- Công tác xã hội trong bệnh viện là lĩnh vực rất đa dạng, phức tạp và nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều niềm vui, với tư cách là người đi trước, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ cùng các bạn, những đồng nghiệp trong tương lai những kinh nghiệm của bản thân đã có được để các bạn có thể tiếp cận công việc này được thuận lợi hơn và đạt được nhiều kết quả hơn chúng tôi - Đó là chia sẻ của bác sĩ Phạm Quốc Hùng, trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương với đoàn sinh viên khoa Công tác xã hội thuộc Đại học Lao động Xã hội (Cơ sở 2) tại Thành phố Hồ Chí Minh do TS. Nguyễn Minh Tuấn phụ trách tới tham quan, kiến tập tại Bệnh viện Hùng Vương chiều ngày 01 tháng 11 năm 2024.
Mặc dù tại một số trường Cao đẳng và Đại học, khoa Công tác xã hội đã được thành lập khá sớm song trong chương trình đào tạo vẫn chưa trường nào có giáo trình riêng về công tác xã hội trong bệnh viện mà sử dụng giáo trình chung. Có lẽ vì vậy nên có khá ít tân Cử nhân Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp về đầu quân tại các bệnh viện. Một số trường hợp khác thì nhanh chóng rời khỏi nhiệm sở sau khi được tuyển dụng vì “quá áp lực” hay “không thích nghi được”,… Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hệ quả các bệnh viện phải tuyển dụng nhân sự có chuyên môn khác về làm công tác xã hội do đa số sinh viên Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp thường chọn về làm việc tại các Cơ sở bảo trợ hay Uỷ ban nhân dân phường xã vì công việc quen với kiến thức được đào tạo hơn.
Hơn một trăm sinh viên khoa Công tác xã hội thuộc Đại học Lao động Xã hội tới Bệnh viện Hùng Vương lần này cũng không là ngoại lệ. Sau khi hoàn thành “tua” tham quan hoạt động công tác xã hội tại 1 số khoa phòng do các anh chị: Trần Hữu Nhân, Nguyễn Thị Thanh Như, Quách Triều Ẩn Phi, Phạm Tuyết Ngân, Ngô Thị Tuyết Ngân, Trần Thanh Trang, Bùi Thị Diễm Trang, Nguyễn Thị Gia Hân, Trương Ngọc Yến,… vừa hướng dẫn vừa chia sẻ chính kinh nghiệm của bản thân mình, nhiều em khá phấn khích vì thấy các anh chị làm được nhiều việc “ngưỡng mộ” quá, song khá nhiều em lại bất ngờ vì thực tế không giống như bài học ở trường và cũng có em hoang mang về khả năng của bản thân.
Kim Anh, một sinh viên năm 4 tâm sự:
- Trước đây em chỉ biết chung chung rằng, nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện là tư vấn, giúp đỡ người bệnh. Hôm nay em mới biết công việc của nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện lại khó khăn đến như vậy. Hôm nay được nghe Thầy nói em cũng mới biết cùng là công việc của nhân viên công tác xã hội nhưng ở bệnh viện này lại có khi khác hẳn công việc khi làm ở bệnh viện kia. Làm ở khoa này lại khác khoa kia. Hay không phải với người bệnh nào cũng có thể đon đả, tươi cười. Hôm nay được đi thực tế em khâm phục công việc của các anh chị lắm nhưng không biết mình có khả năng để làm được như các anh chị không!
Minh Đức, sinh viên năm 2 thì hào hứng:
- Hôm nay nghe Thầy giải thích đồng cảm không có nghĩa là người bệnh vui thì mình vui, người bệnh buồn thì mình buồn, em mới hiểu vì sao vẫn có 1 số người hiểu sai là nhân viên y tế lạnh lùng, vô cảm khi cấp cứu những trường hợp bệnh nặng, là vì khi đó nhân viên y tế phải kiểm soát cảm xúc bản thân để thực hiện công việc của mình được chuẩn xác nhất chứ không đi theo cảm xúc của người bệnh hay người nhà, nhân viên công tác xã hội làm việc trong bệnh viện cũng phải rèn luyện đức tính này.
Là người có kinh nghiệm 8 năm về lĩnh vực công tác xã hội trong bệnh viện và đã tiếp xúc, làm việc với nhiều đồng nghiệp tại các bệnh viện bạn, các địa phương khác; bác sĩ Phạm Quốc Hùng tâm sự:
- Hiện nay, ở không ít bệnh viện, lãnh đạo và người làm công tác tổ chức chưa hiểu đúng về lĩnh vực công tác xã hội nên chưa quan tâm đúng mức đến lực lượng làm công tác này. Thậm chí còn có tâm lý tuyển dụng nhiểu thì tốn tiền trả lương nhiều vì nhân viên công tác xã hội không biết chăm sóc người bệnh như bác sĩ hay điều dưỡng,… hay coi công tác xã hội chỉ là công việc giản đơn. Tuy nhiên, xét về kinh tế y tế thì công tác xã hội là công việc có tỉ suất lợi nhuận gián tiếp cao, do công tác xã hội vừa làm nhiệm vụ thu hút khách hàng trực tiếp thông qua truyền thông, vừa làm tăng hài lòng người bệnh và gián tiếp làm tăng thu hút khách hàng, tăng khách hàng tiềm năng, giảm thất thu viện phí cho bệnh viện. Mặt khác, muốn làm tốt nhiệm vụ của mình, ở rất nhiều vị trí, nhân viên công tác xã hội cần phải có các kỹ năng và kiến thức như như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục, kiến thức về tâm ký học, y học, luật học, xã hội học,… nên rất cần được huấn luyện, đào tạo để họ dần trở thành các chuyên gia chứ không chỉ là nhân viên. Hiện nay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 110/2024/NĐ-CP về Công tác xã hội, Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị ban hành Thông tư mới thay thế cho Thông tư 43/2015/TT-BYT về công tác xã hội trong bệnh viện thì vai trò của công tác xã hội trong bệnh viện đang dần được nhận dạng rõ hơn, có vị trí đúng mức hơn và đuợc quan tâm hơn, hy vọng công tác xã hội trong bệnh viện sẽ là một nghề có vị trí đúng mức trong xã hội và được xã hội coi trọng. Tại Bệnh viện Hùng Vương, thời gian qua, công tác xã hội đã được Ban Giám đốc quan tâm thường xuyên nên cũng có nhiều thuận lợi và đạt được 1 số kết quả tốt, tuy nhiên vấn đề bố trí và đào tạo nhân sự còn cần được xem xét cụ thể hơn để có thể đạt được nhiều kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Quốc Hùng
Bài viết khác
- Thông báo yêu cầu báo giá mua sắm thiết bị, vật tư y tế (03-12-2024)
- Hướng dẫn dự tuyển & Tải mẫu (08-11-2022)
- Quyền lợi & Điều kiện chung (10-05-2023)
- Tuyển dụng Bác sĩ (Hạng III) - Sản Phụ khoa (10-05-2023)
- Tuyển dụng Bác sĩ (Hạng III) – Nam khoa (10-07-2024)