62 năm thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam - Bệnh viện Hùng Vương

62 năm thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam - Bệnh viện Hùng Vương

62 năm thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam - Bệnh viện Hùng Vương

62 năm thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam - Bệnh viện Hùng Vương

62 năm thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam - Bệnh viện Hùng Vương
62 năm thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam - Bệnh viện Hùng Vương

62 năm thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

(23/11/1946 - 23/11/2008)

Phần I: Những mốc son lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập tổ chức Ban Hồng Thập tự Việt Nam.

Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam, Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động, Bác đã giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.

Ngày 23/11/1946, không đầy 1 tháng trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Đại hội đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam lần thứ nhất đã họp tại đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội), chính thức thành lập Hội Hồng thập tự Việt Nam. Đây chính là mốc son đánh dấu sự ra đời của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - một tổ chức chuyên trách làm công tác nhân đạo của nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Đại hội đã nhất trí suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự và cử bác sĩ Vũ Đình Tụng là Hội trưởng.

Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Nhà nước ta gửi Công hàm cho Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố phê chuẩn và gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có điều kiện gia nhập Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, mở rộng phạm vi hoạt động.

Ngày 4/11/1957, tại cuộc họp Đại hội đồng Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ họp ở Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của phong trào Chữ thập đỏ quốc tế.

Ngày 19/11/1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ II. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được cử làm Chủ tịch Hội.

Trong cao trào nổi dậy của toàn miền Nam, sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập, ngày 27/2/1961, tổ chức Hồng thập tự giải phóng của Mặt trận ra đời do Bác sĩ Phùng Văn Cung làm Chủ tịch Hội, sau đó có tên là Hội Hồng thập tự Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngày 15/12/1965, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III đổi tên Hội Hồng thập tự Việt Nam thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được cử làm Chủ tịch Hội.

Ngày 10-11/12/1971, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IV. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng II. Số hội viên khoảng 10 vạn người. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được cử làm Chủ tịch Hội.

Tháng 6/1973, Đại hội Hội Hồng thập tự cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được cử làm Chủ tịch Hội.

Ngày 31/7/1976, Hội nghị thống nhất Hội Chữ thập đỏ 2 miền thành Hội Chữ thập đỏ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Thủ được cử làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Năm 1984, Giáo sư Nguyễn Văn Thủ mất.

Ngày 11-12/3/1988, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V. Đây là Đại hội diễn ra khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được cử làm Chủ tịch Hội.

Ngày 15-17/3/1995, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VI. Tổng Bí thư Đỗ Mười được suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Hội. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được tín nhiệm tiếp tục làm Chủ tịch Hội.

Ngày 7 - 9/8/2001, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VII. Đại hội mở đầu thiên niên kỷ mới với những thời cơ mới, thách thức mới đòi hỏi mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ phải không ngừng phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu, vai trò của Hội Chữ thập đỏ. Chủ tịch nước Trần Đức Lương được suy tôn làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được tín nhiệm tiếp tục làm Chủ tịch Hội. Ngày 31/7/2003, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kỳ họp thứ 4 khóa VII, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được nghỉ hưu và thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã cử Giáo sư Nguyễn Văn Thưởng - Phó Chủ tịch - Tổng thư ký làm Chủ tịch ,Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ngày 28-29/6/2007, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII với sự góp mặt của 400 đại biểu  cả nước. Tiến sỹ Trần Ngọc Tăng – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

*

Phần II: Những thành tựu nổi bật từ Đại hội Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ VIII đến nay

Với tinh thần "Chung sức vì nhân đạo", sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VIII Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ có bước chuyển biến mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu, bám sát cơ sở, gắn bó với nhu cầu, lợi ích của nhân dân và của cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trong cả nước, góp phần chăm lo, giúp đỡ có hiệu quả các đối tượng khó khăn vươn lên trong cuộc sống, thực hiện chính sách xã hội nhân đạo của Đảng và Nhà nước, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trong thời gian tới. Tổng trị giá các hoạt động nhân đạo toàn Hội đạt 1.150 tỷ 198 triệu đồng.

