Nhìn những học trò nhỏ đứng bên thùng quà lớn gần bằng người phải chờ bố mẹ tới đón vì không mang về được và những người dân tới khám bệnh khi về ngoài phần thuốc còn xách theo mỗi người một túi quà, mấy anh cán bộ xã Ba Xa tấm tắc:
- Đã thấy nhiều đoàn đến Ba Tơ nhưng chúng tôi không nghĩ đoàn bệnh viện Hùng Vương lại mang nhiều quà đến cho bà con như vậy
Thầy Bình, hiệu trưởng trường PTCS xã Ba Xa xúc động:
- Các anh chị lên đây, mang quà cho các em học sinh như thế này thật có ý nghĩa nhiều lắm, vừa giúp gia đình các em đỡ khó khăn, vừa giúp chúng tôi động viên các em cố gắng học tập. 300 suất quà của các anh chị mang đến tôi chia đều cho tất cả 3 trường mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 tại xã, trường nào cũng có, bản nào cũng có học sinh được nhận quà, cám ơn các anh chị nhiều lắm.
Nhìn sân trường bỗng trở nên nhộn nhịp dù
là sáng Chủ nhật, trời lại mưa lâm râm với hàng ngàn đồng bào từ các bản ra, vừa
khám bệnh vừa nhận quà, ồn ào tiếng cười, tiếng nói lẫn tiếng loa gọi, những
bóng áo chữ thập đỏ thoăn thoắt qua lại giữa khu khám bệnh và khu phát quà, những
người làm công tác tổ chức đoàn như chúng tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng,
thật ấm áp. Gánh nặng của gần 2 tháng trời chuẩn bị cùng 1 ngày 1 đêm ngồi trên
xe được trút bỏ. Cám ơn ông Trời. Cám ơn những tấm lòng nhân ái đã cùng chúng
tôi có được một ngày cùng chia sẻ hạnh phúc và niềm vui với đồng bào như thế
này.
*
Từ năm 2007, năm nào bệnh viện Hùng Vương cũng tổ chức 1 chuyến CTXH trọng tâm dành cho khu vực miền Trung - Tây nguyên, nếu năm 2007 với chuyến đầu tiên vào huyện Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng, anh Vũ Văn Hùng đã phải thốt lên:
- Tôi ở Hùng Vương hai chục năm nay, chưa bao giờ bệnh viện mình đi cứu trợ lại có nhiều hàng như thế này.
Năm đó, hàng mang lên cho đồng bào khoảng 5 tấn. Năm 2010, chuyến đi cho 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đạt kỷ lục khi mang đi tới 17 tấn; chuyến đi kinh hoàng vì phải chạy đua thời gian bởi triển khai hoạt động ở 6 xã thuộc 3 huyện tại 2 tỉnh trong vòng 3 ngày với 13 tấn gạo phải “tăng bo” bằng sức người và kỷ niệm không thể nào quên khi một nhóm “sợ teo” vì phải ngồi giữa đêm trên sân trụ sở UBND xã Gio Châu huyện Gio Linh để giữ hàng, đợi xe đón (trong đó có cả bs Vĩnh Quân - Phó Giám đốc); sau chuyến đi này, danh sách “thành viên yêu thích” bị hụt mất mấy anh vì “khiếp”! Chuyến nào cũng nhiều khó khăn, đầy thách thức nhưng đều ngập tràn niềm vui và hạnh phúc.
Tuy nhiên, chưa năm nào lại nhiều khó khăn như năm nay, từ việc vận động tài trợ phương tiện đi lại, huy động nhân lực đến kêu gọi ủng hộ, tưởng như không thể tổ chức được chuyến đi bởi khó khăn dồn dập đến, vượt qua tất cả mọi dự tính ban đầu.
- Nói thật với chị, nếu chỉ là công việc với các chị thì tôi đã làm văn bản xin lỗi khất lại chuyến này, nhưng đã hứa với đồng bào thì phải làm, giá nào cũng làm. Không chỉ vì uy tín của bệnh viện Hùng Vương mà còn là uy tín của tỉnh, của chính quyền với đồng bào nữa. Không bao giờ chúng tôi thất hứa với đồng bào dân tộc, đó là nguyên tắc. - Chị Thư, Phó Chủ tịch kiêm trưởng ban Sức khỏe Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi cũng trầm giọng khi nghe tôi tâm sự:
- Chúng tôi biết đoàn mình từ thành phố ra, đi cả ngàn cây số mang quà vào tận nơi cho đồng bào mà không kịp nghỉ ngơi là đoàn mình nhiệt tình lắm, phải thương đồng bào thật lòng mới làm được như vậy, chúng tôi cảm ơn các anh chị mình nhiều lắm.
Thật ra, để cuối cùng cũng có được gần 7 tấn hàng hóa, thuốc men và để thực hiện được chuyến đi này, chúng tôi phải mang ơn rất nhiều người, những người đã rộng lòng chia sẻ khó khăn với người dân nơi xa xôi này. Như công ty Mai Linh đang trong những ngày khó khăn nhất về tài chính vẫn quyết định hỗ trợ đoàn 1 chuyến xe như thông lệ trị giá 26 triệu đồng; bác sĩ Hồ Viết Thắng trong buổi sáng cuối cùng khi đoàn chuẩn bị lên đường đã ủng hộ 12 triệu đồng mua thêm 1 tấn gạo mang ra cho đồng bào khi biết đoàn bị “kẹt” do nhà tài trợ không chuyển hàng như đã hứa; chị Thúy Vân, “xếp bà” bên công ty Vinasun cũng ủng hộ đoàn 12 triệu tiền mua 1 tấn gạo cho học sinh Ba Xa, bù cho việc công ty khó khăn không giúp đòan được như mọi năm; kỹ sư Tam Anh năm nay bận không tham gia được thì “thủ thỉ” với bà xã trích lương mua 500kg gạo ủng hộ; chị Mỹ Hạnh (phòng Mổ), chị Lang (phòng Tổ chức), chị Thơ, chị Liễu (văn phòng Hội), bác sĩ Thanh Thảo (Thảo 6) cố gắng “móc nối”, “lôi kéo” khắp nơi mỗi người cũng vận động được hàng chục triệu đồng,… còn hàng trăm anh chị hội viên khác, người nhiều, người ít từ 10.000 đồng tới 2 triệu, 3 triệu đồng giúp cho chuyến đi, có nhiều người đưa tới 2 lần, 3 lần, mỗi lần vài trăm ngàn. Nói riêng ra, chuyện vận động ủng hộ cũng vẫn còn có những “nốt nhạc kém vui” nhưng trên hết là kết quả cuối cùng: những lời hứa đều đã được hoàn thành.
**
Tối
thứ Sáu 04/01/2013, xuất phát trễ mất 15 phút do Mộng Huyền từ chỗ làm ngoài
giờ chạy đến tập trung chậm, xém chút nữa bị bỏ lại, cả đoàn được bác sĩ Huỳnh
Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc thay mặt Đảng ủy-Ban Giám đốc đến động viên và tặng
quà trước lúc lên đường (quà là 1 chiếc khăn rằn đa tác dụng, như giới thiệu là
có thể “quấn được nhiều nơi, che được nhiều chỗ”). Đoàn xe 3 chiếc, 2 xe 45 chỗ
và 1 xe tải, kè nhau chạy suốt đêm, cả ngày hôm sau. Theo lịch trình dự kiến
thì khoảng 12g đoàn sẽ tập kết tại thị trấn huyện Ba Tơ như tốc độ bình quân
như các năm trước là 45 - 50km/giờ, nhưng năm nay quốc lộ 1 đoạn miền Trung xấu
quá lại bị hạn chế tốc độ nên chạy hoài, chạy hoài mà không đến, tới mức nhiều
thành viên đói bụng đòi mang “ông Hùng” ra xử vì tội “lừa gạt”. Cơ khổ, “ông
Hùng” cũng chịu trận chung chứ có chạy trước được đâu. Cuối cùng thì khi 10 lít
rượu trên xe Mai Linh còn lại 2 phần thì hết địa phận Mộ Đức, vào Đức Phổ, ngã
3 Thạch Trụ cũng hiện ra. Sắp sung sướng rồi.
5
giờ chiều, đường vào Ba Tơ càng đi càng vắng, đây là nhánh nối lên đường Hồ Chí
Minh nên đang có đoạn mở rộng, đất đỏ, sình, những ống cống rải rác, vài cây
cầu tạm. Trời sang tối thật nhanh. Hưng phấn dần chuyển qua hồi hộp khi tới những chỗ lơ xe phải nhảy
xuống dò đường cho xe chạy, vì 2 xe lớn gầm thấp, còn xe tải lặc lè cõng gần
4,5 tấn hàng cũng ì ạch do vượt tải tới 220%!
Mất hơn 1 giờ vượt qua 30km mới vào tới huyện, trời bắt đầu lất phất mưa. Địa phương còn mỗi anh Hải, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, chờ từ trưa còn ở lại, các anh lãnh đạo khác chờ lâu quá nên đã về trước. Ăn tối không còn ngon nữa vì cũng mệt và đồ ăn đã nguội. Chia 2 xe đi 2 nơi để nghỉ vì cả thị trấn không có chỗ nào đủ chỗ cho 6 chục con người nghỉ, chỗ ăn thì có duy nhất 1 chỗ, không có lựa chọn khác. Nhưng không sao, cảnh này quen rồi.
Biết đi đâu khi đồng hồ mới chỉ 9 giờ? Đường đêm phố núi như rộng thêm dưới mưa phùn vì áp thấp đang ảnh hưởng vào khu vực miền Trung, lâu thật lâu mới có 1 chiếc xe chạy qua. Vắng hơn Sài Gòn lúc 2 giờ sáng. Kéo nhau vào quán cà phê cạnh UBND huyện, bà chủ quán mặc cả khi thấy nhóm tới 14 người kéo vào:
- Uống cà phê nửa tiếng thôi nha! Trời đất, từ khi biết bỏ sữa uống cà phê tới giờ mới thấy có nơi uống cà phê theo giờ như ở đây. Đành chịu vì không lẽ về ngủ. Làm gì còn lựa chọn khác ngoại trừ đổ cà phê vào bịch mang về phòng.
Đường vào Ba Xa còn hơn 3 chục km, nếu không tính đến chuyện đường càng ngày càng nhỏ, tới trung tâm xã con đường xi măng chỉ còn vừa chiếc xe, thì cung đường này khá thú vị, ruộng bậc thang như ở đường lên đỉnh Lũng Cú nhưng không đẹp bằng, ẩn hiện 2 bên con đường liên xã vòng vèo lên xuống là những mái nhà mồ của đồng bào rải rác. Ba Tơ là vùng lõm, đã giải phóng từ năm 1972, là căn cứ của đội du kích Ba Tơ nổi tiếng từ thời chống Pháp, tuy còn nghèo nhưng được đầu tư “điện, đường, trường, trạm” khá đầy đủ. 7 giờ sáng, mưa bay ngập sân trường PTCS, nơi chọn làm điểm khám. Sao không thấy ai vậy ta? Cũng có mấy thầy giáo. Việc ai nấy làm. Xe tải chạy vào sân để xuống hàng còn xe lớn đậu ngoài rào, hàng được kết dây và xếp lên xe đẩy vào. Buổi sáng sớm sợ bị mưa nên đã trang bị cho mỗi người một áo mỏng, giờ thấy được việc. Chừng 30 phút thì công đoạn chuẩn bị tạm xong để có thể bắt đầu, chừng đó thời gian cũng đủ cho các em học sinh và bà con từ chỗ nào đó quanh trường tập trung vào sân. Không làm lễ thì tội cho mấy em nhà đài vác máy quay phim ngồi hóng chuyện nên đành tập trung để “tuyên bố lý do” chút xíu.
Việc tại Ba Xa tạm ổn nhưng chuyện đi Sơn Hà thì lại không ổn. Muốn mang lên cho các em học sinh tại trường Dân tộc nội trú của huyện Sơn Hà một chút quà gồm mùng, mền, quần áo, mì gói, đường,.. để động viên các em nhưng nếu lấy xe lớn đi thì e rằng bị chậm vì đi vào Sơn Hà rồi đi ra mất hơn 100km nữa. Quyết định thuê xe nhỏ lên thì cả 2 huyện đều không có xe cho thuê. Mượn xe UBND huyện cũng không xong vì ngày Chủ nhật, đột xuất không điều xe được. Tạm thua.
Cô Gió, phụ trách Thanh niên tại trường Sơn Hà ỉu xìu:
- Đoàn anh để hàng ở Ba Xa rồi em xuống nhận sau cho các em vậy.
Ý kiến rất hợp lý vào thời điểm này, nhưng nghĩ cảnh các em đã chờ đợi từ sáng, thậm chí các thầy cô còn dặn phải ăn mặc tươm tất một chút để đón đoàn từ thành phố lên thăm, phải thất vọng thì thật không đành lòng. Quyết định dùng xe tải mang hàng vào. Bs Khoe, Thường vụ Đảng ủy xung phong đi thay cho chị Lý Mới, Thường vụ Công đoàn vì đi xe tải sẽ vất vả hơn, thật sự thì lượt đi có hàng còn đỡ chứ lượt về xe không nên những người ngồi trong thùng xe cứ xoay như trong cối gạo vậy. Tội nghiệp các anh chị từ thành phố Quảng Ngãi vào cứ ái ngại:
- Các anh chu đáo quá, khó khăn vậy mà vẫn quyết tâm vào Sơn Hà được.
Biết sao đây, bởi Sơn Hà còn khó khăn hơn
Ba Tơ nên mới quyết tâm lên cho được. Đó là cái tình, là bổn phận, là trách
nhiệm của đoàn khi nhận ủy thác từ những tấm lòng đã gửi gắm từ Sài Gòn, phải
mang tới tận tay các em, phải thấy và chia sẻ với các em những khó khăn và chia
sẻ với các em những niềm vui, hạnh phúc, cho dù là ít ỏi.
***
Hàng từ 3 xe dỡ xuống chất đầy một góc phòng học và cả một đoạn hành lang. 3 phòng học được trưng dụng làm nơi khám bệnh đầy cứng người. Không ai trong số những lãnh đạo địa phương tin rằng công việc khám bệnh, tặng quà cho 700 người dân và trao 300 suất quà Tết cho học sinh lại có thể thực hiện xong trong buổi sáng như kế hoạch của đoàn. Tập trung toàn bộ nhân lực để triển khai 1 khu tặng quà Tết, 1 khu cấp thuốc tặng quà, 2 khu vực khám bệnh gồm 8 bàn khám với từng người phụ trách hướng dẫn riêng cho kịp thời gian theo dự kiến. Bản thân vừa phải điều hành chung nhân lực của đoàn, điều hành luôn nhân lực hỗ trợ của địa phương, vừa ngồi siêu âm vừa kéo bàn khám tổng quát trong khi chờ đợi. Mọi người lao vào công việc theo đúng phân công. Khẩn trương và chuyên nghiệp!
Thật ra khó khăn nhất là ở chỗ người dân không biết tiếng phổ thông nhiều, trẻ em và thanh niên còn nghe hiểu và khai bệnh được, chừng 40 tuổi trở lên đa số phải nhờ cán bộ địa phương hỗ trợ cùng với học cấp tốc những câu đơn giản và sử dụng cả “to quơ” hỗ trợ. Người dân H’re hiền lắm, cười hoài. Hỏi: Đau đâu? Cười. Vỗ vào lưng hỏi: Đau không? Gật đầu, cười tiếp. Hỏi: Sanh năm nào? Lắc đầu, cười. Bao nhiêu tuổi? Cười. Con lớn bao nhiêu tuổi? Hai mươi. Con hai mươi thì bố bốn mươi? Gật đầu, lại cười tiếp. Bên phòng khám phụ khoa cũng lao xao: Vào cho họ xem đi rồi mới có quà! Ơi Trời. Đi khám bệnh mà làm như đi diễn có thưởng vậy. Cũng không sao: Vào đi, bác sĩ xem một cái rồi ra lãnh thuốc, lãnh quà luôn!!!!!! Vậy là túm váy đi vào!
Gần 1 giờ chiều. Mọi việc hoàn tất. Kết quả có 499 lượt người đã khám tổng quát và chữa răng, 201 chị em khám sản phụ khoa. Vừa đủ 700 người ra khám và đủ 700 phần quà. 295 suất quà Tết cũng được trao, còn 5 suất theo danh sách nhưng ở xa chưa tới nhận, nhờ các thầy trao giúp sau. Đoàn tỉnh Hội phục lăn:
- Các anh làm hay quá, khám cho 700 người mà không ai thắc mắc gì. Phát cả ngàn phần qùa mà cũng không bị sai hay thiếu hụt phần nào cả.
****
Chia tay Quảng Ngãi, lại một hành trình
900km trở lại thành phố, trở lại với công việc thường ngày. Cũng có mệt mỏi đôi
chút nhưng cả đoàn đều phấn khởi bởi ít nhất cũng đã giúp cho trên một ngàn gia
đình đồng bào vùng sâu trong những ngày đầu tiên của năm mới 2013 có thêm được
niềm vui, bớt đi được chút ít khó khăn. Trên 330 triệu đồng tiền quà mang đến
với đồng bào tuy không phải lớn nhưng cũng không hề nhỏ bởi đó không chỉ là tấm
lòng của những cán bộ, hội viên đến từ bệnh viện Hùng Vương mà còn là sự quan
tâm, hỗ trợ của chính quyền, của Nhà nước dành cho đồng bào.
Một hành trình nhân ái đã hoàn tất, như một cánh én từ thành phố mang tên Bác mang một chút xuân đến với đồng bào, sẽ cùng những cánh én khác mang mùa xuân đến với mảnh đất cao nguyên này, góp nên mùa Xuân cho Ba Xa.
Bài viết khác
- Bệnh viện Hùng Vương cùng Cụm Thi đua 1 – Công đoàn ngành Y tế Tp. Hồ Chí Minh tham gia chương trình giao lưu “Bếp ăn chiến sĩ” (23-12-2024)
- Hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và kỷ niệm 63 năm ngày Dân số Việt Nam 26/12 (23-12-2024)
- Hội thảo “Sẵn sàng làm mẹ” – Nơi bắt đầu hành trình yêu thương (23-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam (23-12-2024)
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)