ĐẶT TÊN CON LÀ "ĐẠI PHÚC LỘC" - Bệnh viện Hùng Vương

ĐẶT TÊN CON LÀ "ĐẠI PHÚC LỘC" - Bệnh viện Hùng Vương

ĐẶT TÊN CON LÀ "ĐẠI PHÚC LỘC" - Bệnh viện Hùng Vương

ĐẶT TÊN CON LÀ "ĐẠI PHÚC LỘC" - Bệnh viện Hùng Vương

ĐẶT TÊN CON LÀ "ĐẠI PHÚC LỘC" - Bệnh viện Hùng Vương
ĐẶT TÊN CON LÀ "ĐẠI PHÚC LỘC" - Bệnh viện Hùng Vương

ĐẶT TÊN CON LÀ "ĐẠI PHÚC LỘC"

     Theo y văn; vỡ tử cung, băng huyết sau sinh, nhau bong non, nhiễm trùng hậu sản và uốn ván sơ sinh là 5 tai biến sản khoa nguy hiểm có thể gây tổn thương sức khỏe trầm trọng đối với mẹ hoặc bé, hoặc cả hai. Thậm chí không chỉ là gây tổn thương sức khỏe trầm trọng, các tai biến này còn có thể cướp đi sinh mạng của mẹ hoặc bé, thậm chí là cả mẹ và bé cùng lúc. Và rất nhanh. Nếu không được cấp cứu và xử trí đúng cách, kịp thời. Trong trường hợp bị vỡ tử cung, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, thai nhi và nước ối trong tử cung có thể bị tống xuất ra ngoài tử cung và tràn vào ổ bụng; tình trạng này sẽ gây mất máu cho mẹ, gây thiếu oxy, tổn thương não đối với thai. Hậu quả có thể nhanh chóng gây tử vong đối với bé, nếu chậm trễ, mẹ sẽ bị mất máu, rối loạn đông máu và tử vong.

     Không mấy ai có được may mắn như N.T.T.T.

     Chỉ còn 3 ngày nữa là hết năm Quý Mão. Chiều ngày 06/02/2024, tua trực cấp cứu tại Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận một trường hợp đặc biệt được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng cao huyết áp, không đau bụng, nhưng ra máu âm đạo. Mặc dù người bệnh vẫn tỉnh táo, song đứng trước ca bệnh có những dấu hiệu nguy cơ như là thai lần 4, có vết mổ cũ năm 2019, ra máu âm đạo bất thường; tua trực đã khẩn trương hội chẩn và quyết định phẫu thuật khẩn cấp do nghi ngờ nhau bong non.

     Bất ngờ với kíp phẫu thuật ngay sau khi mở ổ bụng là trong ổ bụng đầy máu lẫn nước ối, cả máu tươi lẫn máu cục. Và đầu thai nhi đã “nhẹ nhàng” lọt vào trong ổ bụng thông qua đường vỡ ở đoạn eo tử cung. Nhanh chóng kiểm tra, các bác sĩ phát hiện người mẹ có 2 tử cung và thai nhi nằm ở tử cung bên phải, là tử cung đã mổ lấy thai lần trước. Tuy tử cung mềm nhão, có thẩm lậu song thật may mắn là mạch máu tử cung không bị đứt, niệu quản không tổn thương, bàng quang cũng không bị rách. Sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ và lau rửa sạch sẽ, bé trai nặng 2940g “bình thản” nằm nhìn các bác sĩ đang cấp cứu cho mẹ mình. Sau hơn 1 giờ đồng hồ tiến hành may phục hồi cơ tử cung, thắt động mạch tử cung và may mũi B-Lynch cùng truyền bù 2 đơn vị máu do lượng máu mất là 1400ml, ca phẫu thuật đã hoàn tất và chuyển người bệnh qua khu vực hồi sức.

 

 

     Tham gia và chứng kiến ca phẫu thuật đặc biệt “tiền hung, hậu kiết” trong những ngày cuối năm, nhiều bác sĩ đã nói vui:

     - Thằng này phải đặt tên nó là Đại Phúc. Mạng nó lớn quá. Phúc cho cả mẹ nó lẫn tua trực.

     - Mà Tết đến rồi, nó là Lộc của ông Trời đã mang đến cho cả gia đình nó lẫn bệnh viện nên đặt tên nó là Đại Phúc Lộc mới xứng.

     Được biết, theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, ước tính cứ 5.000 – 7.000 ca sinh thì có 1 ca bị vỡ tử cung. Tuy nhiên, tỷ lệ vỡ tử cung trên toàn thế giới đang có xu hướng tăng cùng với xu hướng sinh mổ do cả người mẹ và bác sĩ đều “ngại” theo dõi sinh thường.  Tuy vỡ tử cung thường gặp hơn ở người mẹ đã từng sinh bằng phương pháp mổ lấy thai trước đó, song trên thực tế tỷ lệ này đều tăng cả ở người mẹ có sẹo mổ cũ trên tử cung hay không.

     Thống kê cho thấy, tỷ lệ vỡ tử cung trong chuyển dạ phụ thuộc vào số lần mổ lấy thai, vị trí vết mổ và khoảng cách giữa lần mổ trước tới lần có thai hiện tại. Nguy cơ vỡ tử cung ở người mẹ có sẹo mổ lấy thai cũ trên tử cung tăng theo số lần mổ lấy thai. Khoảng 1% nếu đã sinh mổ 1 lần. Nếu số lần mổ nhiều hơn 1 lần, tỷ lệ này tăng lên tới 3,9%.

     Tỉ lệ này còn tăng cao hơn nhiều lần đối với nhóm đối tượng có tiền căn:

+ Mổ lấy thai ở trên thân tử cung.

+ Có từ hai lần mổ lấy thai trở lên.

+ Mổ cắt góc tử cung trong điều trị mang thai ngoài tử cung.

+ Mổ bóc nhân xơ tử cung.

+ Khâu lỗ thủng tử cung.

     Để dự phòng nguy cơ vỡ tử cung khi sinh, người mẹ mang thai cần:

+ Thăm khám thai kỳ đều đặn theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, cần nói rõ tiền căn hoặc các yếu tố nguy cơ từng có với bác sĩ.

+ Trường hợp có sẹo mổ cũ cần nhập viện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để được theo dõi sát sao, can thiệp đúng lúc nhằm tránh các nguy cơ có thể xảy ra, tránh biến chứng nguy hiểm.

+ Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không mang thai và sinh nở quá dày. Khuyến cáo người phụ nữ đã mổ lấy thai trên tử cung cần có kế hoạch ngừa thai ít nhất 2 năm.

+ Cần lựa chọn cơ sở y tế có uy tín, tốt nhất là các bệnh viện chuyên khoa sản để được chăm sóc thai kỳ, can thiệp đúng lúc và hiệu quả, hạn chế nguy cơ xảy ra tai biến để đảm bảo “mẹ tròn con vuông”.

Quốc Hùng

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác