Xét nghiệm máu tìm ung thư: chỉ thêm lo?
TT - Nhiều người đã xét nghiệm máu tìm ung thư với hi vọng phát hiện sớm để điều trị. Tuy nhiên, một số người sau khi xét nghiệm có kết quả dương tính nhưng truy tìm với các phương tiện hiện đại cũng không biết ung thư ở đâu. Ngược lại, có trường hợp âm tính mấy tháng sau lại chết vì ung thư!
|
Lấy máu xét nghiệm DR-70 để phát hiện sớm bệnh ung thư cho nhân viên tại một cơ quan - Ảnh: N.C.T. |
Suy sụp vì... “án treo”
Qua đợt khám sức khỏe định kỳ giữa năm 2009 tại cơ quan X, trên 20 người có kết quả xét nghiệm máu dương tính với ung thư DR-70. Chị V.H., nhân viên cơ quan X, kể: “Hôm đó chị phụ trách y tế cơ quan gọi tôi thông báo kết quả xét nghiệm máu có tế bào gây ung thư nhưng không biết ung thư chỗ nào, rồi hỏi trước khi xét nghiệm có uống thuốc gì không, có kinh không? Nếu dùng thuốc hoặc đang có kinh, kết quả có thể bị nhiễu, tức dương tính giả.
Do lúc xét nghiệm tôi đang có kinh nên chị dặn một tháng sau xét nghiệm lần 2. Nghĩ tới mẹ già và hai con còn nhỏ, tôi rụng rời, choáng váng. Thời gian đó tôi chẳng làm được việc gì, cứ thắc thỏm chờ ngày xét nghiệm lại”.
Hơn tháng sau, tuân thủ quy định chờ sạch kinh trên một tuần, chị V.H. đi xét nghiệm DR-70 lần 2. Kết quả lần này dương tính còn cao hơn lần 1. Một bác sĩ ở đây tư vấn hẹn tháng sau làm lại DR-70 lần 3. Nếu vẫn dương tính thì làm tiếp loạt xét nghiệm như siêu âm, không phát hiện được sẽ chụp X-quang, nếu không phát hiện nữa thì chụp CT... Nản quá, chị V.H. bỏ luôn không đi xét nghiệm lại DR-70 lần 3.
Tháng 6-2010, cơ quan X lại tổ chức khám sức khỏe định kỳ, kết quả xét nghiệm DR-70 lần này của chị V.H. lại âm tính. Theo giải thích của chị phụ trách y tế cơ quan là giữa năm 2009 áp dụng chỉ số ngưỡng <1,4 mcg/mL nên nhiều người có kết quả (+), năm nay được điều chỉnh cho phù hợp với người VN (?) là <2,62 mcg/mL đối với nam và < 2,82 mcg/mL đối với nữ nên số người dương tính có thấp hơn.
Điều đáng nói, trong số những người có kết quả DR-70 âm tính trong đợt khám sức khỏe giữa năm 2009 tại cơ quan X thì tháng 6-2010 có người vừa chết vì ung thư phổi. Chị có khối u ở vú, xét nghiệm ung thư vú thấy dương tính nhưng kết quả xét nghiệm DR-70 âm tính. Sau đó chị ngã bệnh và chết vì ung thư phổi (chứ không phải ung thư vú)!
Không dùng chẩn đoán bệnh ung thư
Có 3-10% dương tính giả, và trong một tài liệu có lưu ý là ngay khi kết quả dương tính lần 2 vẫn có 3% là dương tính giả. Vậy nên xét nghiệm tìm ung thư khi nào? Chúng tôi nêu vấn đề này với giáo sư Nguyễn Sào Trung - trưởng khoa y Đại học Y dược TP.HCM, phó chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM, phó chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh - tế bào bệnh học Việt Nam.
Ông nói:
- Tôi biết có trường hợp xét nghiệm dương tính, hoảng quá ra nước ngoài chụp PET - CT nhưng không phát hiện được gì. Rốt cuộc người bệnh tốn tiền, tốn máu và được... hoảng sợ! Dù mục đích ban đầu của xét nghiệm định lượng dấu ấn ung thư là giúp tầm soát và phát hiện sớm bệnh nhưng đến nay rất ít dấu ấn ung thư đạt mục đích này.
Khoảng 30 loại dấu ấn được sử dụng cho nhiều loại ung thư khác nhau, song tới thời điểm hiện tại chỉ ba dấu ấn tạm được dùng để giúp phát hiện sớm ung thư (dù việc dùng rộng rãi này vẫn còn tranh cãi). Đó là:
1/ Dấu ấn PSA để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên không nên xét nghiệm PSA cho tất cả đàn ông với mục đích tầm soát vì chỉ có khoảng 20-30% bệnh nhân có PSA cao là có ung thư thật sự, số còn lại PSA cao do các bệnh khác lành tính như viêm, tăng sinh...
2/ Dấu ấn AFP: sử dụng hạn chế cho người viêm gan, nhất là viêm gan siêu vi B và C hoặc người có khối u gan chưa biết rõ lành hay ác. 3/ Dấu ấn CA 125: đôi khi cũng được dùng tầm soát ung thư buồng trứng ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc loại ung thư này. Những dấu ấn còn lại không đặc hiệu để tầm soát (phát hiện sớm) ung thư qua xét nghiệm máu.
Cần hiểu đúng xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư có giá trị trong chẩn đoán bệnh hay không. Câu trả lời cho tới thời điểm hiện tại là xét nghiệm dấu ấn ung thư không thể dùng đơn độc để chẩn đoán, xác định bệnh mà phải phối hợp những thông tin khác.
* Thưa giáo sư, như vậy xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư trong máu không thể dùng cho chẩn đoán bệnh ung thư?
- Đúng vậy. Vì hai lý do:
1/ Hầu hết những dấu ấn ung thư đó không chỉ do tế bào ung thư mà còn có thể được sản xuất bởi những tế bào bình thường hoặc tế bào của các bệnh lành tính. Ví dụ PSA là dấu ấn của ung thư tuyến tiền liệt, cũng có thể tăng cao ở người bị viêm tuyến tiền liệt hoặc tăng sinh lành tính của tuyến tiền liệt. Hoặc AFP cũng có ở những người bị viêm gan chứ chưa bị ung thư...
2/ Những dấu ấn này có thể vẫn bình thường (tức không tăng cao) ở người đã bị ung thư.
Thật ra xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư hay chính xác hơn là định lượng dấu ấn ung thư trong máu cũng có giá trị nhất định nếu biết cách sử dụng. Xét nghiệm này thật sự hữu ích trong đánh giá tình trạng nặng, nhẹ cũng như dự đoán diễn tiến của bệnh trong quá trình điều trị. Ví dụ bệnh nhân ung thư vú đã được điều trị, đang theo dõi, nếu kết quả xét nghiệm dấu ấn ung thư CA 15-3 tăng cao có nghĩa là bệnh đang diễn tiến nặng hoặc tái phát.
Xét nghiệm cũng giúp đánh giá được hiệu quả của việc điều trị ung thư, đây là ứng dụng quan trọng nhất, đặc biệt là ung thư giai đoạn trễ.
Trường hợp nào nên xét nghiệm? Nên làm trong những trường hợp sau: 1/ Ở những người mà người thân ruột thịt bị loại ung thư có tính di truyền. 2/ Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư như hút thuốc lá nhiều và lâu năm... 3/ Những người mắc viêm gan siêu vi B hoặc C, có nguy cơ cao bị ung thư gan, nên xét nghiệm định kỳ định lượng AFP phối hợp với xét nghiệm hình ảnh học như siêu âm, chụp CT gan. 4/ Người có xét nghiệm khác hoặc triệu chứng lâm sàng nghi ung thư. 5/ Những người đã mắc bệnh ung thư - đang điều trị hoặc đã điều trị khỏi thì trong quá trình theo dõi bệnh cũng cần xét nghiệm định lượng dấu ấn ung thư tương ứng với loại ung thư người đó đã mắc. Ví dụ một phụ nữ đã điều trị ung thư vú xong và đã khỏi thì trong quá trình theo dõi nên xét nghiệm định kỳ CA 15-3. Như vậy đối với bệnh nhân đã bị ung thư hoặc nghi ngờ mắc một loại ung thư nào đó thì chỉ cần xét nghiệm loại dấu ấn ung thư tương ứng. Điều quan trọng nhất là khi đã xét nghiệm định lượng dấu ấn ung thư rồi, chính bác sĩ đề nghị làm xét nghiệm đó hoặc bác sĩ điều trị trực tiếp của người bệnh sẽ phải phối hợp kết quả này với khám lâm sàng và kết quả của những xét nghiệm khác để có chẩn đoán và xử trí thích hợp. Cũng lưu ý là cho đến nay người ta chưa tìm được dấu ấn ung thư đặc hiệu để có thể làm xét nghiệm máu truy tầm, như ung thư phổi, ung thư bàng quang, ung thư hệ thần kinh, ung thư xương... GS Nguyễn Sào Trung |
KIM SƠN thực hiện
Nguồn tuoitre.vn
Bài viết khác
- Bệnh viện Hùng Vương cùng Cụm Thi đua 1 – Công đoàn ngành Y tế Tp. Hồ Chí Minh tham gia chương trình giao lưu “Bếp ăn chiến sĩ” (23-12-2024)
- Hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và kỷ niệm 63 năm ngày Dân số Việt Nam 26/12 (23-12-2024)
- Hội thảo “Sẵn sàng làm mẹ” – Nơi bắt đầu hành trình yêu thương (23-12-2024)
- Bệnh viện Hùng Vương tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam (23-12-2024)
- Chương trình khám sức khỏe Tiền hôn nhân - Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (20-12-2024)