Để thống nhất trong việc thực hiện đổi mới sáng tạo giúp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân của các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố, căn cứ yêu cầu thực tiễn trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân và định hướng của Ủy ban nhân dân Thành phố về tập trung xây dựng Thành phố trở thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền trung tâm khoa học - công nghệ mang tầm khu vực ASEAN và hướng đến tầm châu lục vào năm 2030, nhằm hỗ trợ các đơn vị áp dụng, rà soát, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, ngày 05/04/2024 Sở Y tế đã ban hành công văn số 2888/SYT-VP ban hành “Khuyến cáo triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân” với các nội dung như sau:
1. Vận dụng khái niệm “đổi mới sáng tạo” (innovation) vào lĩnh vực y tế một cách phù hợp nhằm tạo ra hoặc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, các giải pháp quản lý mới giúp không ngừng nâng cao hiệu quả và chất lượng các dịch vụ y tế. Thường xuyên rà soát, cập nhật văn bản hướngdẫn và các quy định hiện hành đảm bảo phát huy năng lực đổi mới sáng tạo của các cơ sở y tế nhưng không vi phạm các quy định pháp luật.
2. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế là trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan, trong đó, Sở Khoa học Công nghệ giữ vai trò chủ lực nhưng không thể thiếu sự chủ động tham gia của Ngành Y tế. Ngành Y tế cần chủ động “đặt hàng” Trung tâm đổi mới sáng tạo của Thành phố giúp kết nối và tìm ra các ý tưởng, giải pháp phù hợp nhất từ các công ty khởi nghiệp (start-up). Xây dựng môi trường làm việc tích cực, nhân viên được khuyến khích đề xuất ý tưởng mới và thử nghiệm các phương pháp mới là trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện và các cơ sở y tế.
3. Chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, nghiên cứu các mô hình tiêu biểu về đổi mới sáng tạo của hệ thống y tế tại các nước phát triển làm cơ sở thực tiễn để xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo là trách nhiệm của Sở Y tế. Ưu tiên xây dựng đề án, kế hoạch tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép triển khai thí điểm “Vườn ươm khởi nghiệp” trong lĩnh vực y tế. Vườn ươm là nơi kết nối các đơn vị y tế với các công ty khởi nghiệp (start-up) giúp hiện thực hóa những ý tưởng trở thành các sản phẩm có giá trị ứng dụng vào thực tế. Các thử nghiệm về kỹ thuật, phương pháp, thiết bị y tế mới… phải tuân thủ những quy định về quản lý khoa học công nghệ và đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.
4. Khuyến khích các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, các trường thuộc khối ngành sức khoẻ, các trường kỹ thuật có liên quan đến y tế trên địa bàn Thành phố cử chuyên gia tham gia Tổ công tác về đổi mới sáng tạo của Ngành y tế. Thành viên của Tổ công tác là những chuyên gia đại diện cho các chuyên khoa, lĩnh vực khác nhau trong và ngoài Ngành y tế, có kiến thức và kỹ năng về cải tiến chất lượng, về đổi mới sáng tạo nói chung, nhất là trong lĩnh vực y tế. Lãnh đạo Sở Y tế trực tiếp chỉ đạo, định hướng hoạt động Tổ công tác này, định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm nhằm phát huy hiệu quả của Tổ công tác giúp hoàn thiện các hoạt động về đổi mới sáng tạo của Ngành y tế.
5. Tổ công tác về đổi mới sáng tạo của Ngành y tế có trách nhiệm tiếp nhận các vấn đề phát sinh trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ nhân dân, các ý tưởng mang tính giải pháp từ các bệnh viện và các cơ sở y tế gửi đến để rà soát, đối chiếu, sàng lọc trước khi chính thức trở thành đơn đặt hàng của Ngành Y tế gửi đến “Vườn ươm khởi nghiệp” thuộc Trung tâm đổi mới sáng tạo của Thành phố. Tổ công tác gắn kết với Trung tâm đổi mới sáng tạo; đồng thời kết nối các công ty khởi nghiệp với các bệnh viện và cơ sở y tế để thử nghiệm các giải pháp đổi mới sáng tạo. Tổ chức các khoá bồi dưỡng, đào tạo giúp nhân viên y tế phát triển các kỹ năng sáng tạo, kỹ năng quản lý dự án,… về đổi mới sáng tạo còn là trách nhiệm của Tổ công tác.
6. Chọn lựa các vấn đề ưu tiên cho hoạt động đổi mới sáng tạo ở cấp ngành và cấp cơ sở. Đối với cấp ngành, căn cứ vào nguồn dữ liệu sức khoẻ của người dân Thành phố để kịp thời phát hiện những vấn đề cần can thiệp. Đối với cấp cơ sở, thông qua hoạt động đổi mới sáng tạo để rút ngắn khoảng cách về ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong công tác chẩn đoán và điều trị với các nước phát triển. Ngoài ra, tùy vào yêu cầu thực tiễn của ngành và các đơn vị, hoạt động đổi mới sáng tạo có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác như quản lý ngành, quản trị bệnh viện, đào tạo nhân lực,… Phối hợp với Trung tâm đổi mới sáng tạo tổ chức các sự kiện, cuộc thi,… nhằm thu hút và khích lệ nhân viên y tế và cả cộng đồng đóng góp ý tưởng mới trong cung ứng các dịch vụ y tế.
7. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện khi đủ điều kiện cho việc hình thành Đơn vị đổi mới sáng tạo của bệnh viện (Innovation hub) là trách nhiệm của Ban Giám đốc các bệnh viện. Đơn vị sáng tạo trực thuộc một trong các phòng chức năng của bệnh viện. Thành viên của Đơn vị đổi mới sáng tạo là đại diện lãnh đạo các khoa lâm sàng, cận lâm sàng có kinh nghiệm trong hoạt động cải tiến chất lượng, được bồi dưỡng kiến thức về hoạt động đổi mới sáng tạo. Ban Giám đốc bệnh viện trực tiếp chỉ đạo, định hướng và chọn vấn đề ưu tiên đưa vào chu trình đổi mới sáng tạo. Hội đồng Chất lượng bệnh viện bổ sung nội dung liên quan đến các hoạt động đổi mới sáng tạo của bệnh viện trong khảo sát ý kiến người bệnh.
8. Đơn vị đổi mới sáng tạo là nơi gắn kết các khoa, phòng của bệnh viện và các công ty khởi nghiệp để triển khai các ý tưởng, giải pháp về công nghệ. Đồng thời, Đơn vị này giúp tăng cường hợp tác với các trường kỹ thuật y học để nghiên cứu, chế tạo và triển khai thử nghiệm kết quả của các sản phẩm mới xuất phát từ yêu cầu thực tế của các bệnh viện. Ưu tiên nghiên cứu các sản phẩm dựa trên thực tế ảo để xây dựng mô hình mô phỏng với nhiều tình huống khác nhau trong công tác đào tạo thực hành; các giải pháp ứng dụng IoT, in 3D,… vào hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực y tế.
9. Khuyến khích các bệnh viện chuyển đổi dần các hoạt động sáng kiến cải tiến của từng cá nhân tại các bệnh viện và các cơ sở y tế trở thành các sản phẩm sáng tạo theo trình tự của chu trình đổi mới sáng tạo. Thực hiện các phương pháp đo lường và đánh giá nhằm chứng minh các hoạt động đổi mới sáng tạo đã mang lại giá trị và hiệu quả thực sự đối với người bệnh và bệnh viện. Xây dựng và đóng góp vào kho dữ liệu đổi mới sáng tạo của Ngành y tế Thành phố là trách nhiệm của Sở Y tế, của từng đơn vị trực thuộc và các đơn vị y tế trên địa bàn Thành phố.
10. Khuyến khích các bệnh viện và các cơ sở y tế có giải pháp phát hiện, ươm tạo, nhân rộng các mô hình, giải pháp đổi mới sáng tạo giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Ưu tiên chọn lựa các sản phẩm là kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo tại các bệnh viện và các cơ sở y tế tham gia bình chọn Giải thưởng Thành tựu y khoa hằng năm (do Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố và Sở Y tế TP.HCM phối hợp tổ chức) nhằm giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo với những kết quả thiết thực, góp phần tạo sự lan toả về nhận thức và hành động về đổi mới sáng tạo trong toàn Ngành y tế Thành phố./.
Nguồn: HĐCLKBCB.SYT/QH
Bài viết khác
- Hành trình nghị lực (11-10-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương tổ chức chúc thọ tứ thân phụ mẫu của cán bộ, nhân viên nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 (02-10-2024)
- Phụ nữ Bệnh viện Hùng Vương Khỏe đẹp - Năng động - Sáng tạo (01-10-2024)
- Lễ kỷ niệm Ngày an toàn người bệnh thế giới năm 2024 - Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự an toàn của người bệnh (29-09-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương hướng về đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại, mất mát do cơn bão số 3 gây ra (25-09-2024)