Hạnh phúc khi cho đi - Bệnh viện Hùng Vương

Hạnh phúc khi cho đi - Bệnh viện Hùng Vương

Hạnh phúc khi cho đi - Bệnh viện Hùng Vương

Hạnh phúc khi cho đi - Bệnh viện Hùng Vương

Hạnh phúc khi cho đi - Bệnh viện Hùng Vương
Hạnh phúc khi cho đi - Bệnh viện Hùng Vương

Hạnh phúc khi cho đi

Đại gia đình bác sĩ


Hơn 60 năm trước, vượt qua khó khăn thời chiến và rào cản định kiến xã hội “con gái không cần học nhiều” cô gái trẻ Trần Thị Mỹ đã đến với nghề y. Mấy chục năm sau, tấm lòng nhân hậu của bác sĩ Trần Thị Mỹ đã truyền cho con trai và cả cháu gái. Nối gót bà, họ phấn đấu học tập và lần lượt tuyên thệ lời thề Hippocrates…



Có lẽ trong cuộc sống, ít có nhiều gia đình giống như gia đình Bác sĩ Trần Thị Mỹ: 3 thế hệ liền kề đều là bác sĩ sản khoa và đều là đảng viên. 

Cách mạng đưa đường vào ngành y 

Các y bác sĩ ở bệnh viện (BV) Hùng Vương quen gọi bác sĩ (BS) Trần Thị Mỹ là cô Sáu Mỹ một cách rất gần gũi, không như cách gọi đối với các BS khác. Nhắc đến cô Sáu Mỹ, những đồng nghiệp từng làm việc với cô đều bày tỏ tình cảm trân trọng, quí mến chân thành. Bởi suốt hơn 30 năm làm BS trong đó có hơn 10 năm làm Giám đốc BV Hùng Vương, BS Trần Thị Mỹ đã đỡ sanh cho hàng ngàn ca, trong đó không ít ca sanh khó; và trong tổ chức điều hành đơn vị, đã luôn dành nhiều yêu thương, đỡ nâng tận tình các đồng nghiệp, cán bộ, nhân viên như người thân của mình. Ánh nhìn thẳng, gương mặt, nụ cười nhân hậu của BS Mỹ luôn tạo được cảm tình và sự tin cậy cho người đối diện. “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”, sau những năm tháng cống hiến hết mình, trao tặng yêu thương không so đo ấy, giờ đây ở tuổi trên 80, bà đang sống rất an vui, hạnh phúc bên các con, cháu vô cùng hiếu thảo.

Những năm 60 thế kỷ XX, cô Mỹ hăng hái tham gia cách mạng như bao người trẻ cùng thế hệ. Cô vào đội “Truyền bá vệ sinh”, có nhiệm vụ nhắc nhở và tập huấn cho quân nhân cách giữ gìn vệ sinh và phòng bệnh. Tiếp xúc với nhiều người nghèo, bệnh tật mà không biết vệ sinh đúng cách, thấy nhiều trường hợp đáng thương, nhiều sản phụ không được chăm sóc đúng cách nên tỷ lệ sống sót, khoẻ mạnh của mẹ con đều không cao… Cô Mỹ dò hỏi và xin vào học lớp nữ hộ sinh của BS Phan Thị Thương (cô Ba Thương - sau này là Giám Đốc BV Hùng Vương). Khi đứa trẻ òa khóc chào đời, nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của các sản phụ, nghe tiếng u oa của trẻ thơ, “bà mụ” Mỹ cảm nhận thật rõ ràng: Hạnh phúc khi cho đi ngọt ngào như khi đón nhận… Năm 1967, sau 6 tháng ròng vượt Trường Sơn, cô Mỹ về chiến khu R; rồi được điều động về hoạt động nội thành Sài Gòn để chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 và tiếp quản cơ sở y tế. Thời gian này, với chuyên môn nữ hộ sinh cô đã xin việc làm và hoạt động nội thành. Sau giải phóng, những kinh nghiệm từng trải đã giữ cô gắn bó với niềm đam mê ngành sản. Vượt qua nhiều khó khăn chung trong thời kỳ đất nước mới giải phóng và khó khăn riêng khi các con đều còn nhỏ, cô kiên trì học tiếp lên bác sĩ, rồi phấn đấu trở thành Giám đốc BV Hùng Vương TPHCM và năm 1997 được vinh danh Thầy thuốc Ưu tú. 

Theo mẹ và theo tiếng gọi… tình yêu

Dù mẹ luôn bận rộn với nhiều việc xã hội, ít có thời gian ở nhà chuyện trò, hướng nghiệp nhưng không biết tự lúc nào tình yêu dành cho nghề y của mẹ đã truyền sang anh Trần Thiện Vĩnh Quân. Sau thời gian làm y tá chăm sóc thương bệnh binh khi tham gia nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Campuchia, anh Quân quyết định học lên BS sản khoa - hệt như mẹ. Những ngày luyện thi đại học, có một cô sinh viên y (năm 2), ít tuổi hơn anh đến “kèm” anh học và ôn thi môn Sinh vật. Cô gái ngày xưa đó là Huỳnh Thanh Hương, bạn thân của em gái anh và sau này trở thành vợ anh. Còn giờ đây, cô gái “hiền nhưng bướng, đã quyết là làm cho bằng được” Thanh Hương đã là BS Chuyên Khoa II Sản Phụ khoa, Thầy thuốc ưu tú năm 2009 và hiện là Trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ của BV Từ Dũ. BS Trần Thiện Vĩnh Quân hiện cũng là BS Chuyên Khoa II Sản Phụ khoa, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương. Vẻ ngoài của anh không đạo mạo mà nổi tiếng là người vui vẻ, hay nói đùa tếu táo. Những ca do BS Quân phụ trách vẫn thường vang tiếng cười vui rất duyên của BS, giúp kíp trực thấy thoải mái, giảm căng thẳng trong khi làm việc và hiệu quả hoạt động cũng cao hơn.

“Sau hơn 20 năm trong nghề y, niềm vui của tôi đôi khi rất đơn giản. Đó là khi đỡ thành công một ca khó; hoặc là khi có bà mẹ dẫn con tới khám thai, nói bác Quân có nhớ là đã đỡ tôi sanh nó không, giờ nhờ bác giúp cho nó mẹ tròn con vuông. Tôi rất vui khi nhìn thấy đang có một thế hệ lớn lên, thật khỏe mạnh…”. Lẫn trong nhiều niềm vui nho nhỏ hàng ngày, người BS nào cũng có lúc đắn đo, suy tính trước cái gì có lợi nhất cho sức khỏe người mẹ và bé; đặc biệt là trong các lần hội chẩn cùng đồng nghiệp để tìm ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân. Mỗi lần cứu sống bệnh nhân trong gang tấc, anh đều thở phào nhẹ nhõm, thấy cuộc đời tươi vui lạ lùng; về nhà ăn thấy ngon miệng hơn, ngủ cũng an giấc hơn. Tuy nhiên, trong công việc từng phút thử thách sự sáng suốt, kinh nghiệm và tay nghề khéo léo này cũng có những khoảng lặng đau lòng… Bác sĩ Quân trải lòng: “Tôi nhớ nhất là một ca “thuyên tắc ối”. Diễn biến quá nhanh, ngay trước mắt mình, mà bác sĩ không cứu được cả hai mẹ con sản phụ… Gia đình sản phụ còn nhiều thắc mắc sau ca sinh, áp lực thật nặng nề và nỗi buồn trong lòng quá lớn. Chúng tôi đến chia buồn với gia đình và thấy bất lực vì mình không thể làm gì khác tốt hơn để có thể cứu bệnh nhân…”.

Không quên những kỷ niệm buồn đó và người BS đã luôn nỗ lực nhiều hơn để giảm thiểu tối đa mất mát cho người bệnh. Đó cũng là điều bác sĩ Quân luôn tâm niệm trước khi bắt tay vào công việc hàng ngày. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 2013, BS Vĩnh Quân đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích xuất sắc trong ngành y. 

Mê cảnh “mẹ cười, con khóc” 

Như một cơ duyên, Trần Thanh Trúc Quỳnh - con gái duy nhất của BS Quân và BS Hương, cũng chọn ngành sản. Tương lai làm bác sĩ dường như được dự báo từ ngày thôi nôi, khi bé Quỳnh nhanh tay bốc ống nghe của bác sĩ. Tuổi thơ của Quỳnh luôn thấp thoáng ước mơ được làm bác sĩ. Niềm đam mê ngành y lớn dần trong cô và trở nên thấm đẫm, sâu sắc khi mỗi ngày, hình ảnh “bác sĩ” qua sinh hoạt của ba mẹ đã trở thành quen thuộc, cuốn hút cô. Chưa bao giờ ba mẹ buộc Quỳnh phải theo nghề y, nhưng Quỳnh đã chẳng đắn đo khi đặt bút viết cụm từ “ĐH Y Phạm Ngọc Thạch” vào ô nguyện vọng thi đại học. Thi đậu, Quỳnh học tất cả các môn và thực tập ở tất cả các lĩnh vực. Dù có nhiều kỷ niệm với các chuyên khoa khác, nhưng Quỳnh vẫn cảm thấy mình chỉ sống trọn vẹn trong lúc chờ đợi, theo dõi các cuộc chuyển dạ, khi xử trí các tình trạng cấp cứu ở lĩnh vực này.

Ca đỡ sanh đầu tiên của em là khi em học năm thứ tư Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, trong đợt thực tập Sản tại Bệnh viện Hùng Vươn. Khi ấy em được một chị bác sĩ đồng ý cho vào phụ một ca đỡ sanh thường. Sau khi đỡ sanh xong, cảm giác ẵm một em bé 3,4 kg do mình đỡ trong tay và nhìn thấy người mẹ rớt nước mắt vì hạnh phúc, tuyệt vời lắm. Quỳnh không bao giờ quên được cảm xúc trong ca mình làm đầu tiên ấy… ”. 

Nhận ra đam mê của mình, Quỳnh càng ý thức ngành y rất đặc biệt, bởi người hành nghề y nắm giữ sinh mệnh của nhiều người khác. Một bác sĩ muốn đưa ra quyết định sáng suốt buộc phải nắm vững lý thuyết ở trường, thường xuyên quan sát thực tế, trải qua quá trình thực tập dài, phụ làm việc với đàn anh, đàn chị để trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm.

Quá trình học và hành này không chỉ kéo dài trong 6 năm học tại trường mà vẫn tiếp tục sau khi Quỳnh đã trở thành bác sĩ. Quỳnh vẫn phải quan sát, học hỏi, trau dồi và tích lũy kinh nghiệm. Đối với Quỳnh: Sách vở là BẠN còn Bệnh nhân là THẦY”, Quỳnh khẳng định. Hơn như thế, bên cạnh cô còn có hai BS ba-mẹ luôn đồng hành, cho cô những kinh nghiệm, ý kiến quý báu để Quỳnh có thể mạnh dạn ra quyết định cuối cùng. Tốt nghiệp Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Quỳnh về công tác tại Bệnh viện Từ Dũ cùng với mẹ Hương và đang học Thạc sĩ Sản phụ khoa của Trường Đại học Y Dược TPHCM. Quỳnh tâm sự: “Điều em tự hào nhất là từ ông bà nội ngoại và ba mẹ, em học được dù ở bất cứ ngành nghề nào thì cũng phải sống có tâm; riêng nghề Y - một nghề có ý nghĩa cao đẹp, nhưng luôn có nhiều thử thách. Đứng trong hàng ngũ này không phải để tự đắc, tự kiêu mà là để phục vụ cho xã hội, phục vụ cho con người”.

 

Trong các quyển album kỷ niệm, hình ảnh cả gia đình ba thế hệ rất nhiều. Mỗi năm đều có và đó cũng là “món quà” mà bác sĩ Trần Thị Mỹ thường đem khoe mỗi khi khách tới thăm bà.

Bác sĩ Trần Thiện Vĩnh Quân kể: “Từ ngày tôi còn nhỏ, mẹ đã rất bận rộn với những công việc xã hội. Những khi mẹ rời bệnh viện về nhà, chúng tôi thường dành thời gian để mẹ nghỉ ngơi, nhưng mẹ lại lặng lẽ xuống bếp, nấu những món ăn thật ngon cho cả nhà…”. Những lúc gia đình có tiệc hoặc đám giỗ, mẹ đích thân sắp xếp mọi thứ và chỉ dẫn con cháu cùng thực hiện tươm tất. Nhiều người nói phụ nữ giỏi việc xã hội sẽ ít thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng có lẽ tình yêu của mẹ tôi quá lớn khiến cho quỹ thời gian của bà lớn hơn quỹ thời gian của phụ nữ bình thường, nên trong tâm trí chúng tôi, bà là người bà nhân hậu, là người mẹ tuyệt vời, là người đảm việc nhà - giỏi việc nước”.

Công việc của bác sĩ những ngày thường luôn quá tải, thời gian rảnh cực kỳ hiếm hoi nên mỗi dịp Lễ, Tết là cả nhà ba thế hệ tranh thủ sắp xếp cùng nhau đi xem kịch, giải trí hoặc du lịch.

 

Linh Hương

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác