1. Đối phó với cơn bốc hỏa giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh như thế nào?
Đặc biệt là có cách nào để xoa dịu sự khó chịu do cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm càng đưa đến tính khí gắt gỏng…? Những vấn đề này đến khi nào mới chấm dứt, thưa BS?
BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Đối với việc thăm khám và điều trị cho các chị em phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh phải tùy vào triệu chứng của mỗi người, cá thể hóa để đưa ra liệu trình điều trị. Tuy nhiên, với các triệu chứng nổi bật như bốc hỏa, bệnh nhân sẽ được tư vấn, giải thích cách giúp chị em phụ nữ vượt qua.
Ví dụ, đối với cơn bốc hỏa đa phần xảy ra vào ban đêm, gây khó ngủ và ảnh hưởng sức khỏe, có thể hướng dẫn tập luyện một số nội dung như: thư giãn, tập thể dục, các bài tập yoga hoặc bài tập đơn giản mỗi ngày.
Với chế độ dinh dưỡng, nên ăn các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, tránh bia rượu, thuốc lá hoặc những chất gây tăng cholesterol.
Ngoài ra, không gian ngủ nên thoáng mát, nhiệt độ và ánh sáng vừa phải để hỗ trợ cho chị em có một giấc ngủ tốt. Nếu tình trạng xảy ra quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nên đến gặp bác sĩ để đánh giá xem chị em có cần dùng thêm nội tiết mãn kinh hỗ trợ hay không. Đó là lời khuyên về triệu chứng bốc hỏa thường xảy ra ở phụ nữ.
BS.CK2 Võ thị Mỹ Hạnh - Trưởng khoa Khám bệnh A, Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ
2. Giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh có cách nào cải thiện?
- Còn những vấn đề nhạy cảm khác như giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo, người phụ nữ cần làm gì để đối diện?
BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Đối với giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, vấn đề tình dục được đề cập khá nhiều.
Chị em phụ nữ thấy việc ham muốn tình dục trong giai đoạn này bị suy giảm, nhưng nhu cầu này trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh đối với bạn đời vẫn có và không bị cấm cản. Bởi vì, người phụ nữ đã hoàn thành việc sinh đẻ, không lo nghĩ đến con cái, không lo nghĩ vấn đề thai nghén. Do đó, việc sinh hoạt tình dục vẫn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, chị em rất sợ về vấn đề tình dục trong giai đoạn này, do triệu chứng khô hạn âm đạo khiến họ mất dần sự ham muốn. Nồng độ estrogen giảm trong giai đoạn mãn kinh, tiền mãn kinh, khiến âm đaọ khi hạn, niêm mạc khô teo, giảm lượng mạch máu nuôi âm đạo, khi quan hệ sẽ khiến phụ nữ có cảm giác đau đớn, khô rát, viêm nhiễm, làm cho sự hứng thú và việc quan hệ bị giới hạn.
Vì vậy, người phụ nữ thường tránh né vấn đề tình dục. Việc cải thiện cần sự giúp đỡ từ người bạn đời, chị em nên tâm sự với bạn đời để nhận được sự thông cảm và thấu hiểu. Đồng thời, đến gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được tư vấn về phương pháp cải thiện chứng khô âm đạo, có thể dùng thêm chất gel bôi trơn khi quan hệ.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ xem xét điều trị viêm nhiễm, dùng thêm nội tiết đặt tại chỗ để giúp niêm mạc âm đạo được cải thiện, hồi phục, vấn đề quan hệ giữa vợ chồng tốt hơn. Trong cuộc sống, chị em nên thư giãn, giảm căng thẳng để tâm sinh lý khi bước vào giai đoạn “yêu” của mình với người bạn đời được sẽ được cải thiện và tạo sự hứng thú.
3. 3 nhóm phương pháp điều trị rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh
Trường hợp nào thì người phụ nữ cần phải thăm khám với BS ạ? Và y học hiện nay có những giải pháp nào giúp người phụ nữ vượt qua giai đoạn này nhẹ nhàng hơn?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Tiền mãn kinh, mãn kinh là giai đoạn sinh lý, ai cũng phải trải qua thời gian này. Tuy nhiên, có người trải qua rất nhẹ nhàng, có người rất mệt mỏi với nó. Do đó, giai đoạn này, chị em cần khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng - 1 năm. Khi khám phụ khoa, chị em cần tâm sự với bác sĩ những rối loạn gặp phải để nhận được sự giúp đỡ và giải quyết từ bác sĩ.
Đối với rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh có 3 nhóm phương pháp điều trị:
Nhóm thứ nhất là thay đổi lối sống, bao gồm điều chỉnh lại các chế độ làm việc, chế độ dinh dưỡng, chế độ tập thể dục. Khuyến cáo chị em nên dành ít nhất 30 phút/ ngày và 5 ngày/ tuần để tập thể dục, có thể tập luyện bất cứ bộ môn hay bài tập nào nếu yêu thích.
