Tính từ thời điểm bác sĩ Nguyễn Thị Thùy phụ trách tổ quân quản quân giải phóng mở rộng cánh cổng sắt tại số 128 đại lộ Hồng Bàng để thực thi nhiệm vụ tiếp quản Bảo sanh viện Hùng Vương lúc 5 giờ sáng ngày 01 tháng 5 năm 1975 từ ông Đặng Ngọc Thuận, y sĩ phụ tá bác sĩ Giám đốc Bảo sanh viện Hùng Vương bàn giao lại; lịch sử Bảo sanh viện Hùng Vương, nay là Bệnh viện Hùng Vương, đã chính thức mở sang trang mới.
Về quản lý. Từ ngày 01 tháng 5 năm 1975 đến ngày 30 tháng 12 năm 1975, Bảo sanh viện Hùng Vương do Bộ Y tế Xã hội và Thương binh quản lý và tạm giao Sở Y tế Thành phố phụ trách, sau đó chuyển giao hẳn cho Sở Y tế Thành phố quản lý từ ngày 31 tháng 5 năm 1975.
Về tên gọi. Tuy không tìm thấy quyết định thay đổi, song sau giải phóng thì tên gọi “Bệnh viện Hùng Vương” đã được Chính phủ Cách mạng Lâm thời sử dụng tại quyết định số 785/YTXHTB ngày 27 tháng 9 năm 1975 của Bộ Y tế Xã hội và Thương binh thay cho tên gọi “Bảo sanh viện Hùng Vương” được chính quyền Việt Nam Cộng hòa sử dụng từ tháng 4 năm 1958.
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các thế hệ lãnh đạo và sự phấn đấu, đóng góp xây dựng của các thế hệ nhân viên, sau 47 năm, Bệnh viện Hùng Vương nay đã hoàn toàn đổi khác cả về diện mạo kiến trúc, qui mô hoạt động và chất lượng dịch vụ.
Tại thời điểm tiếp quản, Bảo sanh viện có 241 giường bệnh và bố trí 1 phòng sanh, 2 phòng mổ, 1 phòng dưỡng nhi, 2 trại A và E với 48 giường dành cho giới nhà giàu, 5 trại hậu sản B1, B2, B4, B5 với 163 giường thường và trại “thí” B3 có 30 giường dành cho đối tượng “vô kế khả thi”. Khi đó, Bảo sanh viện có 2 khu cách biệt bởi con đường Phạm Hữu Chí, tuy được coi như đường nội bộ, song vẫn còn chạy cắt qua đường Triệu Quang Phục và đại lộ Nguyễn Văn Thoại, chia trại E nằm bên phía tây và các trại còn lại nằm bên phía đông. Các khu nhà lớn đa phần là kiến trúc do người Pháp xây dựng bắt đầu từ năm 1900, sau này, chính quyền Việt Nam Cộng hòa có đầu tư thêm một số công trình dành cho khu văn phòng, khám bệnh, kho, khu cư xá sinh viên và nhân viên,… với cao độ lớn nhất là 3 tầng lầu.
Từ sau ngày giải phóng đến nay, để đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, Bệnh viện Hùng Vương đã nhiều lần được sửa chữa, nâng cấp và xây dựng. Mặc dù đồ án tái thiết lần đầu đã được Sở Y tế Thành phố phê duyệt từng phần từ tháng 9 năm 1976 với 2 khu phòng khám 1 tầng lầu cùng khối điều trị 3 tầng lầu ở mặt đường Hùng Vương (Hồng Bàng cũ), khu ký túc sinh viên 2 tầng lầu ở mặt đường Bà Triệu, khối nghiệp vụ và khối phi lâm sàng cùng 6 tầng lầu ở 2 bên đường Phạm Hữu Chí lúc đó. Đồ án qui hoạch Bệnh viện Hùng Vương giới hạn trọn trong 4 mặt đường: Bà Triệu phía đông, Hùng Vương phía tây, Triệu Quang Phục phía nam và Lý Thường Kiệt (đại lộ Nguyễn Văn Thoại cũ) phía bắc, đồng thời đóng đoạn đường Phạm Hữu Chí chạy ngang bệnh viện từ Triệu Quang Phục qua Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung của thành phố và cả nước lúc bấy giờ nên đồ án này không thực hiện được. Tới năm 2000, bằng cơ chế kích cầu, khu dịch vụ là khối nhà 5 tầng lầu phía đường Bà Triệu, còn được gọi là “Hùng Vương 2” được xây dựng và đưa vào sử dụng, đánh dấu sự thay đổi lớn về diện mạo của bệnh viện sau đúng 100 năm xây dựng. Tháng 02 năm 2004, công trình nâng cấp cải tạo Bệnh viện Hùng Vương giai đoạn 1 hoàn tất và tiếp tục được đưa vào sử dụng với khối nhà 5 tầng lầu phía đường Hồng Bàng. Tháng 01 năm 2020, toà nhà 12 tầng lầu và 2 tầng hầm là công trình nâng cấp cải tạo Bệnh viện Hùng Vương giai đoạn 2 cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng từng phần. Từ thời điểm này, về cơ bản công tác xây dựng của bệnh viện đã hoàn tất với 3 khối nhà Trạng Nguyên, Bách Hợp và Cát Tường, đảm bảo bố trí 900 giường bệnh và khu vực làm việc, hội họp của 32 khoa phòng.
Về hoạt động chuyên môn, số liệu năm 1974 ghi nhận Bảo sanh viện Hùng Vương đã thực hiện 17.697 ca khám thai, 19.330 lượt điều trị với 97.506 ngày điều trị. Bình quân mỗi tháng thực hiện 65-70 ca phẫu thuật và khám cho 40-45 trẻ. Với cơ sở vật chất mới, năm 2020, Bệnh viện Hùng Vương đã thực hiện 650.734 lượt khám và 64.643 lượt điều trị nội trú 41.730 ca sanh và 26.278 ca phẫu thuật.
Sau 47 năm từ ngày giải phóng, cùng với ngành y tế trên cả nước và toàn thành phố, các thế hệ cán bộ, nhân viện và người lao động tại Bệnh viện Hùng Vương đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Là địa chỉ tin cậy của người bệnh nói riêng và của người dân tại Thành phố và các tỉnh nói chung.
Tổng kết năm 2021, Bệnh viện Hùng Vương đã được công nhận tiêu chuẩn ISO-15189 về xét nghiệm vi sinh; triển khai Ngân hàng Sữa mẹ. Lĩnh vực nghiên cứu khoa học có 58 đề tài được triển khai trong đó có 19 đề tài đã hoàn thành; có 24 đề án cải tiến chất lượng đã được nghiệm thu và 27 sáng kiến, giải pháp được công nhận. Có 28 khoa phòng được đề nghị công nhận Tập thể Lao động Xuất sắc, 172 cá nhân được đề nghị công nhận Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở và thành phố. Hoạt động Công đoàn và Đoàn Thanh niên đạt kết quả xuất sắc và được xếp hạng nhất toàn ngành y tế thành phố, hoạt động Hội Cựu Chiến binh và Hội Chữ thập đỏ đạt kết quả xuất sắc. Tập thể nữ bệnh viện được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bệnh viện được nhận Giải thưởng sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2021 của UBND Tp.Hồ Chí Minh và được bình chọn Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021; ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân trong bệnh viện cũng được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ, ngành Trung ương và UBND thành phố.
Tháng 4/2022
Quốc Hùng
Bài viết khác
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)
- Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (20-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân và đối tuợng chính sách tại Xã Tân Lâm Huyện Di Linh (20-12-2024)
- Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân Chìa khóa vàng cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc (17-12-2024)
- Thông báo nghỉ Tết Dương Lịch năm 2025 (11-12-2024)