NGHÉN KHI MANG THAI
Hỏi: Tôi bị nghén nên lúc nào cũng có cảm giác buồn nôn. Vừa ăn gì vào là tôi nôn ra hết. Có khi chỉ thoáng ngửi thấy mùi dầu mỡ chiên rán hay mùi thuốc lá, tôi lại nôn thốc nôn tháo. Tôi rất lo lắng vì tôi chẳng hấp thụ được chất dinh dưỡng gì để nuôi thai nhi.
Đáp: Nghén là một điều hoàn toàn bình thường ở phụ nữ khi có thai, khoảng 80% phụ nữ mang thai có tình trạng "ốm nghén" với các mức độ khác nhau. Người ta cho rằng nghén là hiện tượng phản ứng của cơ thể đối với nội tiết tố thai kỳ, khi nội tiết tố tăng sẽ làm nôn ói tăng. Nội tiết tố đạt đến đỉnh vào khoảng tuần thứ 8-9 của thai kỳ sau đó giảm dần và đến 14-16 tuần thì chấm dứt.
Tuy nhiên cũng có khoảng 20% thai phụ tình trạng nôn ói vẫn diễn ra và kéo dài suốt thai kỳ. Điều này được giải thích là do quá nhạy cảm với nội tiết tố của thai kỳ. Ngoài ra nghén còn do yếu tố tinh thần, gia đình và xã hội tác động. Sự lo lắng cho cuộc sống thường ngày cũng làm gia tăng hiện tượng nghén.
Hiện tượng nghén rất hiếm khi kéo dài dài suốt thời kỳ mang thai. Thông thường, nghén chỉ diễn ra từ 1 đến 2 tháng đầu thai kỳ. Sau đó, thai phụ sẽ ăn uống bình thường trở lại, thậm chí có xu hướng ăn nhiều hơn những người khác để có đủ chất cho mẹ và con. Do đó, sức khoẻ thai nhi hầu như không bị ảnh hưởng gì đáng kể. Cả thai phụ và gia đình không nên quá lo lắng, làm ảnh hưởng đến tinh thần của mẹ và bé.
Tuy nhiên, khi bị nghén nhiều, người mẹ hầu như nôn hết tất cả các thực ăn, uống dung nạp vào cơ thể, không giữ lại được gì dẫn đến mất nước, thiếu chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của mẹ và bé. Lúc này, thai phụ rất cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa để tránh tình trạng sút cân nhiều ở mẹ và suy dinh dưỡng ở thai nhi.
Hỏi: Tôi thấy những bà bầu khác khi nghén thì bị nôn ói nhưng tôi lại chỉ thấy buồn ngủ và thèm ngọt. Tôi có bị nghén hay bị một hiện tượng gì khác? Có phải tôi sẽ sinh con trai?
Đáp: Ngoài hiện tượng nôn ói, nghén còn có nhiều biểu hiện khác nhau như: đau đầu, buồn ngủ, thèm ngọt, thèm chua, thèm cay, thèm ăn lá cây, có người lại thích mùi phân gà... Mọi người thường cho rằng, nghén thèm chua báo hiệu sinh con gái, thèm ngọt sinh con trai, tuy nhiên điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Hỏi: Tôi bị nghén nên không ăn được thịt, cá, không uống sữa được. Liệu có thuốc gì để thay thế hay không? Có phải có thai lần sau sẽ bớt nghén hơn lần đầu?
Đáp: Phụ nữ mang thai thường được bác sĩ cho uống thêm sắt, can-xi, vitamin tổng hợp để bổ sung những chất dễ bị thiếu hụt khi mang thai, nhất là giai đoạn bị nghén. Tuy nhiên, thai phụ vẫn phải xác định thức ăn vẫn là nguồn dưỡng chất chính cho cơ thể, không thể thay thế bằng thuốc. Do đó, hãy cố gắng ăn được chút gì hay chút ấy.
Theo dân gian, khi mang thai lần hai, cơ thể mẹ đã quen với sự có mặt của “vật thể lạ” nên sẽ không hiện tượng nghén sẽ không nghiêm trọng như lần đầu. Điều này không chính xác. Bởi vì cơ thể mẹ phản ứng khác nhau với những tác động của thai trong những lần mang thai khác nhau.
Hỏi: Tôi nghe mọi người nói bà bầu chỉ bị nghén đến tháng thứ 3 của thai kỳ. Thế nhưng tôi đã có thai đến tháng thứ 4 rồi mà vẫn bị nghén. Tôi rất lo lắng.
Đáp: Hiện tượng nghén thường bắt đầu từ thàng thứ hai của thai kỳ và giảm dần ở tháng thứ 4, chậm nhất là tháng thứ 5. Nếu sau tháng thứ 5 mà mẹ vẫn bị nghén thì cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra tình trạng sức khoẻ để phòng tránh một số bệnh nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, nhất là hiện tượng nhiễm độc thai nghén, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của thai phụ.
Trong thực tế, tình trạng nghén thường giảm đáng kể sau tuần thứ 12, tuy nhiên khoảng 20% thai kỳ vẫn duy trì tình trạng này cho tới tháng cuối cùng do sự phản ứng quá mức của cơ thể mẹ trước nội tiết tố thai kỳ. Những trường hợp này cần có sự tư vấn và kiểm tra của bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm những nguyên nhân bệnh lý gây ra tình trạng này. Như vậy, các bà mẹ cần xác định nghén là chuyện bình thường, không có gì đáng sợ. Phụ nữ có thai là một hạnh phúc lớn và nên làm mọi việc cần thiết cho sức khoẻ của người mẹ và thai nhi.
Hỏi: Có cách nào để không bị nghén, nhất là không có cảm giác buồn nôn khi mang thai không?
Đáp: Không có cách nào để giảm hẳn tình trạng nghén. Tuy nhiên, thai phụ có thể hạn chế phần nào cảm giác nôn ói với các lời khuyên sau đây:
- Khi bị nghén, cơ thể bà mẹ sẽ vô cùng mệt mỏi, chán ăn, thậm chí bị ám ảnh khi nghĩ đến cảm giác phải nôn ra nhưng bà mẹ cần cố gắng ăn uống để thai nhi có chất dinh dưỡng nuôi bào thai.
Bà mẹ không nên để bụng quá đói, quá no hoặc uống nước trong khi ăn để hạn chế cảm giác buồn nôn. Nên ăn từng chút một và chia làm nhiều bữa, tốt nhất là từ 5 đến 6 bữa mỗi ngày.
Những thức ăn tốt nhất là ở dạng lỏng, dễ hấp thụ, hoặc trái cây; tránh những thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị (hành, tỏi, tiêu, ớt...) và có mùi lạ ; uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi lúc nôn.
Khi có cảm giác nôn nao thì bà bầu nên ngậm gừng tươi, kẹo gừng hoặc nhấm nháp một miếng bánh quy, bánh mì.
- Thai phụ cần tạo cho mình một tinh thần thoải mái, sảng khoái mỗi ngày. Hãy nghĩ đến con sinh ra khoẻ mạnh và xinh xắn để tạo niềm tin cho mình. Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ từ 8 -10 tiếng mỗi ngày, tránh làm việc quá sức, đi dạo thường xuyên để thư giãn đầu óc và giúp vận động cơ thể.
- Một số loại thuốc có thể giúp thai phụ giảm nghén nhưng trước khi uống cần hỏi ý kiến của bác sĩ sản khoa.
- Nếu cảm thấy sức khoẻ quá suy kiệt vì nghén nhiều thì cần đến bác sĩ ngay. Tình trạng này sẽ được giải quyết bằng cách cho uống thuốc, truyền dịch, truyền chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch...
Theo Tiếp thị Gia đình
Bài viết khác
- Hướng dẫn dự tuyển & Tải mẫu (08-11-2022)
- Quyền lợi & Điều kiện chung (10-05-2023)
- Tuyển dụng Bác sĩ (Hạng III) - Sản Phụ khoa (10-05-2023)
- Tuyển dụng Bác sĩ (Hạng III) – Nhi khoa (10-05-2023)
- Tuyển dụng Bác sĩ (Hạng III) – Nam khoa (10-07-2024)