“HÀNH TRÌNH QUẢNG NAM” – NGÀY THỨ NHẤT
7g30 sáng ngày 11/9/2009, nhóm tiền trạm thực hiện chương trình “Hành trình Quảng Nam” rời thành phố Đà Nẵng để tới điểm đầu tiên trong chuyến đi. Khởi động từ giữa năm 2008 song vì lý do khách quan nên chương trình phải dời lại đúng 1 năm, tuy nhiên nhiệt tình và tấm lòng thì không hề thay đổi, vẫn là những con người nặng lòng với xứ Quảng, nặng lòng với bà con nghèo, những nhân viên quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng vẫn là những thành viên tích cực và hăng hái nhất. Mặc dù ngày khởi hành từ TP.Hồ Chí Minh phải đợi đến trưa 30/12/2009 song để cho chuyến đi này hoàn thành tốt nhất, công tác tiền trạm phải được tiến hành sớm, chính vì vậy, dù còn phải đợi hơn 3 tháng nữa song đây hoàn toàn xứng đáng được coi là ngày thứ nhất, là ngày đầu tiên chính thức triển khai chương trình “Hành trình Quảng Nam”
Căn nhà của chị em bà Tăng Thị Nguyên sanh năm 1937 tại thôn Hà Tây I xã Điện Hòa huyện Điện Bàn không biết được sửa lần cuối khi nào, chỉ biết tới nay thì bà không còn khả năng để sửa chữa nữa, trong góc nhà là chiếc giường cũ kỹ mà trên đó là em trai bà đang nằm truyền dịch bởi căn bệnh tai biến mạch máu não đã lâu, đi ra phía nhà sau, chúng tôi không khỏi bần thần: căn buồng sau với 3 phía là tường gạch cũ và vách còn lại là 1 tấm nilon cũ được chằng che chắn gió, ngăn mưa,… đi ngang căn bếp mà không có thứ gì trị giá tới 30.000 đồng trở lên nhà trên nay đã có khá đông bà con hàng xóm nghe tin đoàn tới thăm nên chạy qua, chúng tôi chẳng biết nói gì hơn việc thông báo cho bà việc gia đình bà đã được bình chọn để đoàn hỗ trợ 20 triệu đồng chi phí xây dựng lại và thầm mong căn nhà nhanh chóng được hoàn thành để lỡ khi em bà không qua khỏi còn có nơi cho bà lo việc nhang khói cho em mình.
Rời Điện Hòa, chúng tôi về Điện Phong để kiểm tra điểm sẽ tổ chức khám bệnh cho bà con. Cùng đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và huyện, chúng tôi cùng đại diện lãnh đạo xã đi sang trạm Y tế để xem từng phòng sẽ tổ chức khám bệnh và ghi nhận những việc còn cần phải bổ xung. Cuối cùng buổi làm việc đã được thống nhất như sau: chiều ngày 01/01/2010 đoàn sẽ tới Điện Phong để tặng quà cho 100 gia đình chính sách nghèo tại trụ sở UBND xã, 100 phụ nữ có thai và trẻ dưới 1 tuổi suy dinh dưỡng được tuyên truyền và tư vấn dinh dưỡng đồng thời nhận quà tại hội trường Nhà Văn hóa xã. Sẽ có 2 phòng khám phụ khoa với 4 bàn khám (được ngăn cách biệt) cùng 1 phòng siêu âm và 1 phòng xét nghiệm phục vụ khám cho 300 phụ nữ. 10 bàn khám nội khoa tổng quát sẽ giải quyết khám cho 700 người. Thuốc được cấp tại trụ sở UBND xã để tránh dồn ứ, chờ đợi do thiếu mặt bằng. Để đảm bảo trong vòng 4 giờ đồng hồ, từ 13g đến 17g, có thể hoàn thành được chừng đó công việc, sẽ có lực lượng dân quân, công an xã tham gia giữ trật tự và hướng dẫn bà con tới các vị trí, mỗi bàn khám sẽ có 1 cán bộ y tế thôn, xã tham gia hỗ trợ việc khai thác bệnh sử, ghi chép hồ sơ. Tất cả các trường hợp được tặng quà và khám bệnh sẽ được xã lựa chọn và cấp phiếu trước đồng thời hẹn giờ để đảm bảo trật tự và chính xác. Trạm y tế Điện Hòa mới được xây dựng và có một phần cơ sở được tài trợ xây dựng thêm nên khá khang trang đảm bảo tốt cho việc khám bệnh. Khi chia tay, chúng tôi nhận được nguyện vọng của xã muốn xin giúp 1 máy siêu âm để phục vụ bà con, vì nguyện vọng này nằm ngoài tầm tay của đoàn nên chúng tôi không dám hứa mà chỉ xin ghi nhận và nêu lên để có Mạnh thường quân nào đó có thể tìm hiểu và giúp thêm cho xã bởi chính đoàn cũng chỉ mới có 1 máy siêu âm loại thường để hoạt động và rất cần có 1 máy loại tốt để giúp được nhiều hơn cho đồng bào nghèo các nơi đoàn tới.
Một số hình ảnh về căn nhà của bà Tăng Thị Nguyên:
Thật khẩn trương nhưng cũng gần 12 giờ đoàn mới tới được phòng khám đa khoa khu vực khu Tây Duy Xuyên thuộc xã Duy Hòa, nơi đây đã từng là cơ sở điều trị cho các bệnh nhân tại khu Tây Duy Xuyên nhưng sau này khi bệnh viện Duy Xuyên mở rộng thì chỉ còn giữ vai trò như một phòng khám nhỏ. Tuy nhiên cũng vì như vậy nên cơ sở này thừa điều kiện về mặt bằng để tổ chức khám cho 1.000 người cùng lúc, song cũng phải sửa chữa, bổ sung về hệ thống điện chiếu sáng, quạt gió, bàn ghế và vệ sinh chung. Với sự ủng hộ rất nhiệt tình của lãnh đạo địa phương và cơ sở, chương trình khám bệnh được thống nhất như sau: chiều ngày 31/12/2009 đoàn sẽ tới Duy Hòa để tặng quà cho 100 gia đình chính sách nghèo tại trụ sở UBND xã, 100 phụ nữ có thai và trẻ dưới 1 tuổi suy dinh dưỡng được tuyên truyền và tư vấn dinh dưỡng đồng thời nhận quà tại hội trường Nhà Văn hóa xã. Sẽ có 2 phòng khám phụ khoa với 3 bàn khám (được ngăn cách biệt) cùng 1 phòng siêu âm và 1 phòng xét nghiệm phục vụ khám cho 200 phụ nữ. 10 bàn khám nội khoa tổng quát sẽ giải quyết khám cho 700 người. Tất cả các phòng khám được thực hiện tại các phòng phía sau, trừ phòng cấp phát thuốc sẽ làm tại phòng họp để đảm bảo có 2 cửa phát thuốc. Để đảm bảo trong vòng 4 giờ đồng hồ, từ 13g đến 17g, có thể hoàn thành được toàn bộ công việc, sẽ có lực lượng dân quân, công an xã tham gia giữ trật tự và hướng dẫn bà con tới các vị trí, mỗi bàn khám sẽ có 1 cán bộ y tế thôn, xã tham gia hỗ trợ việc khai thác bệnh sử, ghi chép hồ sơ. Tất cả các trường hợp được tặng quà và khám bệnh cũng sẽ được xã lựa chọn và cấp phiếu trước đồng thời hẹn giờ để đảm bảo trật tự và chính xác.
Ăn vội bữa trưa lúc gần 14g và hẹn một “bữa cơm thân mật” vào dịp trở lại chúng tôi tới thăm nhà chị Đặng Thị Hiệu 47 tuổi ở thôn 3 xã Duy Hòa, tuy sức khỏe bản thân không được như người khác, một mình chị vẫn là lao động chính trong nhà đồng thời là chỗ dựa cho 2 người con, 1 đang học năm thứ nhất Đại học Bách khoa Đà Nẵng, 1 đang học lớp 11. Nhìn căn nhà nhỏ bé, cũ kỹ, vách tole thủng lỗ chỗ, gió lùa trước sau mà chị không có khả năng sửa chữa, chúng tôi thầm cảm phục nghị lực và sức chịu đựng của người phụ nữ gầy gò này. Liên tưởng đến điều kiện học tập của học sinh thành phố, chúng tôi vô cùng khâm phục các con của chị: không có lấy một chỗ ngồi học riêng trong nhà nhưng sách vở vẫn được gom để gọn gàng trên nắp lu và nắp thùng phuy cũ (thứ mà nơi khác chỉ dùng chứa nước thì ở nhà chị chúng được dùng như tủ đựng đồ, có lẽ để khi nhà ngập nước thì những món đồ ít ỏi của gia đình vẫn được khô ráo chăng?) khi nào học thì lấy xuống bày lên giường để học, ấy vậy mà các em vẫn học và học giỏi. Với mong muốn giúp chị có căn nhà đàng hoàng hơn một chút để ở, giúp các con chị có thêm một chút điều kiện để học tập đặng sau này giúp chị bớt khổ, giúp ích cho đời, chúng tôi chia tay chị Hiệu để đến thăm một gia đình khác trong chương trình hỗ trợ của đoàn.
Một số hình ảnh về căn nhà của bà Đặng Thị Hiệu:
Đường về xứ biển Thăng Bình chạy ngang qua những cồn cát trắng xóa, khi biển không còn đem lại sung túc cho người dân biển vì nguồn lợi thiên nhiên nay đã cạn kiệt thì đến lượt cát trắng trên bờ cũng bị tận thu đem bán để lại những hố sâu như những con mắt buồn nhìn ra biển cả. Căn nhà của ông Trần Văn Anh ở tổ 10 thôn Tân An xã Bình Minh huyện Thăng Bình nằm trơ trọi giữa bốn bề cát trắng, từ khi cơn bão năm trước bất ngờ cướp đi của vợ chồng ông cùng lúc cả chiếc ghe và 2 người con trai lớn, gia đình ông trở dần trở nên suy sụp, bão thổi bay vách nhà, ông mua mấy trăm gạch về xỏ tre và dây kẽm vào rồi xếp lên làm tường che chắn mưa gió qua ngày. Ai đã từng ở biển mới biết tài sản quí nhất của người dân chài là con thuyền và những đứa con trai, vậy mà mấy tháng trước người con trai thứ 3 lại vĩnh viễn bỏ ông bà ra đi sau một tai nạn giao thông để lại ông bà cùng 4 đứa con nhỏ, đứa bé còn bế trên tay. Nỗi mất mát quá lớn, tới mức khi đoàn đến thăm và thông báo sẽ giúp ông bà 20 triệu đồng để làm lại nhà, cả ông và bà không ai có nổi một nụ cười, người đàn ông 55 tuổi từng cưỡi lên sóng, đạp lên gió ra biển khơi nay quay nhìn vòng hoa tang con còn để ở góc nhà, lén chùi nước mắt…
Một số hình ảnh về căn nhà của ông Trần Văn Anh:
Điểm khám bệnh cho bà con nghèo ở Thăng Bình được chọn tại xã Bình Dương, xã biển nghèo từng 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vào sáng 01/01/2010, hy vọng những niềm vui mà chương trình mang đến cho bà con nghèo vào ngày đầu tiên của năm mới sẽ là chút lửa làm ấm thêm nghĩa tình mà những tấm lòng nhân ái chuyển tới cho bà con, mong bà con vượt lên khó khăn, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh hơn.
Không thể đến được nhà bà Trần Thị Tố ở cụm dân cư số 4 thôn Lộc Thượng I xã Quế Long huyện Quế Sơn năm nay 86 tuổi, có 1 con trai là liệt sĩ hy sinh năm 1970 đang sống cùng con gái là dân công đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước hiện cũng đã 65 tuổi bị bệnh mờ mắt vì đường lên huyện đang bị mưa lũ ngăn trở, song cầm trên tay bộ hồ sơ đã được bình xét từ cụm dân cư tới thôn, xã, chúng tôi thống nhất với đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cấp kinh phí giúp bà làm nhà “Đại đoàn kết”. Nhờ đại diện dịa phương chuyển lời thăm tới bà cùng lời hẹn lần này không lên được song tới cuối năm bằng giá nào đoàn cũng sẽ cử người lên tận nơi, chúng tôi trở về làm việc với thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam lúc 17g.
Kết thúc chuyến khảo sát thực tế tại 3 huyện, nội dung chương trình “Hành trình Quảng Nam” được đoàn tiền trạm thống nhất với lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam như sau:
1. Huyện Duy Xuyên: khám bệnh tổng quát cho 700 người, khám phụ khoa cho 200 phụ nữ tại phòng khám khu vực Tây Duy Xuyên; tuyên truyền và tư vấn dinh dưỡng cho 100 phụ nữ có thai và trẻ dưới 1 tuổi tại Nhà Văn hóa xã Duy Hòa; tặng quà cho 100 hộ chính sách nghèo tại Ủy ban Nhân dân xã Duy Hòa. Tặng nhà cho bà Đặng thị Hiệu ở thôn 3 xã Duy Hòa. Thời gian từ 13g đến 17g ngày 31/12/2009
2. Huyện Thăng Bình: khám bệnh tổng quát cho 700 người, khám phụ khoa cho 200 phụ nữ tại trạm Y tế xã Bình Dương; tuyên truyền và tư vấn dinh dưỡng cho 100 phụ nữ có thai và trẻ dưới 1 tuổi tại Nhà Văn hóa xã Bình Dương; tặng quà cho 100 hộ chính sách nghèo tại Ủy ban Nhân dân xã Bình Dương. Tặng nhà cho ông Trần Văn Anh ở thôn Tân An xã Bình Minh. Thời gian từ 7g đến 11g ngày 01/01/2010
3. Huyện Điện Bàn: khám bệnh tổng quát cho 700 người, khám phụ khoa cho 300 phụ nữ tại trạm Y tế xã Điện Phong; tuyên truyền và tư vấn dinh dưỡng cho 100 phụ nữ có thai và trẻ dưới 1 tuổi tại Nhà Văn hóa xã Điện Phong; tặng quà cho 100 hộ chính sách nghèo tại Ủy ban Nhân dân xã Điện Phong. Tặng nhà cho bà Tăng Thị Nguyên ở thôn Hà Tây I xã Điện Hòa. Thời gian từ 13g đến 17g ngày 01/01/10
4. Lãnh đạo các xã Duy Hòa, Điện Phong, Bình Dương: chịu trách nhiệm lựa chọn và phát phiếu cho người ra khám, người nhận quà (phiếu khác nhau để tránh lầm lẫn), huy động lực lượng giữ trật tự, giữ xe cho người tới khám, chuẩn bị địa điểm tuyên truyền (ghế ngồi, bục nói chuyện, âm thanh). Chuẩn bị nơi tặng quà cho đối tượng chính sách. Chuẩn bị băng ron tại nơi khám bệnh: CHÀO MỪNG ĐOÀN BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HÙNG VƯƠNG TP.HCM VÀ CÁC NHÀ TÀI TRỢ TỚI KHÁM BỆNH, CẤP THUỐC TẶNG QUÀ TẠI XÃ … HUYỆN …, nội dung băng ron tại nơi phát quà theo hướng dẫn của địa phương
5. Cơ sở y tế các xã Duy Hòa, Điện Phong, Bình Dương: chuẩn bị phòng bố trí 3 bàn khám phụ khoa (riêng Điện Phong chuẩn bị 4 bàn), 1 phòng siêu âm (phòng tối), 1 bàn xét nghiệm, 10 bàn khám nội khoa, 3 bàn đo huyết áp, 1 phòng phát thuốc (có 2 cửa phát thuốc và 1 cửa nhận toa). Mỗi bàn khám bố trí 1 cán bộ y tế để hỗ trợ.
Mỗi cơ sở chuẩn bị 1 phòng khám răng gồm 2 bàn để dụng cụ, ghế dựa ngồi, người phụ, thùng rác; người khám tổng quát, khám phụ khoa sẽ qua nhổ răng hoặc mời thêm 50 người (chủ yếu là nhổ răng, trám răng sâu)
Các phòng khám có đủ điện sáng, quạt, ổ cắm điện; mỗi bàn phụ khoa cần 1 đèn khám (đoàn mang theo 2 đèn), 2 ghế, 1 bàn viết nhỏ, 1 xô đựng nước và thùng rác; mỗi bàn khám tổng quát cần 3 ghế ngồi; phòng siêu âm cần 1 giường, 1 bàn đặt máy, 2 ghế ngồi, 1 bàn viết nhỏ và thùng đựng rác; bàn xét nghiệm cần 1 bàn, 2 ghế ngồi và thùng rác; mỗi bàn đo huyết áp cần 1 bàn và ghế ngồi.
Cơ sở chuẩn bị nước sạch để rửa dụng cụ, nồi/lò nấu/hấp dụng cụ và cử 2 người phụ rửa dụng cụ
6. Lãnh đạo các xã Duy Hòa, Điện Hòa, Bình Minh, Quế Long: chịu trách nhiệm chuẩn bị lễ trao tặng nhà, quyết định hoặc văn bản trao tặng nhà (tên đơn vị tài trợ sẽ báo trước, kinh phí hỗ trợ 1 nhà là 20 triệu đồng), bảng mica do đoàn chuẩn bị.
Đề nghị các huyện Điện Bàn và Quế Sơn cho khởi công căn nhà của bà Tăng Thị Nguyện và bà Trần Thị Tố trong cuối tháng 9/2009 nhân dịp Ngày Quốc tế Người Cao tuổi 1/10
7. Quà cho đối tượng chính sách trị giá khoảng 200.000 đồng/phần. Quà cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 1 tuổi là sữa dùng cho bà mẹ và trẻ em. Tất cả người ra khám sẽ có 1 phần quà phát khi cấp thuốc.
Ngoài các phần quà cấp phát theo định mức, nếu có thêm qùa, đoàn sẽ phát sau khi thống nhất với địa phương
Riêng 100 túi đeo cho trẻ em nghèo vùng biển huyện Núi Thành đi học sẽ thống nhất hình thức trao với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam
8. Đoàn đi chịu trách nhiệm chuẩn bị: máy siêu âm, máy đo huyết áp, ống nghe, 2 đèn khám phụ khoa, dụng cụ khám phụ khoa, kính hiển vi, toa thuốc, thuốc cấp, quà tặng, bảng tên Nhà Đại đoàn kết
9. Các nội dung phát sinh khác nếu có sẽ do ban tổ chức đoàn thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trước khi thực hiện.
Ngay tối ngày 12/09/2009, khi trở lại thành phố, nhóm tiền trạm đã nhận được sự ủng hộ và lời hứa tham gia tài trợ của một số doanh nghiệp và nhà hảo tâm tại Đà Nẵng. Tin tưởng rằng với sự hợp tác chặt chẽ với lãnh đạo địa phương, cùng với thông tin về nội dung các hoạt động, chương trình “Hành trình Quảng Nam” sẽ nhận được nhiều sự quan tâm ủng hộ từ các tập thể, cá nhân, đặc biệt và trước hết là từ những người con của quê hương Quảng Nam, của những tấm lòng nặng tình với xứ Quảng và của ban lãnh đạo bệnh viện Hùng Vương, năm mới 2010 đến với nhiều đồng bào nghèo nơi đây sẽ bắt đầu bằng những món quà đậm đà tình nghĩa.Bài viết khác
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân và đối tuợng chính sách tại Xã Tân Lâm Huyện Di Linh (20-12-2024)
- Biên bản tổng hợp kết quả mời báo giá cung cấp tấm lót (18-12-2024)
- Biên bản tổng hợp kết quả mời báo giá Cung cấp mực in laser trắng đen sử dụng cho máy in Canon LBP 121DN (18-12-2024)
- Thông báo mời chào giá gói thầu Cung cấp dầu massage (18-12-2024)