Nghị quyết liên tịch Chữ Thập đỏ-Y tế giai đoạn 2011-2020 - Bệnh viện Hùng Vương

Nghị quyết liên tịch Chữ Thập đỏ-Y tế giai đoạn 2011-2020 - Bệnh viện Hùng Vương

Nghị quyết liên tịch Chữ Thập đỏ-Y tế giai đoạn 2011-2020 - Bệnh viện Hùng Vương

Nghị quyết liên tịch Chữ Thập đỏ-Y tế giai đoạn 2011-2020 - Bệnh viện Hùng Vương

Nghị quyết liên tịch Chữ Thập đỏ-Y tế giai đoạn 2011-2020 - Bệnh viện Hùng Vương
Nghị quyết liên tịch Chữ Thập đỏ-Y tế giai đoạn 2011-2020 - Bệnh viện Hùng Vương

Nghị quyết liên tịch Chữ Thập đỏ-Y tế giai đoạn 2011-2020

NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH GIỮA SỞ Y TẾ VÀ HỘI CHỮ THẬP ĐỎ (GIAI ĐOẠN 2011 - 2020)

 

        ỦY BAN NHÂN DÂN                                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

   THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                                               Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

SỞ Y TẾ - HỘI CHỮ THẬP ĐỎ                                                       

Số: 1464/NQLT-SYT-HCTĐ                             TP. Hồ Chí Minh, ngày 25  tháng 3  năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH

Về việc phối hợp thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc

và nâng cao sức khỏe nhân dân

Giai đoạn 2011 - 2020

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/1999/NQLT-BYT-CTĐ ngày 05 tháng 8 năm 1999 và nghị quyết sửa đổi bổ sung số 01/2003/NQLT-BYT-CTĐ ngày 03 tháng 4 năm 2003 giữa Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về việc “Phối hợp thực hiện các định hướng chiến lược về chăm sóc sức khỏe nhân dân từ nay đến 2000 và 2020”, một số hoạt động phối hợp trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được triển khai và đạt kết quả tốt như công tác tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh, chăm lo bữa ăn cho bệnh nhân nghèo, khám chữa bệnh nhân đạo, sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng. Hiện nay, nhu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, đòi hỏi Ngành Y tế thành phố cũng như Hội Chữ thập đỏ thành phố cần tăng cường phối hợp hơn nữa trong giai đoạn từ 2011 đến 2020.

Để phát huy những kết quả đã đạt được trong 10 năm phối hợp thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới theo Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, Chỉ thị 43-CT/TW ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006, Luật Hoạt động Chữ thập đỏ năm 2008, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03/NQLT-BYT-HCTĐ của Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh và Hội Chữ thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh thống nhất ban hành Nghị quyết liên tịch về việc phối hợp thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

Tăng cường phối hợp giữa Sở Y tế và Hội Chữ thập đỏ thành phố Hồ Chí Minh, giữa các cấp Y tế và Hội Chữ thập đỏ, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục sức khỏe

1.1. Ngành Y tế

a) Hướng dẫn, cung cấp tài liệu truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí (nếu có) từ các chương trình y tế quốc gia, các dự án quốc tế cho Hội Chữ thập đỏ các cấp phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng.

b) Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, tham quan, trao đổi kinh nghiệm về truyền thông giáo dục sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương cho cán bộ Y tế và Chữ thập đỏ xã/phường, cộng tác viên y tế và tình nguyện viên Chữ thập đỏ.

c) Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp trong các chiến dịch truyền thông phòng, chống các dịch bệnh, tuần lễ quốc gia an toàn lao động và phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, Ngày môi trường thế giới…

1.2. Hội Chữ thập đỏ  

a) Phát triển mạng lưới tình nguyện viên Chữ thập đỏ; huấn luyện, đào tạo và thường xuyên nâng cao năng lực cho các tình nguyện viên về kiến thức, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe.

b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua mạng lưới tình nguyện viên Chữ thập đỏ.

c) Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ gương mẫu thực hiện và vận động người dân tại cộng đồng tham gia bảo hiểm y tế, các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng, phòng chống bệnh truyền nhiễm, phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tham gia các nội dung trong chương trình bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Ngành Y tế thành phố chủ trì.

2. Công tác sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng

2.1. Ngành Y tế

a) Cung cấp tài liệu, chia sẻ thông tin về sơ cấp cứu; phối hợp tổ chức và cử cán bộ y tế tham gia giảng dạy các khóa huấn luyện, bồi dưỡng về sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng do Hội Chữ thập đỏ tổ chức.

b) Hướng dẫn, hỗ trợ trang thiết bị y tế và chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cho các trạm, chốt, điểm sơ cấp cứu, đặc biệt là các trạm cấp cứu trên các tuyến đường giao thông chính, khu vực biển, đảo, vùng sâu và vùng xa.

c) Phối hợp triển khai các điểm sơ cấp cứu tại trạm y tế xã, phường, các cơ sở y tế, các phòng khám Chữ thập đỏ và phòng khám tư nhân.

2.2. Hội Chữ thập đỏ

a) Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng và cấp giấy chứng nhận đã tham gia khóa đào tạo cho cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các tổ chức, cá nhân khác khi có yêu cầu.

b) Củng cố, nâng cấp, thành lập các trạm, chốt, điểm sơ cấp cứu và các đội taxi, đội xe ôm an toàn nhằm sơ cấp cứu tại chỗ và kịp thời vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.

3. Vận động hiến máu nhân đạo

3.1. Ngành Y tế

a) Chia sẻ thông tin, thống nhất với Hội Chữ thập đỏ về nhu cầu, kế hoạch thu gom và sử dụng máu, chế phẩm máu.

b) Hướng dẫn và hỗ trợ các Trung tâm hiến máu nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật tiếp nhận, bảo quản máu và chế phẩm máu.

c) Phối hợp, tham gia hoạt động tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo, tiếp nhận máu tại các điểm hiến máu cố định, lưu động và  Trung tâm hiến máu nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ. 

3.2. Hội Chữ thập đỏ

a) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, thanh niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện nhằm đảm bảo đủ máu phục vụ cứu chữa người bệnh và dự phòng thảm họa. Phấn đấu đến năm 2015 đạt và duy trì tỷ lệ 100% máu sử dụng từ nguồn hiến máu tình nguyện.

b) Tổ chức các khoá tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện cho cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và nhân dân.

c) Phối hợp tổ chức các điểm hiến máu nhân đạo cố định và lưu động; phát triển, củng cố, nâng cấp Trung tâm hiến máu nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ theo quy định trong Luật Hoạt động Chữ thập đỏ.

d) Phối hợp Ngành Y tế xây dựng cơ chế, chính sách đối với công tác hiến máu tình nguyện; tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện.

4. Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác

4.1. Ngành Y tế

a) Hướng dẫn, cung cấp tài liệu truyền thông về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác.

b) Xây dựng cơ chế, chính sách về hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác.

c) Chịu trách nhiệm thu nhận mô, bộ phận cơ thể người và xác được hiến. 

d) Hỗ trợ kinh phí tuyên truyền và chi kinh phí vận động theo đơn vị mô, bộ phận cơ thể người và xác được hiến mà Hội Chữ thập đỏ tuyên truyền vận động được.

4.2. Hội Chữ thập đỏ

a) Tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, thanh niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và nhân dân đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác khi qua đời.

b) Thông báo và phối hợp Ngành Y tế trong việc tiếp nhận mô, bộ phận cơ thể người và xác hiến, tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến và gia đình họ.

c) Phối hợp Ngành Y tế xây dựng cơ chế, chính sách đối với công tác hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân, gia đình và tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác tình nguyện.

5. Hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo

5.1. Ngành Y tế

a) Hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, phương tiện vận chuyển, thuốc và thiết bị y tế, đào tạo, huấn luyện cán bộ tùy theo khả năng của đơn vị.

b) Cử cán bộ y tế tham gia các đợt khám chữa bệnh nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ tổ chức. Phối hợp các Phòng khám Chữ thập đỏ để khám, phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

5.2. Hội Chữ thập đỏ

a) Triển khai, củng cố, nâng cấp các phòng khám Chữ thập đỏ, tiến tới thành lập Bệnh viện khám, chữa bệnh nhân đạo, vận động các thầy thuốc tham gia khám, chữa bệnh tình nguyện cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân khi có nhu cầu theo đúng quy định của pháp luật.

b) Thành lập các Đoàn thầy thuốc tình nguyện Chữ thập đỏ, tổ chức các đợt khám chữa bệnh nhân đạo, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nạn nhân chất độc hóa học/dioxin, nhân dân vùng khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nơi xẩy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và những địa bàn khác khi có yêu cầu, theo đúng quy định của pháp luật.

6. Hoạt động về phòng chống thiên tai, thảm họa, y tế dự phòng, môi trường và an toàn thực phẩm

6.1. Ngành Y tế

a) Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp tài liệu tuyên truyền cho cộng đồng. Cung cấp các mẫu giếng nước, bể nước, nhà tiêu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

b) Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp trong công tác hỗ trợ nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa gây ra.

6.2. Hội Chữ thập đỏ

a) Vận động cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và nhân dân tham gia các hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A H5N1, cúm A H1N1, đại dịch cúm, HIV/AIDS.

b) Vận động nhân dân tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường; hướng dẫn nhân dân sử dụng và bảo quản nguồn nước sạch đúng cách, nhà tiêu phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; vận động nhân dân tham gia xây dựng cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Vận động để có nguồn lực trợ giúp hoạt động phòng chống dịch bệnh, cải thiện điều kiện vệ sinh, môi trường cho các gia đình nghèo, các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.

c) Vận động mọi nguồn lực giúp nhân dân di dời tránh lũ lụt, sạt lở đất, sập nhà cửa, hầm lò khi có thiên tai, thảm họa xảy ra và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau thiên tai, thảm họa.

7. Tổ chức bữa ăn tình thương vì bệnh nhân nghèo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

7.1. Ngành Y tế

a) Bố trí địa điểm, cơ sở vật chất để phối hợp tổ chức bếp ăn (nơi nấu, phân phát cơm, nơi ăn) cho bệnh nhân; giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm.

b) Phối hợp tổ chức các đợt quyên góp vận động kinh phí cho bếp ăn tình thương.

7.2. Hội Chữ thập đỏ

a) Thành lập, duy trì, mở rộng bếp ăn tình thương và nâng cao chất lượng bữa ăn vì người bệnh nghèo tại bệnh viện với nhiều hình thức như cung cấp nước uống, sữa, cháo, cơm miễn phí cho người bệnh nghèo.

b) Chủ động phối hợp Ngành Y tế các cấp thành lập Ban điều hành, quản lý bếp ăn tình thương tại các bệnh viện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế cử đại diện lãnh đạo tham gia Ban chỉ đạo của Thành Hội Chữ thập đỏ trong các hoạt động phối hợp. Sở Y tế hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ thành phố tham gia thực hiện những dự án liên quan đến các nội dung  hoạt động nêu trên.

2. Hội Chữ thập đỏ thành phố cử đại diện lãnh đạo của Hội tham gia các chương trình mục tiêu y tế quốc gia trên địa bàn có liên quan đến các nội dung hoạt động nêu trên.

3. Hai bên phối hợp triển khai các nội dung ký kết trong Nghị quyết liên tịch, có văn bản hướng dẫn theo ngành dọc, quyết định các biện pháp, tổ chức thực hiện theo phương châm hướng về cơ sở.

4. Hàng năm, hai bên thống nhất những nội dung tập trung phối hợp, chọn ưu tiên các hoạt động để chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm và áp dụng trên diện rộng; tổ chức sơ kết, tổng kết và bàn giải pháp phối hợp cho năm sau; thường xuyên thông báo cho nhau các chương trình, nội dung hoạt động mà hai bên cùng quan tâm.

5. Sở Y tế tham mưu cho UBND thành phố để các hoạt động phối hợp Chữ thập đỏ là một trong những chỉ tiêu bình xét thi đua cuối năm của các cơ sở y tế trên địa bàn. Ngành Y tế từ thành phố đến cơ sở hiệp y cử cán bộ tham gia Ban Chấp hành/Ban Thường vụ Hội cùng cấp; động viên, tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên y tế tham gia các hoạt động do Hội Chữ thập đỏ các cấp tổ chức.

6. Các cơ sở y tế các cấp từ thành phố đến Trạm Y tế xã, phường phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn Hội Chữ thập đỏ cơ sở triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng. Thành lập các chi Hội Chữ thập đỏ trong các đơn vị y tế.

7. Hằng năm Hội Chữ thập đỏ thành phố căn cứ nội dung Nghị quyết liên tịch để xây dựng chương trình phối hợp với ngành Y tế và coi đây là một trong những tiêu chí bình xét thi đua quan trọng của các cấp Hội.

8. Hội Chữ thập đỏ vận động các cơ sở y tế thành lập các chi Hội Chữ thập đỏ. Xây dựng mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe gồm các hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và cộng tác viên y tế cơ sở.

9. Phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế và Ban sức khỏe – Hội Chữ thập đỏ TP. HCM được giao làm đầu mối theo dõi việc thực hiện Nghị quyết liên tịch.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc hoặc các vấn đề phát sinh, lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ thành phố cùng trao đổi, thống nhất để bổ sung, sửa đổi kịp thời.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Nghị quyết liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Các Nghị quyết và các ký kết hiệp ước khác không phù hợp với nghị quyết này sẽ không còn hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết liên tịch này có hiệu lực thi hành.

                   CHỦ TỊCH                                                                             GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ

HỘI CHỮ THẬP ĐỎ THÀNH PHỐ

 

                   (Đã ký)                                                                                                    (Đã ký)

 

Nguyễn Thị Huệ                                                                               Phạm Việt Thanh

 

Nơi nhận:

- Bộ Y tế;

- TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;

- Thường trực Thành ủy;

- Thường trực HĐND, UBND TP;

- BGĐ Sở Y tế, Thường Trực Thành Hội CTĐ TP.

- Các Phòng, Ban - SYT;

- Các ban, đơn vị - Hội Chữ thập đỏ TP;

- Lưu: VP, NVY.

-Lưu: VP, Ban SK Hội CTĐ TP.

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác