MƯỜI PHÚT GIÀNH LẠI MỘT CUỘC ĐỜI
Ngày 29/3/2025, sản phụ NTNH, 21 tuổi, ngụ Quận 6 - Tp.Hồ Chí Minh được Bệnh viện Quân y 7A chuyển qua Bệnh viện Hùng Vương. Sản phụ được nhập khoa Sanh với chẩn đoán: con so, thai 37 tuần, ngôi đầu, ối còn, chuyển dạ tiềm thời có ra huyết âm đạo ít. Quá trình mang thai sản phụ không thăm khám đầy đủ theo phác đồ, không làm siêu âm 4D. Tiền căn không có vấn đề gì đặc biệt. Hiện trạng tuy có tình trạng thiếu máu nặng với Hb 9.8 g/dl, Hct 27%, MCV: 64fl, MCH: 23pg tuy nhiên sản phụ tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Sản phụ được theo dõi tại phòng Sanh từ 19g00 ngày 29/3/2025 đến 07g00 ngày 30/3/2025 thì ối vỡ; trong thời gian này sinh niệu ổn, cổ tử cung mở từ 1cm lên 5cm. Gò tốt, 4 cơn/10 phút. Tới 07g45, cổ tử cung trọn, đầu lọt. Sản phụ được hướng dẫn rặn sanh và sanh thường 1 bé trai nặng 2700g, Apgar 7/8, tầng sinh môn nguyên. Tới thời điểm này, mọi việc diễn ra hoàn toàn bình thường. Tưởng như ca sanh đã chuẩn bị hoàn tất như các ca sanh khác.
Tuy nhiên sự cố đã xảy ra ngay trong khi tiến hành xử trí tích cực giai đoạn III và đang sổ nhau. Nhân viên hộ sinh phát hiện sản phụ nhợt nhạt, tiếp xúc chậm, sùi bọt mép. Lập tức hô to gọi hỗ trợ và mời bác sĩ đồng thời tiếp tục hoàn thành giai đọan sổ nhau. Sau khi nhau sổ, sản phụ rơi vào tình trạng lơ mơ, tiếp xúc kém, nhợt nhạt. Sinh hiệu: mạch 150 lần/ phút, huyết áp 179/147 mmHg, SpO2 85%. Sản phụ được chẩn đoán: Hậu sản sanh thường giờ 1. Suy hô hấp. Theo dõi Thuyên tắc ối. Theo dõi Tiền sản giật nặng.
07g48. Qui trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt.
Sản phụ tiếp xúc chậm. Gồng người. Thở ngáy. Miệng nhiều đàm nhớt, không nổi mẩn, niêm nhạt, bắt mạch cảnh còn, mạch quay bắt được. SpO2: 90-92%. Đồng tử co nhỏ 1.5mm, tim đều, nhịp rõ, phổi âm phế bào thô sậm.
Lập tức lập thêm 2 đường truyền cho sản phụ. Tiến hành giúp thở. Xét nghiệm. Siêu âm tại chỗ và tư vấn cho người nhà về tình trạng bệnh rất nặng.
07g57. Sản phụ đang được giúp thở qua ống Nội khí quản, nghe tim mờ, rời rạc, mạch cảnh khó bắt.
Ngay lập tức sản phụ được chỉ định xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Sau khoảng 1 phút, nhịp xoang có lại trên ECG, mạch cảnh bắt được, huyết áp 120/70 mmHg, SpO2 100%.
07g58. Ngưng ấn tim.
Sản phụ được chuyển lên phòng mổ kiểm tra lại về sản khoa. Mời ICU Bệnh viện Chợ Rẫy qua hỗ trợ: thống nhất tiếp tục theo dõi, không xử trí thêm.
Sản phụ được theo dõi tại phòng mổ tới 09g45 thì tỉnh, mở mắt, nghe hiểu, làm theo y lệnh. Huyết áp 120/70 mmHg, Sp02: 100%, tim đều rõ, phổi trong. Tử cung gò tốt. Sonde lòng tử cung khô. 10g00 cùng ngày sản phụ được chuyển ra phòng hồi sức. Tới sáng 31/3/2025 sản phụ ổn và được chuyển lên khoa Hậu sản theo dõi tiếp.
Đây tiếp tục là 1 trường hợp sản phụ bị thuyên tắc ối được Bệnh viện Hùng Vương kích hoạt Qui trình báo động đỏ nội viện và liên viện cấp cứu thành công với sự tham gia của các bác sĩ, chuyên gia về sản phụ khoa và cấp cứu, gây mê hồi sức của Bệnh viện Hùng Vương vá có sự hỗ trợ của ICU Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong trường hợp này, Qui trình báo động đỏ nội viện đã tiếp tục phát huy hiệu quả và chỉ sau mười phút đã giúp các bác sĩ kiểm soát được tình trạng người bệnh, giành lại sự sống cho người bệnh từ tay tử thần.
Hội chứng thuyên tắc ối (Amniotic Fluid Embolism - AFE) là một biến chứng sản khoa hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, xảy ra khi nước ối, tế bào thai nhi hoặc các chất trong tử cung xâm nhập vào hệ tuần hoàn của người mẹ, gây tắc mạch máu, dẫn đến suy hô hấp, sốc, rối loạn đông máu và suy đa tạng. Tình trạng này thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ, sau sinh hoặc thậm chí khi phá thai, mổ lấy thai. Thuyên tắc ối có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và thai nhi. Mặc dù tỷ lệ xảy ra chỉ khoảng 1/40.000 ca sinh, nhưng hội chứng này có tỷ lệ tử vong lên đến 20-60%, thậm chí cao hơn nếu không được cấp cứu kịp thời và không có đủ trang bị, phương tiện cấp cứu cũng như thiếu đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm.
Thuyên tắc ối không thể dự báo trước. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và diễn tiến nhanh, bao gồm:
+ Khó thở, tím tái do tắc nghẽn phổi.
+ Tụt huyết áp, mạch nhanh dẫn đến sốc.
+ Co giật, mất ý thức do thiếu oxy lên não.
+ Chảy máu ồ ạt không kiểm soát do rối loạn đông máu.
Khi phát hiện thai phụ có những biểu hiện này, cần nghĩ ngay đến thuyên tắc ối và tổ chức cấp cứu ngay lập tức để tránh nguy cơ tử vong bởi thời gian cấp cứu có hiệu quả thường chỉ rất ngắn. Thông thường, khi gặp trường hợp thuyên tắc ối, các cơ sở y tế nên kích hoạt Qui trình Báo động đỏ nội viện hoặc ngoại viện để có thêm nguồn lực nhằm thực hiện cấp cứu có hiệu quả.
Tới nay, nguyên nhân dẫn đến thuyên tắc ối chưa được xác định rõ, nhưng nhiều chuyên gia đã thống nhất cao đối với một số yếu tố làm tăng nguy cơ của tình trạng này bao gồm:
+ Tuổi mẹ cao (trên 35 tuổi).
+ Đa thai, đa ối hoặc thai lớn.
+ Sinh mổ, sinh khó hoặc can thiệp thủ thuật như bấm ối, đặt forcep.
+ Tiền sử nhau tiền đạo, sản giật, vỡ tử cung.
Mặc dù không thể chẩn đoán trước và cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn, song thai phụ có thể chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp:
+ Khám thai định kỳ đầy đủ. Theo dõi sát sao sức khỏe thai kỳ, đặc biệt nếu có yếu tố nguy cơ. Phát hiện sớm các bất thường như đa ối, tiền sản giật để xử lý kịp thời.
+ Chọn cơ sở y tế uy tín khi sinh. Ưu tiên bệnh viện có đủ trang thiết bị cấp cứu và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm. Tránh sinh tại nhà hoặc cơ sở y tế thiếu chuyên môn.
+ Nhận biết dấu hiệu nguy hiểm: nếu thấy khó thở đột ngột, đau ngực, chảy máu bất thường trong hoặc sau sinh, cần báo ngay cho nhân viên y tế.
+ Duy trì lối sống lành mạnh. Ăn uống đủ chất, bổ sung sắt và canxi theo chỉ định. Tránh stress, nghỉ ngơi hợp lý để giảm nguy cơ biến chứng.
Tin, bài: Quốc Hùng
Bài viết khác
- Hội chứng Down kèm gánh nặng tim bẩm sinh, chậm phát triển tinh thần và trí tuệ (03-04-2025)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 27: Hội chứng Down - Gánh nặng và dự phòng (03-04-2025)
- Quy trình khám bệnh thai trứng (27-06-2022)
- Quy trình khám bệnh thai ngoài tử cung (27-06-2022)
- Nhân xơ lòng tử cung có nguy hiểm không? (02-04-2025)