CẮT U VÚ THẨM MỸ KHÔNG ĐỂ LẠI SẸO SINH THIẾT VÚ DƯỚI HỖ TRỢ HÚT CHÂN KHÔNG (VABB)
BS. Mạc Thủy Thảo Phương, BS. Nguyễn Trần Bảo Chi
Khoa Nhũ – bệnh viện Hùng Vương
1/ Cắt u vú không để lại sẹo là gì?
Cắt u vú không để lại sẹo hay còn gọi là phương pháp sinh thiết vú dưới hỗ trợ hút chân không (VABB)
2/ Ưu điểm khi làm thủ thuật này
Xâm lấn tối thiểu (không sẹo, gây tê tại chỗ, không cần bệnh nhân nằm viện)
Ít biến chứng
Loại bỏ u vú một cách thẩm mĩ nhất với đường rạch da từ 3 – 5 mm tùy theo kích thước kim sử dụng
Có thể qua một đường rạch da lấy được nhiều u trên cùng 1 vú
Cắt bỏ được những tổn thương nhỏ không sờ thấy, chỉ nhìn thấy trên siêu âm
Xác định loại tổn thương chính xác tương đương mổ hỡ do mẫu mô lấy ra lớn
Để lại sẹo trong vú tối thiểu, ít gây khó khăn trong việc tầm soát ung thư trong tương lai
3/ Chuẩn bị gì để sinh thiết có hỗ trợ chân không của bạn
Ăn uống bình thường trước khi làm sinh thiết.
Uống thuốc như bình thường. Tuy nhiên cần dừng các loại thuốc có tác dụng kháng đông, bác sĩ sẽ cho biết loại thuốc nào cần tạm ngưng.
Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ cung cấp thông tin về thủ tục và yêu cầu bệnh nhân ký vào đơn đồng ý.
4/ Nguy cơ có thể xảy ra
Sinh thiết có hỗ trợ chân không (VABB) là một thủ thuật an toàn, tuy nhiên vẫn xảy ra những nguy cơ giống như mổ hở:
Chảy máu
Sưng tấy
Nhiễm trùng
Sót u
Dị ứng thuốc tê
5/ Quá trình làm thủ thuật diễn ra như thế nào?
Phương pháp này được thực hiện khi bác sĩ nhìn thấy vùng bất thường trên vú qua siêu âm, tìm chính xác khu vực sẽ sinh thiết
Quá trình làm thủ thuật có thể mất khoảng một giờ
Trong khu vực phòng làm thủ thuật, bệnh nhân sẽ nằm ngửa, điều dưỡng hoặc bác sĩ sẽ hướng dẫn cách nằm thoải mái và thuận lợi nhất để tiến hành làm sinh thiết. Sau đó bệnh nhân cần giữ yên hoàn toàn và không thay đổi vị trí của mình.
Bác sĩ sát trùng vùng vú, sử dụng thuốc gây tê cục bộ để làm tê da, nghĩa là bạn đang tỉnh táo, nhưng khu vực này bị tê. Sau đó, bác sĩ tạo ra một vết cắt rất nhỏ trên da, qua vết cắt này, bác sĩ dùng một cây kim đặc biệt gắn với thiết bị hút chân không đưa vào vú.
Bác sĩ di chuyển kim để loại bỏ các mô bất thường khỏi khu vực. Thiết bị sinh thiết tạo ra nhiều tiếng ồn, thường không đau nhưng bạn có thể cảm thấy khó chịu trong một thời gian ngắn.
Trong suốt quá trình này bác sĩ luôn tiến hành dưới hướng dẫn siêu âm.
Tùy thuộc vào sang thương, bác sĩ sẽ đặt một kẹp kim loại vào khu vực sinh thiết và sẽ báo bệnh nhân nếu làm động tác này. Chiếc kẹp ở trong vú sẽ không gây hại gì đến sức khỏe, và giúp tìm lại khu vực sinh thiết nếu cần.
Sau khi hoàn thành thủ thuật, Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ ép lên vị trí sinh thiết trong 10-15 phút, để tránh chảy máu hoặc bầm tím.
Vị trí vết thương sẽ được dán một loại băng dán đặc biệt. Bên ngoài được băng ép để tránh nguy cơ chảy máu.
Sau khi sinh thiết, bệnh nhân có thể cần phải ở lại phòng khám một chút thời gian cho đến khi cảm thấy đủ khỏe để về nhà, nhưng không làm mất quá nhiều thời gian còn lại trong ngày. Bệnh nhân có thể trở lại làm việc vào ngày hôm sau.
Sau khi làm sinh thiết, tránh nâng vật nặng trong 48 giờ sau khi làm loại sinh thiết này. Nhân viên y tế sẽ cho bệnh nhân biết cách chăm sóc vết thương.
Sau khi làm thủ thuật sự xuất hiện một số vết bầm tím là bình thường. Nó sẽ biến mất sau một hoặc hai tuần. Bác sĩ sẽ cho thuốc để làm giảm những nguy cơ đã nêu ở trên
Các mẫu được kiểm tra dưới kính hiển vi. Điều này giúp xác định bản chất của tổn thương trên vú
6/ Tái khám và nhận kết quả
Thông thường bệnh nhân sẽ được tái khám sau 1 tuần và nhận kết quả vào thời điểm này
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)