21-05-2009
ĐĂK NÔNG, NHỚ…
CNSH. Lê Vũ Ngọc Duyên.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Câu ca dao này dường như đã đi sâu vào tâm trí chúng ta ngay từ những ngày còn cắp sách đến trường. Bài học là thế, nhưng bằng cách nào để thực hiện điều ấy….
Đúng như vậy, mỗi người chúng ta có một cách riêng. Chúng tôi cũng thế - đội ngũ y bác sĩ Hội Chữ Thập Đỏ bệnh viện Hùng Vương TP.HCM cùng với các mạnh thường quân, phật tử - đều cảm thấy rất vui vì mình đã vừa thực hiện được một việc tuy nhỏ nhưng mang đậm tình.
Chúng tôi đến với đồng bào huyện Krong Nô - một huyện vùng sâu của tỉnh Đak Nông - đến với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo, để làm công tác từ thiện. Phần lớn dân cư nơi đây là người dân tộc thiểu số, công việc của họ chỉ giản đơn tờ mờ sáng họ lên nương cặm cụi làm việc cho đến khi mặt trời khuất hẳn sau núi họ mới trở về nhà. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên họ nghèo và lam lũ lắm.
Nói về chuyến đi này, lịch trình của chúng tôi bị sụp đổ hoàn toàn khi việc đi lại vượt quá thời gian dự định khá nhiều. Đến điểm dừng chân đầu tiên khi mặt trời đã khuất hẳn sau núi, ai ai trong đoàn chúng tôi cũng ngỡ rằng người dân nơi đây đã ai về nhà nấy. Nhưng không, thật sự bất ngờ khi người dân nơi đây vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi. Họ thực sự mừng vui khi được chính chúng tôi tận tay trao cho họ những món quà nhỏ từ miền xuôi. Chúng tôi cảm nhận được điều này trên nét mặt họ, trong ánh mắt họ. Mọi người trong đoàn chúng tôi cảm động lắm, và điều đó dường như xoa tan đi nỗi mệt nhọc sau khi trải qua cả chặng đường dài từ TP.HCM đến đây.
Điểm dừng chân thứ hai, chúng tôi đến lúc trời đã rất tối, chỉ vội tắm, nghỉ vài tiếng đồng hồ để lấy sức cho buổi khám bệnh sáng hôm sau. Công việc bắt đầu từ rất sớm. Tôi, một thành viên trẻ trong đoàn, được phân công phụ trách phần việc trao thuốc cho bệnh nhân. Một công việc tưởng chừng như không khó khăn lắm. Đúng thế! Tôi cũng đã một vài lần phát thuốc cho bệnh nhân trong những chuyến khám từ thiện trước kia. Cũng thấy nhẹ nhàng, chỉ việc gọi tên, hướng dẫn cách dùng thuốc cho họ, thế là xong! Nhưng lần này công việc của tôi thật không dễ dàng chút nào. Khi mà tôi đã cố hết sức, gọi tên họ đến khản cả giọng nhưng chẳng ai đáp lại. Ban đầu, tôi cứ tưởng họ chờ lâu quá nên bỏ về nhà rồi, về với công việc nương rẫy của họ. Nhưng không, họ không về…. Lý do họ không hồi đáp với tôi quả thật rất thú vị, rằng tôi không thể phát âm chuẩn giống họ. (hì hì, thông cảm cho tôi, tôi chưa từng được học tiếng dân tộc). Nên có người đã đứng trước mặt tôi hàng tiếng đồng hồ, tôi đã đọc tên họ đến lần thứ 6, họ vẫn cứ im re đứng đó. Mãi đến khi tôi đề nghị họ cho xem phiếu khám bệnh tôi mới thực sự ngỡ ngàng. Khó khăn thứ hai mà tôi gặp phải đó là nơi đây còn khá nhiều người chưa từng được đến lớp, họ không biết đọc được tiếng quốc ngữ, nên tôi nghĩ rằng họ sẽ gặp nhiều khó khăn… trong việc đọc hướng dẫn ghi trong toa thuốc. Tôi chỉ có thể hướng dẫn họ dựa vào màu sắc, hình dạng thuốc, và chỉ biết hy vọng vào khả năng nhớ của họ mà thôi! Vất vả là thế, nhưng tôi vẫn thấy vui khi họ ngập ngừng nói lời cảm ơn với tôi hay chỉ là một cái mỉm cười từ họ….
Trở về thành phố HCM đã mấy ngày rồi, nhưng không chỉ riêng tôi mà mỗi thành viên trong chuyến đi ai ai cũng đều có những khoảnh khắc khó quên. Về những đoạn đường gập ghềnh, uốn lượn. Về những ngọn đồi nhấp nhô trên dọc đường đi. Về màn đêm nơi xóm núi. Về cảm giác được nhồi nhét như cá mồi rồi cảnh hò hét, lắc lư trong xe tải. Về cảm giác được làm những thanh niên xung phong giữa thời bình (chúng tôi không vận chuyển đạn, hay đá để làm đường cho xe chạy mà vận chuyển mì tôm, gạo, thuốc). Về không khí vui vẻ trên xe, không phân biệt già trẻ, tu hành hay không tu hành tất cả cùng hòa chung không khí vui vẻ khi tham gia văn nghệ. Về những cái ngoảnh đầu về phía đuôi xe mỗi khi thùng mì tôm rớt trúng đầu một ai đó. Riêng tôi, còn thêm một kỷ niệm đẹp về một người bạn đồng hành ngồi kế bên, cùng trò chuyện suốt cả lượt đi và lượt về….
Tuy nhiên, chuyến đi rất ý nghĩa này cũng có ít nhiều những điều chưa được trọn vẹn. Đầu tiên, đó là cảm giác hẫng hụt trước thái độ của một vài thanh niên địa phương, khi xe 45 chỗ phải dừng lại giữa đường vì không thể đi tiếp và toàn bộ khoảng 4 tấn hàng hóa phải chuyển sang xe khác, khi nhiều người dân trong những căn nhà ven đường nhanh chóng tự xắn tay cùng tham gia chuyển hàng hóa đồ dùng cùng chúng tôi thì những người rất khỏe mạnh này lại chỉ đứng nhìn, dửng dưng, vô tâm, vô tình trước lời đề nghị giúp sức cho một việc làm có ý nghĩa đến thế, đậm tình đến thế. Phải chăng trong suy nghĩ của những thanh niên này, những món quà mà chúng tôi đang mang đến đây chỉ là mang đến niềm vui, mang một chút hạnh phúc đến cho một nơi nào đó, một nhóm người nào đó, chứ không phải là cho bản thân họ chăng? Và họ không tham gia là vì như vậy? Thứ nữa là việc tổ chức chuyến đi chưa được tốt lắm, công tác tiền trạm có lẽ chưa sát thực tế, nên đã có nhiều trở ngại phát sinh trên đường đi, là lý do chính khiến kế hoạch được dự kiến trước đó bị đổ vỡ, chúng tôi phải chạy đua cùng thời gian, cả đoàn đã mệt nhoài lúc về trở lại thành phố vào sáng sớm thứ hai khi chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là thời gian bắt đầu công việc của một tuần mới sẽ lại bắt đầu. Còn cả chuyện nhiều cán bộ từ tỉnh, từ huyện luôn đi theo sát hỗ trợ cho đoàn thì một số cán bộ ngay tại xã lại thiếu nhiệt tình hay cũng có những chuyện không thể không buồn khi có thành viên trong đoàn bị mất tài sản cá nhân,… Tất nhiên” Nhân vô thập toàn”, không phải tôi muốn đòi hỏi một điều gì đó phải thật hoàn hảo ở đây, chỉ mong rằng trong những chuyến đi sau sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Dù chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi, dù có trở ngại khó khăn, nhưng chúng tôi đã nỗ lực hết sức để khắc phục, để hoàn thành công việc. Vì mục tiêu chung của chuyến đi từ thiện này, ngoài những món quà, những đóng góp công sức của đội ngũ y bác sĩ cùng các thành viên tham gia chuyến đi, chúng tôi muốn mang đến đồng bào nơi đây chút tình của người miền xuôi,
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Mong rằng người dân nơi đây sẽ nhớ mãi về chúng tôi. Và chúng tôi cũng thế, những con người ấy đã để lại cho chúng tôi một ký ức đẹp,
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Tôi muốn được mượn câu ca dao ấy để thay cho lời kết, như một lời nhắn nhủ nào đó đến mỗi con người chúng ta.
Bài viết này, tôi viết với cảm nhận của một người lần đầu đến với Tây Nguyên, rời Tây nguyên nhưng trong tôi vẫn còn nhiều lưu luyến về vùng đất hùng vĩ này.
20/5/2009
Bài viết khác
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân và đối tuợng chính sách tại Xã Tân Lâm Huyện Di Linh (20-12-2024)
- Biên bản tổng hợp kết quả mời báo giá cung cấp tấm lót (18-12-2024)
- Biên bản tổng hợp kết quả mời báo giá Cung cấp mực in laser trắng đen sử dụng cho máy in Canon LBP 121DN (18-12-2024)
- Thông báo mời chào giá gói thầu Cung cấp dầu massage (18-12-2024)