KON TUM - NGHĨA TÌNH VỀ VÙNG LŨ - Bệnh viện Hùng Vương

KON TUM - NGHĨA TÌNH VỀ VÙNG LŨ - Bệnh viện Hùng Vương

KON TUM - NGHĨA TÌNH VỀ VÙNG LŨ - Bệnh viện Hùng Vương

KON TUM - NGHĨA TÌNH VỀ VÙNG LŨ - Bệnh viện Hùng Vương

KON TUM - NGHĨA TÌNH VỀ VÙNG LŨ - Bệnh viện Hùng Vương
KON TUM - NGHĨA TÌNH VỀ VÙNG LŨ - Bệnh viện Hùng Vương

KON TUM - NGHĨA TÌNH VỀ VÙNG LŨ

 

14g ngày 20/11/2009 đoàn công tác của bệnh viện gồm 32 thành viên cùng các phật tử của báo Giác ngộ mang theo 700 cơ số thuốc, 7 tấn gạo, 700 phần quần áo, 700 thùng mì, 700 chai dầu ăn, 700 gói bột nêm, 4.000 cuốn tập, 50 thùng sữa bột, 500 hộp sữa nước, 700 chai thuốc bổ và một số quà tặng khác xuất phát trên 2 xe 45 chỗ và 1 xe tải lên đường tới Kon Tum nơi trận lũ lịch sử hàng trăm năm nay chưa thấy vừa tàn phá nặng nề tại đây đẩy hàng ngàn gia đình đồng bào các dân tộc tại tỉnh biên giới này vào cơn ngặt nghèo, khốn khó. Nhận thêm 300 thùng mì và 1,5 tấn muối tại Bình Dương, đoàn xe mang theo hơn 12 tấn hàng chạy suốt đêm trên quốc lộ 14 vượt quãng đường trên 600km, qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắc Nông, Đắk Lắc, Gia Lai và tới thành phố KonTum lúc 8g30 phút sáng này thứ Bảy 21/11/2009.

 

Đối với nhiều thành viên trong đoàn thì đây là chuyến đi đầu tiên lên tận bắc Tây nguyên nên không nhiều người biết rằng trước đây Kon Tum là trung tâm hành chính cũ của Pháp ở Tây Nguyên, từ năm 1976 Kon Tum thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum và tới ngày 12/8/1991 thì tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia lại thành hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai bởi nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 8. Theo ngôn ngữ Ba Na thì Konlàng, Tumhồ và Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ, bởi xưa kia khu vực này đã từng có một hồ lớn. Hiện nay Kon Tum là tỉnh có mật độ dân số thấp nhất trong 64 tỉnh, thành phố trong cả nước với 35 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm 46,4% dân số toàn tỉnh, tiếp đến là người Xơ Đăng chiếm 25,1% ; người Ba Na 12,0% ; người Giẻ Triêng 8,1% ; người Gia Rai 5,1%... và người Ba Na là một trong những dân tộc bản địa. Phía Nam Kon Tum giáp với Gia Lai, phía Bắc giáp với Quảng Nam, phía Đông giáp với Quảng Ngãi, phía Tây giáp với 2 nước bạn là Lào và Campuchia, là địa phương mà 1 con gà gáy cả 3 nước Đông Dương đều nghe bởi vậy Kon Tum còn được nhắc đến là “ngã 3 Đông dương”. Thị xã Kon Tum được xây bên bờ sông Đắk Bla, một nhánh của sông Pơ Kô, giữa một đồng bằng nhỏ cao 525m. Nếu là du khách đến Kon Tum hẳn đoàn sẽ có dịp đi thăm nhiều cảnh đẹp của vùng núi rừng Tây Nguyên như núi Ngok Linh cao thứ 2 ở Việt Nam với độ cao 2598m trên mực nước biển, khu rừng nguyên sinh Chư Môn Ray, Sa Thầy, khu du lịch Đắk Tre ở huyện Kon Plông, suối nước nóng Đắk Tô. Ngoài ra còn có di tích nhà tù Kon Tum, ngục Đắk GLei, đường mòn Hồ Chí Minh, chiến trường Đắk Tô-Tân Cảnh, nơi đã ghi lại chiến tích hào hùng và vẻ vang của dân tộc song chuyến đi này của đoàn lại là để giúp đồng bào đang gặp khó khăn nên đành hẹn Kon Tum một ngày trở lại.

Theo kế hoạch đoàn sẽ tới huyện Kon Rẫy nằm ở phía Nam của Kon Tum, là huyện giáp thành phố Kon Tum, phía Tây giáp huyện Đăk Hà, phía Đông Bắc giáp huyện Kon Plông, phía Nam giáp các huyện K'Bang, Đăk Đoa, Chư Păh của tỉnh Gia Lai và điểm dừng chân là xã Đăk Tơ Lùng và xã Đăk Kôi. Dừng xe tại tịnh xá Ngọc Thọ ở trung tâm thành phố, các thành viên tranh thủ ăn bữa sáng do các sư cô chuẩn bị (lúc mờ sáng cả đoàn đã tranh thủ rửa mặt, đánh răng khi dừng chân nghỉ tại cây xăng ven đường) rồi tiếp tục lên đường bời chặng này mới thực sự là cam go. Qua gần 20km theo đường 24 đoàn tới điểm dừng để rẽ vào xã, thực ra tới đây cũng không còn đường để đi bởi cây cầu đã bị lũ cuốn trôi chỉ còn lại 1 mố phía bờ nam là một khối bê tông to như 2 căn nhà lầu ở thành phố đang đổ nghiêng xuống lòng sông. Khẩn trương bốc hàng từ 3 xe lớn sang các phương tiện có thể đi vào xã được là xe máy kéo và xe ben nhỏ, các thành viên chia nhau lên các phương tiện có thể có để lên đường tiếp. Nếu không có lũ mới đi qua, vùng cao tây nguyên này thật hiền hòa với núi cao, rừng xanh, dòng sông uốn khúc và không khí an lành song giờ đây là những bãi cát phủ trắng hai bờ sông dưới thung lũng, những vạt đất lở bên bờ sông như những nhát dao cắt xuống, vẫn còn la liệt cây rừng bị lũ cuốn nằm trên và trong những ruộng lúa đổ rạp, có cây cả 2 người ôm chưa hết. Con đường dưới bánh xe không ngừng nhồi xóc, tiếng máy gầm rú vượt qua những vũng sình, rền rĩ leo dốc, có vài đoạn đất lở sát bánh xe, những tấm bảng lạnh lùng “Nguy hiểm, đường sạt lở” đủ làm lặng thinh cả hàng chục người trên xe, nhìn xuống thăm thẳm là nước,… nín thở, rồi thở nhè nhẹ. Thử thách cũng còn chưa hết, xe sa lầy, cũng không còn cách nào khác ngoài gọi điện cầu cứu trưởng đoàn và chấp nhận nhảy xuống đi bộ, cũng may là chỉ mất một chút thì xe vượt lầy được và đón đi tiếp

Ở cả 2 điểm đến, người dân đã tập trung chờ đoàn từ sớm, vậy là khỏi tính tới chuyện ăn uống, mọi người nhanh chóng vào việc, người khám bệnh, người phát quà,… tất cả đều làm thật nhanh để đồng bào còn đi về và đoàn cũng cần kết thúc sớm để trở lại thành phố Kon Tum bởi công việc còn chờ đợi ngoài đó. Tuy phải chờ lâu, lại quá trễ song điều thật cảm động là đồng bào rất trật tự, lần lượt theo hướng dẫn để nhận quà, nhận thuốc và khám bệnh không hề có ý kiến gì. Không thể mang theo được nhiều hơn là cảm nghĩ chung bởi lúc này mọi thứ đoàn mang theo đều được đồng bào tiếp nhận hết, cả từ tấm áo cũ hay ổ bánh mì đã nguội,… bởi thực tế thì lũ qua đâu còn để lại thứ gì, nhiều người chỉ còn bộ quần áo trên người còn lại trôi ra dòng Đăk Bla hết cả. Nói lời chia tay với đồng bào, với lãnh đạo địa phương, chúng tôi không dám nghĩ tiếp: năm nay mới bị lũ, đồng bào được Chính Phủ và các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ, ủng hộ kịp thời nhưng mùa sau khi thu hoạch chẳng còn thì sẽ sao đây? Cũng không dám hứa sẽ quay lại, chúng tôi lặng lẽ ra về, mất mát lớn quá mà sức mình chỉ có hạn, chỉ cầu mong thuận lợi và may mắn sẽ đến với đồng bào mình.

 16 giờ, đoàn đi xã Đăk Ta Lùng về trước nên tiếp tục đi tới Nhà thờ Gỗ để trao tặng 50 thùng sữa do công ty Abbott hỗ trợ và 3 thùng thuốc bổ cho trẻ em được nuôi dưỡng tại Tổ ấm Vinh Sơn nơi đây. Dù trên bờ tường vẫn còn hằn dấu của nước ngập nhưng có lẽ điều đó không làm cho hơn 200 em nhỏ mất đi sự hồn nhiên, các em vẫn vui đùa, ca hát làm các bạn thanh niên cũng vui lây, cùng vui chơi với các em. Nhà thờ Gỗ với gần 100 năm tuổi thật đẹp và hoành tráng, là một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua khi tới thăm Kon Tum song vì thời gian hạn hẹp mọi người chỉ kịp chụp vài kiểu ảnh rồi ra xe đi tiếp.

  

 

Trời cao nguyên sụp tối rất nhanh, đoàn bệnh viện tới thăm gia đình của em Ngọc Dung-NHS khoa Khám bệnh A tại địa chỉ 52 Trương Quang Trọng phường Quyết Thắng, phải nói vậy bởi cách đây chừng nửa năm trên đường đi giúp bà con nghèo ở Pắk Xế - Lào qua Kon Tum thì khu vực nhà của em là một dãy phố buôn bán khá sầm uất. Còn bây giờ, dưới ánh đèn xe là cả một vùng đất trống mênh mông với khoàng chục mái lều lụp xụp. Nằm giữa luồng nước dữ, chỉ một ngày đêm dòng Đăk Bla hiền hòa vụt hung dữ ngoài mọi sự tưởng tượng đã biến cơ ngơi tiền tỉ của gia đình em còn lại một mái lều che nilon trị giá nhiều lắm là nửa triệu đồng. Không phải chỉ gia đình em, cả con phố xưa thoắt thành bình địa tới mức khi nghe tin dữ, rồi nhận ra hình ảnh người đàn ông cụt một chân đang trôi ngoài sông trên trang báo chính là cha mình, em vội trở về mà không biết chỗ nào là nhà mình giữa một bãi sình lầy ngút mắt đầy củi, gỗ, rác, sình và cát.

 

 

Chứng kiến tận mắt cảnh tượng này, nhằm cùng giúp gia đình khắc phục phần nào khó khăn sau thiệt hại quá lớn vừa phải chịu đựng, thay mặt lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Phạm Quốc Hùng-Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ đã trao tặng 15 triệu đồng gồm 5 triệu hỗ trợ khó khăn đột xuất của Công đoàn bệnh viện và 10 triệu đồng do Hội Chữ thập đỏ ủng hộ cho Ba em là ông Bùi Văn Châu với lời an ủi gia đình và động viên em cố gắng làm việc.

  

 

Điểm cuối cùng đoàn tới là mang 200 thùng mì tới cho đồng bào ven bờ Đăk Bla, những người vừa chịu thiệt hại do lũ lại vừa chịu thiệt thòi do nơi đây ngay tại thành phố nên ít đoàn tới chia sẻ, 9 giờ đêm nhưng với sự hỗ trợ của Cha xứ 200 người đã được tập trung theo danh sách của cán bộ địa phương ngay tại sân Nhà thờ để đoàn và các Thầy trong ban Từ thiện báo Giác ngộ thực hiện cấp phát quà. Khi hữu sự, hình ảnh những tấm lòng nhân đến với đồng bào không phân biệt tuổi tác, địa vị, tôn giáo, tín ngưỡng thật là ấm áp tình người, giữa bầu trời đêm và cái lạnh cao nguyên, một vầng sáng cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng đã bừng lên trong những ánh mắt đong đầy niềm vui của đồng bào nơi đây.

 

 

Tính từ khi xuất phát tới lúc này đã là 31 giờ làm việc liên tục với 1 bữa cơm đường, 2 buổi cơm chay và bữa trưa ăn muộn. Thấm mệt. Nghĩ về chặng đường quay lại, cả đoàn quyết định trở lại thành phố ngay trong đêm để giữ sức cho buổi làm việc đầu tuần thứ hai. Cũng chẳng thể ngờ đây lại là khó khăn lớn nhất mà ban tổ chức phải đương đầu bởi lẽ ngoài 32 thành viên của bệnh viện thì nhiều người cũng muốn về luôn làm bác tài không dám nổ máy vì vượt số người theo qui định. Chị Thanh Đào, chị Trúc Thi rồi cả Thầy Bổn Như phải thuyết phục, năn nỉ hơn cả tiếng đồng hồ mới thu xếp xong. Thật tức cười khi thấy các bà các cô người có dâu có rể, người có cháu gọi bằng bà nội bà ngoại cũng giận lẫy, cũng ganh nhau như đám thanh niên. Mắc cười nhưng đoàn bệnh viện không ai dám cười lớn, ai dại mà mang dầu châm dzô lửa.

Lượt về xe nhẹ vì hết hàng, cả đoàn lặng thinh ngủ vùi giao cho 2 bác tài trổ tài vượt đêm trở về. 357 triệu đồng giá trị hàng hóa, thuốc men trong đó phần của nhân viên bệnh viện quyên góp được là gần 50 triệu đồng và một số hàng hóa đã được trao tận tay cho đồng bào. Mệt. Đau mỏi khắp người nhưng chẳng nghe một lời than vãn. Chưa lần nào tổ chức đi xa mà không hề nghỉ ngơi như lần này nhưng không ai phiền trách những người tổ chức cả. Thật sung sướng vô cùng.

14 giờ ngày Chủ nhật, chuyến xe ân tình đã trở lại nơi xuất phát. Đúng 48 giờ hành trình an toàn tuyệt đối. Một chuyến đi đã hoàn tất và một chuyến đi khác vào ngày thứ Bảy 28/11 đã được cơ bản định hình, lại là hành trình mang niềm vui đến những phụ nữ nghèo tại Xuyên Mộc trong chương trình “1000 ca mổ miễn phí bệnh phụ khoa cho phụ nữ nghèo”

 

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác