Sáng 28/3/2024, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và giao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo triển khai Hướng dẫn ASEAN tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em: Cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực.
Tham dự và phát biểu tại hội thảo có bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; TS Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội các cơ sở đào tạo nghề công tác xã hội Việt Nam; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Bộ Y tế; ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; bà Caroline T.Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và giao quyền cho phụ nữ tại Việt nam; bà Melissa Alvarado, Giám đốc chương trình Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ khu vực; bà Majdie Hordern, Quyền Tham tán phát triển, Đại Sứ quán Úc tại Việt Nam; bà Soukphaphone Phanit, đại diện ACWC (Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em) về Quyền Phụ nữ của Lào; bà Yanti Kusuma, đại diện ACWC về Quyền Trẻ em của Indonesia; bà Usec Vilma Caberera, Đại diện SOMSWD (Cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển) Philippin; ông Mom Virak, Đại diện SOMSWD Campuchia. Tham gia và đóng góp ý kiến cho hội thảo còn có đại diện Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Hà Nội; đại diện Ngôi nhà Ánh Dương, Quảng Ninh; đại diện Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hoá; đại diện Trung tâm Công tác xã hội Cần Thơ; đại diện Trung tâm Công tác xã hội và Dạy nghề thiếu niên, Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Đơn vị Bồ Công Anh (Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh),…
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Sau khi các Quốc gia thành viên ASEAN thống nhất đưa ra Tuyên bố về Thúc đẩy công tác xã hội hướng tới Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng (Tuyên bố Hà Nội) năm 2020, lộ trình thực hiện Tuyên bố tiếp tục được các lãnh đạo ASEAN ghi nhận sau đó 1 năm với 7 lĩnh vực ưu tiên nhằm hiện thực hóa 11 cam kết đã khẳng định việc đầu tư thúc đẩy và tăng cường vai trò của công tác xã hội, trong đó có nâng cao năng lực cho nhân viên công tác xã hội trong Cộng đồng ASEAN. Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa rất lớn đối với các nước thành viên ASEAN trong bối cảnh thực trạng công tác xã hội hiện nay. Tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là Cơ quan đầu mối của Hiệp hội đã chủ trì xây dựng Hướng dẫn khu vực ASEAN về Tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực.
Đối với hoạt động công tác xã hội chất lượng, Hướng dẫn khu vực ASEAN đã đề cập đến 6 cách tiếp cận, 4 loại hình hoạt động và 2 nguyên tắc bao gồm: Cách tiếp cận dựa trên quyền; Cách tiếp cận dựa trên lợi ích tốt nhất của trẻ em; Cách tiếp cận dựa vào năng lực phát triển của trẻ em; Cách tiếp cận mang tính nhạy cảm giới; Cách tiếp cận hòa nhập khuyết tật; Cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm; Hoạt động Công tác xã hội theo hướng thúc đẩy; Hoạt động Công tác xã hội theo hướng phòng ngừa; Hoạt động Công tác xã hội theo hướng ứng phó; Hoạt động Công tác xã hội theo hướng phục hồi; Nguyên tắc đảm bảo an toàn cho thân chủ và Nguyên tắc không phân biệt đối xử.
Hướng dẫn khu vực ASEAN cũng cân nhắc các điểm chính trong thiết kế và cung cấp dịch vụ cho bạo lực phụ nữ và bạo lực trẻ em bao gồm: Xác định danh tính; Trình báo bắt buộc; Đạo đức và ra quyết định có đạo đức; Đánh giá; Lập kế hoạch đảm bảo an toàn; Thăm nhà nạn nhân bạo lực; Hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội; Những chuyến thăm sau khi chia tách; Chuyển gửi và phối hợp đa ngành; Thảo luận về trường hợp; Các dịch vụ tư pháp; Hỗ trợ và giám sát dài hạn các trường hợp nạn nhân bạo lực là trẻ em bị lạm dụng tình dục hoặc người lớn đã từng bị bạo lực tình dục khi còn nhỏ; Hỗ trợ các nhu cầu của thanh thiếu niên; Quản lý dữ liệu; Bảo vệ khỏi bạo lực trong thiên tai và các tình huống khẩn cấp,..
Đối với Đơn vị Bồ Công Anh (Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh), các nội dung và lưu ý của Hướng dẫn khu vực ASEAN rất có giá trị ứng dụng trong việc xây dựng chiến lược phát triển cho hoạt động công tác xã hội chất lượng và kế hoạch đảm bảo chất lượng dịch vụ công tác xã hội mang tính hệ thống gồm: Khung pháp lý và chính sách; Cung cấp nguồn lực cho các dịch vụ; Trách nhiệm giải trình của các bên tham gia.
Việc đầu tư của các bên liên quan để thực hiện Khung Kế hoạch Hướng dẫn khu vực ASEAN phù hợp với bối cảnh thực tế của Việt Nam, hướng đến các giải pháp hữu ích nhằm tăng cường cung cấp các dịch vụ xã hội cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực tại Đơn vị Bồ Công Anh - Mô hình đầu tiên tại Việt Nam đặt đầu mối tiếp nhận nạn nhân bạo lực là trẻ em bị lạm dụng tình dục hoặc người lớn bị bạo lực tình dục tại một cơ sở y tế - sẽ giúp các bên liên quan như UNFPA, UNICEF, UN Women, ACWC, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế có thêm cơ sở để tiếp tục triển khai các hoạt động tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, trong ASEAN và trên thế giới.
Tin, ảnh: Quốc Hùng
Bài viết khác
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân và đối tuợng chính sách tại Xã Tân Lâm Huyện Di Linh (20-12-2024)
- Biên bản tổng hợp kết quả mời báo giá cung cấp tấm lót (18-12-2024)
- Biên bản tổng hợp kết quả mời báo giá Cung cấp mực in laser trắng đen sử dụng cho máy in Canon LBP 121DN (18-12-2024)
- Thông báo mời chào giá gói thầu Cung cấp dầu massage (18-12-2024)