Luật Đất đai.
3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm được giao hoặc sử dụng đất do mua, nhận thanh lý, hóa giá, phân phối nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất không đúng quy định của pháp luật nhưng đã sử dụng đất ổn định trước ngày 01 tháng 7 năm 2014.
Đối với trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất.
4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà loại đất xác định trên giấy tờ đã cấp khác với phân loại đất theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai hoặc khác với hiện trạng sử dụng đất thì bồi thường theo loại đất sau khi được xác định lại theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Đất đai.
5. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp mà đất đó đã sử dụng ổn định trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3. Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp diện tích đo đạc thực tế khác với diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất
Theo quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất mà diện tích đo đạc thực tế khác với diện tích ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai thì bồi thường về đất như sau:
1. Nếu diện tích đo đạc thực tế nhỏ hơn diện tích ghi trên Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai thì bồi thường về đất theo diện tích đo đạc thực tế theo quy định tại khoản 6 Điều 135 của Luật Đất đai.
Trường hợp đã hoàn thành việc đo đạc thực tế phục vụ cho việc thu hồi đất mà sau đó do thiên tai, sạt lở, sụt lún dẫn đến tại thời điểm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư diện tích của thửa đất đã đo đạc bị thay đổi thì sử dụng số liệu đã đo đạc để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
2. Trường hợp có sự chênh lệch diện tích đất mà số liệu đo đạc thực tế lớn hơn số liệu ghi trên Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì diện tích bồi thường được xác định theo số liệu đo đạc thực tế theo quy định tại khoản 6 Điều 135 của Luật Đất đai.
3. Trường hợp Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật Đất đai mà vị trí, tọa độ không chính xác thì xem xét bồi thường theo đúng vị trí, tọa độ khi đo đạc thực tế.
III. QUY ĐỊNH MỚI VỀ ĐĂNG KÝ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
1. Nghị định quy định cụ thể về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất. Theo đó, nội dung đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu gồm:
a) Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý gồm tên, giấy tờ nhân thân, pháp nhân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý;
b) Thông tin về thửa đất gồm số thửa đất, số tờ bản đồ, địa chỉ, diện tích, loại đất, hình thức sử dụng đất, nguồn gốc sử dụng đất và các thông tin khác về thửa đất; thông tin về tài sản gắn liền với đất gồm loại tài sản, địa chỉ, diện tích xây dựng, diện tích sàn, diện tích sử dụng, hình thức sở hữu, thời hạn sở hữu và các thông tin khác về tài sản gắn liền với đất;
c) Yêu cầu về đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc quyền quản lý đất hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với thửa đất, tài sản gắn liền với đất;
d) Các yêu cầu khác của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người được giao đất để quản lý phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai (nếu có).
2. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo Nghị định, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 20 ngày làm việc;
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 03 ngày làm việc.
Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thời gian thực hiện như sau:
- Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không theo phương án dồn điền, đổi thửa hoặc trường hợp chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày làm việc.
- Trường hợp bán hoặc góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm là không quá 10 ngày làm việc, không tính thời gian xác định giá đất, ký hợp đồng thuê đất.
- Trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng là không quá 05 ngày làm việc.
- Trường hợp xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng là không quá 03 ngày làm việc.
3. Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Nghị định 101/2024/NĐ-CP ban hành ngày 29-7-2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai đã quy định cụ thể các thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Người trực tiếp đăng ký đất đai có thể là người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản trên đất, người được giao đất để quản lý, người nhận chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thông qua người đại diện.
Các nội dung đăng ký đất đai, tài sản lần đầu gồm: thông tin về người sử dụng đất, thửa đất và tài sản gắn liền với đất. Các yêu cầu về đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc quyền quản lý đất hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gọi chung là giấy chứng nhận).
Người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ tại ba nơi:
1. Bộ phận một cửa tại cấp tỉnh hoặc cấp huyện về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
2. Văn phòng đăng ký đất đai;
3. Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
Người dân, doanh nghiệp được chọn một trong bốn cách nộp hồ sơ:
1. Nộp trực tiếp tại các cơ quan trên;
2. Nộp qua bưu điện;
3. Nộp tại địa điểm theo thỏa thuận giữa người yêu cầu đăng ký và văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai;
4. Nộp qua cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
Lưu ý: Đối với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải xác nhận thay đổi trên giấy chứng nhận đã cấp thì người đăng ký phải nộp bản gốc giấy chứng nhận.
Giấy tờ nào xác nhận việc "sử dụng đất ổn định"?
Việc xác nhận sử dụng đất ổn định đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất căn cứ vào một trong các giấy tờ sau đây:
- Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất.
- Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất hoặc xây dựng công trình gắn liền với đất.
- Quyết định hoặc bản án của tòa án nhân dân, của cơ quan thi hành án.
- Giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có địa chỉ thuộc thửa đất phải xác định.
- Giấy tờ về giao đất không đúng thẩm quyền hoặc giấy tờ về việc mua, nhận thanh lý, hóa giá, phân phối nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất.
- Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan từ ngày 15-10-1993 trở về sau.
- Bản đồ, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai; sổ mục kê, sổ kiến điền được lập từ ngày 18-12-1980 trở về sau.
- Giấy tờ về việc kê khai, đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh tại thời điểm kê khai kể từ ngày 15-10-1993 trở về sau.
- Giấy tờ về việc đăng ký thường trú, tạm trú tại nhà ở gắn với đất ở.
- Biên bản ghi nhận kết quả của Hội đồng đăng ký đất đai.
- Nếu thời điểm bắt đầu sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất được xác định theo giấy tờ hoặc thông tin có ngày, tháng, năm sử dụng đất sớm nhất./.
Bài viết khác
- Thiết lập bộ phận quản lý nguy cơ trong các cơ sở y tế (02-01-2025)
- Quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (02-01-2025)
- Thông tin cảnh giác Dược (05-12-2023)
- Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Hùng Vương tổ chức sinh hoạt chuyên môn "Các dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sau sinh" năm 2024 (05-12-2024)
- Cải cách thủ tục hành chính quý 4 năm 2024 (04-12-2024)