Trong khuôn khổ những nỗ lực của các Chính phủ với những hành động nhằm chấm dứt bạo lực với phụ nữ thông qua các cải cách pháp luật, sáng kiến về chính sách và thực hiện các chương trình phòng ngừa và ứng phó bạo lực, ngày 21.6.2022, bs Phạm Quốc Hùng, trưởng phòng Công tác xã hội đã tham dự Hội nghị tổng kết Gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giai đoạn III tại Việt Nam (2021-2022) do UN Women và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc. Gói Dịch vụ thiết yếu tại Việt Nam gồm 4 hợp phần chính là Hợp phần Dịch vụ và Y tế; Hợp phần Tư pháp Hành pháp; Hợp phần Dịch vụ Xã hội; Hợp phần Điều phối và Quản trị điều phối; do 4 cơ quan UN thuộc Liên Hợp Quốc chủ trì là UN Women, UNFPA, UNODC, UNDP và 6 bộ ngành của Chính phủ tham gia là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao.
Hội nghị Tổng kết Gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giai đoạn III tại Việt Nam là một nỗ lực của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan hữu quan nhằm hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28.6 và Tháng Hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình, đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội trước nguy cơ gia tăng bạo lực có liên quan yếu tố giới, đặc biệt trong giai đoạn sau đại dịch Covid-19. Hội nghị cũng nhằm đánh giá những kết quả triển khai các gói dịch vụ thiết yếu đã đạt được trong các năm qua và kiến nghị những giải pháp thực hiện trong các năm tới.
Tại Bệnh viện Hùng Vương, hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới là một phần của lĩnh vực công tác xã hội do phòng Công tác Xã hội thực hiện trong các năm qua với những kết quả tương đối tốt. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay trong vấn đề này là chưa có một liên kết đa ngành cấp thành phố chặt chẽ để nhân viên công tác xã hội có thể kết nối một cách thuận lợi nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân. Việc chuyển gửi nạn nhân sau xuất viện cũng là thử thách đối với nhân viên công tác xã hội, vì hầu hết nạn nhân đến với bệnh viện đều không đủ giấy tờ cần thiết để chuyển tới các cơ sở xã hội, mái ấm,... mà phải chuyển gửi tới các cơ sở tôn giáo.
Để thực hiện có hiệu quả hơn đối với chương trình này, hiện nay, mô hình 1 cửa hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới tại bệnh viện với sự hỗ trợ của Sở Lao động Thương binh và Xã hội và tổ chức UN Women đang trong giai đoạn hoàn tất. Hy vọng khi mô hình đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy đối với các phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành tại thành phố và các tỉnh lân cận.
Quốc Hùng
Bài viết khác
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)
- Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (20-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân và đối tuợng chính sách tại Xã Tân Lâm Huyện Di Linh (20-12-2024)
- Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân Chìa khóa vàng cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc (17-12-2024)
- Thông báo nghỉ Tết Dương Lịch năm 2025 (11-12-2024)