Ba mẹ có biết da trẻ em mỏng, có cấu trúc chưa hoàn chỉnh nên dễ bị tổn thương hơn rất nhiều so với da người lớn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ < 6 tháng tuổi. Vì vậy, việc chăm sóc da của trẻ như thế nào là rất quan trọng, vừa tránh làm da bị tổn thương, vừa dự phòng được các bệnh về da.
I.CÁC ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI CHĂM SÓC DA TRẺ:
- Tránh tối đa làm sây sát da vì miễn dịch ở da trẻ chưa phát triển đầy đủ, rất dễ bị nhiễm khuẩn;
- Không cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời quá nóng vì khả năng chống đỡ với tia cực tím ở da trẻ kém;
- Cần chú ý bổ sung đủ nước cho trẻ khi mồ hôi ra quá nhiều hoặc khị bị tiêu chảy vì khi trẻ mất nước sẽ làm da khô, nhăn, ảnh hưởng đến chức năng điều hòa thân nhiệt cũng như bảo vệ cơ thể của da;
- Không dùng sữa tắm và kem bôi da của người lớn vì da trẻ mỏng, chưa có nhiều nước nên rất dễ hấp thu các chất lạ qua da, làm trẻ dễ bị dị ứng;
- Khi phát hiện có bất cứ biểu hiện bất thường ở da như: nổi ban, bong vẩy, đổi màu .. cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay để được hướng dẫn chăm sóc, xử trí kịp thời
* Cách chăm sóc da cụ thể:
- Luôn giữ da trẻ khô, sạch sẽ. Lau, rửa sau khi trẻ tiểu tiện, đại tiện hoặc tiếp xúc với bụi bẩn;
- Quần, áo, khăn, tã dùng cho trẻ nên sử dụng loại vải bông. Không nên giặt chung đồ của trẻ với quần áo người lớn. Tốt nhất là phơi đồ vải dùng cho trẻ ở chỗ có ánh năng mặt trời. Nếu trời mưa, rét, nên sấy hoặc là quần áo trước khi dùng cho trẻ;
- Nếu sử dụng tã giấy cần chọn loại thấm hút tốt để giữ cho da trẻ luôn khô thoáng. Chú ý chọn loại tã giấy mềm mại, co giãn tốt và đúng với kích cỡ theo độ tuổi của trẻ để vừa không làm tổn thương da trẻ, vừa tạo cho trẻ có cảm giác dễ chịu khi vận động cũng như khi ngủ;
- Nếu trẻ bị tổn thương da hoặc có bất cứ dấu hiệu bất thường gì về da, cần đưa trẻ đi khám ngay vì các tổ chức dưới da trẻ còn lỏng lẻo, miễn dịch còn yếu nên tổn thương rất nhanh chóng lan rộng hoặc nặng lên;
- Đối với trẻ nhỏ, khi tắm cần chú ý đảm bảo một số nguyên tắc sau:
- Phòng tắm trẻ ấm (28 - 30°C), tránh gió lùa;
- Dùng nước sạch, ấm (khoảng 37°C);
- Thời điểm tắm tuỳ thuộc vào điều kiện từng gia đình, tuỳ mùa để chọn lúc ấm nhất tắm cho trẻ.
- Không tắm cho trẻ khi trẻ khi quá đói hoặc quá no;
- Sử dụng xà phòng, sữa tắm theo độ tuổi;
- Thời gian tắm cho trẻ khoảng từ 10-15 phút. Trẻ dưới 6 tháng, nên tắm nhanh hơn, khoảng từ 5-10 phút.
- Cần rửa sạch vùng hậu môn trẻ trước khi tắm nếu trẻ đã đi đại tiện hoặc tiểu tiện vào tã/bỉm.
II.CÁC BƯỚC TẮM TRẺ:
1. Chuẩn bị:
- Hai khăn nhỏ, 2 khăn to, áo, quần, mũ, tã/ bỉm
- Chậu tắm, nước sạch, ấm (dùng khuỷu tay thử thấy ấm là được). Nên chuẩn bị 2 chậu nước ấm, một chậu để tắm và một chậu để tráng
- Sữa tắm phù hợp với lứa tuổi trẻ.
2. Cởi dần quần áo, bỉm/tã, lau sạch vùng hậu môn, sinh dục. Xoa nhẹ toàn thân và bọc trong khăn to để giữ ấm trẻ.
3. Rửa mặt:
- Dùng khăn nhỏ nhúng vào chậu nước, vắt nhẹ.
- Dùng 1 góc khăn lau từ khoé mắt ra đuôi mắt.
- Chuyển góc khăn khác lau mắt kia cũng theo thứ tự từ khoé mắt ra đuôi mắt
- Tiếp đến lau mũi, miệng rồi đến vùng sau 2 tai. Lau mặt trong, ngoài vành tai, không ngoáy sâu vào trong.
4. Gội đầu:
- Cho một ít dầu gội vào khăn, đánh bọt và nhẹ nhàng xoa khắp đầu trẻ. Sau đó dùng nước tráng sạch, dùng khăn khác lau khô đầu, đội mũ cho trẻ.
5. Tắm thân:
- Đỡ lưng, gáy, đầu trẻ và đặt trẻ vào chậu tắm, nước ấm ngập đến ngực trẻ.
- Một tay xoa nhẹ từ cổ xuống nách, tay, chân (chú ý các nếp gấp)
- Dùng tay kỳ nhẹ bộ phận sinh dục
- Đỡ đầu, ngực, cổ xoay người trẻ để tắm phần lưng và hậu môn
- Tráng lại bằng nước sạch (tốt nhất dùng chậu nước tráng đã chuẩn bị sẵn).
6. Lau khô bằng khăn to còn lại. Mặc áo, quần hoặc quấn tã, đóng bỉm và đội mũ cho trẻ.
7. Theo dõi trẻ sau tắm: Trẻ có bị lạnh không? Da có ấm, hồng không? Toàn trạng có tỉnh táo, thoải mái không?
Tất cả các em bé sinh đủ tháng sau khi sinh ở Bệnh viện Hùng Vương đều được nhân viên tắm sau 24G sau sinh. Sau khi xuất viện về nhà, mẹ cần chăm sóc da bé theo hướng dẫn trên. Khi phát hiện bất kì các vấn đề bệnh lý về da, phụ huynh đưa trẻ đến phòng khám nhi bệnh viện Hùng Vương (tầng trệt dãy E toà nhà Bách Hợp) để được các bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm khám và điều trị kịp thời.
Người viết: Đặng Thị Thanh Triều- Đỗ Hoàng Yến
Khoa sơ sinh - Quý 1/2024
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)