Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám

Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám

…DÙ PHẢI ĐỐT CẢ DÃY TRƯỜNG SƠN…

Sáng ngày 04/8/2016, sau khi vượt gần 2.000km từ Tp.Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Bệnh viện Hùng Vương do Hội Chữ thập đỏ tổ chức đã đến tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương, xã Tân Trào, làng Tân Lập (tên cũ là làng Kim Long) để đứng trước lán Nà Nưa. Trong gian nhà lá đơn sơ này, Bác kính yêu của chúng ta đã trải qua những ngày thật thiếu thốn, gian khổ, nhưng tinh thần làm việc và nghị lực thật phi thường. Trong những giờ phút hết sức mệt nhọc, nguy kịch ấy, Bác vẫn giữ vững được trí tuệ rất sáng suốt, minh mẫn. Vị lãnh tụ ân cần dặn dò từng việc lớn và truyền lại cho các đồng chí của Đảng ta tấm lòng kiên quyết lớn lao của mình đối với sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, trong việc nắm lấy thời cơ để hành động “… thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”*

Lán Nà Nưa là một căn lán nhỏ, nằm ở lưng chừng núi Nà Nưa (tiếng đồng bào Nà Nưa là ruộng trên), nằm ngay dưới dãy núi Hồng, trên con suối Khuổng Pến, giáp Thái Nguyên và gần Vĩnh Phúc, cách làng Tân Lập chừng 500 m về phía đông, cách đình Hồng Thái khoảng 4km và cách cây đa Tân Trào khoảng 3km. Căn lán nhỏ được làm theo kiểu nhà của đồng bào miền núi, dưới tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật cũng như đáp ứng được yêu cầu Bác đã đề ra “gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường lui”. Lán Nà Nưa được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất của người miền núi. Lán chia làm hai gian nhỏ, gian trong là nơi Bác nằm nghỉ, gian ngoài vừa là chỗ làm việc vừa là nơi tiếp khách của Bác. Lán Nà Nưa chính là nơi Bác đã ở và làm việc từ tháng 6 năm 1945 đến cuối tháng 8 năm 1945 tại “Thủ đô kháng chiến” Việt Bắc.

Đoàn công tác của Bệnh viện Hùng Vương đến thăm Lán Nà Nưa và khu di tích lịch sử Tân Trào sáng 04/8/2016

Trung tuần tháng 6-1945, Bác Hồ từ Pắc Bó về Tân Trào. Khi đó lán Nà Nưa nhỏ bé đơn sơ mới được dựng lên để làm sở chỉ huy tối cao. Tại đây, Bác duyệt lại nội dung Hội nghị quân sự Bắc kỳ do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì. Trung ương Đảng và Bác khẩn trương chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Đại biểu Quốc dân. Lúc này, tình hình quốc tế có những chuyển biến nhanh, phát xít Đức - Ý - Nhật đang trên đà thất bại thảm hại; Liên Xô và các đồng minh đang thắng lớn. Một tình huống hiểm nghèo lại đến giữa lúc này: Bác sốt nặng, bệnh tình diễn biến khá nguy kịch. Thư hỏa tốc triệu tập hội nghị quan trọng đã được gửi đi. Bác chỉ thị: “Chậm nhất là ngày 17”. Ngày họp đã gần kề mà Bác lại ốm. Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại: “Đêm đó, trong lán Nà Lừa, lá tre xào xạc... Đôi mắt và má Bác thêm hõm sâu. Tôi rất lo. Bỗng Bác mở mắt nhìn tôi hỏi: “Chú chưa đi ngủ à?”. Tôi đáp: “Thưa Bác còn sớm”. Bác thấy trong người thế nào?”. Người không trả lời câu hỏi mà nói: “ Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…”.

Lời Bác là ý chí sắt đá của Đảng, quyết tâm của cả dân tộc. Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng và Đại hội Đại biểu Quốc dân đã diễn ra ở Tân Trào đúng như quyết định của Người. Ngày 16-8-1945, 60 đại biểu khắp mọi miền Bắc, Trung, Nam đã tề tựu dưới mái đình Hồng Thái, bên cây đa Tân Trào. Tại mảnh đất thiêng này, 34 chiến sĩ giải phóng quân, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, làm lễ xuất quân về giải phóng Thái Nguyên và tiến về các tỉnh miền xuôi. Từ ngày 16-8-1945, lệnh Tổng khởi nghĩa bay đến đâu, phong trào quần chúng do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo bừng bừng sôi động như bão táp tới đó. Cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi, từ rừng núi đến đồng bằng và trên những nóc nhà cao ở đô thị. Sáng 19-8-1945, hàng chục vạn quần chúng cách mạng đã tiến về Nhà hát lớn Hà Nội. Cuộc mít-tinh do cách mạng tổ chức đã thành một cuộc tiến công của quần chúng chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát, trại Bảo an binh. Thắng lợi của tổng khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19-8-1945 đã mở đường cho cao trào cách mạng giành chính quyền trong cả nước. Là thắng lợi quyết định để sáng ngày 2-9, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước quốc dân đồng bào và thế giới, Bác Hồ đã trịnh trọng khẳng định: Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta suốt đời vì nước vì dân, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân từ tuổi thanh xuân, trải qua bao gian lao nguy hiểm, bị giam cầm, khi trở về Tổ quốc, dù tuổi cao sức yếu, bệnh nặng vẫn lo lắng về vận mệnh của dân tộc. Khi thời cơ đến, vì độc lập của dân tộc - dù phải hy sinh - dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn hùng vĩ - vẫn phải làm để giải phóng Tổ quốc, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa. Cho tới nay, câu nói sâu sắc của Bác đã và vẫn có sức mạnh vô song, động viên toàn Đảng, toàn Quân, toàn Dân khi vận nước lâm nguy sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập, vì tự do của đất nước, của dân tộc.

Phạm Quốc Hùng

*Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, Hà Nội, 1977

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác