Chăm sóc vết may tầng sinh môn sau sinh - Bệnh viện Hùng Vương

Chăm sóc vết may tầng sinh môn sau sinh - Bệnh viện Hùng Vương

Chăm sóc vết may tầng sinh môn sau sinh - Bệnh viện Hùng Vương

Chăm sóc vết may tầng sinh môn sau sinh - Bệnh viện Hùng Vương

Chăm sóc vết may tầng sinh môn sau sinh - Bệnh viện Hùng Vương
Chăm sóc vết may tầng sinh môn sau sinh - Bệnh viện Hùng Vương

Chăm sóc vết may tầng sinh môn sau sinh

     1. Tổng quan

     Trong quá trình chuyển dạ sinh thường, vùng âm đạo và tầng sinh môn của người phụ nữ sẽ giãn nở, trong phần lớn các trường hợp, vùng tầng sinh môn sẽ bị rách hoặc sẽ được người đỡ sanh cắt để tạo thuận lợi cho quá trình sinh ra em bé.

     Tuỳ mức độ sâu mà vết rách tầng sinh môn được chia làm 4 độ, với những trường hợp sanh thường phổ biến tầng sinh môn rách độ 1 hoặc độ 2.

     Vết rách sau khi được may phục hồi cần được chăm sóc kĩ để phục hồi tốt, giảm đau, hạn chế nhiễm trùng cũng như phòng ngừa các ảnh hưởng về lâu dài.

     2. Thời gian liền vết may là bao lâu?

     Vùng tầng sinh môn có nhiều mạch máu nuôi làm cho các vết rách ở đây thường rất dễ lành, một vết may thông thường sẽ lành tốt trong vòng 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên người phụ nữ vẫn sẽ có cảm giác đau tầng sinh môn ở nhiều mức độ khác nhau, kéo dài có thể đến vài tuần, đặc biệt nếu vết rách sâu.

     3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ rách tầng sinh môn

     Trong quá trình chuyển dạ, vùng tầng sinh môn giãn mỏng để em bé chui ra, trong một số trường hợp sau tầng sinh môn có nguy cơ bị rách như:

- Con so

- Chuyển dạ nhanh

- Con to

- Giúp sanh ( Giác hút, Forceps)

- Ngôi, kiểu thế thai không thuận lợi

     Với các trường hợp có nguy cơ, người đỡ đẻ sẽ chủ động cắt tầng sinh môn ( thường là ở vị trí 5 giờ hoặc 7 giờ) để phòng ngừa các vết rách sâu, vết rách phức tạp.

     4. Chăm sóc phục hồi vết may tầng sinh môn

     4.1. Chăm sóc vết thương

- Giữ vết may khô và sạch, tắm và vệ sinh vùng tầng sinh môn mỗi ngày, sử dụng khăn sạch mềm để lau khô vết thương. Sau khi tiểu tiện hoặc đại tiện, sử dụng khăn giấy mềm lau nhẹ nhàng hoặc vỗ nhẹ.

- Có thể chườm đá trong vòng 24 giờ sau sinh để giảm đau và giảm sưng nề vết may. Mỗi lần chườm đá khoảng 20 phút cách mỗi 4-5 tiếng.

- Chỉ may tầng sinh môn đa phần là chỉ tự tiêu, không cần cắt chỉ. Một số ít trường hợp được may bằng chỉ không tiêu, vết may sẽ cắt chỉ sau khoảng 1 tuần.

- Thuốc giảm đau sử dụng tuỳ vào mức độ đau của bạn ( Paracetamol, NSAIDs), các thuốc khác ( như kháng sinh) cần có chỉ định của bác sĩ.

     4.2. Phòng ngừa táo bón

     Việc phòng ngừa táo bón rất quan trọng để bảo vệ, giúp vết may tầng sinh môn phục hồi tốt. Các biện pháp phòng ngừa táo bón như:

     Bổ sung chất xơ: Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu động ruột, làm mềm phân, giúp việc đi đại tiện dễ dàng hơn. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…

     Uống đủ nước: Nước giúp làm mềm phân và bôi trơn hệ tiêu hóa, giúp thức ăn di chuyển qua ruột dễ dàng hơn. Nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

     Bổ sung lợi khuẩn: Lợi khuẩn là vi sinh vật có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, tăng cường sức khỏe đường ruột.

     Hạn chế thực phẩm gây táo bón: Một số thực phẩm có thể làm nặng thêm tình trạng táo bón bao gồm thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, rượu bia, cà phê...

     Bên cạnh đó cần tạo thói quen đi đại tiện đều đặn: Nên đi đại tiện vào một khung giờ cố định mỗi ngày, tốt nhất là sau khi ăn sáng.

     Tránh nín nhịn khi muốn đi đại tiện: Nín nhịn có thể khiến phân trở nên khô cứng và khó đi hơn.

     4.3. Vận động sau sinh

     Quá trình sanh đẻ, cắt may tầng sinh môn gây tổn thương các cơ vùng sàn chậu, về lâu dài nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện, đại tiện.

     Các hoạt động vận động, tập luyện cơ sàn chậu sớm sau sinh giúp phục hồi các cơ, dây chằng vùng sàn chậu. Bên cạnh đó còn làm giảm đau, sưng nề, hỗ trợ chữa lành vết thương.

     Các lời khuyên dành cho phụ nữ sau sinh:

     - Tránh ngồi và đứng lâu, đặc biệt trong vài ngày đầu. Nằm nghiêng là tư thế tốt để nghỉ ngơi.

     - Tránh nâng bất cứ vật gì nặng hơn em bé của bạn trong ít nhất hai tuần đầu tiên.

     - Vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động gắng sức, va đập, chạy hay nhảy trong ít nhất 6 tuần. Không chạy bộ trong ít nhất 3 tháng.

     5. Các dấu hiệu bất thường

     Vết may tầng sinh môn có nguy cơ bị nhiễm trùng, phụ nữ sau sinh nếu có một hay nhiều vấn đề dưới đây cần quay trở lại tái khám:

     - Vết may đau nhiều hơn, nề đỏ

     - Chảy dịch, mủ từ vết may

     - Sốt

     - Tiểu tiện, đại tiện không tự chủ

 

Tham khảo:

  1. Self-care after a perineal tear. https://healthinfo.org.nz/

  2. Cleveland Clinic, Vaginal Tears During Childbirth, July 2023. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21212-vaginal-tears-during-childbirth

  3. NHS (2023) Episiotomy and perineal tears. Available from: https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/what-happens/episiotomy-and-perineal-tears/

  4. RCOG (No date) Perineal tears and episiotomies during childbirth.  Available at: https://www.rcog.org.uk/for-the-public/perineal-tears-and-episiotomies-in-childbirth/

Người viết: Hồ Đăng Giàu -  Khoa Hậu sản B

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác