Tuổi 17 hồn tan trong sương núi - Hòa xác thân trong đất mẹ biên cương

Tuổi 17 hồn tan trong sương núi - Hòa xác thân trong đất mẹ biên cương

Tuổi 17 hồn tan trong sương núi - Hòa xác thân trong đất mẹ biên cương

Tuổi 17 hồn tan trong sương núi - Hòa xác thân trong đất mẹ biên cương

Tuổi 17 hồn tan trong sương núi - Hòa xác thân trong đất mẹ biên cương
Tuổi 17 hồn tan trong sương núi - Hòa xác thân trong đất mẹ biên cương

Tuổi 17 hồn tan trong sương núi - Hòa xác thân trong đất mẹ biên cương

TUỔI 17 HỒN TAN TRONG SƯƠNG NÚI

HOÀ XÁC THÂN TRONG ĐẤT MẸ BIÊN CƯƠNG

Đoàn công tác của Bệnh viện Hùng Vương thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên ngày 19/11/2015

   Sáng ngày 19/11/2015, 47 thành viên đoàn công tác từ thiện của bệnh viện Hùng Vương đã dừng bước trước Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên tại xã Đạo Đức huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang. Để thăm các anh hùng đã hi sinh tuổi xuân cho sự bình yên của đất nước. Ngay tại Hà Giang. Ngay tại Vị Xuyên. Trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược từ năm 1979 đến năm 1989 mà đặc biệt là trong cuộc xâm lược lần thứ hai từ năm 1984 đến năm 1989, chủ yếu chỉ diễn ra tại mặt trận Vị Xuyên.

   Trong tiếng nhạc Hồn Tử Sĩ trầm hùng của nghi lễ dâng hương, tất cả chúng tôi đứng lặng trong bao la của trời đất và mênh mông những nấm mồ liệt sĩ đang yên lặng trong sương sớm dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh. Gần 1.800 liệt sĩ đang yên nghỉ nơi đây. Và còn hơn 3.000 liệt sĩ còn đang nằm lại đâu đó trên các dãy núi trùng điệp nơi biên cương Tổ quốc. Hơn 25 năm đã đi qua, các anh đã hoá thân mình trong đá núi, hoà trong nước, tan trong lòng đất mẹ.

   Những ánh mắt như nhoè đi khi các chữ số 1964, 1965, 1966 lần lượt xuất hiện trên hàng hàng bia mộ. Các anh đã ra đi khi còn rất trẻ. Tuổi 16, tuổi 17. Mang theo lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Cha Ông và dòng chữ khắc trên báng súng “Sống bám đá, chết hoá đá, thành bất tử”.

*

   17/2. Ngày này, đúng 42 năm trước, tiếng súng từ bên kia biên giới đã bất ngờ xé toang bầu trời biên giới, bắt đầu một cuộc chiến đấu mới của dân tộc Việt Nam để bảo vệ tổ quốc. Từ rạng sáng, hơn 600 ngàn quân binh Trung Quốc cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới ồ ạt tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu). Cuộc sống bình yên của đồng bào các dân tộc trên suốt tuyến biên giới hơn 1.200 km từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn và Lai Châu bị vỡ vụn dưới làn đạn oan nghiệt của kẻ thù. Nhà cháy, máu chảy, người chết. Ruộng vườn bị cướp phá. Gia súc bị giết, bị bắt mang đi. Tại những nơi chiếm được, quân Trung Quốc đã triệt để thực hiện chính sách “Tam quang”: đốt sạch, cướp sạch, giết sạch. Quân xâm lược đã gây ra những tội ác trời không dung, đất không tha.   

   “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp nẻo biên cương,…”. Đối mặt với bọn xâm lược ngay trong những ngày đầu, các lực lượng bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ các nông lâm trường chỉ với khoảng 6 ngàn người đã anh dũng, kiên cường chống trả với tất cả những gì đang có. Kiên quyết bảo vệ từng tấc đất biên cương. Với chênh lệch áp đảo cả về lực lượng, vũ khí và trang bị song quân Trung Quốc đã vấp phải sự chống trả kiên cường của các lực lượng địa phương và chịu tổn thất vô cùng nặng nề. Sau 17 ngày phát động cuộc chiến với những thiệt hại ê chề mà không đạt được bất cứ mục tiêu nào, ngày 5-3, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố kết thúc chiến tranh với tuyên bố đã dạy cho Việt Nam một bài học. 11 ngày sau, cuộc triệt thoái được tuyên bố hoàn tất.

   Tuy nhiên, chiến tranh không hề kết thúc. Sau ngày 16/3/1979, tuy qui mô nhỏ hơn song tiếng súng vẫn vang trên dọc tuyến biên giới. Từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, kẻ thù phương bắc lại phát động cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai với hơn nửa triệu quân luân phiên nhau tấn công xâm lược nước ta, tập trung trong khoảng 10km biên giới tại khu vực Vị Xuyên. Chính nơi đây đã là nơi thử thách ý chí của cả 2 bên. Ý chí xâm lược của bọn bành trướng và ý chí quyết tử để bảo vệ tổ quốc của bộ đội ta. Trong cả 2 cuộc xâm lược kéo dài 10 năm, chỉ trên chiến trường khoảng 50km² này hàng chục ngàn quân địch đã bị chết và gần 5.000 bộ đội ta đã hi sinh. Cái giá phải trả cho sự ngông cuồng và cái giá phải trả cho sự toàn vẹn lãnh thổ đều vô cùng đắt.

   Trong cuộc chiến này, cuối năm 1982, xã Ỷ La thị xã Tuyên Quang của tôi đã có gần 150 thanh niên được gọi nhập ngũ khi đang học dở hoặc vừa xong cấp 3. Chỉ sau gần 1 năm, hơn 140 giấy báo tử đã được gửi về. Năm đó, nếu tôi không đi học Đại học mà còn ở nhà, có lẽ tên tôi cũng đã có trong số hơn 140 tờ giấy kia. Cám ơn các bạn. Các bạn đã ngã xuống cho tôi có được ngày hôm nay.

**

   Trong lịch sử chống ngoại xâm của đất nước ta, cuộc chiến tranh 10 năm chống bành trướng Trung Quốc không phải là dài nhưng cái giá phải trả cho cuộc chiến này không hề nhỏ. Hậu quả của chiến tranh sau 42 năm vẫn chưa thể khắc phục cho dù suốt dọc tuyến biên giới giờ đây đã được những ruộng lúa, nương ngô, vườn cây phủ xanh. Những thị trấn vùng biên sầm uất đã mọc lên với những phố xá tấp nập, trường học, công sở to đẹp, hoành tráng. Nhưng vẫn còn hơn 3.000 vong linh người lính chưa tìm được đường về với đồng đội. Thân xác của họ còn vùi trong đá, hay đã hoà trong nước, tan trong đất ở Hà Giang, ở Vị Xuyên.

***

   Với hầu hết là những người chưa từng đi qua chiến tranh, chưa từng nghe thấy tiếng súng. Song hàng năm, Bệnh viện Hùng Vương đều cử các đoàn công tác thiện nguyện phối hợp cùng lực lượng bộ đội biên phòng đến giúp đỡ người dân tại các tuyến biên giới từ Nam ra Bắc. Trong đó có các đồn Nậm Nhùn (Lai Châu), Pha Long (Lào Cai) đến Lũng Cú (Hà Giang), Cốc Pàng, Cô Ba (Cao Bằng) trên tuyến biên giới Việt - Trung. Không chỉ là hoạt động thiện nguyện mà đây còn là hành động thiết thực đền đáp lại phần nào ân nghĩa đối với những người đã ngã xuống, những người đã để lại một phần xương máu nơi biên cương để giữ yên cõi bờ của đất nước.

   Những chuyến đi này, không chỉ là cúi đầu mặc niệm hương hồn các anh linh liệt sĩ. Khẽ khàng thắp những nén nhang thơm trước bia mộ những người đã ngã xuống ở nơi đây. Khi tuổi chỉ mới 16, 17 hồn đã hoà trong sương núi. Những cái chết trẻ thường rất linh thiêng. Mỗi người sẽ tự nhủ bản thân cần phải làm gì để sự ra đi của những người đã ngã xuống mãi mãi không bị lãng quên, cần phải làm gì cho cuộc sống hôm nay để xứng đáng hơn với những người đã nằm xuống.

Phạm Quốc Hùng

Tháng 11/2015-tháng 2/2021

Sáng sớm tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên

Đoàn Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Hùng Vương thực hiện khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho đồng bào các dân tộc tại tỉnh Hà Giang

Tặng quà cho học sinh trường PTDT Thài Phìn Tủng huyện Đồng Văn

Thị trấn Mèo Vạc, cuộc sống mới sau 25 năm ngưng tiếng súng

Bình yên bên vạt hoa tam giác mạch tại Đồng Văn

Tuổi 17 hồn tan trong sương núi

Hoà xác thân trong đất mẹ biên cương

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác