“Làm sao cho con tôi hết chảy mũi, hết đàm?” là câu hỏi đầu tiên và thường gặp của các phụ huynh có con bị mắc các bệnh lý về đường hô hấp khi tới phòng khám Nhi khoa của Bệnh viện Hùng Vương.
Thời điểm giao mùa hoặc thay đổi thời tiết, trẻ em rất dễ gặp phải các vấn đề về hô hấp như nghẹt mũi, chảy mũi, ho đàm. Đặc điểm đường hô hấp của trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi khác với trẻ lớn và người lớn. Đó là đường thở nhỏ hơn, trẻ chủ yếu thở bằng mũi chứ không biết thở bằng miệng khi mũi bị tắc, phản xạ ho và khạc đàm cũng yếu hơn và ít hiệu quả. Do đó trẻ rất dễ bị tắc nghẽn đường đường thở khi mắc các bệnh lý về hô hấp, làm cho trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, khó bú, hay ọc sữa dẫn đến làm chậm khả năng phục hồi bệnh lý của trẻ và gây nên nhiều stress cho các bậc cha mẹ phụ huynh. Để giải quyết tình trạng này một trong những phương pháp điều trị hỗ trợ hiệu quả đó là Vật lý trị liệu hô hấp.
Vật lý trị liệu hô hấp là gì?
Một cách khái quát, phương pháp vật lý trị liệu hô hấp, là biện pháp điều trị hỗ trợ giúp giải quyết ứ đọng đàm nhớt trong một số bệnh lý đường hô hấp, bằng các kỹ thuật tác động đến cơ chế sinh lý tự nhiên của hoạt động hô hấp. Vật lý trị liệu hô hấp đạt đến kết quả là đàm nhớt được dẫn lưu và loại bỏ ra khỏi cơ quan hô hấp và như thế đường hô hấp sẽ thông thoáng tạo điều kiện cho việc lưu thông khí trở lại bình thường.
Khi nào trẻ cần được làm vật lý trị liệu hô hấp?
Khi trẻ mắc các bệnh lý về đường hô hấp gây ứ đọng đàm nhớt như : Viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, xẹp phổi. Hoặc trẻ mắc các bệnh lý khác ngoài đường hô hấp nhưng cũng gây ứ đọng đàm nhớt như bại não, bệnh lý thần kinh cơ, trẻ phải nằm 1 chỗ lâu ngày do gãy xương, sau phẫu thuật,…
Vật lý trị liệu hô hấp có an toàn không?
Khi được thực hiện bởi các kỹ thuật viên vật lý trị liệu được đào tạo bài bản thì đây là 1 phương pháp điều trị an toàn. Tuy nhiên, trước khi được chỉ định thực hiện trẻ cần được các bác sĩ nhi khoa khám đánh giá trước để loại trừ những trường hợp chống chỉ định. Trẻ không thể làm VLTL hô hấp khi có các tình trạng sau: suy hô hấp tuần hoàn, bệnh lý tim bẩm sinh tím, trẻ có các bệnh lý dễ gây chảy máu như Hemophilia, giảm tiểu cầu nặng, trẻ đang sốt ≥ 38.5 độ C, cơn hen suyễn, viêm thanh quản co thắt, viêm thanh thiệt cấp, tràn khí màng phổi,…
Vật lý trị liệu hô hấp được thực hiện như thế nào?
Các kỹ thuật VLTL hô hấp ở trẻ em bào gồm: Thông mũi họng, kích thích ho và đẩy đàm, tăng thông lượng khí thở ra, dẫn lưu tự sinh.
Vấn đề tắc nghẽn đường hô hấp sẽ được cải thiện rõ rệt: bé sẽ bớt ho, hít thở dễ dàng hơn, ăn bú bình thường trở lại, bé ngủ yên, hết quấy khóc, sau một đợt vật lý trị liệu trung bình từ 2 đến 3 ngày, vì đàm nhớt của bé sẽ được lấy đi.
Vật lý trị liệu hô hấp chỉ là biện pháp điều trị hỗ trợ, do đó tùy tình trạng bệnh lý trẻ có thể cần phối hợp điều trị với các loại thuốc đặc trị theo bệnh lý.
Trước khi thực hiện VLTL hô hấp, phụ huynh nên cho trẻ ăn bú trước đó ít nhất 30-60 phút, tránh trẻ bị nôn ói khi thực hiện thủ thuật.
Khi thực hiện VLTL hô hấp, trẻ khóc nhiều nên một số trẻ có thể nổi chấm xuất huyết li ti rải rác vùng mặt, thường sẽ hết sau 1 -2 ngày.
Vật lý trị liệu hô hấp không làm tăng nguy cơ viêm tai giữa cho trẻ.
BSCK1. Nguyễn Văn Thức - Khoa Sơ sinh
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)