Câu 1: Lịch tiêm ngừa cho trẻ: BS cho tôi hỏi, con tôi 2 tháng tuổi bé sẽ tiêm ngừa gì? Loại vaccin? Thời gian để tôi cho bé đi tiêm như thế nào?
Trả lời:
Thân chào mẹ bé, lúc bé 2 tháng tuổi: Bé sẽ được tiêm ngừa 6 bệnh: Bạch hầu- ho gà- uốn ván- bại liệt- Hib-VGB. Hiện có hai loại vaccin: vaccin 6 trong 1 dịch vụ, và vaccin 5 trong 1 + bại liệt uống của Nhà nước trong chương trình TCMR. Để tiêm vaccin Nhà nước, mẹ bé cho bé đi tiêm các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, còn vaccin dịch vụ, mẹ có thể cho bé đến tiêm tất cả các buổi sáng chiều từ T2-T7 sáng chủ nhật hàng tuần. Ngoài ra, bé 2 tháng tuổi có thể tiêm thêm các vaccin dịch vụ khác như: vaccin tiêu chảy, vaccin phế cầu. Khi đến phòng khám nhi BVHV, BS sẽ khám sàng lọc, tư vấn trực tiếp các vaccin tiêm ngừa cho bé. Trân trọng!
Câu 2: BS cho em hỏi, con em 12 tháng tuổi chưa được tiêm ngừa vaccin cúm. BV đã có vaccin cúm chưa? Khi nào em có thể cho bé đi tiêm ngừa vaccin cúm?
Trả lời:
Thân chào mẹ bé, hiện tại bệnh viện đã có vaccin cúm. Bé từ 6 tháng tuổi trở lên, sẽ được tiêm ngừa vaccin cúm. Mẹ cho bé đến phòng khám nhi BVHV, BS sẽ khám và chỉ định tiêm ngừa cúm cho bé. Trân trọng!
Câu 3: BS cho tôi hỏi, con tôi hiện 3 tuổi, từ nhỏ tới lớn con tôi đều tiêm ngừa tại bệnh viện Hùng Vương, hiện tôi đã bị thất lạc sổ theo dõi tiêm chủng của bé. Giờ tôi muốn tiêm ngừa cho bé tiếp tại bệnh viện Hùng Vương thì phải làm sao?
Trả lời:
Thân chào mẹ bé, mẹ bé cho bé tới phòng khám nhi BV Hùng Vương, nhân viên phòng khám sẽ hướng dẫn mẹ bé làm lại sổ mới, cập nhật thông tin các vaccin mà bé đã tiêm trước đây. Từ những thông tin đã được truy lục lại, BS sẽ khám sàng lọc và chỉ định tiêm cho bé các vaccin cần tiêm tiếp theo. Trân trọng!
Câu 4: BS cho tôi hỏi, con tôi 5,5 tháng tuổi, hiện cân nặng 6,9 kg, chiều dài 65cm, bé không được bụ bẫm, bé bú mẹ hoàn toàn, bú hay bú trớ, vặn mình. BS cho tôi hỏi: có nên đổi sữa sang sữa công thức cho bé không?
Trả lời:
Thân chào mẹ bé, hiện tại cân nặng và chiều cao của bé đang trong giới hạn bình thường theo tuổi. Mỗi tháng mẹ bé cân đo vẽ vào biểu đồ tăng trưởng của bé (biểu đồ có trong sổ sức khoẻ của bé) để theo dõi sự phát triển của bé như thế nào để can thiệp. Lứa tuổi này, bé hay vặn mình, bú trớ, để hạn chế tình trạng này: mẹ không cho bé bú quá no, chia cữ sữa bú nhiều lần, không mặc quần áo chật cho bé, sau bú bế bé đầu cao cho ợ. Dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và phù hợp nhất cho bé, không có loại sữa công thức nào có thể thay thế sữa mẹ. Mẹ bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tinh thần thoải mái, cho bé bú nhiều lần để duy trì nguồn sữa mẹ cho bé. Trân trọng!
Câu 5: BS cho tôi hỏi: Con tôi nổi mẩn đỏ ở người, bé có bị làm sao không? Tôi phải làm gì?
Trả lời:
Thân chào mẹ bé, hiện da bé nổi mẩn đỏ, không dấu hiệu viêm da, bé khoẻ, bú tốt, thở đều, mẹ giữ da bé khô thoáng, không quấn bé quá nóng, theo dõi diễn tiến hàng ngày, nếu không cải thiện, bé nổi tăng lên, mẹ bé cho bé tái khám. Trân trọng!
Câu 6: Bs cho tôi: con tôi đã 15 ngày tuổi, chưa rụng rốn, tôi thấy rốn bé còn ướt, chảy dịch vàng. Bé vẫn bú tốt. Tôi phải làm sao?
Trả lời:
Thân chào mẹ bé, mẹ cho bé đến phòng khám nhi, BS sẽ khám trực tiếp rốn bé, đánh giá rốn bé có viêm hay không, nếu có viêm thì đánh giá mức độ viêm, từ đó Bs sẽ hướng dẫn mẹ bé cách đều trị cũng như cách chăm sóc và theo dõi rốn cụ thể hơn. Trân trọng!
Câu 7: BS cho tôi hỏi, con tôi trong tháng số lần đi tiêu nhiều lần trong ngày, nhưng hiện tại bé 4 tháng tuổi, số lần bé đi tiêu giảm hẳn: 2 ngày bé mới đi tiêu, có khi 3 ngày mới đi tiêu, nhưng lúc đi tiêu thì phân mềm, phân không cứng. Con tôi đi tiêu vậy có bình thường không? Bé bú mẹ hoàn toàn, bú mẹ và chơi bình thường.
Trả lời:
Thân chào mẹ bé, nếu bé vẫn bú tốt, chơi bình thường, tăng cân và chiều dài theo tuổi bình thường, bụng bé mềm, tiêu phân bình thường không cứng bón, mẹ bé cho bé bú sữa mẹ kết hợp những động tác massage bụng cho bé, riêng mẹ ăn đầy đủ chất xơ và dinh dưỡng để cung cấp nguồn sữa mẹ cho bé. Còn ngược lại, bé chậm lên cân chiều cao, bụng chướng, bú ói, phân cứng bón, mẹ cho bé tái khám. Trân trọng!
Câu 8: Bs cho tôi hỏi, con tôi hiện 13 tháng tuổi, tôi phát hiện vùng cổ bé có cục gì nhỏ, dưới da, sờ di động, có nguy hiểm không BS?
Trả lởi:
Thân chào mẹ bé, hạch cổ này có thể do nhiễm trùng ở da vùng đầu, viêm họng dù đã hết từ lâu nhưng hạch vẫn còn, hay do nhiễm các virut lành tính trong quá trình bé lớn len, đa số hạch này sẽ tự hết khi lớn. Nếu hạch đau, lớn nhanh, đỏ mẹ cho bé đi khám lại. Trân trọng!
Câu 9: Bs cho tôi hỏi, con tôi hiện 2,5 tuổi, do con tôi ở quê chích ngừa theo tiêm chủng ở xã tới 9 tháng tuổi, nay mới lên lại Thành phố. Giờ tôi muốn dẫn bé đến tiêm ngừa tại BV Hùng Vương có được hay không? Và lịch tiêm như thế nào?
Trả lời:
Thân chào mẹ bé, mẹ bé cho bé đến phòng khám nhi kèm theo sổ tiêm chủng của bé, BS sẽ xem lại các mũi vaccin bé đã được tiêm, sau đó BS khám sàng lọc và cho chỉ định tiêm ngừa vaccin phù hợp với lứa tuổi của bé. Phòng khám nhi Bv Hùng Vương tổ chức khám và tiêm ngừa cho trẻ tiêm tất cả các buổi sáng chiều từ T2-T7 sáng chủ nhật hàng tuần. Mẹ cho bé đến tiêm ngừa tại Bv Hùng Vương. Trân trọng!
Câu 10: Con tôi vàng da, 3 ngày tuổi, hiện đang rọi đèn điều trị vàng da tại khoa, Bs cho tôi hỏi khi nào con tôi được xuất viện? và khi về nhà tôi cần chăm sóc bé như thế nào?
Trả lời:
Thân chào mẹ bé, vàng da là một trong những hội chứng thường gặp trong thời kỳ sơ sinh và cần phải được theo dõi, điều trị khi có chỉ định. Hiện tại bé của mẹ đang điều trị chiếu đèn vàng da, thời gian chiêu đèn của bé càng càng nhiều càng tốt đề hiệu quả chiếu đèn cao trong điều trị. Mỗi ngày BS sẽ khám bé để đánh giá hiệu quả của việc chiếu đèn, nếu bé đáp ứng tốt, hết vàng da hoặc vàng da dưới ngưỡng điều trị bé sẽ được xuất viện. Sau khi bé xuất viện, mẹ cho bé bú mẹ, chăm sóc và theo dõi bé, đa phần bé sau điều trị sẽ hết vàng da, một số ít bé xuất hiện vàng da lại, mẹ nên cho bé tái khám, hoặc bất cứ khi nào bé có bất kỳ dấu hiệu không khoẻ (sốt, thở mệt, ú kém, lừ đừ….) mẹ cho bé tái khám . Trân trọng!
Bài viết khác
- Lịch khám thai và lưu ý trong sinh hoạt khi mẹ bầu dọa sinh non (20-01-2025)
- Điều trị dự phòng sanh non có ưu và nhược điểm gì? (20-01-2025)
- Dấu hiệu cảnh báo dọa sinh non: Mẹ bầu cần biết ngay (20-01-2025)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 23: Dọa sanh non - Mẹ bầu đừng vội hoảng hốt (20-01-2025)
- Chi phí điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm chỉ bằng 1% so với giai đoạn cuối (20-01-2025)