Chính phủ vừa ban hành Nghị định 07/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP với hàng loạt giải pháp cụ thể nhằm khẩn cấp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh.
Liên tiếp trong 2 ngày 3 và 4.3, Chính phủ ban hành Nghị định 07/NĐ-CP (NĐ07 - có hiệu lực từ ngày 3.3) và Nghị quyết số 30/NQ-CP (NQ30 - có hiệu lực thi hành ngay lập tức nhằm đảm bảo cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế (TTBYT). Trong đó, để giải quyết tình trạng thiếu thốn do giấy phép nhập khẩu TTBYT và số đăng ký lưu hành TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán hết hạn, NĐ07 quy định gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu, số lưu hành TTBYT. NQ30 thì sửa quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tại Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022, đồng thời cho phép linh hoạt hơn về giá gói thầu.
Triển khai ngay vì người bệnh
Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), với việc gia hạn các giấy phép nhập khẩu, NĐ07 giải quyết vấn đề rất thiết yếu cho các bệnh viện (BV), những gói thầu đã trúng thầu thì có thể nhập khẩu được ngay và đáp ứng nhu cầu cho các BV đang bị thiếu. Ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) có thể nhập khẩu vật tư, TTBYT cung cấp cho hệ thống y tế. NĐ07 giúp giải quyết những vấn đề cấp bách trong mua sắm TTBYT, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng TTBYT nhập khẩu tại các cửa khẩu.
Bệnh viện chúng tôi cố gắng để triển khai sớm nhất để có thể có được các điều kiện phục vụ người bệnh và việc phẫu thuật sẽ sớm trở lại thường quy.
Tại BV Răng hàm mặt T.Ư (Hà Nội), thời gian qua xảy ra thiếu hụt một số thuốc, vật tư y tế (VTYT). PGS-TS Trần Cao Bính, Giám đốc BV Răng hàm mặt T.Ư (Hà Nội), cho biết với hiệu lực lập tức của NĐ07, các VTYT mà BV đã đấu thầu ngay tuần tới sẽ được cung cấp, giúp BV có vật tư cho KCB.
"Với các công ty vừa qua chưa được Bộ Y tế gia hạn giấy phép, khi nghị định ban hành thì ngay tuần này có thể cung cấp VTYT cho BV. Về dài hạn, các công ty đã có giấy phép cũng sẽ chủ động có kế hoạch về nguồn cung vật tư, TTBYT", ông Bính đánh giá.
Việc NĐ07 bãi bỏ yêu cầu "phải có thông tin tham chiếu giá kê khai tại thời điểm mua sắm" cũng được lãnh đạo các BV đánh giá là phù hợp với điều kiện thực tế. Như với BV Bạch Mai vừa qua có khoảng 2.000 mặt hàng thông báo cần đấu thầu mua sắm phục vụ chẩn đoán, KCB nhưng khoảng 2/3 trong đó không có công ty tham gia đấu thầu cung ứng hoặc có giá tham chiếu cao. Khi yêu cầu nêu trên bãi bỏ, "nút thắt" về giá được tháo gỡ. "Nếu như không có NĐ07 thì chắc chắn câu chuyện thiếu vật tư, TTBYT sẽ tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động KCB", PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, nêu ý kiến.
Về NQ30, một trong những điểm nổi bật là cho phép các cơ sở y tế (CSYT) được sử dụng các TTBYT đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các TTBYT liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để KCB. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng TTBYT này được quỹ BHYT thanh toán. Cơ sở KCB chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các TTBYT này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa TTBYT trong quá trình sử dụng.
Một bác sĩ chuyên ngành ung bướu cho hay nhiều tháng qua BV của ông mong có quy định tháo gỡ để có thể đưa vào sử dụng hệ thống máy bị dừng hoạt động, trong đó có các thiết bị hiện đại, phục vụ chẩn đoán điều trị bệnh hiểm nghèo như hệ thống máy Gamma. Đây là hệ thống xạ phẫu bằng dao Gamma quay, nguồn phóng xạ phát tia từ nhiều hướng khác nhau để hội tụ chính xác vào khối u, liều bức xạ tại khối u là cao nhất mà ít ảnh hưởng tới tổ chức lành, đem lại hiệu quả cao trong điều trị khối u và rất an toàn. Trong khi đó, đã có thời gian dài hệ thống này phải ngưng hoạt động.
Tình trạng bệnh nhân phải hoãn mổ vì thiếu vật tư y tế sẽ sớm được giải quyết
Thời gian qua, hàng ngàn bệnh nhân (BN) u não và các bệnh lý sọ não khác đã được điều trị hiệu quả với hệ thống dao Gamma. Tới đây, nhờ NQ30, các vướng mắc được tháo gỡ, hệ thống máy, TTBYT "đắp chiếu" được hoạt động trở lại, giúp cho BN được thuận lợi điều trị và được đảm bảo đầy đủ quyền lợi do quỹ BHYT chi trả.
Trước đó, từ ngày 1.3, do cạn kiệt VTYT, BV Hữu nghị Việt Đức đã phải giảm các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên phẫu thuật những ca cấp cứu và BN rất nặng khiến nhiều ca chấn thương kéo dài thời gian chờ được mổ, thậm chí có BN có chỉ định mổ cũng phải trì hoãn. Ngoài ra, tại một số BV đầu ngành, nhiều người nhà BN phải mua một số VTYT như thuốc, chỉ khâu phẫu thuật. Tuy nhiên, theo GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Chính phủ đã quyết liệt vào cuộc với việc ban hành NĐ07 và NQ30, giúp hàng triệu người bệnh được hưởng lợi. "BV chúng tôi cố gắng để triển khai sớm nhất để có thể có được các điều kiện phục vụ người bệnh và việc phẫu thuật sẽ sớm trở lại thường quy", GS Giang khẳng định.
Giải quyết bất cập từ kê khai giá
Về quy định cụ thể, theo NĐ07, giấy phép nhập khẩu TTBYT đã được cấp từ ngày 1.1.2018 - 31.12.2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2024. Số đăng ký lưu hành đối với TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán đã được cấp từ ngày 1.1.2014 - 31.12.2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2024.
Ông Nguyễn Minh Lợi cho biết thêm để đảm bảo chất lượng TTBYT, các tổ chức đã được cấp giấy phép nhập khẩu, số lưu hành TTBYT phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng, số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng của TTBYT. Bộ Y tế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra và thu hồi giấy phép nhập khẩu, số lưu hành TTBYT các trường hợp vi phạm quy định về quản lý TTBYT.
Như đã đề cập ở trên, khắc phục những vướng mắc tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP trong việc áp dụng quy định kê khai giá trong đấu thầu, NĐ07 bãi bỏ quy định "Không được mua bán TTBYT khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán" do trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cho các DN và các CSYT.
Tới đây chỉ thực hiện kê khai giá đối với TTBYT khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp TTBYT, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của quỹ BHYT. Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung danh mục và nội dung thông tin TTBYT phải kê khai giá.
Theo đánh giá, quy định này giúp kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm TTBYT, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng TTBYT nhập khẩu tại các cửa khẩu.
Linh hoạt về giá gói thầu
Nội dung cụ thể của NĐ30 cho phép tiếp tục thanh toán chi phí KCB BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của luật Đấu thầu.
NQ30 cũng cho phép các CSYT được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Theo đó, khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại TTBYT nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao hội đồng khoa học của đơn vị xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật. Trên cơ sở đó, đơn vị tổ chức lấy báo giá theo quy định.
Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp theo 2 hình thức: chủ đầu tư gửi thông báo mời giá với yêu cầu kỹ thuật lên các trang thông tin của Bộ Y tế, Cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý TTBYT (https://dmec.moh.gov.vn)... tối thiểu trong 10 ngày. Hoặc chủ đầu tư được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối; hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.
Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư. Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm TTBYT tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày.
Hệ thống máy hiện đại “đắp chiếu” nhiều tháng qua sẽ được đưa vào sử dụng trở lại
Ban hành hướng dẫn giá gói thầu TTBYT trong quý 2
NQ30 cũng nêu rõ Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu TTBYT, hoàn thành trong quý 2/2023. Sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, cấp địa phương bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của DN để cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho hoạt động KCB, hoàn thành quý 3/2023.
Xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung (quý 3/2023); xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng (quý 3/2023). Rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, TTBYT đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các CSYT sử dụng phục vụ KCB (quý 2/2023).
Bộ KH-ĐT khẩn trương hướng dẫn kịp thời, cụ thể các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, TTBYT theo thẩm quyền. Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, TTBYT trong dự án luật Đấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành y tế.
Nguồn tin : Báo Thanh niên
Bài viết khác
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)
- Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (20-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân và đối tuợng chính sách tại Xã Tân Lâm Huyện Di Linh (20-12-2024)
- Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân Chìa khóa vàng cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc (17-12-2024)
- Thông báo nghỉ Tết Dương Lịch năm 2025 (11-12-2024)