Trẻ bỏ rơi - những sự thật đau lòng - Bệnh viện Hùng Vương

Trẻ bỏ rơi - những sự thật đau lòng - Bệnh viện Hùng Vương

Trẻ bỏ rơi - những sự thật đau lòng - Bệnh viện Hùng Vương

Trẻ bỏ rơi - những sự thật đau lòng - Bệnh viện Hùng Vương

Trẻ bỏ rơi - những sự thật đau lòng - Bệnh viện Hùng Vương
Trẻ bỏ rơi - những sự thật đau lòng - Bệnh viện Hùng Vương

Trẻ bỏ rơi - những sự thật đau lòng

Sự thật đằng sau những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi 


Khi nghe những đứa trẻ sơ sinh được thông báo “bị bỏ rơi” trên các phương tiện thông tin, thoạt nghe ai cũng nghĩ là sự thật. Nhưng thực ra trong đó có không ít đứa trẻ không bị bỏ rơi mà bị chính mẹ bé chào bán từ lúc còn ở trong bào thai.

Gần 1 tháng trời tiếp cận những người mua trẻ sơ sinh tại TP Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy mua bán trẻ sơ sinh đã trở thành "một công nghệ".

Người đàn bà mua trẻ sơ sinh

Phải mất rất nhiều thời gian lân la, làm thân, trò chuyện với các cô gái giang hồ ở nhiều nơi, chúng tôi mới tìm ra đầu mối liên quan đến vụ việc mua bán trẻ sơ sinh.

Giáp mặt

Người được các cô gái giang hồ nhắc đến nhiều nhất trong các câu chuyện bán con của họ, chính là người đàn bà tên Xê (ngụ ở Kim Liên, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Trong câu chuyện của họ, bà Xê là người chuyên mua tất cả những đứa trẻ vừa chào đời của các cô gái này. Ngay khi họ vừa "có bụng", bà đã biết ngay và xuống lân la, gạ mua cho bằng được. “Bà đó mua nhanh, thanh toán gọn, và trẻ sơ sinh kiểu gì bả cũng mua, không bao giờ xét nghiệm xem mẹ nó có bị bệnh gì không!”.

Từ những câu chuyện kể của họ, chúng tôi đã tìm mọi cách để người đàn bà nổi tiếng chuyên mua trẻ sơ sinh lộ diện. Xin được số điện thoại, chúng tôi gọi đến. Người đàn bà giọng khàn, đặc trưng người vùng ven biển Đà Nẵng, nói chuyện với đầy sự e dè, nghi hoặc. Thuyết phục rằng bạn thân của chúng tôi vừa bán con cho bà, nên mới biết và có số, bà vẫn đặt những câu hỏi nghi ngờ. Chúng tôi phải nhận mình là cặp sinh viên không may có bầu, lại thiếu tiền, về quê thì sợ, nên muốn bán con và nói ra một cái tên quen biết mà bà ta từng mua con, bà này mới đồng ý gặp mặt. Cuộc gặp diễn ra tại một quán nước ven đường, thuộc địa phận Q.Liên Chiểu, gần Bến xe Trung tâm.

Bà Xê khá nhanh nhẹn, mặt xương, đen; người đeo đầy vòng vàng. Vừa bước vào, thấy cô gái mang cái bầu to, mắt bà đã sáng bừng lên. Bà chạy ngay đến bên người đóng vai có bầu trong chúng tôi, bắt đầu chị em ngọt ngào, nhập chuyện nói huyên thuyên từ đầu đến cuối.

Câu chuyện của bà Xê xoay quanh vấn đề: Cha đứa bé có biết chuyện buôn bán này? Nếu mua đứa bé, thì coi như xong, sau này không dây dưa, không tìm kiếm, cắt đứt hoàn toàn. Tiền bạc giao xong là coi như xong việc, không ai vướng mắc ai. Khi chúng tôi vờ đau xót gặng hỏi: “Vì không dám nuôi con nên mới bán cho dì, nên dì cho con hỏi, có dám chắc con của con sẽ vào một nhà tử tế không?”, nghe chưa xong, bà ta đã vội gắt lên: “Răng mà không vô được nhà tử tế? Mấy đứa bay đúng dại, răng mà không biết luật pháp chi hết (!?). Luật quy định rõ rồi, chỉ những gia đình vô sinh, có điều kiện kinh tế mới được nhận con nuôi. Chỉ gia đình tốt thì trung tâm mới giao con cho mà nuôi chứ?”. Chúng tôi hỏi dồn: “Trung tâm nào vậy dì?”, người đàn bà vội xua tay, lắc đầu: “Nói tụi bây biết, tụi bây đến đòi con sao? Không được!”.

Bà ta ra giá 10 triệu đồng, nhưng do nghe mấy cô gái giang hồ từng bán con nói trước, biết bà thường mua trẻ với cái giá 15 triệu đồng, nên chúng tôi vờ kỳ kèo, nằn nì cho thêm, hoặc mượn một ít để lo sinh nở. Khi người đàn bà này gần như đã đồng ý, thì chúng tôi sơ suất, nói cái thai chỉ mới được 7 tháng, trong khi với những người mua bán trẻ sơ sinh này, thai càng lớn, càng cận ngày sinh càng dễ mua. Bởi nếu càng gần sinh, thì sẽ không thay đổi quyết định bán con. Vì vậy, bà dứt khoát: “Tao nhất định không cho mượn tiền. Ai biết tụi bây là đứa nào, lỡ tụi bây bỏ đi thì tao cắn muối mà sống à? Thôi, không mua bán chi hết nữa!...” - người đàn bà này buông mấy câu tục tĩu, bỏ đi.

Ngã giá

 

“Nếu quan hệ giữa người mẹ và người nhận có hỗ trợ nhau về mặt viện phí, đường sữa, thuốc men... là chuyện bình thường có thể chấp nhận; nhưng nếu có thương lượng, trao đổi tiền bạc, nghĩa là liên quan đến việc mua - bán trẻ sơ sinh; đây là điều cấm trong luật!”, ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng.

 

Vài ngày sau đó, chờ cho sự việc tạm lắng và tiếp tục lân la, tìm tòi những đường dây mới, chúng tôi quyết định liên lạc với bà Xê qua điện thoại. Cũng vẫn với giọng dè dặt mọi lần, nhưng khi nghe đến hai chữ “sắp sinh” và “mua em bé”, bà Xê thay đổi thái độ ngay. Lần này, bà xưng “cô”. “Có phải con mang bầu ở đường P.N.X không?”, bà Xê ngọt ngào.

Biết bà nhận nhầm người, chúng tôi chộp lấy cơ hội: “Dạ, bác sĩ nói con sắp sinh rồi cô ơi, chỉ độ vài ba ngày nữa là sinh!”. “Con có ra nước hồng hồng chưa? Có đau không?”. “Dạ, bác sĩ nói rứa! Dự tính gần sinh”. “Rứa là gần sinh rồi đó, phải chuẩn bị! Chừ tới tối mà đau như rứa thì cô sẽ xuống chở đi Bệnh viện Đà Nẵng, không có đi đâu hết. Bác sĩ nói rứa chớ kiểu nớ dễ sinh lắm! Tối cứ tới đi nghe. Con có đồ sơ sinh chi chưa?”. “Dạ, chưa!”. “Con yên tâm, để cô lo hết cho. Tối ni cô về nhà, xếp đồ vô giỏ cho con! Mà nghe cô nói, đến lúc đau bụng sinh, gọi điện cho cô liền. Cô cho người xuống với con!”. “Dạ! Rứa cô mua con của con bao nhiêu tiền?”. “Có ai ngồi cạnh con không mà con nói rứa? Thì sinh xong cô đưa cho 10 triệu!”. “Ủa, sao hôm trước cô nói 15 triệu mà?”. “Cô nói hả! Ừ, ờ, thì con lo đi rồi cô đưa 15 triệu! Trừ tiền sinh ra, ví dụ như tiền sinh là một triệu thì con còn mười bốn triệu, còn một triệu rưỡi thì con còn mười ba triệu năm trăm, biết chưa? Rứa đi hỉ, có chi thì gọi điện cho cô! Mà nhớ nè, con xuống là không được vô bệnh viện, mà phải ngồi đằng trước đợi cô, biết chưa? Đi vô bệnh viện là không được nói gì hết. Chừ tới tối mà đau là điện cô liền. Cô nghe điện của con cô sẽ mang đồ đầy đủ xuống bệnh viện liền. Con phải ngồi trước chờ cô, đợi cô xuống đi vô cùng như người nhà dẫn đi rứa, để họ khỏi đánh giá!”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc, không lâu sau đó, chúng tôi nhận được thông tin, bà Xê đã mua đứa trẻ sơ sinh, con của cô gái làng chơi ở đường P.N.X.

 

Đường dây “cho” con  

 

Mua trẻ hay giúp đỡ những cô gái trẻ sớm làm mẹ? Khi nghe chúng tôi không bán được con, một cô gái làng chơi khuyên: “Tìm tới Bệnh viện Teresa (nay là Trung tâm Y tế quận Hải Châu, Đà Nẵng - PV), ở đó đi tìm cô nữ hộ sinh tên cô Ly, cô Vy... gì đấy, họ cho cũng được lắm”.

Chúng tôi đã thuyết phục một cô công nhân trẻ đang mang thai cùng tham gia, cô này nhận lời giúp khi nghe mục đích công việc đang làm. Đến Bệnh viện Teresa, chúng tôi được cho số điện thoại của một phụ nữ tên My và khi liên lạc, chị này hẹn: “Chủ nhật cô My trực, ghé xuống gặp cô My, rồi cô My tính cho”.

“Số tiền đó không ít đâu”

Chủ nhật, vừa ngồi xuống hàng ghế chờ trước khoa Sản, một phụ nữ chừng 40 tuổi, người đầy đặn, mặc trang phục trắng của bệnh viện, chạy ra, hỏi: “Là người gọi điện cho cô My phải không? Răng mà sáng tới chừ cô My gọi cả chục cuộc điện thoại mà lại tắt máy rứa?”. Nói rồi, cô My kéo tay cô gái mang thai, bảo: “Vô đây với cô My”. Khi khám, cô My tâm sự: “Cô My không mua con, cô My chỉ giúp đỡ đẻ giùm. Cô My giới thiệu cho người đến để nhận, họ hỗ trợ cho bao nhiêu tiền đó thì hỗ trợ”. “Cô hỏi giùm được mấy tiền, để tụi con biết”, “Theo cô My, số tiền đó không ít đâu”.

Sau đó cô My bắt chúng tôi đi siêu âm, có giấy siêu âm, cô liền móc điện thoại ra gọi: “Chị Phúc à! Dạ, tốt rồi, đứa bé 2,6 kg, sắp sinh. Chị tới liền hỉ!”.

Khi chúng tôi hỏi, vào sinh có cần mang theo giấy tờ gì không, thì cô My bảo: “Ai biểu khai tên thiệt, vô đó cứ nói đại tên gì đấy, mọi chuyện còn lại để cô My lo cho”.

 

Mang thắc mắc về việc tiếp nhận và nuôi dưỡng những đứa trẻ sơ sinh đến Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở cho rằng về mặt quản lý, chỉ có thể kiểm tra, giám sát chế độ chăm sóc trẻ. Khi đặt vấn đề, nếu đứa trẻ có mẹ, người mẹ muốn giao con cho một trung tâm nuôi dưỡng thì phải có những thủ tục gì? Ông An cho hay, phải có cam kết giữa mẹ bé, khai lai lịch cụ thể rõ ràng, có mẹ và vì sao mẹ không thể nuôi, phải có chính quyền địa phương chứng kiến. Rõ ràng nếu theo tuần tự này thì bà Phúc đã làm sai hoàn toàn.

 

Một lúc sau bà Phúc đến, cô My luống cuống, đuổi chúng tôi: “Ra, ra ngồi ngoài hàng ghế phía phòng khám mà nói chuyện với cô Phúc cho kín đáo”. Bà Phúc vẫy chúng tôi vào phía chân cầu thang, nơi ánh sáng tù mù. Tại cuộc gặp này, bà Phúc chỉ xoáy vào việc cho đứa trẻ: “Cô Phúc, cô My sẽ lo liệu hết mọi việc”. “Dạ, rứa cô cho tụi con bao nhiêu tiền?”. “Cái đó cô phải về bàn với chủ tịch, họ mới quyết định, cô làm gì có quyền. Số tiền phải hỏi chủ tịch mới biết được. Nhưng cô sẽ lo hết, sinh xong, cô cho người đến nộp toàn bộ tiền viện phí; đồ em bé cô sẽ mang đến. Con thấy đau, thì đi taxi tới bệnh viện, cô trả tiền taxi luôn cho”.

Chúng tôi bẻ: “Nếu không ký giấy tờ gì hết, lỡ sinh xong, họ bồng con đi luôn thì răng cô?”. “Làm chi có chuyện bồng đi luôn con? Cô làm lâu năm rồi, làm ăn phải có uy tín chớ! Cô My không giúp răng mà cô bồng em bé đi được. Không đến nỗi chi mà tiền cho ít đâu, chương trình họ không ép ai hết. Nhiệm vụ của cô là tìm ra đứa trẻ, còn phần việc khác là của người khác. Họ thanh toán tiền ăn, tiền viện phí, rồi họ cho tiền nữa”.

Bất thường ở trung tâm nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

Hai hôm sau, liên lạc điện thoại với bà Phúc, bà tỏ vẻ vui mừng, hỏi: “Vẫn có ý cho con hả?”. Nghe chúng tôi gặp khó khăn về chỗ ở, bà chỉ về ở tại trạm y tế phường trên đường Núi Thành. Bà cho vài cái tên nhân viên ở đó để liên lạc và dặn: “Cứ bảo cô Phúc gửi. Cứ xuống đó ở, chiều cô Phúc xuống nói chuyện”.

Dù gần 1 tháng nữa mới sinh, nhưng bà bảo cứ xuống ở, sinh xong ở thêm 1 tuần vẫn được, không phải tốn tiền. Bà Phúc liên tục gọi điện cho chúng tôi sau đó khi thấy không đến trạm y tế. Lấy cớ về quê lấy tiền, chúng tôi hẹn bà thời gian khác. Bà gọi bằng điện thoại di động lẫn điện thoại bàn. Lần theo số điện thoại bàn, thì ra là Trung tâm Nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi của quận Hải Châu. Trung tâm này lâu nay vẫn thường rao trên các phương tiện thông tin đại chúng về những đứa trẻ bị bỏ rơi trước cửa.

Ngày hôm sau, tìm đến Trung tâm Nuôi trẻ sơ sinh bị bỏ rơi của quận Hải Châu, thì đó một căn nhà cao tầng luôn khóa cửa. Bà Phúc xuất hiện, vừa bước vào cổng đã khóa trái cửa ngay. Hỏi một vài người xung quanh, tỏ ý muốn giúp chị gái dự tính sẽ gửi con vào đây sau khi sinh vì con đông quá, thì nhiều người cản: “Ở đây có thấy nuôi dạy chi đâu, họ mang cho hết”.

Vấn đề là tại sao một nơi chỉ có chức năng tiếp nhận, chăm sóc những trẻ sơ sinh bị bỏ rơi lại phải “tìm” trẻ sơ sinh để “giúp đỡ” mọi mặt, lại “hỗ trợ số tiền không nhỏ” cho các bà mẹ bỏ rơi con?

Phải chăng khi thông báo trên phương tiện thông tin về một đứa trẻ bị bỏ rơi trước cửa khiến dư luận xót xa, trung tâm đã hoàn tất công đoạn cuối cùng của “quy trình mua con” khép kín? Vì theo quy định của pháp luật, sau 30 ngày nếu không có người đến nhận, trung tâm sẽ lập hồ sơ hợp thức hóa. Và đứa trẻ đó liệu có tìm được một gia đình mới thật sự, sau khi mang đến một nguồn thu không nhỏ cho một nhóm người?

 

Những người mẹ bán con 

 

 

Trong suốt quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều cô gái phải bán con. Trong nỗi niềm đồng cảnh ngộ, T.N - một cô gái làm tiền đã qua thời xuân sắc - không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện bán con của mình...

"Chẳng qua cái phận..."

Chúng tôi tiếp cận T.N ngay tại khu vực Liên Chiểu, cách Bến xe Trung tâm Đà Nẵng chừng 1 km. T.N là một phụ nữ ốm o, gầy gò, khuôn mặt có nhiều vết trầy xước do cào cấu, đôi khi đang dở câu chuyện thì ngồi thừ ra, ngẩn ngơ, đăm chiêu suy nghĩ.

 

Khi nghe chúng tôi kể chuyện đi bán con nhưng không được bà Xê chấp thuận, T.N liền chỉ bảo: "Hay là lên Trung tâm Y tế T. Lần trước, con nhỏ Th. lên đó mà bán được 20 triệu đồng đó!", rồi thở hắt: "Phải chi tui còn nhớ cái bà mua con của tui, thì mấy cô sướng rồi! Bà ni thoáng lắm, trước khi tui sinh, bả cho tui tới nhà trọ ở với bả cả tháng, sinh xong, bả cho mang con về phòng trọ ở một tuần. Sau 1 tuần, bả hỏi lại, là răng, có bán con không, nếu không bán thì trả lại toàn bộ tiền viện phí, thuốc men, đồ đạc trẻ sơ sinh cho bả; còn nếu bán thì bả cho 26 triệu đồng. Và tui quyết định bán!".

Khi chúng tôi hỏi, thấy mặt con, ở với con được 1 tuần cũng là có tình cảm, sao mà bán được, T.N cúi đầu, vò tay, mắt rơm rớm: "Bộ tưởng tui không thương nó sao, lúc giao cho bả, nó đỏ hoe, trông tội lắm! Nhưng, giữ lấy nó thì tiền mô mà trả cho bả, tiền mô mà nuôi nó. Bán nó đi, may ra nó được về cái nhà mô đó hạnh phúc, chớ theo mình, thì khổ không biết khi mô mới hết được! Cái nghề ni, vắt kiệt sức, đến khi sức tàn lực kiệt thì nó vứt ra xó, sống lay lắt rứa thôi! Có tiền thì ai nỡ bán con, chẳng qua cái phận nó hẩm hiu...!".

 

 

Trao đổi với Báo Thanh Niên sau khi báo khởi đăng loạt bài Sự thật đằng sau những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho hay, số trẻ sơ sinh hiện nay cho làm con nuôi nước ngoài không nhiều, năm 2009 có 79 trẻ và Đà Nẵng là TP có số trẻ cho làm con nuôi người nước ngoài vào hàng ít nhất trong toàn quốc.

Đối với trẻ sơ sinh cho con nuôi trong nước thì không thuộc thẩm quyền của Sở, Sở Tư pháp chỉ tiến hành xác minh nhân thân của những trẻ có hồ sơ làm con nuôi người nước ngoài. Đáng nói, là trong số những hồ sơ tiếp nhận trẻ gửi về Sở Tư pháp, thì có đến 50% trong số này qua xác minh của cán bộ tư pháp, thì xét thấy có nhiều nghi vấn, phải chuyển sang lực lượng Công an TP để điều tra xác minh lại. Có không ít trường hợp cán bộ tư pháp phải lặn lội từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi, Bình Định, Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh... để tìm tung tích mẹ của trẻ, nhưng hầu hết địa chỉ và họ tên mẹ đều không có thật.

B.N

 

 

Chị phụ nữ đi cùng T.N chen vào giữa câu chuyện: "Tui ở với nó lâu, tui biết, nó bán con chừng 1 năm thì có số vốn khấm khá, tính tìm để mua lại con, rồi dắt díu nhau về vùng quê nào đó để sinh sống, rứa mà trời không thương nó, tìm miết không ra được cái nhà trọ, cả cái trung tâm to đùng bả chỉ là con nó sẽ được đưa vào đó vui chơi học hành, ở đoạn biển Mỹ Khê. Rứa mà nó tìm quanh năm suốt tháng, cũng không ra".

 

T.N ái ngại nhìn vào cái bụng bầu giả to đùng mà chúng tôi mang trong người để tiện tiếp cận đối tượng mua trẻ sơ sinh, tặc lưỡi bảo: "Nếu không khó quá thì đừng bán! Mà nếu bán thì bán liền, đừng để trông thấy mặt nó, day dứt lắm, đến cả đời cũng không nguôi!"...

Bán con mua được chiếc xe Wave!

 

Trong lúc chuyện trò, một trong các cô gái làng chơi trong nhóm sực nhớ đến trường hợp của cô L. vừa bán con chừng 2 tháng: "Nghe nó vừa bán xong mua ngay chiếc xe Wave mười mấy triệu! Ai hỏi nó cũng nói con gửi về ngoại nuôi, nhưng ai không biết nó tứ cố vô thân, sinh xong chỉ có nước cho chớ làm gì có tiền nuôi. Với lại, con không phải của thằng bồ hiện tại sống cùng, nên đố dám giữ. Nó bán con mua xe nhưng chối tiệt, sợ họ biết, nhưng ở đây không ai không rành!".

Phải len lỏi qua hàng chục con hẻm xóm đường ray, vào sâu những con đường tối u u của những dãy nhà trọ dày đặc, chúng tôi mới tìm ra L. Nhờ một tay anh chị cũng có máu mặt gọi, L. mới chịu ra nói chuyện với chúng tôi. L. đen thui, gầy gò và già dặn so với cái tuổi 24. Ánh mắt sắc và láo liên, thỉnh thoảng liếc vào bên trong phòng trọ, nơi có một người đàn ông đang coi tivi, vẻ như sợ người đó nghe chuyện. Trên tay L, dù giấu kỹ, cũng đầy những vết kim tiêm. Gương mặt nhợt nhạt của người sinh dậy chưa lại sức vẫn hiện rõ trên khuôn mặt.

 

Quả nhiên, L. không nhận mình bán con, mà trả lời quanh co, lúc bảo đã gửi về ngoại, có lúc nói gửi trung tâm từ thiện... Sau thấy chúng tôi năn nỉ với sự hù dọa của "tay anh chị" đi cùng, L. mới cho chúng tôi một địa chỉ là một trung tâm y tế, nhưng vẫn thòng một câu - "tùy đứa trẻ sơ sinh mà người ta có chịu mua hay không...".

 

Một cô gái làng chơi khác mà chúng tôi tiếp cận, nắm khá rõ những người cùng làm nghề với mình đã bán con, thản nhiên đếm: "Con Th. nó bán con được 20 triệu nè; con Tr., con L. bán đến 26 triệu. Có con Tr. mới sinh năm 84 mà 3 lần bán con rồi. Nó bị HIV, vậy mà con nó người ta vẫn mua. 2 đứa đầu nó bán còn được giá, đứa sau nó nghiện, lần đó sinh xong mà "vã" quá nên đã bán với giá rẻ hều, có 5 triệu à! Nó vậy mà mới rồi vẫn bán dâm, móc túi, cuối cùng bị bắt!". Lúc chào chúng tôi, cô gái bỗng sực nhớ: "Trong tháng 9 ni, 2 con L. và D. cũng sinh con, tụi nó cũng quyết định bán đó!". Chúng tôi ngỏ ý muốn tiếp cận, thì cô lắc đầu, bảo: "Tụi nó trốn không chịu tiếp khách chi đâu. Bán cho ai thì tụi nó cũng liên hệ hết rồi, chỉ chờ đứa trẻ ra đời thôi...".

Chúng tôi ra về, trong lòng dâng đầy những nỗi buồn không gọi được thành tên...

 

Phóng sự điều tra của Bảo Nguyên - Duy Nghĩa

 

nguồn Thanh Niên Online

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác