Tại hội trường Nhà khách Quốc hội, ngày 21/9/2023, Bộ Y tế đã tổ chức “Hội thảo về thúc đẩy hành lang pháp lý, chuẩn năng lực và dịch vụ công tác xã hội và bảo vệ trẻ em tại cơ sở khám, chữa bệnh” với sự tham dự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y Khoa Quốc Gia, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện mắt Trung ương cùng đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức Unicef Việt Nam và Ban Quản lý Dự án CSDE; đại diện lãnh đạo, chuyên viên Phòng/Tổ Công tác xã hội các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các trường đại học Y, Dược, bệnh viện trực thuộc trường đại học Y, Dược trực thuộc Bộ Y tế; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; đại diện một số Sở Y tế và một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh. Hội nghị đã tập trung thảo luận một số nội dung chính như: xây dựng chuẩn năng lực công tác xã hội trong bệnh viện tại Việt Nam; kinh nghiệm về công tác xã hội trong bảo vệ trẻ em và các mô hình bảo vệ trẻ em tại cơ sở khám, chữa bệnh cũng như góp ý cho dự thảo “Chuẩn năng lực của nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện tại Việt Nam”....
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lương Ngọc Khuê khẳng định: Nhờ đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng bệnh viện, tới nay, bộ mặt chung của ngành y tế đã có nhiều thay đổi tích cực cả về điều trị và chăm sóc người bệnh, nhiều lĩnh vực, nhiều bệnh viện đầu ngành đã tiệm cận và đạt tới trình độ quốc tế. Tuy nhiên, không chỉ là kê đơn thuốc cho người bệnh thế nào để đạt kết quả điều trị tốt nhất?, cho xét nghiệm gì là hợp lý?, chỉ định kỹ thuật can thiệp nào là hiệu quả,… hiện nay, các bệnh viện phải nghĩ đến việc người bệnh có tiền để mua thuốc không?, có cơm để ăn trước khi uống thốc không?, nằm trên giường bệnh có phải lo nghĩ về người thân của mình ở ngoài không?, có ngủ được không?,… làm được điều này mới thực sự là chăm sóc toàn diện, muốn làm được điều này phải đẩy mạnh và kiện toàn tổ chức làm công tác xã hội trong bệnh viện.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y Khoa Quốc Gia, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh phát biểu khai mạc
Theo nghiên cứu của Unicef, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế và Đại học Y tế công cộng năm 2020, hệ thống công tác xã hội trong bệnh viện tại Việt Nam ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Sau 5 năm, số nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện đã tăng từ 2.516 người năm 2016 lên 6.326 người năm 2020. 100% bệnh viện tuyến trung ương đã thành lập phòng/tổ công tác xã hội, tỉ lệ này ở bệnh viện tuyến tỉnh là 96,8% và tuyến quận huyện là 89,9%.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát việc thực hiện Thông tư 43/2015/TT-BYT của Bộ Y tế tiến hành năm 2022-2023 tại các cơ sở y tế cả công lập và tư nhân lại cho thấy mô hình tổ chức làm công tác xã hội tại các bệnh viện có sự khác biệt lớn: có 18% cơ sở thành lập Phòng Công tác xã hội và 82% cơ sở thành lập Tổ Công tác xã hội, trong đó: 7,4% cơ sở thành lập Tổ Công tác xã hội độc lập, 36,8 % cơ sở thành lập Tổ Công tác xã hội thuộc Phòng Điều dưỡng, 10,4% cơ sở thành lập Tổ Công tác xã hội thuộc phòng Kế hoạch tổng hợp và 27,4% cơ sở thành lập Tổ Công tác xã hội thuộc Khoa Khám bệnh, Phòng Quản lý chất lượng, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Hành chính,… có tình trạng cơ sở y tế tư nhân đầu tư về hoạt động công tác xã hội mạnh hơn cơ sở y tế công lập. Tổ chức và bố trí nhân lực làm công tác xã hội trong tại nhiều cơ sở y tế công lập phụ thuộc nhận thức chủ quan của lãnh đạo bệnh viện. Một tỉ lệ không nhỏ lãnh đạo bệnh viện nhận thức không đúng về kinh tế y tế nên cho rằng công tác xã hội là bộ phận không làm ra tiền trong bệnh viện, không đánh giá được lợi nhuận do công tác xã hội mang lại qua thu hút và giữ chân khách hàng, vận động tài trợ, hỗ trợ viện phí cho người bệnh nên bố trí nhân sự dôi dư, tuyển dụng nhân sự trình độ thấp để làm công tác xã hội.
Ý kiến của các đại biểu sau khi nghe các tham luận về Mô hình công tác xã hội trong bệnh viện tại Bệnh viện đa khoa Massachusset (Mỹ), Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại Bệnh viện Hùng Vương, đề xuất trong việc xây dựng chuẩn năng lực công tác xã hội trong bệnh viện tại Việt Nam, kinh nghiệm về công tác xã hội trong bệnh viện tại một số bệnh viện tuyến tỉnh,… cho thấy hiện tại còn nhiều bất cập về công tác xã hội trong bệnh viện cả về mô hình tổ chức, quyền hạn nhiệm vụ, hành lang pháp lý,… cần điều chỉnh cho phù hợp.
Tiến sĩ Trương Nguyễn Xuân Quỳnh, Giảng viên cao cấp Đại học VinUni trình bày tham luận
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hưng đã phát biểu tổng kết hội thảo, tiếp thu các ý kiến góp ý và trình bày một số giải pháp của Bộ Y tế để sớm khắc phục các hạn chế, khó khăn về công tác xã hội trong bệnh viện bao gồm: chỉnh sửa lại Thông tư 43, trình Chính Phủ ban hành Nghị định về Công tác xã hội trong bệnh viện, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng Công tác xã hội trong bệnh viện, xây dựng chuẩn năng lực về nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện, thí điểm và nhân rộng mô hình công tác xã hội trong bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp,…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế báo cáo tham luận
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Tin, bài: Quốc Hùng
Bài viết khác
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân và đối tuợng chính sách tại Xã Tân Lâm Huyện Di Linh (20-12-2024)
- Biên bản tổng hợp kết quả mời báo giá cung cấp tấm lót (18-12-2024)
- Biên bản tổng hợp kết quả mời báo giá Cung cấp mực in laser trắng đen sử dụng cho máy in Canon LBP 121DN (18-12-2024)
- Thông báo mời chào giá gói thầu Cung cấp dầu massage (18-12-2024)