Biến chứng nguy hiểm của vàng da bệnh lý và các giải pháp điều trị mẹ cần biết - Bệnh viện Hùng Vương

Biến chứng nguy hiểm của vàng da bệnh lý và các giải pháp điều trị mẹ cần biết - Bệnh viện Hùng Vương

Biến chứng nguy hiểm của vàng da bệnh lý và các giải pháp điều trị mẹ cần biết - Bệnh viện Hùng Vương

Biến chứng nguy hiểm của vàng da bệnh lý và các giải pháp điều trị mẹ cần biết - Bệnh viện Hùng Vương

Biến chứng nguy hiểm của vàng da bệnh lý và các giải pháp điều trị mẹ cần biết - Bệnh viện Hùng Vương
Biến chứng nguy hiểm của vàng da bệnh lý và các giải pháp điều trị mẹ cần biết - Bệnh viện Hùng Vương

Biến chứng nguy hiểm của vàng da bệnh lý và các giải pháp điều trị mẹ cần biết

     1. Vàng da bệnh lý có thể gây ra những biến chứng gì?

     Thưa BS, vàng da sinh lý có gây hại cho sức khỏe của trẻ sơ sinh không ạ? Vàng da bệnh lý nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể đưa đến những rủi ro nào cho con ạ?

     BS.CK2 Lê Anh Thi trả lời: Vàng da sinh lý sẽ tự khỏi sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, vàng da bệnh lý nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hậu quả để lại cho em bé cực kỳ nặng nề như:

- Trẻ có biến chứng về bệnh não cấp do lượng bilirubin trong máu tăng nhanh và sớm. Trẻ sẽ có một số biểu hiện kèm theo như bỏ bú, lừ đừ, li bì, thậm chí co gồng.

- Một biến chứng cũng nguy hiểm là vàng da nhân. Đây là bệnh lý não do tăng bilirubin gián tiếp, để lại di chứng trên hệ thần kinh và trẻ không thể hồi phục.

- Một số biến chứng khác về hệ thần kinh như ảnh hưởng đến thính lực, gây điếc, trẻ chậm phát triển về tâm thần vận động.

     Vàng da bệnh lý không phải trẻ nào cũng có nhưng nếu không phát hiện sẽ để lại những biến chứng nặng nề.

     2. Thăm khám và chẩn đoán vàng da ở trẻ sơ sinh

     Thưa BS, khi mẹ đưa bé đến với các dấu hiệu nghi ngờ vàng da bệnh lý, bé sẽ được thăm khám và chẩn đoán thế nào ạ?

     BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Trẻ sau khi sinh tại Bệnh viện Hùng Vương sẽ được bác sĩ Nhi khoa khám tại trại để theo dõi vàng da. Nếu trẻ có mức bilirubin cao ở ngưỡng cần chiếu đèn sẽ được chiếu đèn tại trại. Mẹ vẫn có thể cho trẻ bú ngủ bình thường, có đèn chiếu tại giường. Nếu trẻ có bilirubin tăng cao trên 20mg% sẽ được chiếu đèn tích cực hơn.

     Đối với trẻ đã xuất viện, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn tái khám tại phòng khám Nhi. Nếu sau xuất hiện 1-2 ngày mà em bé vàng da đến cẳng tay, cẳng chân, cần đưa bé đến phòng khám Nhi để kiểm tra. Bác sĩ sẽ đo bilirubin qua da, nếu ngưỡng cao cần chiếu đèn, bé sẽ được nhập khoa sơ sinh để chiếu đèn. Bên cạnh đó, mẹ còn được theo chăm sóc, ở chung phòng với bé.

 

 

     3. Các phương pháp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?

     Hiện nay có những giải pháp nào để điều trị vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh, thưa BS? Nhờ BS chia sẻ từng ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp này ạ?

     BS.CK2 Lê Anh Thi trả lời: Hiện nay có 2 phương pháp thường sử dụng điều trị vàng da bệnh lý cho trẻ sơ sinh.

     Thứ nhất là liệu pháp ánh sáng, hay gọi là chiếu đèn. Loại đèn chiếu ánh sáng xanh có bước sóng từ 450 - 460nm. Bước sóng này sẽ xuyên qua da trẻ đến lớp mỡ, làm biến đổi bilirubin trong da thành dạng đồng phân có thể tan trong nước, sau đó được đào thải qua phân và nước tiểu. Điều này làm giảm nồng độ bilirubin trong người em bé, giảm vàng da và những nguy cơ nặng nề sau này.

     Ưu điểm của phương pháp này là phù hợp với kinh tế, đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả. Tuy nhiên có thể gây ra một số triệu chứng không mong muốn cho bé như tổn thương da, bỏng, nổi ban, tăng thân nhiệt, tăng nhịp tim, mất nước, tối loạn điện giải, tuy nhiên ít xảy ra.

     Phương pháp thứ hai là thay máu. Đây là kỹ thuật điều trị cho em bé vàng da bệnh lý nặng, có nguy cơ diễn tiến thành bệnh não. Thay máu là kỹ thuật xâm lấn, mục đích là lấy bớt bilirubin cũng như kháng thể miễn dịch trong huyết tương của trẻ ra ngoài cơ thể.

     Ưu điểm của phương pháp này là điều trị vàng da bệnh lý nặng, làm giảm nồng độ bilirubin trong máu nhanh chóng. Tuy nhiên vì đây là kỹ thuật xâm lấn nên có những biến chứng đi kèm như nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng liên quan đến túi máu, truyền máu hoặc kỹ thuật thay máu. Bên cạnh đó còn khiến em bé rối loạn thân nhiệt, giảm hồng cầu, giảm tiểu cầu sau khi thay máu. Một số em bé còn có thể viêm ruột, hoại tử. Vì vậy, những em bé được thay máu cần theo dõi ít nhất trong 6 tiếng để điều chỉnh những dấu hiệu này kịp thời.

 

     4. Một số điều ba mẹ cần lưu ý khi điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh

     Thông thường, nếu vàng da bệnh lý được điều trị tốt, bao lâu trẻ có thể khỏi tình trạng này ạ? Trong quá trình điều trị cho con, mẹ cần chú ý những vấn đề gì, thưa BS?

     BS.CK2 Lê Anh Thi trả lời: Thông thường, trẻ vàng da bệnh lý nếu điều trị tốt và tích cực sẽ khỏi hoàn toàn sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, thời gian điều trị còn tùy thuộc vào tuổi thai, phương pháp điều trị, yếu tố nguy cơ gây bệnh càng nhiều thì thời gian điều trị càng lâu.

     Trong quá trình điều trị vàng da bệnh lý, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

     - Cha mẹ phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Với phương pháp chiếu đèn, trẻ phải được bộc lộ hết các vùng da để chiếu, em bé sẽ lạnh và khóc. Vì thương con nên một số ba mẹ ẵm ra khỏi đèn. Trong khi thời gian chiếu đèn hiệu quả nhất là trong 4 tiếng đầu. Do đó, ba mẹ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, thậm chí phải chiếu đèn liên tục, hạn chế tách bé ra khỏi đèn.

     - Luôn luôn theo dõi trẻ trong quá trình chiếu đèn để có thể phát hiện diễn tiến xấu của trẻ. Nếu trẻ nổi ban, nóng, sốt, ọc sữa, quấy khóc liên tục dỗ không nín hoặc lừ đừ bỏ bú cần liên hệ với nhân viên y tế ngay.

     - Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bằng cách cho trẻ bú mẹ để tiêu hóa tốt, giúp bài tiết bilirubin qua phân và nước tiểu hiệu quả hơn.

     - Sau khi xuất viện, nên cho trẻ tái khám để được bác sĩ đánh giá và đưa ra lời khuyên, tư vấn phù hợp.

     - Em bé phải được chiếu đèn liên tục, hạn chế tách em bé ra khỏi đèn, đặc biệt trong 4 tiếng đầu để đạt hiệu quả cao nhất.

 

 

    5. Quy trình điều trị vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương

     Thưa BS, tại Bệnh viện Hùng Vương, việc điều trị vàng da bệnh lý sẽ theo quy trình nào ạ? Bệnh viện hỗ trợ cho mẹ bỉm ra sao với những tình huống này để không quá lo lắng, chăm con đúng cách, nhất là những mẹ sinh con so ạ?

     BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Quy trình chiếu đèn ở khoa Sơ sinh hiện tại có 2 nhóm:

     Với em bé đang nằm viện: Bác sĩ sẽ thăm khám, nếu bilirubin trên ngưỡng thì sẽ được chiếu đèn tại trại. Trong trường hợp bilirubin quá cao, trên 20 mg/Dl sẽ được gửi khoa Sơ sinh để chiếu đèn tích cực hơn.

     Với trẻ đã xuất viện và đến khám: Bác sĩ đo bilirubin qua da. Những em bé có ngưỡng bất thường sẽ được gửi khoa Sơ sinh chiếu đèn, mẹ sẽ được theo trẻ để tiếp tục theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, nếu bé bị vàng da nặng với mức bilirubin trên 20 mg/Dl, mẹ sẽ được cách ly để trẻ được chiếu đèn tích cực. Sau khi bilirubin giảm dưới 20 mg/Dl, mẹ được tiếp tục chăm sóc trẻ.

     6. Trẻ vàng da bệnh lý bị cách ly, mẹ có thể cho con bú bằng cách nào?

     Thưa BS, trong lúc cách ly, mẹ có thể cho con bú hay chuyển sữa mẹ vào cho con không ạ?

     BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Mặc dù em bé vàng da nhưng chúng ta vẫn cho bé bú mẹ. Trẻ được bú mẹ càng nhiều thì lượng bilirubin được đào thải qua đường tiêu hóa càng nhiều. Mẹ có thể vắt sữa và mang vào ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương để vô khuẩn sữa và gửi cho em bé bú lại. Tuy nhiên, nếu mẹ vắt sữa đúng quy trình có thể đưa trẻ bú trực tiếp. Hoặc tới cữ bú, mẹ có thể vào cho em bé bú bình thường.

 

     Trân trọng cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng Bệnh viện Hùng Vương và AloBacsi trong chương trình lần này!

     Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.

 

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác