Hoạt động xã hội từ thiện \"Hướng về đồng bào vùng cao Hà Giang\"
“Ký” là “viết” theo âm Hán Việt, vậy nên với “nhật” là “ngày” thì “nhật ký” là viết chuyện hàng ngày, “hồi” là “hồi xưa” nên “hồi ký” là việc viết về chuyện hồi trước, “bút” là vật để viết nên “bút ký” là … truyện viết bằng bút!; suy ra tương tự thì “ức” là ấm ức nên “ức ký” là ức mà viết hay vừa viết vừa tức. Hơi bị ……., tuy nhiên đoạn văn này đã có đăng ký bản quyền, các bác không nên tùy ý trích dẫn nha.
1. Hành trình ngàn dặm.
Kế hoạch đi Hà Giang được dự kiến từ tháng 3 sau buổi phát động chương trình “Mùa xuân hướng về đồng bào vùng cao Hà Giang” do lãnh đạo tỉnh Hà Giang và thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ đội Biên phòng, Đài truyền hình thành phố phối hợp tổ chức. Hà Giang là địa điểm tận cực bắc đất nước, nếu tổ chức thì đây sẽ là hành trình ngàn dặm đúng nghĩa, còn dư chút đỉnh nữa, sẽ nhiều khó khăn và mất thời gian chuẩn bị rất nhiều vì không thể tiền trạm được, nhưng những hình ảnh và câu chuyện về những con người nơi biên cương xa xôi, nơi mà nước quí hơn tiền, đá nhiều hơn đất đã thuyết phục mình: phải đi. Mặt khác, từ phương Nam xa xôi, mấy ai đã có thể đặt chân lên mảnh đất đỉnh đầu đất nước? Tấm lòng của hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ bệnh viện Hùng Vương đã tới với đồng bào khó khăn tận sườn tây dãy Trường Sơn, ra tới đảo Lý Sơn ngoài biển Đông đang nổi sóng, xuống tới đất mũi Cà Mau thì sẽ phải lên tới đỉnh Lũng Cú, đi để cho thấy “đất ta liền một dải”.
Chính thức triển khai từ tháng 6, đầu tháng 7 chương trình đi Hà Giang đã hoàn tất với ngày đi là 19/8, điểm đến là xã Bản Rịa huyện Quang Bình - xã 30A của huyện và khó khăn nhất huyện - và xã Lũng Cú huyện Đồng Văn - xã nằm ở vị trí cao nhất phía bắc của đất nước. Đảng ủy - Ban Giám đốc bệnh viện và UBND tỉnh Hà Giang đã đồng thuận, thỏa thuận với các huyện và xã đã xong vào đầu tháng 8, tiền các thành viên đóng hỗ trợ chi phí tổ chức đã thu xong, vé máy bay đã đặt, đơn nghỉ phép đã nộp lên phòng Tổ chức Cán bộ, giấy đổi trực của các bác sĩ đã chuyển phòng Kế hoạch tổng hợp. OK. Chỉ - còn - chờ - kêu - taxi ra sân bay.
Đùng một cái, thông báo từ Sở, ngày 22/8 sẽ thi tuyển chuyên khoa 2 theo đúng ngành mình muốn tham dự, nếu đi thì nguy cơ không tham dự được kỳ thi này vì không kịp học bài và không kịp thời gian vì lịch thi nằm giữa lịch đi. Thêm bão số 5 lại đổ bộ vào miền bắc, hoàn lưu bão gây mưa lớn, sạt đường, lở đất nhiều nơi ở các tỉnh phía bắc, cả Hà Giang cũng vậy, Quang Bình cũng bị sạt đường. Ngày gần cuối cùng lại trực trặc khâu gửi hàng qua đường sắt vì vấn đề thủ tục, đau hết cả đầu. Nếu ở thì dở dang cả chương trình vì gần như liên hệ mọi việc đều là do mình, hoãn hay lùi ngày đều không thể vì vé máy bay có thể hoãn, kế hoạch với tỉnh huyện có thể thay nhưng lời hứa với bà con ở dưới thôn bản thì không thể rút lại, đó là nguyên tắc. Đi hay ở, cửa nào cũng kẹt.
Cũng buộc phải tin rằng đến được với Hà Giang quả là khó khăn, gian nan, trắc trở. Trao đổi thống nhất trong ban tổ chức để có quyết định: đi, như dự kiến ban đầu; riêng mình sau chương trình chính ở Bản Rịa sẽ về Hà Nội và trở lại thành phố liền.
2. Lạy Chúa cho con tròn việc giúp người!
- Con làm việc Tâm, Trời sẽ giúp thôi!
Chỉ còn vài ngày nữa là lên đường thì bão số 5 vào miền Bắc. Hà Giang là tỉnh cực bắc cũng chịu ảnh hưởng hoàn lưu. UBND huyện Quang Bình liên tục gọi vào:
- Đang mưa quá, bây giờ chỉ có xe 2 cầu mới vào xã được, đoàn anh lên huyện sẽ bố trí để đại diện vào xã còn hàng thì để lại sau đó tỉnh, huyện và xã sẽ chịu trách nhiệm chuyển tới tận tay bà con.
Văn phòng UBND tỉnh cũng gọi liên hệ:
- Văn phòng không có xe 29 chỗ nên không giúp đón đoàn được, bọn em chỉ đặt phòng giúp các anh được thôi.
Hải Yến nhảy dựng lên:
- Em biết tỉnh có chương trình hỗ trợ cho các đoàn lên Hà Giang, anh liên hệ với chị phụ trách văn phòng ủy ban lại đi, mình đi giúp dân mà, với lại tiền đi là mình phải tự lo nên đỡ được nhiêu hay nhiêu chứ. Anh không liên hệ được thì để em tính.
Ngay việc chuyển hàng ra Hà Nội cũng bị trục trặc vì anh Phó Tổng Giám đốc nói cứ liên hệ với Ga Sài Gòn là được nhưng anh Phó Ga Sài Gòn lại gãi đầu:
- Anh liên hệ Tổng Công ty như những lần trước vì ga Hà Nội khác công ty nên bên em không giúp được, có văn bản vào bên em sẽ giúp ngay vì hàng của anh là hàng từ thiện mà, tiền bốc xếp bên em cũng sẽ miễn luôn cho anh.
Chúa ơi, chiều thứ bảy cần nhận hàng tại Hà Nội mà giờ là chiều thứ tư rồi, sếp bên tổng lại đang công tác ở miền Trung. Đành chấp nhận gửi hàng theo dạng thường vậy.
Chưa hết, khi máy bay hạ độ cao thì trời Nội Bài vẫn mịt mù mưa, ì xèo sấm chớp, nhiều thành viên lên ruột, chỉ sợ hạ cánh không được. Mình còn sợ hơn vì điểm đến sáng ngày mai là Bắc Quang; bác nào ở miền bắc ắt biết địa danh này nổi tiếng là mưa, nếu mùa mưa mà không đâu mưa thì Bắc Quang mưa, nếu các nơi mưa thì Bắc Quang còn mưa dữ dội hơn nữa, Bắc Quang là rốn mưa không chỉ của Hà Giang và Tuyên Quang mà còn gần như của cả miền bắc; trời cứ mưa thế này thì không vào với bà con được thật. Cả đoàn động viên nhau:
- Mình đi từ thiện chắc trời thương thôi!
Mà Trời thương thật!
Lúc tiếp đất mưa còn nổi bong bóng vậy nhưng khi máy bay lăn vào tới ga đậu thì chỉ còn lất phất, và không ai có thể đoán được là khi xe chạy lên tới Phúc Yên thì trời đã nắng.
Văn phòng UBND tỉnh Hà Giang lúc đầu không thu xếp được nhưng sau đó đã mượn xe được từ Sở Công an để đưa đón đoàn trong suốt hành trình, thậm chí là còn đưa qua tận Lào Cai nữa, việc ăn nghỉ tại Hà Giang cũng giúp luôn, thật vượt quá mong đợi.
Trưa 19/8, đúng ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, cả đoàn lên được đền Hùng, trong không khí tĩnh mịch của rừng cây và khói nhang mơ màng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, gần như tất cả mọi thành viên trong đoàn đều lặng đi khi được đứng trước tấm bia đá khắc câu nói của Bác Hồ lúc nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên phong năm 1954 chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Dâng hương tại đền Hùng là nội dung chính thức trong chương trình bởi đã là nhân viên của bệnh viện Hùng Vương thì rất nhiều người đều mong được một lần tới dâng hương cho các Vua Hùng, như là tấm lòng hướng về nguồn cội.
Lại nói về chuyến hàng bão táp, chiều thứ bảy lái xe tải được giao nhận hàng ở Hà Nội báo hung tin: Xe lửa đã ra nhưng không có hàng theo vận đơn gửi ?????. Điện hỏi chị Thơ xem lại vận đơn, giấy ghi rõ ràng chuyển bằng mã tàu SE6 tối thứ năm. Báo cho Hải Yến và thống nhất không cho các thành viên khác biết tin trước giờ khởi hành để tìm cách tính vì vào đến thôn mà không có hàng thì coi như chương trình thất bại một nửa. 10 giờ đêm 18/8, bốc máy gọi cho bạn ở Hà Nội nhờ liên hệ giùm và chuẩn bị phương án thay đổi lịch đi để đảm bảo nguyên tắc hàng phải trao được tới tận tay người nhận. Mãi chiều 19/8 sau khi nhận gạo ở Tuyên Quang xong, từ Hà Nội, Lan Hương điện lên:
- Hương đã hỏi cho Hùng rồi, nhờ mấy anh trên Tổng cục liên hệ trực tiếp tới trưởng tàu luôn, 27 bao hàng của đoàn Hùng không biết vì sao lại xếp lên tàu TN2, đang qua Hà Tĩnh. Sáng mai Hương và anh Phó trưởng Ga Hà Nội sẽ ra và cho xe của Hùng nhận hàng ngay tại toa luôn để kịp đưa lên Hà Giang, đây là ngoại lệ vì hàng của các bạn là hàng từ thiện.
Trời ạ, thật may mắn, may mắn. Vậy là chương trình vẫn có thể thực hiện được gần như dự kiến, chỉ chậm lại một chút. Mừng quá, buổi tối đi chơi cùng đám bạn phổ thông tới gần 12g, khi về, bảo vệ nhà nghỉ khóa cổng đi ngủ mất tiêu. Quyết định leo rào vào để sáng 20/8 lên đường sớm, không có ai thấy cả, ở tỉnh lẻ cũng hay chứ ở thành phố chắc bị dí rồi.
3.Trên đường thiên lý
Nghe danh quốc lộ 2 mới làm rất đẹp và tốt nhưng đi thì mới thấy là danh này đã xưa rồi, anh lái xe giải thích đây là tuyến đường do quân anh Dũng (PMU 18) làm bằng tiền đầu tư của Nhà nước, đầu tư thì đủ nhưng đoạn nào “ăn ít thì còn nhiều” mà đoạn nào “ăn nhiều thì còn ít”!!!! đoạn từ địa phận Hà Giang lên thì còn khá là tốt nhưng đoạn qua huyện Hàm Yên thuộc Tuyên Quang thì bắt đầu xấu, xe chạy không thấy ổ gà mà chỉ thấy ổ trâu với ổ heo, cũng chưa quá nhiều nên 2 bác sĩ Ngọc Thoại và Thanh Hà vẫn ngủ nghiêng ngả (hoặc là cái để ngồi của nhị vị bác sĩ chắc chắn hơn bà con nên không cảm nhận thấy), mà thực ra thì ổ gà là dành cho người đi xe máy chứ đã đi ô tô thì ai mà hẹp hòi để ý chuyện nhỏ nhặt đó nữa, ít nhất thì mặt đường cũng phải thủng cỡ cái thúng trở lên mới đáng quan tâm!!
Quảng cáo kiểu “Cá còn bơi”, “Tôm còn búng”, “Gà còn chạy”, “Rắn còn cắn”, “Chó còn táp”,… hay “Cá sông”, “Dê núi”, “Gà đồi” thì đã thấy nhiều nhưng từ đoạn Hàm Yên trở lên còn có bảng treo ghi “Lợn Tên lửa” ??, hết hồn, hỏi thì ra là loại lợn này không có liên quan gì với lực lượng vũ trang mà cũng như “Heo tộc”, “Lợn mán” loại lợn quê này có mõm dài như đầu tên lửa nên được gọi là “Lợn Tên lửa”, tóm lại là chỉ có ý thông báo rằng toàn thực phẩm sạch và tự nhiên cả, lên thêm nữa còn có “Rau suối” (không phải “rau sạch” như trên báo mạng hay bàn)
Tới huyện Quang Bình, huyện vùng thấp của tỉnh vùng cao, xe tải của đoàn định chạy vào xã nhưng lãnh đạo huyện nhất định phải cho xe chạy qua sân UBND huyện ???. Lúc đầu cũng hơi bị khó hiểu, té ra không phải làm khó mà chỉ là để coi giò cẳng (thực ra là coi cầu với gầm) trước, vì đường vào xã hơi kén xe, nếu cho xe vào ẩu mà nằm đường là cả xã đói luôn vì đường độc đạo mà lại nhỏ, một xe nằm thì trăm xe đứng vì một bên và vực, một bên là vách, chỉ có đứng giữa đường mà nhìn nhau hết ngày. Cũng may là hội đồng cấp huyện thống nhất: Đi được!, vậy là đi. Chưa có lần nào đi xuống đồng bào lại hoàng tráng như lần đi này, cả đoàn được bố trí lên 5 xe Mitsubishi loại 7 chỗ chạy xuống xã, y như đoàn xe VIP ở đồng bằng, chỉ khác là xe 23A chứ không phải 80B và không có còi hụ dẫn đường; tuy nhiên chỉ chạy hơn 10 phút đường nhựa thì đoàn xe bắt đầu rẽ phải, theo con đường mới cấp phối đá ngược vào rừng, 12km đường này hơi giống giống như đường trong các phim quay về thế giới động vật hay thiên nhiên kỳ thú bởi lởm chởm đá, chỉ rộng hơn thân xe một chút nhưng liên tục luồn lách trên sườn núi, xuống dốc, vượt ngầm,… gần 1 giờ đồng hồ mới vào tới nơi, ngồi trong thấy xe chạy mà xót cả ruột.
4.Đặc sản Hà Giang
Trước ngày đi ai cũng dặn mang quà về, quà là chuyện không lớn, mà còn là đặc sản, bảo đảm “hàng độc” không đâu có bởi chỉ cần qua “Cổng Trời” Quản Bạ là tới Công viên đá toàn cầu bao gồm cả 4 huyện Quản Bạ, Xín Mần, Yên Minh, Đồng Văn, mỗi người gom chừng 5kg đá cục về là chia thoải mái!
Nhưng mà chưa có lên tới “Cổng Trời”, trưa 20/8 tại Quang Bình đã thấy đặc sản vùng cao rồi, rượu ngô Quản Bạ, Triệu Tài Phong (em trai đồng chí Triệu Tài Vinh - Bí thư tỉnh ủy và là con trai ông Triệu Quang Thanh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh), Chủ tịch UBND huyện cười cười:
- Mời các anh rượu này thôi chứ uống rượu Quang Bình là chiều khỏi đi vào xã luôn.
Vậy là địa phương còn chiếu cố, nhưng nhìn những chai rượu trong vắt xếp trên bàn như đi uống bia “ôm” (là chai ai nấy “ôm” chứ không phải vụ kia) là cũng thấy hết hồn, dù khi vào gần tới huyện thì đồng chí Mai, trung tá bên Tổng cục Chính trị cùng đi, có một trời kinh nghiệm đi vùng cao, đã bí mật cho bửu bối trước. Kết quả là sau một hồi mời qua chúc lại thì khi lên xe mình cũng ngủ mất tiêu cho tới khi vào gần tới xã mới tỉnh.
Buổi tối, ăn cơm tại Nhà khách văn phòng UBND tỉnh, có đại diện các cơ quan cấp tỉnh như Tỉnh ủy, UBND, Sở Y tế, Tỉnh đội, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Chữ thập đỏ,… đặc sản rượu ngô lại được giới thiệu, mới xong phần cám ơn qua lại, chưa kịp nhìn kỹ chai rượu xem có giống lúc trưa không thì bà Hùng Thị Hồng, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng UBND đã la toáng:
- Nửa tiếng nữa đồng chí trưởng đoàn của bệnh viện Hùng Vương sẽ về Hà Nội gấp nên đề nghị các cơ quan tranh thủ mời rượu đồng chí trưởng đoàn.
Chắc chết ở đây quá, Dung Nghi thì thầm:
- Anh tranh thủ ăn rồi đi đi, để em lo cho.
Ơn trời. Đành làm mặt lỳ không đi mời ai cả mà ngồi tại chỗ tranh thủ vừa uống vừa ăn cho kịp 1 chén cơm và bàn giao đoàn cho chị Liễu và Dung Nghi phụ trách tiếp từ ngày mai rồi ra xe.
Không kịp tắm, vẫn để nguyên bộ đồ đầy mồ hôi từ buổi sáng, cả cái áo Chữ thập đỏ, leo lên xe giường nằm làm luôn một giấc tới 4 giờ sáng thì tới đường vào sân bay Nội Bài, tay xe ôm tính bắt chẹt, đòi 50.000 đồng để chở vào sân bay, còn định xí gạt là 5km nhưng khúc này mình biết rõ chỉ có hơn 2km tí xíu nên cuối cùng hắn biết là mình đi công tác nên chịu chạy với 30.000 đồng.
Ngồi ngáp ngắn ngáp dài trong sảnh sân bay vì quá sớm và buồn ngủ. Vậy là đi Hà Giang mà chưa tới Hà Giang, bởi chưa lên chào cờ trên đỉnh Lũng Cú là coi như chưa tới Hà Giang, đi Hà Nội mà không vào đến Hà Nội vì chỉ đến sân bay là đi rồi. Nhớ lúc chập tối Hải Yến và Anh Phương (Nghệ sĩ Nhân dân, thượng tá thuộc đoàn văn công Tổng cục Chính trị, cựu binh Quân khu Tiền phương năm 1979) còn khe khẽ luyện giọng để tối giao lưu (hát ngay lỗ tai làm mình tức muốn chết), nhớ bác sĩ Thành Danh được mấy em sơn nữ tiếp rượu cười hí hửng, thèm bình cà phê của chị Hạnh,… vậy mà phải quay vào thành phố, thật ức lòng.
Bốn ngày trời cả đoàn đi chắc vui lắm, lâu lâu lại phải điện hỏi tình hình và xem đi tới đâu, hình chụp quá trời cũng chẳng có mà coi nữa, đành phải chờ đến thứ hai mọi người đi làm việc trở lại mới mang máy vào cho mình coi.
Chỉ 6 ngày, ngoài 2 điểm tổ chức trao quà cho đồng bào và tặng qùa cho các cán bộ y tế cùng các thầy cô giáo ở xã và các thôn bản, mọi người trong đoàn còn đến được đền Hùng, lên Cao nguyên đá Đồng Văn, tới cột cờ Lũng Cú, về thăm Hà Nội, viếng Lăng Bác,… một chuyến đi nhiều ý nghĩa với tất cả mọi thành viên, và rồi có lẽ sẽ còn phải tổ chức thêm một, hai chuyến dành cho cựu quân nhân, cho thanh niên nữa. Đi để thông cảm và chia sẻ với đồng bào, đi để hướng về nguồn cội, để tìm hiểu, để biết thêm về đất nước mình.
Bài viết khác
- Bệnh viện Hùng Vương cùng Cụm Thi đua 1 – Công đoàn ngành Y tế Tp. Hồ Chí Minh tham gia chương trình giao lưu “Bếp ăn chiến sĩ” (23-12-2024)
- Hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và kỷ niệm 63 năm ngày Dân số Việt Nam 26/12 (23-12-2024)
- Hội thảo “Sẵn sàng làm mẹ” – Nơi bắt đầu hành trình yêu thương (23-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam (23-12-2024)
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)