ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA THAI NGOÀI TỬ CUNG
Thai ngoài tử cung là bệnh lý thường gặp nhất trong thực hành sản phụ khoa. Tỷ lệ bệnh có thể gặp từ 1-2% so với số sanh và tỷ lệ này ngày càng gia tăng theo đà tăng của tình trạng nạo phá thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Số liệu tại bệnh viện Hùng Vương cho thấy hàng năm có từ 700-800 trường hợp thai ngoài tử cung phải nhập viện điều trị so với số sanh xấp xỉ 30000 trường hợp.
Thai ngoài tử cung là tình trạng có thai, nhưng khối thai lại không phát triển trong lòng tử cung như bình thường. Các vị trí có thể gặp là vòi trứng, buồng trứng, trong ổ bụng, ở cổ tử cung, trên vết mổ thành tử cung. Vòi trứng là nơi thường gặp nhất. Thai đóng ở chỗ nối của vòi trứng và tử cung, gọi là thai đoạn kẽ (có thể nghe các tên thai sừng, thai góc, nhưng gọi là thai đoạn kẽ là chính xác nhất) là nguy hiểm nhất vì có thể gây vỡ sớm hơn, chảy máu nhiều và nhanh hơn, khó chẩn đoán hơn và sau khi xử trí, nhiều khả năng không có thai lại được sau này.
Phẫu thuật là điều trị được sử dụng hàng đầu từ nhiều năm nay. Khi chưa có phẫu thuật nội soi, mổ bụng hở là cách duy nhất để giải quyết bệnh. Có thể cắt đi vòi trứng mang khối thai, hay chỉ mở vòi trứng để lấy khối thai và cầm máu nhằm mục đích giữ lại vòi trứng để không làm ảnh hưởng khả năng có thai. Phẫu thuật nội soi giúp vết thương lành tốt hơn, giảm khả năng dính ruột sau mổ, khả năng hồi phục của bệnh nhân nhanh hơn, cũng như dễ thực hiện các thao tác bảo tồn vòi trứng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đến quá trễ, khối thai đã vỡ gây chảy máu nhiều trong ổ bụng, dù mổ bụng hở hay nội soi, khó có khả năng giữ lại vòi trứng.
Điều trị nội khoa với Methotrexate, bắt đầu tại Việt trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Trên thế giới, Methotrexate đã được dùng từ những năm 80, bên cạnh đó còn có các loại khác như RU486, Prostaglandine, Clorua kali (tiêm vào khối thai) …; nhưng cho đến nay, Methotrexate được chính thức xem là phương pháp điều trị hữu hiệu và được áp dụng phổ biến nhất.
Methotrexate, ngăn cản men chuyển hoá acid folic từ một dạng không hoạt động thành một dạng mà tế bào có thể sử dụng được. Đây là thành phần chính của một acid amin. Do đó, sử dụng Methotrexate, đồng nghĩa với làm ngăn cản quá trình sửa chữa và tái tạo ADN, nghĩa là sẽ không có sự phát triển và sinh sôi của tế bào. Methotrexate cũng là một thuốc trong nhiều phác đồ điều trị các bệnh ung thư.
Trong thai ngoài tử cung, có 2 cách dùng thuốc: dùng 1 liều tiêm bắp 50mg/m2 (tại Việt nam, thường là 50mg/lần), sau theo dõi 4-7 ngày, nếu thấy cần thiết có thể lặp lại liều này, tối đa không quá 3 liều. Cách thứ hai, là tiêm bắp 1mg/kg/ngày, 4 lần liên tiếp và cách ngày. Người ta nhận thấy cách dùng 1 liều dường như có hiệu quả hơn, lượng thuốc ít nên ít tác dụng phụ hơn.
Các tác dụng phụ có thể gặp: ức chế tuỷ xương (làm giảm bạch cầu, tức là giảm khả năng chống đỡ bệnh tật), viêm dạ dày (nôn, buồn nôn, đau thượng vị), ảnh hưởng chức năng gan thận. Do đó, khi bệnh nhân có tình trạng bệnh lý gan, thận hay huyết học thường không sử dụng điều trị nội khoa, mặc dù, liều thấp dùng trong thai ngoài tử cung hầu như không làm xuất hiện tác dụng phụ.
Khi điều trị nội khoa, thường bệnh nhân được theo dõi dài ngày hơn, theo dõi qua các dấu hiệu lâm sàng, siêu âm và xét nghiệm máu. Tình trạng đau có thể còn trong một thời gian, cũng như khối thai ở vòi trứng, nhìn thấy qua siêu âm, có thể tồn tại khá lâu. Xét nghiệm máu, nhằm đánh giá nồng độ beta HCG, là chất do nhau tiết ra; nếu có sự sụt giảm liên tục và đáng kể, chứng tỏ tế bào nhau đã bị thuốc tiêu diệt dần dần.
Thành công của điều trị nội khoa có thể đạt trên 80%, tỷ lệ tái phát thai ngoài tử cung trên vòi trứng được giữ lại cũng thấp hơn trong trường hợp mổ bảo tồn giữ lại vòi trứng. Tuy nhiên, khi điều trị nội khoa, bệnh nhân và gia đình cần hiểu rõ tiến trình lui bệnh, khả năng điều trị thất bại phải chuyển sang phẫu thuật, thậm chí là phẫu thuật cấp cưú, cần có sự kiên nhẫn trong theo dõi và tái khám với các xét nghiệm máu, siêu âm được thực hiện nhiều lần.
Tóm lại, điều trị nội khoa thai ngoài tử cung tỏ ra khá có hiệu quả, nhất là khi bệnh nhân đến sớm với khối thai chưa vỡ. Đây là hướng điều trị mang tính bảo tồn cao, nhằm tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân, hiện đã thông dụng tại các bệnh viện chuyên khoa phụ sản. Để áp dụng được phương pháp này, bệnh nhân cần đến với các trung tâm chuyên khoa lớn, cũng như cần hiểu rõ về tiến trình chẩn đoán, điều trị và theo dõi để có thể an tâm áp dụng phương pháp.
Theo bvhungvuong.vn
Bài viết khác
- Hội thảo “Sẵn sàng làm mẹ” – Nơi bắt đầu hành trình yêu thương (23-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam (23-12-2024)
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân và đối tuợng chính sách tại Xã Tân Lâm Huyện Di Linh (20-12-2024)
- Biên bản tổng hợp kết quả mời báo giá cung cấp tấm lót (18-12-2024)