Nhiều tỉnh thành bắt đầu cho trẻ mầm non, tiểu học quay lại trường học sau thời gian dài nghỉ phòng bệnh COVID-19. Bên cạnh các phương án chia ca, giãn lớp, ăn bán trú theo tốp... của trường, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng mách nước thêm nhiều kinh nghiệm hay giúp cha mẹ bảo vệ con từ nhà đến lớp.
Bảo vệ con an toàn nơi lớp học
Đi học trở lại, cha mẹ nên chuẩn bị đầy đủ vật dụng phòng dịch cho con. Balo của bé tiểu học nên có gel rửa tay khô tiện lợi, khăn giấy che miệng khi ho, bình nước riêng không lo uống nhầm ly với bạn, thêm 2 chiếc khẩu trang vải loại “dễ thở”. Nếu lo lắng con bỗng nhiên nóng sốt mà cha mẹ chưa đến đón kịp, nên chuẩn bị thêm nhiệt kế điện tử lẫn thuốc hạ sốt phù hợp với cân nặng của con gửi ở phòng y tế nhà trường, dặn con báo ngay với thầy cô để được lên theo dõi tại phòng y tế nhà trường.
“Trẻ sốt thời điểm dịch này chỉ nên dùng paracetamol hạ sốt, hàm lượng tùy theo cân nặng của trẻ (10mg-15mg/kg cân cặng), bởi các thuốc hạ sốt khác có thể gây suy giảm đáp ứng miễn dịch ở trẻ nhiễm Covid-19. Ưu tiên thuốc gói sủi bọt, dễ pha, dễ uống, tiện lợi cho người chăm sóc hộ”, bác sĩ Tưởng lưu ý.
Với trẻ mầm non, hoạt động chủ đạo trên lớp là vui chơi. Bé thường không chịu đeo khẩu trang cả ngày, vì vậy, chỉ cần một chiếc khẩu trang trên đường tới trường. Bác sĩ Tưởng cũng khuyên cha mẹ chuẩn bị cả bình nước riêng lẫn gửi gắm thuốc hạ sốt mùi cam vị ngọt hàm lượng phù hợp với cân nặng của bé cho phòng y tế nhà trường, nhờ các cô sử dụng khi thấy bé sốt trên 38,5°C. Cha mẹ đi làm có thể kiểm tra camera để xem trường có thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch hay không.
Giáo dục cách phòng dịch phù hợp với tâm sinh lý từng trẻ là việc cần làm ngay. Cha mẹ nên dặn dò con tự bảo vệ bản thân bằng cách rửa tay đúng cách, che miệng bằng khuỷu tay khi ho, không dụi mắt mũi, không vịn cầu thang, không ăn đồ của bạn, cách xa người khác 2m... Để trẻ nhớ lâu, hãy lên công tác tư tưởng trước cả tuần. Mẹ có thể chơi giả làm cô trò với bé để dạy con sáng đến lớp phải làm gì, chơi với bạn giữ khoảng cách ra sao, rửa tay thế nào cho đúng...
Lịch sử ghi nhận biện pháp rửa tay đã cứu sống hàng triệu người trên thế giới trước dịch bệnh. Để thói quen này in sâu vào tâm trí con, cả nhà hãy cùng xem các video hướng dẫn rửa tay sạch để trẻ học theo. Cuối cùng, sửa tật xấu cắn móng tay, bốc thức ăn của trẻ; xây thời khóa biểu rửa tay sau mỗi tiết học và trước giờ ăn.
Chăm sóc con khỏe mạnh ở nhà
Ngoài việc bảo vệ trên lớp, cha mẹ cũng cần chăm sóc tăng miễn dịch tích cực cho con ở nhà. Thực tế là trẻ đến trường thường ăn ngủ tốt hơn ở nhà. Suốt 3 tháng “CôVy” ghé thăm, nhiều trẻ ở nhà xáo trộn sinh hoạt, thức khuya dậy muộn, ăn vặt không giờ giấc... Do đó, đưa trẻ trở lại guồng ăn ngủ điều độ.
Ngoài việc bảo vệ trên lớp, cha mẹ cũng cần chăm sóc tăng miễn dịch tích cực cho con ở nhà
Để tăng cường miễn dịch, trẻ cần dậy sớm tắm nắng và ăn sáng trước 8h để tránh ảnh hưởng đến bữa trưa và sinh bệnh chán ăn. Về chế độ ăn uống, ưu tiên thức ăn mềm, đạm dễ tiêu, đa dạng thực đơn cho 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Các thực phẩm giàu sắt, kẽm, selen... sẽ giúp bạch cầu hoạt động tốt hơn (sữa, thịt, cá, ngũ cốc, rau xanh đậm...). Cho trẻ uống nhiều nước, nước ép quả tươi và ăn thêm quả chín cung cấp vitamin A, C tăng đề kháng.
Giãn cách xã hội đã hết, trẻ có thể ra ngoài vận động hít thở khí trời, song nên hạn chế chỗ đông người. Nhà cửa cũng cần dọn dẹp, lau chùi góc học tập, mở cửa sổ thông thoáng, hạn chế máy lạnh... Buổi tối trước khi đi ngủ nên đánh răng, súc miệng súc họng để phòng COVID-19. Mỗi ngày lặp đi lặp lại thói quen tốt sẽ giúp trẻ hạn chế nhiễm COVID-19 thời điểm này.
HMT_BS.Hoàng Quốc Tưởng (Nhi Đồng 2)
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)