Nhằm hoàn thiện các hoạt động cải tiến chất lượng hướng đến mục tiêu hài lòng và an tâm công tác cho nhân viên y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ngày càng tốt hơn, an toàn hơn, ngày 11 tháng 4 năm 2024, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 3056/SYT-TCCB về việc ban hành cập nhật khuyến cáo tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tại các bệnh viện với các nội dung như sau:
1. Tăng cường triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế là trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện, tuân thủ những quy định về an toàn lao động là trách nhiệm của mỗi nhân viên y tế. Thành lập ban/tổ quản lý vệ sinh môi trường lao động và sức khỏe nhân viên bệnh viện (viết tắt là ban/tổ quản lý) với các hoạt động thiết thực, bao gồm: xây dựng môi trường bệnh viện văn minh và thân thiện hướng đến sự hài lòng của người bệnh; triển khai các hoạt động đảm bảo môi trường lao động an toàn cho nhân viên y tế theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động; triển khai các hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân viên Bệnh viện theo Quyết định 659/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030.
Các đơn vị thành lập Mạng lưới an toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 và Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở theo quy định tại Điều 75 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 nhằm tổ chức, giám sát thực hiện công tác này theo quy định.
2. Liệt kê những nguy cơ gây mất an toàn có thể xảy ra gây nguy hiểm cho nhân viên bệnh viện trên cơ sở thực trạng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, …và đặc thù hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của từng khoa phòng. Tương ứng với mỗi nguy cơ, bệnh viện xây dựng và ban hành những quy định, quy trình phòng ngừa và phổ biến đến từng nhân viên. Ban/tổ quản lý và các trưởng khoa, phòng chức năng có trách nhiệm triển khai thực hiện, đồng thời giám sát việc tuân thủ của nhân viên bệnh viện.
3. Thực hiện quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế theo quy định, bao gồm: chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm, chất thải rắn thông thường, nước thải y tế, bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế…. theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Xây dựng môi trường bệnh viện xanh - sạch - đẹp có chương trình hành động với mục tiêu cụ thể, định kỳ có sơ kết đánh giá. Trang phục của nhân viên y tế được cung cấp đầy đủ và được giặt theo quy định.
4. Bố trí, sắp xếp vị trí việc làm phải phù hợp với tình hình sức khỏe của nhân viên bệnh viện. Không bố trí người bị bệnh nghề nghiệp vào làm việc tại các vị trí lao động có tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đó khi chưa kiểm soát hoặc giảm thiểu được việc tiếp xúc với các yếu tố có hại này theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế.
5. Quan tâm đến sức khoẻ tâm thần cho nhân viên y tế, hội chứng “burned-out”. Tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về việc nhận biết, đánh giá sàng lọc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về sức khỏe tâm thần và quản lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần nhân viên y tế tại đơn vị. Thiết lập phòng nghỉ ngơi tại một số bệnh viện nhằm cung cấp không gian cho nhân viên y tế giải tỏa căng thẳng, ưu tiên sức khỏe tinh thần của mình và tiếp cận các nguồn lực hình thành mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần. Khuyến cáo nhân viên y tế khi phát hiện người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp, một thành viên trong một tập thể cùng làm việc chung, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng thì gọi ngay đến số 115 - số trực cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 hoặc số 19001267 - số điện thoại chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Tâm thần để được hỗ trợ.
6. Định kỳ triển khai khảo sát hài lòng nhân viên y tế về môi trường làm việc và tổ chức giao ban định kỳ chuyên đề về an toàn lao động, nội dung tập trung vào phản hồi kết quả giám sát của bệnh viện về việc tuân thủ quy định an toàn lao động của nhân viên các khoa, phòng và lắng nghe những đề xuất, kiến nghị. Căn cứ vào kết quả giao ban chuyên đề và khảo sát hài lòng nhân viên, bệnh viện chủ động có kế hoạch triển khai và củng cố các hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế ngày càng hiệu quả hơn.
7. Khuyến khích các bệnh viện tham quan, học tập và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về tổ chức và triển khai các hoạt động an toàn cho nhân viên y tế hướng đến sự hài lòng và an tâm công tác của nhân viên y tế trong bệnh viện./.
Nguồn: Sở Y tế Tp.Hồ Chí Minh
Bài viết khác
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)
- Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (20-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân và đối tuợng chính sách tại Xã Tân Lâm Huyện Di Linh (20-12-2024)
- Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân Chìa khóa vàng cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc (17-12-2024)
- Thông báo nghỉ Tết Dương Lịch năm 2025 (11-12-2024)