Uống thuốc giảm đau, hạ sốt trong khi mang thai có ảnh hưởng đến khả năng sinh dục của bé trai hay không? - Bệnh viện Hùng Vương

Uống thuốc giảm đau, hạ sốt trong khi mang thai có ảnh hưởng đến khả năng sinh dục của bé trai hay không? - Bệnh viện Hùng Vương

Uống thuốc giảm đau, hạ sốt trong khi mang thai có ảnh hưởng đến khả năng sinh dục của bé trai hay không? - Bệnh viện Hùng Vương

Uống thuốc giảm đau, hạ sốt trong khi mang thai có ảnh hưởng đến khả năng sinh dục của bé trai hay không? - Bệnh viện Hùng Vương

Uống thuốc giảm đau, hạ sốt trong khi mang thai có ảnh hưởng đến khả năng sinh dục của bé trai hay không? - Bệnh viện Hùng Vương
Uống thuốc giảm đau, hạ sốt trong khi mang thai có ảnh hưởng đến khả năng sinh dục của bé trai hay không? - Bệnh viện Hùng Vương

Uống thuốc giảm đau, hạ sốt trong khi mang thai có ảnh hưởng đến khả năng sinh dục của bé trai hay không?

UỐNG THUỐC GIẢM ĐAU, HẠ SỐT TRONG KHI MANG THAI CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG SINH DỤC CỦA BÉ TRAI KHÔNG?
TSBS Trần Sơn Thạch (BV Hùng Vương)
Từ tháng 11/2010, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng có nhiều thông tin về những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, như Paracetamol, Acetylsalicylic acid (Aspirin), và Ibuprofen trong thai kỳ lên khả năng sinh sản của bé trai. Những thông tin này được đăng tải trên nhiều tờ báo phát hành rộng rãi như BBC News “Thuốc giảm đau trong thai kỳ và bệnh lý sinh dục nam”, The Independent “Thuốc giảm đau liên quan đến giảm tinh trùng ở phạm vi toàn cầu”, The Guardian “Các thuốc giảm đau thông thường có thể liên quan đến rối loạn sinh dục nam”… Thậm chí có nhiều thông tin không hoàn toàn phản ánh đúng kết quả nghiên cứu gốc, như “Acetaminophen gây vô sinh nam” (Acetaminophen causes Infertility in Men) của Joanna Karpasea-Jones. Những bài báo này sử dụng một phần thông tin của một nghiên cứu gốc xuất bản trên tập san khoa học Human Reproduction, đây là một tập san uy tín có bình duyệt với hệ số ảnh hưởng cao (3,86 vào năm 2009).
Nhằm giúp bạn đọc chưa có điều kiện tiếp xúc với công trình nghiên cứu gốc có thêm thông tin để đánh giá những tin tức này khách quan hơn, bài báo này cung cấp những kết quả chính của nghiên cứu gốc và những phân tích về mức độ tin cậy của những kết quả này.
Nghiên cứu có tên “Tiếp xúc với thuốc giảm đau trong thời gian mang thai là nguy cơ của những rối loạn sinh dục nam trên người và chuột” (Intrauterine exposure to mild analgesics is a risk factor for development of male reproductive disorders in human and rat) của các nhà nghiên cứu thuộc một số trường Đại học của Đan Mạch, Pháp và Phần Lan, vừa xuất bản vào tháng 11/2010. Mục tiêu chính của nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng của các loại thuốc có thành phần là Acetaminophen, Acetylsalicylic acid hay Ibuprofen lên chứng tinh hoàn ẩn bẩm sinh (cryptorchidism). Nghiên cứu có 2 thành phần, một nghiên cứu quan sát trên người ở dạng đoàn hệ tiền cứu (prospective cohort study) và một nghiên cứu thực nghiệm trên chuột. Đối với nghiên cứu trên người được tiến hành ở tại Đan Mạch, 2.521 thai phụ ở 3 tháng cuối thai kỳ (chỉ chiếm khoảng 22% những người đủ điều kiện tham gia nghiên cứu) được chọn và tại Phần Lan, gồm 2.728 thai phụ ở 3 tháng cuối thai kỳ (chỉ chiếm 24% những người đủ điều kiện tham gia nghiên cứu). Những thai phụ này được phỏng vấn xem họ đã từng sử dụng các thuốc hạ sốt, giảm đau trong thời gian 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ. Trong khi tại Đan Mạch thông tin được thu thập từ cả phương thức điền bản hỏi soạn sẵn và trả lời phỏng vấn điện thoại (Sơ đồ 1) thì thông tin tại Phần Lan chỉ được thu thập qua điền bản hỏi. Kết quả nghiên cứu công bố chỉ dựa vào 491 trường hợp trả lời phỏng vấn điện thoại tại Đan Mạch (chiếm 19,5% số người đồng ý tham gia nghiên cứu), và 1.463 trường hợp tự điền bản hỏi tại Phần Lan (chiếm 53,9% số người đồng ý tham gia nghiên cứu).
Trong nghiên cứu có sự khác biệt rất nhiều về chất lượng câu trả lời qua tự điền bản câu hỏi so với trả lời phỏng vấn điện thoại, cụ thể chỉ 26,1% thai phụ trả lời có sử dụng thuốc giảm đau trong thai kỳ khi điền bản hỏi soạn sẵn, trong khi số này lên đến 56,2% khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại. Trong số 285 thai phụ cùng lúc trả lời hai loại phỏng vấn, nhưng chỉ có 30,9% người trả lời bản hỏi soạn sẵn, và có đến 57,2% trả lời điện thoại phỏng vấn cho biết có sử dụng thuốc giảm đau trong thai kỳ.
Trong khi nghiên cứu tại Phần Lan (sử dụng bản hỏi điền sẵn) không ghi nhận được mối liên quan có ý nghĩa giữa sử dụng thuốc giảm đau trong thai kỳ và nguy cơ chứng tinh hoàn ẩn bẩm sinh sau sanh, sử dụng một số loại thuốc giảm đau trong thai kỳ lại làm tăng nguy cơ chứng tinh hoàn ẩn trong nghiên cứu tại Đan Mạch (chỉ sử dụng thông tin từ phỏng vấn bằng điện thoại). Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng Acetylsalicylic acid trong 3 tháng đầu thai kỳ làm tăng nguy cơ 5,6 lần (aOR 7,55; 95% CI 1,94-29,3); và có sử dụng bất kỳ thuốc giảm đau/hạ sốt nào trong 3 tháng giữa thai kỳ làm tăng nguy cơ chứng tinh hoàn ẩn 2,3 lần (aOR 2,3; 95% CI 1,12-4,73), cụ thể cho từng loại thuốc như sau: Acetylsalicylic acid (3,76; 1,15-12,3), Ibuprofen (4,59; 1,1-19), và kết hợp nhiều loại thuốc (16,1; 3,29-78,6). Cần nhấn mạnh là nghiên cứu này không ghi nhận được mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa sử dụng Paracetamol vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ với nguy cơ chứng tinh hoàn ẩn sau sanh. Tuy nhiên, sử dụng Paracetamol liên tục hơn 2 tuần cũng làm tăng nguy cơ bệnh 2,78 lần (2,78; 1,13-6,84), trong khi đó nếu sử dụng liên tục Acetylsalicylic acid trên 2 tuần sẽ tăng nguy cơ bệnh 4 lần (4,07; 1,05-15,8) và nếu kết hợp nhiều thuốc thì nguy cơ sẽ tăng gấp 22 lần (21,69; 1,83-258).
Sơ đồ 1: Phương thức chọn mẫu nghiên cứu tại Đan Mạch
 
Đối với thực nghiệm trên chuột, với liều thuốc lên đến 250mg/kg/ngày (Paracetamol), 350mg/kg/ngày (Acetylsalicylic acid) có xuất hiện những biểu hiện kháng nội tiết tố adrogen (nội tiết tố nam) được đánh giá bằng chiều dài từ hậu môn đến cơ quan sinh dục ngoài (anogenital distance); trong khi đó sự khác biệt về nồng độ testosterone không đạt được ý nghĩa thống kê khi so sánh với nhóm chứng không tiếp xúc với thuốc trong thai kỳ.
Với những kết quả này, nhóm nghiên cứu đặt vấn đề về khả năng có mối liên quan giữa sử dụng một số loại thuốc giảm đau/hạ sốt trong khi mang thai, cụ thể là Acetylsalicylic acid và Ibuprofen trong 3 tháng giữa thai kỳ và gia tăng nguy cơ chứng tinh hoàn ẩn. Tuy vậy, các tác giả của nghiên cứu này cũng khẳng định cần phải có thêm những nghiên cứu nữa để có câu trả lời chắc chắn, và họ đang tiếp tục theo dõi nhóm bé nam trong nghiên cứu này (hiện đang vào giai đoạn dậy thì).
Tuy vậy, kết quả nghiên cứu này có thể bị ảnh hưởng bởi một hay những yếu tố sau:
-         Mẫu nghiên cứu có thể không đại diện cho cộng đồng dân cư nghiên cứu, và do vậy kết quả ghi nhận được trong nghiên cứu có thể không phản ánh đúng hiện tượng thật trong cộng đồng dân cư. Với nghiên cứu tại Đan Mạch từ khoảng 11.500 trường hợp đủ điều kiện tham gia nghiên cứu nhưng cuối cùng tác giả chỉ thu thập thông tin từ 491 người trả lời phỏng vấn điện thoại (chỉ chiếm 4,3%). Do mẫu nghiên cứu không được chọn ngẫu nhiên từ cộng đồng nên không thể loại trừ khả năng là thông tin thu thập từ một mẫu nghiên cứu chỉ chiếm 4,3% người đủ điều kiện tham gia nghiên cứu có thể không phản ánh đúng hiện tượng thật trong cộng đồng.
-         Ngoài ra người đọc có quyền đặt nghi ngờ về mức độ chính xác của kết quả vì chỉ có khoảng 45% bé trong mẫu nghiên cứu được khám sau sanh và không rõ lý do tại sao có đến 55% trường hợp đã đồng ý tham gia và đã ký đồng thuận tham gia nghiên cứu nhưng không được khám bé sau sanh (tương đương với tỉ lệ “mất dấu” lên đến 55%). Liệu có khả năng có những khác biệt quan trọng nào giữa hai nhóm thai phụ này (nhóm có bé được khám và nhóm có bé không được khám) không? Nếu có thì liệu những khác biệt này, ví dụ có thể mẹ của nhóm bé được khám thường bị các bệnh nhiễm siêu vi hoặc uống rượu trong thai kỳ nhiều hơn…, có góp phần làm làm cho tỉ lệ chứng tinh hoàn ẩn lại gặp nhiều hơn trong nhóm này không?
-         Không thể hiểu chứng tinh hoàn ẩn (là loại kết cục sử dụng trong nghiên cứu này) đồng nghĩa với vô sinh hay những bệnh lý về sau (như chất lượng tinh dịch kém, ung thư tinh hoàn…), vì tỉ lệ vô sinh trong những trường hợp bị chứng tinh hoàn ẩn là khoảng 10% so với 6% trong cộng đồng người bình thường. Chứng tinh hoàn ẩn có thể gặp trong 3% bé đủ tháng và 30% bé non tháng, và có đến 80% trong số này sẽ về bình thường (tức tinh hoàn sẽ xuống bìu) trong năm đầu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu đời. Ngoài ra có thể điều trị phẫu thuật khi phát hiện bệnh. Với bản chất là một nghiên cứu quan sát và đã kết thúc theo dõi vào thời điểm ngay sau sanh nên có thể là quá sớm khi đưa ra những kết luận về nguy cơ các bệnh lý sinh dục nam khi chưa có tỉ lệ thật sự của chứng tinh hoàn ẩn có thể ảnh hưởng đến rối loạn sinh dục nam (sau khi đã phẫu thuật, hoặc sau năm đầu).
-         Thông tin về sử dụng thuốc giảm đau/hạ sốt trong thai kỳ được thu thập bằng cách chỉ hỏi lại thai phụ và không thể kiểm tra mức độ chính xác của thông tin. Ngoài ra, còn có sự khác biệt quá lớn về chất lượng thông tin giữa thu thập thông tin bằng điền bản hỏi soạn sẵn và trả lời phỏng vấn điện thoại. Bên cạnh những khác biệt về nội dung, những người trả lời điện thoại có thể có những đặc điểm rất khác so với nhóm chỉ trả lời bản câu hỏi soạn sẵn và có thể chính những đặc điểm khác biệt này là yếu tố góp phần dẫn đến sự khác biệt trong tỉ lệ chứng tinh hoàn ẩn.
-         Về phân tích kết quả, dù tác giả đã cố gắng khống chế các yếu tố ảnh hưởng nhiễu bằng các phương pháp thống kê, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả vẫn chưa được khống chế, cụ thể là những yếu tố làm tăng nguy cơ chứng tinh hoàn ẩn như mẹ uống rượu trong thai kỳ (có thể phổ biến ở nhiều nước phương Tây), mẹ bị nhiễm siêu vi (là lý do để uống thuốc hạ sốt) và những loại thuốc khác mà những thai phụ này đã sử dụng kèm theo với các loại thuốc giảm đau/hạ sốt trong thai kỳ. Do ở thời điểm phỏng vấn, tất cả những thông tin về sử dụng thuốc đã diễn ra trước đó nên không thể nào có được thông tin chính xác về tình trạng sốt (lý do, đặc điểm, có nhiễm siêu vi không?) của thai phụ được. Liệu uống thuốc giảm đau, hạ sốt trong thai kỳ hay chính những bệnh lý là nguyên nhân buộc thai phụ phải uống thuốc giảm đau/hạ sốt hay chính những thuốc uống kèm theo mới là nguyên nhân “thật sự” làm gia tăng nguy cơ bệnh?
        Ngoài ra, do chỉ lấy số liệu của 491 trường hợp trả lời điện thoại nên trong nhiều phân tích có quá ít bệnh nhân, ví dụ chỉ có 6 thai phụ sử dụng hơn một loại thuốc giảm đau trong 3 tháng đầu, 7 thai phụ trong 3 tháng giữa, 5 thai phụ dùng ibuprofen hơn 2 tuần và 3 thai phụ dùng hơn 1 loại thuốc trong hơn 2 tuần. Chính điều này làm cho kết quả không đủ mạnh (khoảng tin cậy rất rộng, có thể dao động từ 1 đến 258!)
Tóm lại, bài trình bày này hoàn toàn đồng ý với cảnh báo cần thận trọng khi sử dụng thuốc trong thai kỳ vì ngay cả những loại thuốc “thông thường nhất” cũng có thể tiềm ẩn một số nguy cơ. Tuy nhiên với những tồn tại trong cách tiến hành và cách chọn lựa mẫu, nghiên cứu này chưa cung cấp được bằng chứng đủ mạnh về mối liên quan nhân- quả giữa sử dụng thuốc giảm đau/hạ sốt trong thai kỳ và những nguy cơ rối loạn sinh dục của bé nam. Đồng thời cần nhấn mạnh là nghiên cứu này đánh giá việc sử dụng Acetaminophen không liên tục trong thai kỳ vẫn được xem là an toàn. Trên tinh thần “y khoa thực chứng”, bài này cung cấp đánh giá về những yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ tin cậy của kết quả nghiên cứu. Hi vọng những đánh giá này giúp các bạn độc giả nhận định kết quả của nghiên cứu này một cách toàn diện, và khách quan hơn.
Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác