Kỷ lục gia' hiến máu
"Không có tiền thì tôi giúp đỡ người ta bằng những giọt máu. Mỗi lần cho đi là mình thấy vui ở trong tâm. Khi nào còn máu là tôi còn cho", chị Nhàn, người có số lần hiến máu tình nguyện nhiều nhất chia sẻ.
Nhà trọ của chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (49 tuổi, TP HCM) nằm sâu hun hút trong con hẻm khu Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Đó là một cái gác rộng chừng 10m2 cho cả gia đình có 5 người sinh sống. Hơn hai mươi năm nay chị triền miên đi mướn nhà và gần 15 năm chị đi hiến máu cứu người.
Chị Nguyễn Thi Thanh Nhàn sum vầy bên hai đứa cháu ngoại. Ảnh:Tá Lâm. |
Bế đứa cháu ngoại vào lòng, chị Nhàn cho biết, lần đầu tiên chị hiến máu là khi nhìn thấy băng rôn đỏ rực vận động người dân treo ở giữa đường. Lúc đó, chị không hiểu "hiến máu" nghĩa là như thế nào nên tìm đến Trung tâm hiến máu nhân đạo để hỏi. Khi biết được ý nghĩa những giọt máu mình cho đi sẽ cứu được người khác, chị liền đăng ký. Lần đó chị Nhàn đã hiến 2 đơn vị máu (tương đương 500ml).
"Lần đầu tiên ấy tôi run và sợ lắm. Vừa nhìn thấy cây kim tôi phát hoảng lên, hai tay lật bật co quắt lại, mắt thì nhắm tít. Nghĩ rằng máu mình sẽ cứu được người khác nên dần dần tôi can đảm hơn. Những lần sau đó từ từ quen dần nên cũng bớt sợ", chị tâm sự.
Chị Nhàn kể, chị lấy chồng khi mới tròn 18 tuổi. Lúc đó, chị đang làm công nhân ở khu chế xuất, còn anh đi làm thuê kiếm sống. Chưa đến 3 năm sau, chị sinh con và phải nghĩ việc ở công ty đi làm mướn cho hết nhà này đến nhà khác để lấy tiền nuôi con. Trong một lần đi giúp việc cho một gia đình ở quận 5, nhà chủ có một đứa con trai 9 tuổi bị hở van tim phải đi cấp cứu và cần 5 đơn vị máu để cứu chữa. Cả gia đình cô chủ chạy tán loạn lên để tìm người có nhóm máu 0 nhưng cũng chỉ được vài người cho một ít. Đánh liều, chị Nhàn nói với bà chủ mình cùng nhóm máu và sẵn sàng cho đứa bé.
Lúc đầu, mẹ của đứa bé không đồng ý, nhưng rồi chị Nhàn đã thuyết phục được người phụ nữ này. Ngày mổ đứa bé, chị Nhàn lo âu đến rất sớm. 10h mới mổ, nhưng tận 5h sáng chị đã có mặt để lấy máu. Lần đó, chị đã cho đứa bé 2 đơn vị máu. Sau lần ấy, chị Nhàn đã không còn làm công cho nhà người ta nữa, nhưng mẹ của đứa bé vẫn luôn luôn gọi điện hỏi thăm ân cần.
Cũng bắt đầu từ đây, cứ hai tháng rưỡi một lần chị lại đến các trung tâm để cho máu. Lần đi xa nhất là ở Hà Nội do Hội chữ thập đỏ tổ chức, còn lại là các Trung tâm ở trong thành phố và các tỉnh lân cận. Đến nay, chị Nhàn đã tham gia hiến máu nhân đạo 65 lần với số đơn vị hiến máu là 81,5 đơn vị (mỗi đơn vị 250ml), tương đương 20,375 lít máu.
"Tôi không có tiền bạc thì tôi giúp đỡ người ta bằng những giọt máu. Mỗi lần cho đi là mình thấy vui ở trong tâm, trong lòng. Tôi nghĩ, trong cuộc đời mình rồi cũng có lúc cần đến sự giúp đỡ của người khác nên giờ mình còn sức thì mình cứ cho đi", chị Nhàn chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn tại Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 20. Ảnh:PT |
Người phụ nữ cho biết thêm, mỗi lần hiến máu chị đều đi bằng xe ôm với kinh phí tự túc lên đến 40.000 đồng/lần cả đi và về. Trong suốt thời gian đi hiến máu, chị nhớ nhất là một lần đi xuống bệnh viện ở Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đó là năm 1997, một người bạn làm chung của chị bị bệnh phải cấp cứu. Khi bước vào phòng bệnh, chị thấy một người phụ nữ dân tộc đang khóc lóc thảm thiết vì không có tiền mua máu cứu con. Đứng trước tình cảnh đó, chị Nhàn thương cảm đã âm thầm lên hiến máu cho bệnh viện 2 đơn vị rồi lẳng lặng ra về.
"Càng đi hiến máu tôi càng thấy khỏe ra, chắc do tâm hướng thiện. Hồi đầu tôi ốm nhom, chỉ có 47 kg, nhưng càng đi càng mập, bây giờ đã lên tới 83 kg", chị cho biết.
Sau những lần đi xa như thế, chị thấy được cuộc sống ý nghĩa hơn. Nhìn niềm vui của những đứa trẻ được cứu sống cười đùa bên gia đình, lòng chị thấy thanh thản. Thế rồi chị vận động thêm những người bạn làm chung cùng đi hiến máu với chị. Tổ của chị đã có đến 4 người. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhiều người nghèo đã đi bán máu lấy tiền, nhưng chị nhất quyết không làm theo họ. Chị nghĩ rằng, máu không phải là thứ hàng hóa dùng để bán, máu là để cứu người.
"Mình nghèo không có của cải để lại thì tích đức để cho con cháu. Khi nào còn máu là còn cho. Sống cho máu, khi chết đi nếu ai cần xác tôi cũng sẵn sàng hiến cho người ta", chị tâm sự.
Hơn hai mươi năm ra ở riêng là những ngày tháng chị Nhàn sống trong cảnh chuyển nhà triền miên. Chị không nhớ từ ngày ấy đến giờ đã chuyển nhà trọ bao nhiêu lần, chỉ nhớ rằng, một năm không dưới 10 lần. Vì thế mà ở các nơi chị đến hiến máu có ghi cả chục địa chỉ khác nhau.
Chị đưa tay lắc chiếc võng ru cháu ngủ. Đứa trẻ chợt tỉnh giấc gọi mẹ. Ẵm cháu vào lòng, chị ao ước trong thời gian tới sẽ không phải chuyển nhà trọ nữa.
Vinh danh sự cống hiến của chị, trong cuộc Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 20 tổ chức tại TP HCM ngày 18/12, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã xác nhận chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn là "Người phụ nữ có số lần hiến máu tình nguyện nhiều nhất".
Trong cuộc Hội ngộ kỷ lục gia lần thứ 20 cũng đã xác nhận anh Nguyễn Hữu Thuận (quận Tân Bình, TP HCM) là "Người đàn ông có số lần hiến máu tình nguyện nhiều nhất". Từ 6/1995 đến 8/2010, anh Thuận đã có 63 lần hiến máu nhân đạo với 115 đơn vị máu, tương đương 28,75 lít máu. |
Tá Lâm
nguồn vnExpress
Bài viết khác
- Giới thiệu khoa Hậu sản A (09-11-2022)
- Giới thiệu khoa Dược (26-12-2024)
- Giới thiệu khoa Di truyền Y học (26-12-2024)
- Giới thiệu khoa Chẩn đoán hình ảnh (26-12-2024)
- Thông báo mời chào giá cung cấp vật tư nhựa các loại cho Bệnh viện Hùng Vương (24-12-2024)