Từ tháng 12/2005, sau khi hội chẩn với các giáo sư Bỉ xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn ghép, ca ghép gan đầu tiên ở trẻ em đã được triển khai tại BV Nhi đồng 2 và kết quả thành công ngoài dự kiến. Số lượng ca ghép gan tại bệnh viện này đã tăng dần theo mỗi năm, nếu như giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2019 có 13 trường hợp, thì chỉ riêng giai đoạn từ năm 2020 đến nay đã có 12 trường hợp được ghép thành công.
Bắt đầu từ thành công của ca phẫu thuật tách dính Việt - Đức vào năm 1988, GS. Trần Đông A đã được toàn thế giới biết đến và được mời báo cáo tại nhiều hội nghị về ca mổ hiếm gặp này. Năm 1989, tại Hội nghị phẫu thuật nhi khoa lần thứ 9 được tổ chức ở Hungary, GS. Đông A có cơ hội được gặp GS. Bernard Otte (người Bỉ) – chuyên gia hàng đầu về ghép gan trẻ em tại Châu Âu với kỹ thuật làm nhỏ gan người lớn chết não để ghép cho trẻ em.
Đến năm 1995, GS. Raymond Reding – chuyên gia ghép gan của Viện Trường Sant-Luc (Bỉ) vô tình đọc được bài viết về ca mổ Việt – Đức được đăng trên tờ báo hàng đầu thế giới về phẫu thuật nhi khoa (Pediatric Surgery), và đã liên hệ với GS. Đông A đề nghị hợp tác trong lĩnh vực bệnh lý tiêu hóa gan mật và ghép gan cho trẻ em Việt Nam. Năm 1998, GS. Đông A sang Bỉ để trao đổi chi tiết với GS. Reding, hình thành chương trình đào tạo liên đại học điểm (PIC) và hỗ trợ Bệnh viện Nhi đồng 2 cử các bác sĩ sang Bỉ đào tạo về lĩnh vực bệnh lý tiêu hóa gan mật và ghép gan.
Sau khi có lực lượng nhân lực đã được đào tạo tại Bỉ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý về chủ trương cho phép Bệnh viện Nhi đồng 2 triển khai chương trình liên đại học điểm và đề án ghép gan trẻ em với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia từ Viện Trường Sant-Luc (Bỉ). UBND Thành phố đã phê duyệt cho Bệnh viện Nhi đồng 2 mua sắm vật tư – thiết bị y tế, chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác ghép tạng trẻ em (gan và thận). Đến năm 2005, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định cho phép Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ghép thận và ghép gan trẻ em.
Ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện vào tháng 6/2004, ca ghép gan đầu tiên thực hiện vào tháng 12/2005, cả 2 đều là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam được ghép tạng ở thời điểm lúc bấy giờ. Bệnh nhân ghép gan đầu tiên (bé N.N.X.Q, 23 tháng tuổi) được chẩn đoán là teo đường mật bẩm sinh, đã được mổ Kasai trước đó. Sau khi hội chẩn với các giáo sư Bỉ, phù hợp với tiêu chuẩn ghép, bệnh viện đã tiến hành ca ghép gan đầu tiên và kết quả thành công ngoài dự kiến. Hiện tại, bệnh nhi đã trưởng thành và có cuộc sống khỏe mạnh. Tương tự, ca ghép gan thứ 2 đã được thực hiện trên bệnh nhi 11 tháng tuổi và cũng đã thành công tốt đẹp, cải thiện chất lượng cuộc sống cho đến nay. Số lượng ca ghép gan từ năm 2005 đến năm 2019 là 13 trường hợp, riêng giai đoạn từ năm 2020 đến nay là 12 ca.
Theo quy định hiện hành, Bệnh viện Nhi đồng 2 đang khẩn trương xây dựng lại Đề án ghép tạng trẻ em để trình Bộ Y tế thẩm định và thông qua. Sở Y tế yêu cầu Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 tuân thủ quy định nhưng không làm gián đoạn ghép gan cho trẻ có chỉ định ghép.
Cụ thể là, với tinh thần phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Thành phố và các bệnh viện Thành phố, Bệnh viện Nhi Đồng 2 vẫn tiếp tục thực hiện quy trình ghép tạng với sự hỗ trợ của các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Chợ Rẫy. Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hỗ trợ Bệnh viện Nhi đồng 2 về nguồn tạng hiến từ người lớn, các bác sĩ của Nhi Đồng 2 vẫn thực hiện các quy trình ghép gan, ghép thận cho trẻ em như đã từng làm hơn 10 năm qua. Theo kế hoạch, trong tháng 6, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tiếp tục thực hiện ca ghép gan mới với sự hỗ trợ và phối hợp của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Ngành Y tế Thành phố trân trọng ghi nhận và cám ơn GS BS Trần Đông A – Người đã đặt nền móng đầu tiên về ghép tạng cho trẻ em, cám ơn lãnh đạo và các y, bác sĩ chuyên ngành ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp tục hỗ trợ cho chuyên ngành Nhi khoa triển khai kỹ thuật ghép tạng cho trẻ em.
Một trong những vấn đề khó khăn của ghép tạng là nguồn tạng hiến cho trẻ em quá khan hiếm. Theo điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ghi rõ: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.” Do đó, đối tượng trẻ em chết não hiện không được đưa vào nguồn hiến tạng. Với thực trạng hiện tại, Ngành Y tế mong sớm có điều chỉnh trong luật định để tạo điều kiện cho quy trình ghép tạng thực hiện thuận lợi, các bác sĩ Nhi sẽ có thể trực tiếp lấy tạng từ người cho là trẻ em chết não trong thời gian không xa.
Bài viết khác
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)
- Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (20-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân và đối tuợng chính sách tại Xã Tân Lâm Huyện Di Linh (20-12-2024)
- Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân Chìa khóa vàng cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc (17-12-2024)
- Thông báo nghỉ Tết Dương Lịch năm 2025 (11-12-2024)