Lương tâm và trách nhiệm
Thứ sáu, 16/07/2010, 23:58 (GMT+7)
Dư luận gần đây tỏ ra bức xúc trước thông tin một cô gái mới 23 tuổi, chưa chồng, chưa con nhưng đã bị cắt nhầm buồng trứng. Mà sự tình lại bắt nguồn từ việc cẩu thả, tắc trách của bác sĩ. Đó là trường hợp của bệnh nhân Phạm Thị Xuân (tạm trú quận 12, TPHCM) đã bị ê kíp phẫu thuật của BV Đa khoa Phú Thọ (quận Tân Phú, TPHCM) cắt nhầm buồng trứng trái.
Quả là bất hạnh đối với một phụ nữ có nguy cơ mất đi thiên chức làm mẹ. Ấy vậy mà những người đã gây ra bất hạnh cho cô gái trẻ, những vị bác sĩ được tôn vinh “như từ mẫu”, lại tỏ ra thờ ơ và phủi bỏ trách nhiệm. Họ không dám nhận sai sót về mình mà biện minh rằng những gì họ đã làm là đúng chuyên môn.
Thậm chí, họ cũng
không một lời động viên, thăm hỏi và phó mặc cho bệnh nhân phải chạy tới
chạy lui các bệnh viện chuyên khoa phụ sản để theo dõi diễn biến bệnh
tình.
Nhắc đến trường hợp trên, xin liên tưởng đến một dẫn chứng đau lòng khác
mà Hội đồng Khoa học công nghệ Sở Y tế TPHCM cũng đang xem xét. Đó là
trường hợp thai phụ Vương Lệ Trinh (ngụ quận 8) đã tử vong cùng 2 thai
nhi khi sắp đến ngày sinh nở.
Sự việc xảy ra vào năm 2009 khi thai phụ Trinh lên cơn đau bụng và được đưa cấp cứu đến BV Điều dưỡng - phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM. Tuy nhiên, do thiếu trách nhiệm, ê kíp trực cấp cứu đã không kịp thời xử trí và chuyển viện mặc dù đã được người nhà cầu cứu nhiều lần.
Cuối cùng, khi vừa chuyển đến BV Phụ sản Hùng Vương, cả 3 mẹ con đã ngừng thở. Vậy mà đã qua 1 năm chưa một y bác sĩ nào bị quy trách nhiệm về sự tắc trách đó. Hay như mới đây, một Việt kiều Mỹ đã kêu trời khi mổ mắt Phaco tại BV Mắt Sài Gòn xong thì mù hẳn. Cứ tưởng rằng sau khi điều trị khả năng phục hồi bệnh sẽ khá hơn, nhưng rốt cuộc “lợn lành thành lợn què”.
Còn hàng loạt trường hợp khác tương tự nữa, mà cuối cùng thiệt thòi đều thuộc về người bệnh.
Phải khẳng định rằng, những rủi ro trong phẫu thuật bệnh hiện đã giảm đi
rất nhiều nhờ các kỹ thuật, thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn đó
những rủi ro, những bất cẩn và thiếu trách nhiệm. Vậy nhưng, quả bóng
trách nhiệm đều được đổ lên đầu người bệnh.
Trong khi đó, trước các cuộc phẫu thuật, các bệnh viện luôn bắt bệnh nhân phải cam kết “chịu trách nhiệm với mọi rủi ro xảy ra”. Sự thật là chẳng khác nào làm khó người bệnh và đẩy người ta đến chân tường buộc phải cam kết, nếu không bệnh viện không phẫu thuật.
Một khi sự cố xảy ra, bệnh viện cứ chìa giấy cam kết ra là…hết chuyện. Cực chẳng đã, người bệnh khiếu nại lên cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Y tế để được xem xét vụ việc. Và cuối cùng là một hội đồng khoa học công nghệ được nhóm họp để đưa ra kết luận cuối cùng mà phần thiệt thòi luôn thuộc về người bệnh. Vậy có cách nào bảo vệ quyền lợi người bệnh khi rủi ro xảy ra?
Nên chăng, cần có sự tham gia của Hội Y học với tư cách là hội nghề nghiệp mổ xẻ những sự cố và nhân danh đạo đức nghề nghiệp để phán xét công bằng. Ngoài ra, Bộ Y tế cần cho phép bệnh viện được lập quỹ rủi ro hoặc mua bảo hiểm cho những trường hợp phẫu thuật, điều trị có nguy cơ rủi ro cao.
QUỲNH CHI
Nguồn sggp.org.vn
Bài viết khác
- Bệnh viện Hùng Vương cùng Cụm Thi đua 1 – Công đoàn ngành Y tế Tp. Hồ Chí Minh tham gia chương trình giao lưu “Bếp ăn chiến sĩ” (23-12-2024)
- Hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và kỷ niệm 63 năm ngày Dân số Việt Nam 26/12 (23-12-2024)
- Hội thảo “Sẵn sàng làm mẹ” – Nơi bắt đầu hành trình yêu thương (23-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam (23-12-2024)
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)