1. Tầm quan trọng của việc thiết lập Bộ phận Quản lý nguy cơ
Ngành y tế trên toàn thế giới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các sự cố y khoa không mong muốn vẫn tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân, cũng như gây ra hậu quả về tài chính và uy tín cho các cơ sở y tế. Đây là thách thức, rào cản trong quá trình xây dựng môi trường chăm sóc an toàn cho người bệnh. Vì vậy, việc thiết lập một Bộ phận Quản lý nguy cơ chuyên biệt trong mỗi cơ sở y tế là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nhân viên y tế và duy trì sự tin tưởng của cộng đồng.
Thống kê toàn cầu của WHO năm 2020, chỉ ra rằng cứ 10 bệnh nhân thì có 1 người bị tổn hại trong quá trình chăm sóc y tế và hơn 3 triệu ca tử vong xảy ra hàng năm do chăm sóc y tế không an toàn. Những tổn hại này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như tử vong, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Quản lý nguy cơ hiệu quả có thể giúp giảm thiểu và phòng ngừa các tình huống như vậy.
2. Lợi ích của việc thiết lập Bộ phận Quản lý nguy cơ
2.1. Giảm thiểu và phòng ngừa các sự cố y khoa
Việc thiết lập bộ phận chuyên trách về quản lý nguy cơ giúp cơ sở y tế chủ động nhận diện, phân tích và xử lý các nguy cơ tiềm ẩn, các tình huống như lỗi y khoa, sử dụng thuốc không an toàn, nhiễm khuẩn bệnh viện, chẩn đoán sai. Quản lý nguy cơ không chỉ ngăn ngừa sự cố mà còn giúp xây dựng văn hóa an toàn trong bệnh viện, từ đó, nâng cao sự tin tưởng của bệnh nhân.
2.2. Cải thiện chất lượng chăm sóc
Quản lý nguy cơ là nền tảng giúp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và tối ưu hóa nguồn lực. Khi các nguy cơ tiềm ẩn được phát hiện và xử lý sớm, các quy trình chăm sóc y tế trở nên an toàn, hiệu quả hơn; đồng thời, giúp tạo môi trường làm việc an toàn hơn cho nhân viên y tế.
2.3. Tăng cường tuân thủ pháp luật:
Triển khai quản lý nguy cơ nhằm hỗ trợ các cơ sở y tế tuân thủ quy định về an toàn, đảm bảo khả năng tồn tại và phát triển bền vững của tổ chức.
3. Các nguyên tắc cốt lõi của quản lý nguy cơ trong y tế
Theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018, quản lý nguy cơ cần tuân theo các nguyên tắc như: tích hợp quản lý nguy cơ vào mọi hoạt động của tổ chức, có cấu trúc và toàn diện, linh hoạt thích ứng với các biến động, khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, tôn trọng văn hóa và hành vi con người trong mọi cấp độ, liên tục cải tiến thông qua việc học hỏi và trải nghiệm.
4. Các bước triển khai Bộ phận Quản lý nguy cơ trong cơ sở y tế
4.1. Thành lập Hội đồng Quản lý nguy cơ
Thành viên phụ trách hội đồng/ Ban Quản lý nguy cơ nên là thành viên trực thuộc Hội đồng Quản lý chất lượng. Thành viên của hội đồng cần đại diện và trực thuộc các khoa, phòng sau: Kế hoạch tổng hợp, Điều dưỡng, Quản lý chất lượng, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Dược, Vật tư – Trang thiết bị y tế, Hành chính quản trị, Xét nghiệm…Hội đồng Quản lý nguy cơ/Ban Quản lý nguy cơ có trách nhiệm chính là hỗ trợ cho người phụ trách quản lý nguy cơ hoàn thành các công việc, trách nhiệm được giao phó để giảm thiểu tối đa chấn thương, thiệt hại cho người bệnh, khách viếng thăm, nhân viên bệnh viện và tránh thất thoát tài chính của bệnh viện nếu xảy ra sai sót, sự cố.
4.2. Nhân viên quản lý nguy cơ
Nhân viên quản lý nguy cơ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng nhận diện các nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống như nguy cơ liên quan đến tài chính, bảo hiểm y tế, xử lý than phiền của người bệnh, nguy cơ khi triển khai các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng hoặc ứng phó với thảm họa…Đồng thời, nhân viên cần am hiểu quy trình vận hành tại bệnh viện, có chuyên môn ở lĩnh vực được giao phụ trách nhằm hỗ trợ trong việc đề xuất các biện pháp can thiệp.
4.3. Các hoạt động quản lý nguy cơ được khuyến khích triển khai
1) Đào tạo lãnh đạo, tất cả nhân viên và cá nhân phụ trách chính về quản lý nguy cơ.
2) Theo dõi và đánh giá các chương trình an toàn tại bệnh viện để nhanh chóng triển khai các hành động tích hợp.
3) Liên hệ với các bộ phận, tổ chức, đơn vị quản lý tại địa phương, quốc gia, quốc tế để củng cố và cải thiện các chương trình của bệnh viện.
4) Khảo sát nghiên cứu các tình huống có nguy cơ tiềm ẩn hiện diện các mối nguy dẫn đến sự cố.
5) Sẵn có các dữ liệu quan trọng về các sai sót, sự cố đã xảy ra.
6) Xác định các khu vực có nguy cơ cao trong bệnh viện.
7) Phát triển các biểu mẫu báo cáo sự cố đáp ứng các nhu cầu hiện tại.
8) Yêu cầu, đề nghị nhân viên điền và gửi báo cáo sự cố ngay lập tức sau khi các sự cố, sai sót xảy ra.
9) Báo cáo cho bác sĩ, điều dưỡng và các bên liên quan đến sai sót, sự cố.
10) Theo dõi và cải tiến chất lượng chăm sóc thông qua số lượng các báo cáo sự cố.
11) Hỗ trợ liên tục cho các vùng điểm (khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao) và khoa, phòng trong toàn bệnh viện.
12) Thu thập và lưu trữ dữ liệu từ các nguồn trong và ngoài bệnh viện.
13) Các chương trình đại diện cho quyền lợi của người bệnh cần bảo đảm tính trung thực và phù hợp với các cấp độ khác nhau.
14) Giảm thiểu mức độ nguy hại một cách hiệu quả, nhờ đó bệnh viện có thể bảo đảm tránh thất thoát và thiệt hại liên quan đến tài chính và bảo hiểm.
15) Loại bỏ các quy trình không cần thiết và có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, nhân viên y tế.
5. Kết luận
Việc thiết lập Bộ phận Quản lý nguy cơ là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của các cơ sở y tế. Điều này không chỉ giúp bảo đảm an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế mà còn nâng cao uy tín, giảm thiểu thiệt hại tài chính và duy trì sự tin tưởng của cộng đồng.
Một hệ thống quản lý nguy cơ hiệu quả là nền tảng để cải thiện chất lượng chăm sóc và phát triển môi trường y tế an toàn và đáng tin cậy.
6. Tài liệu tham khảo
- Agency for Healthcare Research and Quality [Internet]. National healthcare disparities report 2013. [cited 2016 Jan 15]. Available from: http://www.ahrq.gov/resea/findings/nhqrdr/nhdr13/chap4.html.
- Giacomo Pascarella, Matteo Rossi, Emma Montella, Arturo Capasso, Risk analysis in healthcare organizations: Methodological Framework and Critical Variables. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8275831.
- Health Service Executive. Risk assessment tool and guidance; 2008. Available from: https://www.hse.ie/eng/about/who/oqr012-20081210-v4-risk-assessment-tool-and-guidance-incl-guidance-on.pdf. Accessed November3, 2019.
- ISO 31000:2018- Risk management – Principles and Guidelines.
- Institute for healthcare improvement [Internet]. Patient safety. [cited 2016 Jan 16]. Available from: http://www.ihi.org/PatientSafety.
- Risk management framework 2012 – 2016 – Queensland Health.
- Dhingra-Kumar N, Brusaferro S, Arnoldo L. Patient Safety in the World. 2020 Dec 15. In: Donaldson L, Ricciardi W, Sheridan S, et al., editors. Textbook of Patient Safety and Clinical Risk Management [Internet]. Cham (CH): Springer; 2021. Chapter 8. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK585617/ doi: 10.1007/978-3-030-59403-9_8.
Bài viết khác
- Quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (02-01-2025)
- Những quy định mới của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành (02-01-2025)
- Thông tin cảnh giác Dược (05-12-2023)
- Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Hùng Vương tổ chức sinh hoạt chuyên môn "Các dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sau sinh" năm 2024 (05-12-2024)
- Cải cách thủ tục hành chính quý 4 năm 2024 (04-12-2024)