Tuy nhiên, với những chị em có nguy cơ loãng xương cao, nên chọn những biện pháp tập thể dục có tác động về trọng lực cơ thể. Ví dụ, chạy bộ, đi bộ, leo núi,… Còn nếu tập thể dục chỉ để giữ eo hoặc hỗ trợ sức khỏe, chị em có thể lựa chọn bài thể dục theo khả năng.
Hạn chế tiếp xúc với các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… Thỉnh thoảng có thể dùng trong các dịp liên hoan, nhưng nếu dùng hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh của phụ nữ.
Nhóm thứ hai là sử dụng các loại thực phẩm chức năng, không cần dùng thuốc. Theo các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới, hiện nay, một số loại thực phẩm chức năng có thể góp phần giảm các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Phương pháp này chỉ áp dụng cho các triệu chứng rối loạn mức độ nhẹ.
Ví dụ, các triệu chứng thoáng qua như bốc hỏa, mất ngủ, cáu gắt, đau xương khớp không thường xuyên, thỉnh thoảng mới xuất hiện, các vấn đề này có thể điều trị bằng thực phẩm chức năng.
Nhóm thứ ba là bổ sung nội tiết mãn kinh. Với nhóm phương pháp này, chị em bắt buộc phải tới bác sĩ thăm khám để loại trừ các chống chỉ định. Bởi vì, nội tiết thay thế hay nội tiết điều trị mãn kinh là một vũ khí, một con dao hai lưỡi, nếu sử dụng tốt sẽ giúp cuộc sống tốt hơn. Trường hợp sử dụng không đúng có thể làm các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, bệnh lý đang mắc diễn tiến nặng hơn. Như vậy, đối với nhóm phương pháp này bắt buộc đến bác sĩ Sản phụ khoa để thăm khám, làm xét nghiệm loại trừ các chống chỉ định, cũng như làm cơ sở để theo dõi quá trình điều trị sau này.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nhấn mạnh
việc sử dụng nội tiết mãn kinh cần có sự chỉ định của bác sĩ trong số phát sóng lần này
4. Sử dụng liệu pháp thay thế nội tiết tố nữ phải được bác sĩ chỉ định
Liệu pháp thay thế nội tiết tố nữ có thể giúp ích gì cho người phụ nữ trong giai đoạn này? Chỉ định của liệu pháp này ra sao và liệu trình điều trị cụ thể thế nào ạ?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Đối với việc sử dụng nội tiết mãn kinh được chỉ định cho phụ nữ theo 3 nhóm:
Nhóm thứ nhất là chị em có rối loạn vận mạch, bao gồm các triệu chứng: bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, cáu gắt, khó chịu, kích thích, dễ gây lộn, mất ngủ,… Đó là các triệu chứng rối loạn vận mạch thường gặp ở nhóm tiền mãn kinh. Với mức độ từ vừa tới nặng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chị em sẽ có chỉ định điều trị nội tiết.
Nhóm thứ hai là những phụ nữ có rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh có các triệu chứng niệu dục như teo, khô âm đạo, nhiễm trùng tiểu, són tiểu ở mức độ từ nhẹ tới nặng sẽ có chỉ định sử dụng nội tiết.
Nhóm thứ ba là chị em bị đau nhức khớp xương, điều trị thuốc và loại trừ các nguyên nhân gây đau nhức khớp xương khác nhưng không có, lúc này, chị em sẽ được chỉ định điều trị sử dụng nội tiết mãn kinh.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, muốn sử dụng nội tiết mãn kinh phải được bác sĩ ra chỉ định, không được tự động mua thuốc dùng. Ví dụ, nếu thấy bạn bè sử dụng thuốc nội tiết mãn kinh giảm mất ngủ, giảm đau nhức khớp xương, tự ý mượn toa thuốc về mua uống là hành động không được khuyến cáo.
Bởi vì, nội tiết mãn kinh là con giao hai lưỡi, trước khi dùng cần xác định đúng người được chỉ định sử dụng hay không. Bên cạnh đó, phải loại trừ các chống chỉ định để đảm bảo việc sử dụng mang lại hiệu quả và an toàn.
Ngoài ra, với các trường hợp được chỉ định điều trị. Qua các nghiên cứu thấy rằng, nhóm an toàn để sử dụng nội tiết mãn kinh là những phụ nữ dưới 60 tuổi, bắt đầu sử dụng nội tiết mãn kinh ở độ tuổi dưới 60 hoặc thời gian mãn kinh dưới 10 năm, không chỉ định cho tất cả chị em phụ nữ.
Ví dụ, các bạn theo dõi chương trình, thấy mẹ có các vấn đề mất ngủ, đau nhức khớp xương, tự ý mua nội tiết về cho mẹ uống trong khi mẹ đã 80 tuổi và mãn kinh 20 năm là việc làm không đúng.
Nhóm phụ nữ này không sử dụng được nội tiết mãn kinh, bởi vì, qua các nghiên cứu, nhóm phụ nữ bắt đầu sử dụng nội tiết mãn kinh dưới 60 tuổi hoặc thời gian mãn kinh dưới 10 năm mang lại lợi ích nhiều hơn nguy cơ.
Ngược lại, với những phụ nữ hơn 60 tuổi, thời gian mãn kinh hơn 10 năm, sử dụng nội tiết mãn kinh sẽ xảy ra nguy cơ nhiều hơn lợi ích.
Vì vậy, phương pháp này sẽ không sử dụng cho nhóm người trên 60 tuổi và mãn kinh hơn 10 năm. Đây được gọi là “cửa sổ an toàn” khi sử dụng nội tiết mãn kinh mà các bác sĩ luôn phải tuân thủ khi đưa ra chỉ định điều trị.
Thời gian điều trị nội tiết mãn kinh cho đến nay, theo các nghiên cứu ghi nhận, thời gian an toàn được kết luận là 5 - 7 năm tùy theo phác đồ. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các hiệp hội trên thế giới, đến thời điểm 5 - 7 năm sẽ đánh giá lại, đưa lên bàn cân để xem xét nếu dùng tiếp, nguy cơ hay lợi ích sẽ nhiều hơn. Nếu lợi ích mang lại nhiều hơn, bác sĩ bàn luận về việc tiếp tục sử dụng và phải theo dõi sát những trường hợp này. Bởi vì, không có lý do cho việc đang có kết quả tốt sau 5 năm điều trị thì ngưng lại, việc này dẫn đến nguy cơ 50% triệu chứng tái phát trở lại.
Vì vậy, đối với các trường hợp đã điều trị 5 - 7 năm, các bác sĩ sẽ cùng thảo luận để đánh giá lại tình trạng sức khỏe, xem xét lợi ích và nguy cơ. Nếu lợi ích nhiều hơn nguy cơ, có thể cho bệnh nhân tiếp tục điều trị, ngược lại, nếu nguy cơ cao hơn, nên cho bệnh nhân ngừng lại việc sử dụng nội tiết mãn kinh.
Chương trình Radar Sản phụ khoa kỳ 6, chủ đề “Đừng u sầu vì rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh”
5. Cá thể hóa từng bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp
Nhờ BS chia sẻ thêm về quy trình tiếp nhận, thăm khám cho người phụ nữ có rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh đến khám tại Bệnh viện Hùng Vương? Tại đây, các bác sĩ sẽ cùng đồng hành cùng người phụ nữ vượt qua giai đoạn này ra sao ạ?
BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Đối với các chị em phụ nữ khi có các dấu hiệu, triệu chứng của tiền mãn kinh, mãn kinh, muốn đến bệnh viện thăm khám thì tại Bệnh viện Hùng Vương có một phòng khám chuyên về tiền mãn kinh, mãn kinh, khi các chị em đăng ký khám sẽ được nhân viên y tế tiếp xúc và lập hồ sơ theo dõi.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm hỏi các triệu chứng và có bảng điểm để đánh giá triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh ở mức độ nhẹ hay nặng. Tiếp theo, bác sĩ tư vấn để làm các xét nghiệm, thăm khám về nhóm ung thư cổ tử cung hoặc khám nhũ hoa để loại trừ các bệnh lý ung thư.
Tiếp theo, chị em sẽ được xét nghiệm máu để xác định tình trạng trong cơ thể như mỡ máu, chức năng gan, thận, máu. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn và thực hiện thêm một số xét nghiệm như đo loãng xương hoặc các xét nghiệm cao cấp hơn thuộc về bệnh lý nếu cần.
Bác sĩ sẽ đánh giá người phụ nữ đang ở mức độ rối loạn nhẹ, trung bình hay nặng. Phác đồ điều trị đưa ra phụ thuộc vào mong muốn đối với các triệu chứng chị em gặp phải, cá thể hóa từng cá nhân để đưa ra phác đồ điều trị, tư vấn các lợi ích và nguy cơ của điều trị nội tiết.
Song song đó, về liệu pháp không sử dụng nội tiết mãn kinh, bác sĩ sẽ khuyến cáo thêm việc tập luyện các và chế độ dinh dưỡng, sử dụng thêm các loại thực phẩm chức năng không phải nội tiết mãn kinh.
Đối với vấn đề điều trị, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ, hẹn tái khám để thăm hỏi triệu chứng có cải thiện hay không, thời gian hẹn tái khám tùy thuộc vào từng cá nhân, trung bình là 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng để xem xét việc cải thiện triệu chứng. Nếu điều trị thời gian dài, việc thăm khám sức khỏe cần thực hiện liên tục để tránh những bất lợi cho chị em phụ nữ khi sử dụng nội tiết.
Chương trình Radar Sản Phụ Khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào 19h thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng. Chương trình đã thực hiện 5 chủ đề:
- Bệnh viện Hùng Vương đồng hành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ
- Trữ trứng - giải pháp mới cho phụ nữ hiện đại
- Viêm âm đạo và những điều cần biết
- Bệnh lý sàn chậu sau sinh - Dự phòng và điều trị
- Viêm gan siêu vi B và thai kỳ: những điều nên làm để sinh con khỏe mạnh
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)