Cắt ống dẫn tinh (ODT) là hình thức ngừa thai an toàn và hiệu quả nhất ở nam giới, tuy nhiên chưa được sử dụng đúng mức. Các cặp vợ chồng thường sử dụng bao cao su, thuốc ngừa thai và cắt ống dẫn trứng. So với cắt ống dẫn trứng, cắt ODT mang lại hiệu quả ngừa thai tương đương nhưng ít xâm lấn hơn, đơn giản hơn, nhanh hơn, an toàn hơn và ít tốn kém hơn. Các lợi ích khác của cắt ODT so với cắt ống dẫn trứng bao gồm thời gian hồi phục và trở lại công việc nhanh hơn, có thể vô cảm tại chỗ thay vì toàn thân, và có thể thực hiện thủ thuật tại phòng khám thay vì phòng mổ. Dù các ưu điểm vượt trội của cắt ODT so với cắt ống dẫn trứng là rõ rệt, cắt ống dẫn trứng được thực hiện phổ biến hơn nhiều trên thế giới và Việt Nam. Rõ ràng là cắt ODT cần được thực hiện bằng hay nhiều hơn cắt ống dẫn trứng, và các cặp vợ chồng cần được tư vấn về ưu - khuyết điểm của các phương pháp ngừa thai khác nhau để có thể đưa ra quyết định phù hợp.
Chỉ định
Cắt ODT là can thiệp vĩnh viễn và không hồi phục và nối lại ODT là phẫu thuật tốn kém với tỷ lệ thành công rất thay đổi. Do đó, nếu bệnh nhân (BN) không chắc chắn về mong muốn sinh sản trong tương lai, cắt ODT không nên thực hiện và các phương pháp ngừa thai khác nên được đặt ra. Tương tư, nếu BN quá trẻ (<30 tuổi) và chưa có con, sẽ hợp lý hơn khi sử dụng các phương pháp ngừa thai tạm thời khác.
Tư vấn BN trước mổ rất quan trọng giúp ngăn ngừa sự không hài lòng của BN sau mổ và kiện tụng trong trường hợp có biến chứng hay thất bại của cắt ODT. Một lợi ích khác của tư vấn trước mổ là cho BN 1 khoảng thời gian ‘điềm tĩnh’ trong khi chờ đợi làm thủ thuật, do đó cho phép BN có thời gian thay đổi ý kiến nếu quyết định cắt ODT quá vội vã và hăng hái. Tư vấn trước mổ cần đề cập những điểm sau đây:
- Cắt ODT là can thiệp vĩnh viễn và không hồi phục
- Có các phương pháp ngừa thai thay thế khác cắt ODT
- Kiêng xuất tinh 1 tuần sau mổ
- Cắt ODT không làm vô sinh tức thì, cần sử dụng 1 phương pháp ngừa thai khác sau mổ cho đến khi thành công của cắt ODT được xác nhận qua phân tích tinh dịch
- Nguy cơ nhiễm trùng hoặc máu tụ sau mổ là1%–2%
- Nguy cơ đau bìu mạn tính sau mổ là 1%–3%
- Thất bại sớm của cắt ODT (cần can thiệp cắt ODT lại) là <1%
- Thất bại muộn của cắt ODT (sau thành công của cắt ODT được xác nhận bằng phân tích tinh dịch, nguy cơ có thai lại) là #1/2000
Kỹ thuật vô cảm
Cắt ODT có thể tiến hành dưới nhiều hình thức vô cảm, nhưng đa số được thực hiện dưới vô cảm tại chỗ. An thần tĩnh mạch hay vô cảm toàn thân nếu BN không dung nạp thủ thuật tốt hay ODT đặc biệt khó phân lập.
Kỹ thuật mổ
Cắt ODT gồm 2 bước: phân lập ODT (xác định và bộc lộ ODT khỏi bìu) và làm tắc ODT.
Phân lập ODT không dùng dao mổ là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, làm giảm biến chứng của can thiệp cắt ODT. Các kỹ thuật làm tắc ODT quyết định thành công của thủ thuật. Chứng cứ hiện có cho thấy khâu chèn lớp mạc làm tăng hiệu quả khi kết hợp với 1 kỹ thuật làm tắc ODT khác, và đốt điện niêm mạc chứng tỏ là kỹ thuật làm tắc ODT hiệu quả nhất, cho tỷ lệ thất bại <1%.
Biến chứng sau mổ
Nhiễm trùng và tụ máu ít gặp (1-2%) với kỹ thuật phân lập ODT xâm lấn tối thiểu.
Đau bìu mạn tính có thể xảy ra tức thì hoặc nhiều năm sau cắt ODT, gặp ở 1-3% BN. Một số trường hợp, đau có thể nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của BN.
Không có mối liên hệ giữa can thiệp cắt ODT và ung thư tiền liệt tuyến, ung thư tinh hoàn, tình trạng bất lực ngôn ngữ tiến triển, đột quị, bệnh lý tim mạch, xơ vữa mạch máu.
Chăm sóc sau mổ
Bệnh nhân cần kiêng xuất tinh và hoạt động thể lực nặng 1 tuần sau mổ để ODT có đủ thời gian tạo lập nút tắc vững chắc.
Cắt ODT không tạo ra tình trạng triệt sản tức thì vì tinh trùng vẫn còn trong đường sinh dục sau mổ. Cần dùng 1 biện pháp ngừa thai khác cho đến khi xét nghiệm tinh dịch sau cắt ODT an toàn.
Xét nghiệm tinh dịch sau cắt ODT được thực hiện ở tuần 12. Cắt ODT được xem là thành công nếu có tình trạng vô tinh hoặc mật độ tinh trùng bất động <100.000/mL trên xét nghiệm tinh dịch sau cắt ODT ở tuần 12.
Nếu tinh trùng di động hiện diện trên xét nghiệm tinh dịch sau cắt ODT, chứng tỏ có tình trạng tái thông hoặc thất bại kỹ thuật. Cần lặp lại xét nghiệm mỗi 4-6 tuần cho đến khi quan sát thấy tình trạng vô tinh hoặc tinh trùng bất động rất ít, là thời điểm can thiệp cắt ODT được xem là thành công. Ở thời điểm 6 tháng sau cắt ODT, tinh trùng di động còn hiện diện trên xét nghiệm tinh dịch chứng tỏ thất bại của cắt ODT, và cần can thiệp cắt ODT lại. Nếu hiện diện >100.000 tinh trùng bất động/mL sau 6 tháng, quyết định can thiệp cắt ODT lại dựa trên đánh giá lâm sàng và mong muốn của BN.
Bài viết khác
- Bí quyết chăm sóc mẹ bầu trong dịp Tết (04-02-2025)
- Kiêng kỵ đến bệnh viện đầu năm và chọn giờ đẹp để sinh con, hậu quả gì? (04-02-2025)
- Y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương xuyên Tết chăm sóc sức khỏe mẹ và bé (04-02-2025)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số đặc biệt: Bầu bì sinh nở dịp Tết - Bệnh viện Hùng Vương lo hết (04-02-2025)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)