Viêm gan B là một căn bệnh có tỷ lệ lây nhiễm rất cao, đặc biệt là lây nhiễm từ mẹ sang con. TS.BS Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương và BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung - Trưởng khoa Khám bệnh B, Bệnh viện Hùng Vương đã cung cấp đến bạn đọc AloBacsi những thông tin quan trọng về bệnh lý viêm gan B ở phụ nữ mang thai.
Trong 100 mẹ bầu có gần 11 người bị viêm gan B
Trước tiên nhờ BS chia sẻ sơ lược về tình hình phụ nữ mắc viêm gan siêu vi B trong thai kỳ tại Việt Nam hiện nay ra sao? Việc kiểm soát hiệu quả căn bệnh này trên phụ nữ mang thai, ngăn chặn lây truyền sang cho con đạt tỷ lệ - mức độ nào, thưa BS?
TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Viêm gan siêu vi B trong thai kỳ là một vấn đề cần được quan tâm. Tại Việt Nam, theo dữ liệu của CDC, cứ 10 người thì có 1 người bị viêm gan siêu vi B. Theo một nghiên cứu tại Hải Phòng năm 2020, tỷ lệ thai phụ bị viêm gan siêu vi B trong thai kỳ chiếm đến 10,6%, nghĩa là trong 100 thai phụ thì có gần 11 người bị viêm gan siêu vi B trong thời gian mang thai. Con số này không hề nhỏ. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, khu vực nhiễm viêm gan siêu vi B nhiều nhất trên thế giới là Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Qua số liệu, chúng ta thấy được mức độ và sự phổ biến của viêm gan siêu vi B trong thai kỳ như thế nào. Riêng số liệu tại Bệnh viện Hùng Vương, trong năm 2023, có khoảng 6% trong số các phụ nữ mang thai đến khám có viêm gan siêu vi B. Vắc xin viêm gan siêu vi B ra đời từ năm 1982. Dữ liệu tại Mỹ cho thấy sau khi áp dụng chế độ tiêm ngừa viêm gan siêu vi B đã giảm được 90% các trường hợp bị viêm gan mới mắc. Tuy nhiên, mỗi năm tại Mỹ vẫn có cả ngàn ca mắc mới. Thông qua kiểm tra dữ liệu, người ta phát hiện đây là con của các bà mẹ đã bị viêm gan sinh ra. Đó là một con số đầy trăn trở, day dứt. Hơn thế nữa, qua nghiên cứu, người ta thấy rằng khả năng phát triển viêm gan siêu vi B trở thành mãn tính cao nhất vào lứa tuổi sơ sinh đến một năm đầu đời. 90% những đứa trẻ này sẽ phát triển thành viêm gan siêu vi B mãn tính. Khi bị viêm gan siêu vi B có thể tiến triển thành viêm gan cấp tính, sau đó ổn định và hết. Lúc này cơ thể của người bị nhiễm đã có kháng thể bảo vệ hoàn toàn. Có nghĩa là người này sẽ không bị tái nhiễm viêm gan siêu vi B nữa.
Nhóm thứ hai là những người đã bị mắc viêm gan siêu vi B, sau đó tiến triển thành mãn tính. 90% số người bị mãn tính này phát triển từ sơ sinh cho đến 1 tuổi. 10% còn lại nằm ở nhóm người lớn bị viêm gan sau đó tiến triển thành viêm gan siêu vi B mãn tính. Viêm gan siêu vi B mãn tính dẫn đến tỷ lệ ung thư gan khá cao. Đó cũng là lý do mà trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. Chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho tất cả trẻ em sau sinh tại Việt Nam đã triển khai vắc xin ngừa viêm gan từ năm 2003.
Dữ liệu từ nghiên cứu tại Hải Phòng được công bố năm 2020, tỷ lệ viêm gan siêu vi B trên phụ nữ mang thai là 10,6%. Đến năm 2023, Bệnh viện Hùng Vương thống kê được tỷ lệ này còn 6%. Điều này gián tiếp cho thấy nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng vắc xin hiệu quả từ năm 2003 cho đến nay, tỷ lệ viêm gan siêu vi B giai đoạn mang thai đã giảm xuống. Đây là một tín hiệu đáng vui để chúng ta nhận thấy được vai trò của tiêm ngừa viêm gan siêu vi B sau sinh cũng như trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển. Nếu chưa có kháng thể, việc tiêm ngừa vắc xin viêm gan rất quan trọng, giúp ngăn ngừa bệnh và ngăn diễn tiến đến viêm gan mạn.
3 con đường lây nhiễm của viêm gan B
Ở nước ta, phụ nữ mang thai thường nhiễm viêm gan siêu vi B trong những tình huống nào và thường phát hiện trong giai đoạn nào của thai kỳ, thưa BS? Ai có nguy cơ mắc căn bệnh này?
BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Bệnh viêm gan siêu vi B có 3 đường lây: đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Tỷ lệ mắc bệnh theo từng đường lây thay đổi tùy theo khu vực. Ở những khu vực lây nhiễm HBV thấp như châu Âu, đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tiêm chích ma túy. Trong khi ở châu Phi, châu Á, trong đó có Việt Nam, là những nơi mà tỷ lệ lây truyền trên 8%, con đường lây truyền chủ yếu là từ mẹ sang con. Ở những khu vực lây nhiễm HBV thấp, trong các trường hợp mắc mới hằng năm có đến 40% nguyên nhân do lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn và tiêm chích ma túy. Tại các khu vực có tỷ lệ lây truyền cao, nguyên nhân chủ yếu là lây từ mẹ sang con. Truyền nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con là một trong những con đường lây nhiễm có nguy cơ cao.
Viêm gan thể tối cấp khi mang thai, nguy cơ tử vong mẹ và bé lên đến 80%
Viêm gan B ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và thai nhi? Căn bệnh này thường có xu hướng diễn tiến ra sao trong thai kỳ?
TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Trong quá trình mang thai, nếu người phụ nữ nhiễm bệnh, viêm gan siêu vi B sẽ chuyển biến dưới 2 hình thức. Giai đoạn cấp tính khoảng 3 tuần, 5 tuần cho đến vài tháng, sau đó triệu chứng giảm dần. Sốt nhẹ, vàng da, mệt mỏi là những biểu hiện của viêm gan siêu vi B cấp tính. Những triệu chứng này sẽ lui dần và trong cơ thể người mẹ có luôn kháng thể. Tuy nhiên, nếu nhiễm bệnh ở gian đoạn gần sinh, có khả năng sẽ chuyển biến thành viêm gan thể tối cấp, tỷ lệ này chiếm khoảng 1%. Nguy cơ mẹ và bé tử vong rất cao, lên đến 80%. Đây là điều mà không ai mong muốn.
Phụ nữ bị viêm gan siêu vi B trước khi mang thai hoặc trong khi mang thai diễn tiến thành giai đoạn mãn tính, đôi khi có những người không có triệu chứng rõ ràng được gọi là người lành mang bệnh. Một số trường hợp ban đầu có thể có triệu chứng sốt nhẹ, sau đó hết và không có biểu hiện nào khác, người mẹ hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu người mẹ diễn biến thể tối cấp, lượng virus ở giai đoạn này cực kỳ lớn và ảnh hưởng nhiều đến bé. Bé có thể bị thai lưu, chết trong bụng mẹ. Khả năng lây nhiễm cho bé trong thời gian sau sinh cũng rất cao, tỷ lệ lên đến 85 - 90%.
Đối với những bà mẹ có viêm gan mãn tính, khả năng lây truyền cho bé lệ thuộc vào tải lượng virus. Tải lượng virus cao hơn 200.000 đơn vị/ml, khả năng bé bị nhiễm cực kỳ cao. Trong tình huống cơ sở y tế không xác định được tải lượng virus, có thể làm xét nghiệm HbeAg. Nếu kết quả dương tính, khả năng bé bị lây nhiễm trong giai đoạn sinh và sau sinh lên đến 85%. Trường hợp mẹ bị viêm gan nhưng xé nghiệm HbeAg âm tính, tỷ lệ bé bị lây nhiễm chỉ khoảng 30%.
Viêm gan siêu vi B lây truyền từ mẹ sang con là điều hiển nhiên và đã được công nhận trong thời gian vừa qua. 90% những trường hợp bé sơ sinh đến 1 tuổi diễn tiến thành viêm gan mãn tính. Hơn 25 - 40% các trường hợp viêm gan mãn tính có thể dẫn đến ung thư gan hoặc xơ gan. Đây là kết cục không ai mong muốn cho thế hệ mai sau. Vì vậy chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa viêm gan đã được triển khai trên toàn thế giới và Việt Nam cũng nhanh chóng triển khai sau khi có vắc xin ngừa bệnh viêm gan siêu vi B. Đến thời điểm hiện tại, có thể tạm kết luận vắc xin ngừa bệnh viêm gan siêu vi B là vắc xin phòng ngừa ung thư gan.
Mang thai sẽ làm viêm gan B diễn tiến xơ gan, ung thư gan nhanh hơn?
Nhiều người lo ngại, mang thai sẽ là yếu tố thúc đẩy khiến viêm gan B sẽ nhanh diễn tiến đến xơ gan, ung thư gan. Mối lo này có cơ sở không thưa BS?
TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Điều này thật ra không đúng. Nếu cơ thể đang bị viêm gan lại có thêm yếu tố có thai, sức đề kháng sẽ giảm và khả năng tải lượng virus sinh sôi, phát triển cao hơn. Nhưng chưa có bằng chứng kết luận mang thai thúc đẩy ung thư gan hay xơ gan.
Biến chứng viêm gan siêu vi B trong thai kỳ gây nguy cơ tử vong cho thai phụ
Các biến chứng nào có thể xảy ra nếu viêm gan B không được kiểm soát tốt trong thai kỳ?
TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Biến chứng của viêm gan siêu vi B nếu không được kiểm soát tốt khiến tải lượng virus cao có ảnh hưởng trực tiếp trên người mẹ: Ở giai đoạn gần sinh viêm gan siêu vi B chuyển biến sang giai đoạn viêm gan thể tối cấp. Nguy cơ tử vong của cả mẹ và bé lên đến 80%. Tải lượng virus càng cao, tỷ lệ lây nhiễm cho bé càng tăng. Viêm gan siêu vi B không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến khả năng lây nhiễm cho bé cao hơn và dẫn đến nguy cơ viêm gan thể tối cấp ở mẹ.
Dự phòng lây truyền viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con
Trẻ nhiễm viêm gan B từ mẹ, tương lai nào trẻ phải đối diện, thưa BS? Có giải pháp nào can thiệp, phòng tránh nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con ngay từ đầu được không?
BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Tỷ lệ lây truyền viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý viêm gan B ở mẹ. Những bà mẹ có HbeAg và HbsAg dương tính nếu không có biện pháp điều trị dự phòng, khả năng lây cho bé có thể lên đến 85 - 90%. Nếu có các biện pháp dự phòng miễn dịch như tiêm vắc xin viêm gan siêu vi B cùng với tiêm globulin miễn dịch kháng viêm gan siêu vi B thì tỷ lệ lây cho bé giảm xuống chỉ còn 9 - 10%. Những bà mẹ có HbsAg dương tính nhưng HbeAg âm tính, nếu không áp dụng một biện pháp điều trị dự phòng nào, khả năng lây cho em bé từ 32 - 34%. Nếu em bé được áp dụng biện pháp dự phòng miễn dịch, tức là em bé được tiêm vắc xin viêm gan siêu vi B cùng với tiêm globulin miễn dịch kháng viêm gan siêu vi B, khả năng lây nhiễm là dưới 1%. Trường hợp em bé sinh ra đã bị nhiễm viêm gan siêu vi B, trong vòng 10 năm đầu đời sẽ tiến triển thành viêm gan siêu vi B mạn. Viêm gan siêu vi B sớm sẽ dẫn đến những biến chứng như ung thư gan, xơ gan.
Chân thành cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng Bệnh viện Hùng Vương và AloBacsi trong chương trình này!
Chương trình Radar Sản Phụ Khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào 19h thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng. Chương trình đã thực hiện 4 chủ đề:
- Bệnh viện Hùng Vương đồng hành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ
- Trữ trứng - giải pháp mới cho phụ nữ hiện đại
Bài viết khác
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 20: Tiền sản giật - Tầm soát sớm, dự phòng kịp thời giúp ngăn chặn biến cố (05-12-2024)
- Hướng dẫn quản lý thai kỳ có vết mổ cũ để tránh rủi ro cho mẹ và con (05-12-2024)
- Mang thai có vết mổ cũ: Theo dõi ra sao, thăm khám thế nào? (05-12-2024)
- Thai phụ có vết mổ cũ phải đối mặt với những nguy cơ gì? (05-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 19: Quản lý thai ở thai phụ có vết mổ cũ (05-12-2024)