1. TOP 3 nguyên nhân dẫn đến tử vong trong thai kỳ, sinh sản
Tại Việt Nam, mặc dù có nhiều tiến bộ lớn nhưng tỷ lệ tử vong mẹ hằng năm vẫn còn rất đáng kể. Xin hỏi BS, trong tỷ lệ tử vong mẹ, nguyên nhân từ tiền sản giật - sản giật chiếm bao nhiêu?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh Bệnh viện Hùng Vương - Chủ nhiệm bộ môn Sản phụ khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Hiện nay, tỷ lệ tử vong liên quan đến thai phụ, sinh sản trên toàn thế giới và ở Việt Nam có mô hình giống nhau: Nguyên nhân hàng đầu là băng huyết sau sinh, kế đến là tiền sản giật - sản giật, thứ ba là lý do liên quan đến nhiễm trùng.
Tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Úc... nguyên nhân tử vong hàng đầu được xếp theo thứ tự: tiền sản giật - sản giật - sản giật, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng.
Như vậy, tiền sản giật - sản giật là nguyên nhân tử vong thuộc top 3 trong vấn đề thai kỳ, sinh sản.
Theo các báo cáo, tỷ lệ tử vong mẹ chiếm khoảng 47 - 50% trường hợp/ 100.000 ca sinh sống. Với 1 triệu em bé ra đời trung bình mỗi năm, khoảng 470 - 500 thai phụ tử vong do sinh nở. Trong đó, tiền sản giật - sản giật là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai.
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh Bệnh viện Hùng Vương - Chủ nhiệm bộ môn Sản phụ khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
2. Tỷ lệ tiền sản giật tại Bệnh viện Hùng Vương khoảng hơn 2%
Tại Bệnh viện Hùng Vương, có thống kê nào cho ta thấy được con số tiền sản giật chiếm tỷ lệ bao nhiêu so với con số nhập viện sinh? Tỷ lệ này là cao hay thấp?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Tại Việt Nam, mô hình quản lý y tế hiện nay theo hình kim tự tháp. Khi các bệnh viện tuyến dưới phát hiện trường hợp có nguy cơ hoặc quá khả năng điều trị, bệnh nhân sẽ được chuyển lên tuyến cao hơn.
Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện hạng 1, tuyến Trung ương (có các bệnh viện vệ tinh hỗ trợ) nên số lượng bệnh nhân liên quan đến tiền sản giật và các biến chứng luôn cao hơn những cơ sở y tế khác.
Bên cạnh các trường hợp phát hiện khi bệnh nhân khám thai tại Bệnh viện Hùng Vương, còn nhiều ca do các tuyến dưới chuyển đến.
Các bệnh viện tuyến Trung ương khác như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế... cũng là nơi tiếp nhận các trường hợp vượt quá khả năng điều trị ở tuyến dưới, các trường hợp trở nặng.
Khi tổng kết liên quan đến vấn đề tiền sản giật tại Bệnh viện Hùng Vương, trong vòng 5 năm đã ghi nhận tỷ lệ tiền sản giật khoảng hơn 2% trong 200.000 ca sinh, tương đương khoảng 5.000 bệnh nhân bị tiền sản giật.
Trong đó, hơn 50 trường hợp sản giật và các biến chứng rất nặng như phù phổi cấp, xuất huyết não. Trong 5 năm (2012 - 2017), có 1 - 2 trường hợp được chuyển lên từ tuyến dưới bị vỡ gan. Tỷ lệ các trường hợp biến chứng nặng của tiền sản giật không cao, nhưng thường rất nặng.
3. Tiền sản giật nặng là một biến cố sản khoa nghiêm trọng
Tiền sản giật xảy ra như thế nào, đâu là nguyên nhân, thưa BS?
BS.CK2 Lê Kim Bá Liêm - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Tiền sản giật là tình trạng khi mang thai, sản phụ có tình trạng tăng huyết áp kèm có đạm trong nước tiểu. Có thể kèm cả phù chân tay hay phù toàn thân. Bệnh lý có thể chẩn đoán được hoặc phát hiện ra từ tuần thai thứ 20 trở đi.
Đa phần tiền sản giật xảy ra trong quá trình mang thai, tuy nhiên, một số ít trường hợp xảy ra trong 48h sau sanh.
Tiền sản giật diễn tiến nặng trở thành tiền sản giật nặng, hơn nữa là sản giật. Tiền sản giật nặng và sản giật là biến cố trầm trọng của sản khoa. Các biến chứng có thể gặp phải như suy đa cơ quan, tổn thương đa cơ quan như não, mắt, thận, đặc biệt là ảnh hưởng đến kết cục của mẹ và bé, để lại các hậu quả lâu dài, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, nếu không được phát hiện kịp thời, tiền sản giật diễn tiến nặng có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai trong thai kỳ.
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến tiền sản giật được cho là từ những sự bất thường. Khi mang thai, niêm bào nuôi xâm nhập vào động mạch xoắn tại bánh nhau (là nơi trao đổi giữa mẹ và bé), gây tình trạng tăng trở kháng của các động mạch, từ đó gây tăng huyết áp. Sau đó ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác.
4. Những yếu tố nguy cơ của tiền sản giật
Các yếu tố nào ở người phụ nữ mang thai sẽ thúc đẩy nguy cơ xảy ra tiền sản giật ạ?
BS.CK2 Lê Kim Bá Liêm trả lời: Trong quá trình mang thai, có rất nhiều yếu tố thúc đẩy diễn tiến đến tiền sản giật:
- Những thai phụ có tiền sử tiền sản giật trong lần sinh trước.
- Phụ nữ mang thai lần đầu.
- Thai phụ lớn tuổi (trên 40 tuổi).
- Mang đa thai: song thai, tam thai...
- Thai phụ đang điều trị hoặc có tiền sử mắc các bệnh lý về thận, tiểu đường, lupus ban đỏ.
- Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ hoặc có tình trạng béo phì.
Chị em nên chú ý đến các nguyên nhân này và đến gặp bác sĩ khi phát hiện bất thường để được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi sát nhằm đảm bảo an toàn.
Tiền sản giật nặng là một biến cố sản khoa nghiêm trọng
5. Tiền sản giật có thể dẫn đến những biến chứng nào?
Tiền sản giật nguy hiểm như thế nào? Các biến chứng, rủi ro cho hai mẹ con ra sao khi tình trạng này càng được phát hiện, chẩn đoán muộn, thưa BS?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Như đã trình bày, tiền sản giật là một trong 3 nguyên nhân dẫn đến tử vong mẹ trên toàn thế giới. Tại những nước phát triển, đây là nguyên nhân hàng đầu.
Bất kỳ phụ nữ mang thai nào cũng có nguy cơ bị tiền sản giật. Các nghiên cứu cho thấy rõ ràng có sự phản ứng của cơ thể đối với việc mang thai. Tiền sản giật cũng nằm trong số đó. Do vậy, gần như hoàn toàn không có phương án phòng ngừa tiền sản giật.
Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm sẽ có những biện pháp dự phòng để giảm nhẹ tình trạng tiền sản giật, hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng nặng để tránh trường hợp xấu nhất là tử vong.
Tiền sản giật có liên quan đến sự bất cân xứng giữa co mạch và giãn mạch ở thai phụ. Các yếu tố bất thường đã có từ khi người phụ nữ bắt đầu mang thai khoảng 5 - 6 tuần nhưng không thể phát hiện qua thăm khám thông thường mà phải dựa vào các xét nghiệm để nhận thấy các thay đổi về mặt sinh hóa trong máu.
Gần đây, có thể phát hiện tiền sản giật bằng các xét nghiệm chất PLGF, liên quan đến yếu tố tạo mạch. Từ đó, bác sĩ có thể phân các thai phụ thành 2 nhóm: nhóm có nguy cơ cao tiền sản giật và nhóm nguy cơ thấp, hoặc không bị tiền sản giật.
Nhóm nguy cơ cao sẽ được áp dụng biện pháp dự phòng: Dùng aspirin liều thấp từ khoảng 13 - 16,5 tuần, liên tục cho đến khi thai có thể nuôi được. Một số quốc gia chỉ định ngưng thuốc lúc 28 tuần, trong khi Việt Nam sẽ ngưng vào khoảng 34 tuần.
Dùng thuốc đều đặn kết hợp với quản lý sự phát triển của thai, tỷ lệ xuất hiện biến chứng nặng rất thấp.
Tiền sản giật xảy ra do sự bất tương xứng giữa yếu tố co mạch và yếu tố giãn mạch, co mạch nhiều hơn giãn mạch. Vì thế, việc nuôi dưỡng các mạch máu trong cơ thể người mẹ bị giảm, đặc biệt là mạch máu nhỏ. Điều này dẫn đến sự tổn hại các cơ quan.
Trước đây, khi chưa thể phát hiện các yếu tố nguy cơ, phải đợi đến khi người mẹ có sự thay đổi về huyết áp (khoảng 20 tuần). Lúc này, các mạch máu trung bình co lại, khiến thai phụ bị cao huyết áp.
Bên cạnh đó, do sự tổn hại mạch máu nuôi thận, chức năng lọc của cầu thận bị ảnh hưởng khiến người mẹ bị tiểu đạm. Nặng hơn nữa, các mạch máu ở phổi bị tổn hại, tràn nước từ phổi ra ngoài, dẫn đến phù phổi cấp, nguy cơ tử vong.
Khi các mạch máu nhỏ bị tổn thương, thận thoát đạm, áp lực trong mạch máu giảm, nước thoát ra ngoài gian bào gây phù não, dẫn đến co giật, hay còn gọi là sản giật. Mạch máu nhỏ bị vỡ sẽ gây xuất huyết não. Ngoài ra, bao gan bị căng phồng, mạch máu xung huyết, nặng hơn là vỡ bao gan, vỡ gan. Biến chứng thường gặp nhất của tiền sản giật là lên cơn co giật, chuyên môn gọi là sản giật (co giật xảy ra trên người mang thai). Sau khi loại bỏ các nguyên nhân gây co giật khác, chẳng hạn động kinh, xác định chính xác người bệnh bị sản giật, bắt buộc phải điều trị phù hợp. Tuy nhiên, việc chẩn đoán cũng gặp rất nhiều khó khăn, liên quan đến chuyên môn của bác sĩ.
Tóm lại, các biến chứng nguy hiểm của bệnh lý tiền sản giật có thể gặp phải gồm sản giật, tràn nước trong phổi (phù phổi cấp), căng bao gan nguy cơ vỡ gan, tổn thương cầu thận gây tiểu đạm, tràn nước khỏi mạch máu gây phù não...
Chân thành cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết khác
- Bí quyết chăm sóc mẹ bầu trong dịp Tết (04-02-2025)
- Kiêng kỵ đến bệnh viện đầu năm và chọn giờ đẹp để sinh con, hậu quả gì? (04-02-2025)
- Y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương xuyên Tết chăm sóc sức khỏe mẹ và bé (04-02-2025)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số đặc biệt: Bầu bì sinh nở dịp Tết - Bệnh viện Hùng Vương lo hết (04-02-2025)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)