BỆNH LÝ SÀN CHẬU
1. Định nghĩa
Sàn chậu bao gồm một hệ thống thần kinh, cơ, mô liên kết nằm trong khung chậu. Nó có vai trò nâng đỡ các cơ quan quan trọng của cơ thể như Bàng quang, Tử cung, Trực tràng và đóng mở đường ra của các cơ quan này: niệu đạo, âm đạo và hậu môn. Rối loạn chức năng sàn chậu là sự suy yếu của cả hệ thống cơ, mô, dây chằng, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan kết hợp: như Hệ tiết niệu gây tình trạng tiểu không kiểm soát, tiểu gấp, Hệ tiêu hoá gây nên tình trạng táo bón, và sa các tạng vùng chậu gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày, rối loạn tình dục và đau mãn tính gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người phụ nữ. Người phụ nữ khi có tình trạng sa tạng chậu cùng với sự e dè và đặc biệt những phụ nữ sinh sống ở vùng xa, khó tiếp cận với hệ thống chăm sức khoẻ. Phần lớn họ sẽ âm thầm chịu đựng, khi đến với thầy thuốc thì tình trạng đã nặng hơn nhiều.
Ngày này cùng với sự phát triển của y học, phục hồi chức năng sàn chậu không chỉ là phẫu thuật, sự can thiệp sẽ bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất bao gồm thay đổi thói quen sinh hoạt, tập bàng quang, tập vật lý trị liệu sàn chậu, hay can thiệp nội khoa như sử dụng nội tiết tại chỗ, sử dụng vòng nâng âm đạo. Bên cạnh nội khoa là các phương pháp phẫu thuật ngày càng tiến bộ hơn và đa dạng hơn trong phẫu thuật sàn chậu.
2. Triệu chứng
Rối loạn chức năng sàn chậu là bệnh lý tiến triển chậm, xuất hiện từ từ trong một thời gian dài từ những dấu hiệu ban đầu như: cảm giác nặng trằn, khối phồng nhỏ ở âm đạo, hay cảm giác són tiểu ít khi ho hắt hơi. Theo thời gian các dấu hiệu sẽ trở nên nặng hơn và biểu hiện ở các nhóm triệu chứng sau:
5 nhóm triệu chứng:
- Triệu chứng đường tiểu dưới
+ Tiểu không kiểm soát khi gắng sức
+ Tiểu gấp
+ Nhiễm trùng đường tiểu dưới
+ Tiểu khó do khối sa
- Triệu chứng hậu môn trực tràng
+ Tiêu không kiểm soát
+ Tiêu gấp, tiêu gấp không kiểm soát
+ Tống phân phải rặn
+ Cảm giác tống phân không hết
+ Táo bón
+ Khối sa trực tràng
- Sa các tạng vùng chậu
+ Trằn nặng vùng chậu
+ Khối phồng trong âm đạo, sa ra ngoài
+ Xuất huyết, tiết dịch, nhiễm trùng
+ Đẩy khối sa lên khi đi tiêu tiểu
- Rối loạn tình dục
+ Giao hợp đau
+ Giao hợp giảm cảm giác, bị cản trở
- Đau vùng chậu
+ Đau bàng quang, niệu đạo
+ Đau âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn
+ Đau vùng chậu có hay không theo chu kỳ
+ Đau thần kinh thẹn
3. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
Mang thai và sinh nở gây tăng áp lực đè lên vùng sàn chậu, tổn thương đứt, rách các hệ thống cơ, mô liên kết, và dây chằng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có đến 80% những bệnh nhân bị sa tạng vùng chậu có số lần sinh con trên 3 lần. Cùng với tiến trình lão hoá tự nhiên, sự sụt giảm nồng độ hormone nữ Estrogen trong giai đoạn trước và sau mãn kinh, khiến cơ thể thiếu hụt lượng collagen cần thiết để liên kết các mô vùng chậu. Ngoaì ra, còn có các nguyên nhân khác như: bệnh lý ho mãn tính, táo bón, sang chấn trong sản khoa như sinh giúp, rách tầng sinh môn độ III, IV, nghề nghiệp làm các công việc nặng nhọc, ảnh hưởng đến sự gia tăng áp lực ổ bụng nhiều.
4. Chẩn đoán
- Tiền sử: sanh đẻ (PARA), bệnh mạn tính, phẫu thuật vùng chậu trước đó, quá trình điều trị.
- Triệu chứng cơ năng: đánh giá 5 nhóm triệu chứng của rối loạn chức năng sàn chậu
- Triệu chứng thực thể:
Thăm khám lâm sàng: khám phụ khoa đơn thuần đi kèm khám đánh giá sàn chậu
+ Đánh giá mức độ sa tạng chậu của khoang niệu dục theo hệ thống POP-Q, đo đạc kích thước sa sinh dục theo bảng 9 ô kẽ POP-Q (pelvic organ prolapse quantification system).
+ Xác định sa vùng đỉnh sau âm đạo (sa túi cùng Douglas/ mỏm âm đạo). Sa thành sau, khối sa ruột non, sa trực tràng đi kèm. Phỏng đoán vị trí tổn thương của các cấu trúc giải phẫu.
+ Chẩn đoán phân biệt với các bệnh lành tính khác: nứt kẽ hoặc rò hậu môn, co thắt cơ mu trực tràng nghịch lý, bệnh giảm nhạy cảm trực tràng,…
- Cận lâm sàng:
+ Đo niệu động học
+ Chụp MRI động (Defecography)
+ Tầm soát ung thư cổ tử cung
+ Siêu âm phụ khoa
+ Đo điện cơ tầng sinh môn
+ Các xét nghiệm tổng quản bổ trợ khác: giúp phát hiện các bệnh lý đi kèm, và hỗ trợ cho phẫu thuật.
5. Điều trị
Thay đổi lối sống: giảm, hạn chế các loại thức ăn có chất kích thích như trà, cà phê, uống đủ nước, ăn đủ chất xơ, tập thói quen ruột, bàng quang- đi tiêu, tiểu phù hợp, không nhịn.
a. Điều trị nội khoa:
- Tập bàng quang:
Nhật ký đi tiểu (Voiding diary/ Bladder diary) là công cụ để theo dõi quá trình tập bàng quang.
- Tập cơ sàn chậu (PFMT - Pelvic Floor Musle Training)
Tập co cơ sàn chậu đúng và có chủ ý giúp cải thiện chức năng sàn chậu. Ngày nay, có nhiều các thiết bị phản hồi sinh học hỗ trợ cho tập co cơ sàn chậu.
- Nội tiết tại chỗ: Estrogen sử dụng tại chỗ hiệu quả làm giảm các triệu chứng niệu dục
- Vòng nâng âm đạo
Chỉ định cho các trường hợp sa từ độ II trở lên, một dụng cụ không xâm lấn sử dụng đặt vào âm đạo nhằm nâng đỡ đưa các cơ quan bị sa về vị trí bình thường, điều trị triệu chứng của sa tạng chậu và tiểu không kiểm soát khi gắng sức, bảo tồn tử cung.
b. Điều trị ngoại khoa
Khi thất bại trong điều trị nội khoa, hoặc tình trạng sa từ độ III trở lên, can thiệp phẫu thuật với các phương pháp từ ngã bụng, nội soi, hoặc ngã âm đạo như:
- Phẫu thuật treo tử cung- mỏm nhô
- Phẫu thuật cắt tử cung- treo mỏm cắt vào mỏm nhô
- Cắt cụt cổ tử cung
- Phẫu thuật đặt mảnh ghép trong điều trị sa tạng chậu
6. Biến chứng
Biến chứng trong phẫu thuật sàn chậu bao gồm: tổn thương bàng quang, ruột, các cơ quan lân cận, nhiễm trùng, khối máu tụ, lộ mảnh ghép trong phẫu thuật đặt mảnh ghép. Khối sa tái phát.
7. Phòng ngừa
- Duy trì và thực hiện đúng cách các bài tập phục hồi sàn chậu theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là ăn nhiều rau củ quả, bổ sung chất xơ, uống nhiều nước để ngăn ngừa chứng táo bón.
- Duy trì mức cân nặng cân đối, phù hợp, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh
8. Thực tế tại bệnh viện Hùng Vương:
- Hiện Khoa Khám bệnh A- Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận thăm khám, sàng lọc, điều trị các rối loạn chức năng sàn chậu.
- Bao gồm các phương pháp:
+ Điều trị nội khoa: tập vật lý trị liệu sàn chậu, đặt vòng nâng âm đạo
+ Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật ngã bụng, nội soi, âm đạo, không có hoặc có sử dụng mảnh ghép tổng hợp.
BS Nguyễn Ngọc Thoại - Khoa Khám bệnh A
Cập nhật: 17/4/2023
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)