Định kỳ cứ 3-6 tháng, chị em nên đi khám 1 lần. Tuy nhiên, nên khám vào thời điểm nào trong tháng để đạt hiệu quả cao nhất thì không phải ai cũng biết. Việc lựa chọn thời điểm chính xác để đi khám phụ khoa cũng góp phần lớn trong đánh giá bệnh.
Siêu âm tại Bệnh viện Hùng Vương
Khám phụ khoa là những khảo sát, thăm khám tại cơ quan sinh dục của nữ giới gồm có âm hộ, âm đạo, tử cung, vòi trứng và buồng trứng cũng như hai bầu vú. Đây là việc cần được chú trọng đúng mức tương tự như khám sức khỏe định kỳ nhằm giúp phát hiện bệnh sớm và can thiệp điều trị sớm. Từ đó, người bệnh có cơ hội điều trị kịp thời, tránh để lại biến chứng nguy hiểm khi đã muộn màng.
Thời điểm khám phụ khoa tốt nhất được khuyến cáo là sau khi vừa sạch kinh từ 3 - 5 ngày. Phụ nữ không nên đi khám trong những ngày đang hành kinh, bởi lẽ tử cung đang ồ ạt máu kinh kèm niêm mạc bong tróc nên khó quan sát. Đồng thời, việc lấy mẫu xét nghiệm cũng sẽ không thực hiện được. Ngoài ra, trong những ngày này, cổ tử cung mở rộng kèm theo môi trường ứ đọng máu kinh, việc thăm khám dễ gây nhiễm khuẩn, vi khuẩn có nhiều cơ hội để tăng sinh và gây bệnh. Bên cạnh đó, những mệt mỏi, uể oải cũng sẽ khiến nữ giới không thoải mái, khó hợp tác khi các bác sĩ thăm khám.
Nếu khám phụ khoa vào giai đoạn xung quanh ngày rụng trứng, dịch âm đạo sinh lý sẽ dễ nhầm lẫn với các loại huyết trắng bất thường và gây khó khăn khi lấy bệnh phẩm. Còn vào giai đoạn cuối chu kỳ, sắp đến ngày hành kinh, lớp nội mạc tử cung sẽ tăng sinh rất dày, làm hạn chế những thám sát tại cấu trúc thành và lòng tử cung khi siêu âm.
Tuy nhiên, nếu phụ nữ thấy đột ngột xuất hiện các triệu chứng cấp tính như chấn thương vùng kín, đau phần bụng dưới dữ dội hay chảy máu âm đạo lượng nhiều, đau ngứa rát âm hộ âm đạo thì nên đi khám sớm để có chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
Để việc thăm khám đạt kết quả tốt nhất, phụ nữ không nên dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ, các loại thuốc đặt, thực hiện các động tác thụt rửa sâu bên trong âm đạo hay quan hệ tình dục trong 2 ngày trước đó nhằm tránh nhầm lẫn khi phân tích mẫu bệnh phẩm. Không dùng rượu bia, đồ ăn ngọt hay nhiều dầu mỡ do sẽ làm tăng nhiệt độ tại vùng cơ quan sinh dục, tăng lượng dịch bài tiết trong âm đạo và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhiều hơn bình thường. Điều này sẽ khiến xét nghiệm kiểm tra không chính xác.
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)