Toàn Hội đã triển khai có hiệu quả các hoạt động trợ giúp nhân đạo, chăm sóc, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam và các đối tượng khó khăn khác trong xã hội. Các hoạt động hỗ trợ nhân đạo mang tính phát triển bền vững tiếp tục được chú trọng và nhân ra diện rộng. Thông qua hoạt động này, các cấp Hội trong cả nước đã xây dựng và tặng 7.869 nhà Chữ thập đỏ và tặng quà, hỗ trợ vốn sản xuất cho 876.942 gia đình thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam và những đối tượng đặc biệt khó khăn khác với tổng trị giá hỗ trợ đạt 251,344 tỷ. Hoạt động chăm sóc, hỗ trợ, phẫu thuật phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam tiếp tục được các cấp Hội phối hợp triển khai có kết quả; bước đầu đã triển khai các hoạt động tư vấn phòng tránh dị tật bẩm sinh cho các đối tượng có nguy cơ cao. Nhân ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam” 10/8, nhiều cơ sở Hội đã tổ chức hoạt động hỗ trợ, phẫu thuật phục hồi chức năng, gây quỹ ủng hộ nạn nhân, hỗ trợ vốn giúp các gia đình phát triển sản xuất. Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" năm 2007-2008 đạt 149 tỷ 400 triệu đồng.

Các hoạt động cứu trợ khẩn cấp đồng bào bị thiên tai; hỗ trợ nạn nhân trong các vụ tai nạn, thảm hoạ được các cấp Hội tiến hành nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả, góp phần giúp nhân dân và người bị nạn vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Phát huy vai trò của các cấp Hội trong công tác cứu trợ khẩn cấp, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo các cấp Hội tham gia vận động nhân dân phòng chống bão, lũ; cử đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương bị thiên tai, tổ chức các hoạt động cứu trợ khẩn cấp những gia đình bị thiệt hại về người và tài sản; ra lời kêu gọi hệ thống Chữ thập đỏ trong và ngoài nước ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Trung ương Hội đã vận động được hơn 72,8 tỷ đồng, trên 40.000 thùng hàng gia đình và gần 3.000 tấn gạo, 1000 nhà Chữ thập đỏ từ Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế, các Hội quốc gia và các tổ chức quốc tế khác; vận động các cấp Hội trong nước (qua kênh Trung ương Hội) số tiền 3,4 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa, giúp cho gần 160.000 người dân vùng lũ trong cơn bão số 2 và số 5;  ủng hộ 10,02 tỷ đồng (trong đó 3 tỷ 810 triệu đồng tiền mặt; quần áo, chăn màn và nhu yếu phẩm khác trị giá 6 tỷ 192 triệu đồng), kịp thời giúp hàng ngàn hộ gia đình rét đậm, rét hại kéo dài tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ. Ngay sau khi biết thông tin về cơn bão Nargis xảy ra tại Myanmar và trận động đất ở Trung Quốc, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ra lời kêu gọi vận động các tổ chức, cá nhân trong cả nước quyên góp được 17 tỷ 938 triệu đồng giúp đỡ nhân dân Trung Quốc và nhân dân Myanmar khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sớm ổn định cuộc sống. Gần đây nhất, trong cơn bão số 4 cuối tháng 7 vừa qua, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã kịp thời cứu trợ tại các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và các địa phương khác. Đến nay đã hỗ trợ trên 5,4 tỷ đồng; 10.000 thùng hàng gia đình (gồm chăn, màn, bộ đồ nấu ăn, thùng đựng nước) trị giá gần 4 tỷ đồng và nhiều hàng hoá khác cho đồng bào thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang.

Hoạt động sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng được các cấp Hội triển khai tích cực, đúng hướng và có bước phát triển. Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo đạt kết quả rõ rệt. Đến nay, tại 63/63 tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện cấp tỉnh đã được kiện toàn. Trong năm 2007, tổng số máu toàn quốc thu được 510.000 đơn vị (năm 2006 là 420.660 đơn vị). Tỷ lệ người cho máu tình nguyện đạt 65% (năm 2006 là 59%).

Công tác xây dựng tổ chức Hội, phát triển hội viên, tình nguyện viên được các cấp Hội đầu tư và có chuyển biến rõ rệt. Đến cuối năm 2007, toàn Hội có 5.980.222 hội viên, 3.974.208 thanh thiếu niên chữ thập đỏ, 218.187 tình nguyện viên chữ thập đỏ đang tham gia sinh hoạt và hoạt động tại 93.060 cơ sở Hội trong cả nước. Trong năm 2007, các cấp Hội đã phát triển được thêm 2.196 cơ sở Hội, 295.671 hội viên mới. Điểm đáng chú ý là ở nhiều địa phương, tổ chức Hội tiếp tục được thành lập trong trường học, trong các doanh nghiệp, các lực lượng vũ trang, góp phần mở rộng ảnh hưởng và hoạt động của Hội. 

Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế và xây dựng, triển khai, thực hiện các dự án của Hội được mở rộng và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh việc củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác với Uỷ ban Quốc tế Chữ thập đỏ, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế và các hội quốc gia, các cấp Hội đã tăng cường mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. Thông qua đó giới thiệu về các hoạt động, lĩnh vực ưu tiên của Hội và vận động các tổ chức, cá nhân quốc tế tham gia các hoạt động nhân đạo hoặc ủng hộ các hoạt động nhân đạo do Hội tổ chức. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò tổ chức thành viên của Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, tăng cường thêm mối quan hệ hợp tác với các hội quốc gia và các tổ chức quốc tế trong hoạt động nhân đạo, từ thiện. Từ Đại hội toàn quốc lần thứ VIII đến nay, Trung ương Hội đã vận động được 25 dự án mới trong tổng số 35 dự án từ nguồn tài trợ quốc tế với tổng kinh phí 248 tỷ đồng.

Một loạt những sự kiện nổi bật trong thời gian qua như: Triển khai cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" trên toàn quốc; thông qua Luật hoạt động Chữ thập đỏ; ra mắt Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện; kết quả 10 năm hoạt động của Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam; tổ chức thành công Hội trại Thanh thiếu niên Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ III và Hội nghị Đối tác Chữ thập đỏ Việt Nam 2008... đã góp phần tạo dấu mốc quan trọng trong trong công tác Hội, phong trào Chữ thập đỏ và trên chặng đường 62 năm trưởng thành và phát triển của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ngày 03/6/2008, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VIệt Nam khóa XII đã thông qua Luật hoạt động Chữ thập đỏ. Luật gồm 8 chương, 34 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Sự ra đời của Luật hoạt động Chữ thập đỏ đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện và phát huy vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện, phát huy vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phối hợp với Hội Chữ thập đỏ trong các hoạt động Chữ thập đỏ. Luật hoạt động Chữ thập đỏ được thông qua đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và đông đảo nhân dân, là sự kiện nổi bật trong lịch sử hình thành và phát triển của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam suốt 62 năm qua.

Nhân kỷ niệm 145 năm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (ngày 8 tháng 5) và 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (ngày 19 tháng 5), Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát động trong toàn quốc Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” với sự hưởng ứng của các cấp Hội, nhiều bộ, ban ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước. Trong cuộc vận động này, chỉ tiêu của mỗi cấp Hội cần đạt được là: mỗi tổ chức cơ sở Hội trợ giúp ít nhất 01 cá nhân hoặc 01 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mỗi tổ chức Hội cấp huyện, tỉnh và Trung ương trợ giúp hoặc vận động bảo trợ ít nhất 01 cơ sở chăm sóc, chữa trị, phục hồi chức năng cho những người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn và các đối tượng khác; phấn đấu trong năm 2008, toàn Hội trực tiếp trợ giúp cho 90.060 đối tượng, vận động các tổ chức, cá nhân trợ giúp 561.360 đối tượng, nâng tổng số đối tượng cần được trợ giúp năm 2008 là 651.420 người. Ngay sau khi phát động, cuộc vận động đã được các địa phương ủng hộ và khẩn trương triển khai đến các cấp Hội. Đến nay, theo số liệu đăng ký của 36 tỉnh, thành Hội, chỉ tiêu năm 2008 đạt 93 tỷ 862 triệu đồng.

Với những kết quả đã đạt được, đồng thời nhận thức được tầm quan trọng của công tác vận động hiến máu nhân đạo, ngày 26/02/2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, đồng chí Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm Phó trưởng ban Thường trực; Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đặt tại cơ quan Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Sự ra đời và đi vào hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện góp phần quan trọng trong định hướng và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu nhân đạo trong cả nước, từng bước đáp ứng nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh.

Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (1998-2008) tiếp tục khẳng định vai trò và hiệu quả hoạt động của Quỹ trong chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trong cả nước. Qua 10 năm hoạt động, bên cạnh sự hỗ trợ từ Ngân sách của Nhà nước (19,4 tỷ đồng), Quỹ đã vận động các tổ chức, cá nhân trên 380 tỷ đồng, hỗ trợ chữa bệnh, phục hồi chức năng, trợ vốn phát triển sản xuất, phẫu thuật chỉnh hình cho 667.066 nạn nhân chất độc da cam.

Hội trại Thanh thiếu niên Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ III tổ chức tại TP Đà Nẵng với chủ đề “Chung sức vì nhân đạo” quy tụ 420 đại biểu thanh thiếu niên Chữ thập đỏ xuất sắc toàn quốc. 05 Đoàn đại biểu quốc tế, đại diện Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, một số Hội Chữ thập đỏ quốc gia, các ban ngành, đoàn thể của trung ương và TP. Đà Nẵng đã tham dự Hội trại. Toàn thể trại sinh của Hội trại Thanh thiếu niên Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ 3 đã được tham gia các hoạt động rất có ý nghĩa, mang tính giáo dục cao về lòng nhân ái, tính hướng thiện như: Tôn vinh, biểu dương những tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thanh thiếu niên Chữ thập đỏ tại Lễ khai mạc; đi bộ đồng hành "Tiếp lửa truyền thống, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ uống nước nhớ nguồn"; thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm và tặng quà Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng, Trung tâm trẻ em khuyết tật, mồ côi thuộc Thành Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng, Khu di tích cách mạng K20 với tổng trị giá quà tặng (tiền và vải) là: 282 triệu đồng; ...

Hội nghị đối tác Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2008 với chủ đề “Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Hợp tác, chung sức vì nhân đạo” với sự tham gia của 188 đại biểu là một thành công lớn góp phần củng cố và nâng cao vị thế, vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, thực hiện chính sách xã hội nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta; nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội.

Để có được kết quả trên đây, bên cạnh sự nỗ lực hết mình của đông đảo cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ với tinh thần "Chung sức vì nhân đạo", làm giảm bớt đau thương, mặc cảm cho những người kém may mắn trong xã hội, các cấp Hội đã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự quản lý và ủng hộ của các cấp chính quyền, sự phối hợp cộng đồng trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp và của Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các hội quốc gia và các tổ chức quốc tế khác.

Từ ngày 28-30/10/2008, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị các Trưởng Ban Thanh niên Chữ thập đỏ khu vực Đông Nam Á lần thứ 6. Các đại biểu đến từ 10 Hội quốc gia trong khu vực sẽ có mặt tại Hội nghị cùng chia sẻ kinh nghiệm, tiến tới xây dựng Chương trình hành động của thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trong thời gian tới.

Chào mừng 62 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần dịch vụ và sản xuất Song Phương tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sức mạnh nhân đạo - 2008” (dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng VTV vào 20h00 ngày 15/11/2008). Đây là chương trình văn hóa nghệ thuật vận động gây quỹ ủng hộ nạn nhân thiên tai, nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo; đồng thời ra mắt Hội đồng bảo trợ hoạt động Chữ thập đỏ, thông qua đó tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các hoạt động nhân đạo.

*

*

Bước vào giai đoạn mới, với mục tiêu nâng cao năng lực vận động và tổ chức các hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, cùng với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cấp Hội cần đẩy mạnh các lĩnh vực hoạt động ưu tiên như:

- Tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa góp phần làm giảm thiểu nguy cơ xảy ra thảm họa, thiệt hại về người và vật chất khi xảy ra thảm hoạ, cung cấp các cứu trợ khẩn cấp, kịp thời, các hoạt động phục hồi tái thiết sau thảm họa và giảm nhẹ rủi ro cho những người dễ bị tổn thương.

- Cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo hỗ trợ kịp thời về tinh thần và vật chất cho người khuyết tật nghèo, nạn nhân chiến tranh, thiên tai, thảm hoạ, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng.

- Chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng góp phần cải thiện sức khoẻ của nhân dân, nhất là những người dễ bị tổn thương tại cộng đồng.

- Sơ cấp cứu ban đầu, hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác.

- Tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa góp phần hỗ trợ về thông tin và các thủ tục, điều kiện cần thiết khác giúp tìm kiếm thân nhân thất lạc do chiến tranh, thảm họa.

- Tuyên truyền các giá trị nhân đạo, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và đông đảo nhân dân về Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và về các hoạt động của Hội, từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức xã hội về hoạt động nhân đạo, qua đó vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức.

Nâng cao năng lực và phát triển tổ chức Hội và hội viên trong các khu vực, vùng miền, đối tượng; củng cố tổ chức bộ máy của Hội ở các cấp, nhất là cấp cơ sở; nâng cao năng lực vận động và tổ chức các hoạt động nhân đạo của các cấp Hội;

Theo tài liệu tuyên truyền của Hội Chữ Thập đỏ TP.HCM tháng 10 năm 2008
Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác