Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai _ Nữ Bí Thư duy nhất của Thành Ủy Sài Gòn - Chợ Lớn

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai _ Nữ Bí Thư duy nhất của Thành Ủy Sài Gòn - Chợ Lớn

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai _ Nữ Bí Thư duy nhất của Thành Ủy Sài Gòn - Chợ Lớn

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai _ Nữ Bí Thư duy nhất của Thành Ủy Sài Gòn - Chợ Lớn

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai _ Nữ Bí Thư duy nhất của Thành Ủy Sài Gòn - Chợ Lớn
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai _ Nữ Bí Thư duy nhất của Thành Ủy Sài Gòn - Chợ Lớn

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai _ Nữ Bí Thư duy nhất của Thành Ủy Sài Gòn - Chợ Lớn

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

NỮ BÍ THƯ DUY NHẤT CỦA THÀNH UỶ SÀI GÒN - CHỢ LỚN

Một thời gian ngắn sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tháng 2/1930, Xứ ủy Nam Kỳ phải trực tiếp lãnh đạo các tỉnh miền Nam do phong trào cách mạng bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, nhiều lãnh đạo Tỉnh uỷ, Thành uỷ bị bắt dẫn đến nhiều Đảng bộ phải giải tán.

Tháng 4/1931, chính quyền Pháp hợp nhất thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính mới gọi là Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến tháng 4/1932, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn được tái lập và được duy trì cho đến năm 1954. Trong 22 năm này, rất nhiều đảng viên kiên trung lần lượt bị chính quyền thực dân bắt bớ, chém giết, tù đày nên đã có 13 lãnh tụ cách mạng lần luợt đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Thành uỷ. Riêng trong 13 năm, từ 1932 đến 1945, đã có tới 10 đảng viên lần lượt là Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn, trong đó Nguyễn Thị Minh Khai đã giữ chức vụ này từ năm 1937 đến năm 1940. Cho tới nay, trong lịch sử 90 năm của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có Nguyễn Thị Minh Khai là nữ Bí thư Thành uỷ đầu tiên và duy nhất.

Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910 (một số tài liệu ghi là ngày 01/11/1910) tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có cha là công chức hoả xa và mẹ buôn bán nhỏ. Bà được gia đình cho học quốc ngữ từ nhỏ. Năm 16 tuổi, bà được thầy giáo Trần Phú (người sau này là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương), giác ngộ và bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng. Năm 17 tuổi, bà tham gia Đảng Tân Việt, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh tại quê hương. Đầu năm 1929, được sự đồng ý của tổ chức, bà bí mật thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, bà được kết nạp vào Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng.

Cuối năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được cử sang Hương Cảng công tác ở Văn phòng Đông phuơng Bộ của Quốc tế cộng sản. Được Bác Hồ trực tiếp giáo dục về lý luận chính trị, kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Từ năm 1931-1934, bà bị mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Dù bị tra tấn tàn bạo nhưng Nguyễn Thị Minh Khai trước sau vẫn kiên trung với cách mạng. Sau đó, nhờ sự vận động của Quốc tế cộng sản bà được trả tự do. Ra tù, Nguyễn Thị Minh Khai được cử đến Thượng Hải, công tác ở Ban lãnh đạo Đảng ở nước ngoài và được đi học tại Đại học Phương Đông.

 

Thẻ đại biểu của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 năm 1935 tại Mát-xcơ-va.

 

Cuối năm 1934, Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu chính thức dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 tại Mát-xcơ-va. Ngày 16/8/1935, lần đầu tiên trên diễn đàn của một đại hội quốc tế, một người phụ nữ Việt Nam 24 tuổi đã dõng dạc đọc bài tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và bảo vệ hoà bình. Những tháng năm này Nguyễn Thị Minh Khai đã yêu và kết hôn với Lê Hồng Phong - một chiến sỹ cách mạng (năm 1935 là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương).

Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Thị Minh Khai nhận nhiệm vụ về hoạt động tại Thượng Hải và được tổ chức phân công về công tác tại Sài Gòn (1937). Về nước, bà được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 9/1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra. Xứ ủy Nam Kỳ nhận định tình hình và chủ trương khởi nghĩa. Tuy nhiên chủ trương này bị mật thám Pháp phát hiện được, Chúng ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, hầu hết các cán bộ chủ chốt của Đảng tại Nam Kỳ đều sa vào tay giặc. Ngày 30/7/1940, sau khi dự họp Xứ ủy bàn về chủ trương khởi nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp bắt đưa về Khám Lớn Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Trong tù, bà tiếp tục vận động chị em phụ nữ đấu tranh và với cương vị là Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn đồng thời là Uỷ viên Xứ uỷ Nam Kỳ nên bà vẫn tìm mọi cách để liên lạc với bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Ngày 23/11/1940 cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ. Chính quyền địch ở nhiều nơi hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập đã tiến hành tịch thu ruộng đất của địa chủ và phản động chia cho dân cày nghèo, trừng trị bọn phản cách mạng... cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình và ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng. Tuy nhiên do kế hoạch bị lộ, thực dân Pháp kịp thời huy động lực lượng đối phó, điên cuồng khủng bố cực kỳ tàn khốc, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã bị địch bắt, bị xử tử, lưu đày. Không khuất phục được người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi và để trả thù, toà án thực dân Pháp đã kết án tử hình Nguyễn Thị Minh Khai. Sáng 28/8/1941, Nguyễn Thị Minh Khai cùng một số đồng chí bị giặc đem xử bắn ở Ngã Ba Giồng, Hóc Môn. 

Nguyễn Thị Minh Khai đã ngã xuống khi mới chỉ 31 tuổi. Song cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ và tấm gương hy sinh anh dũng của bà và các chiến sỹ cách mạng vẫn mãi mãi sáng ngời. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của Nguyễn Thị Minh Khai được khắc ghi cho muôn đời con cháu mai sau học tập và sống mãi cùng dân tộc Việt Nam.

Phạm Quốc Hùng

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác