1. Chỉ số đường huyết của thực phẩm là gì ?
- Chỉ số đường huyết của thực phẩm ( Glycemic Index hay GI) là chỉ số đánh giá khả năng hấp thu nhanh hay chậm và làm tăng nồng độ glucose trong máu của một loại thực phẩm so với glucose.
- Những thực phẩm có GI càng cao thì sẽ được tiêu hoá, hấp thu nhanh, làm tăng đường huyết nhanh và ngược lại thực phẩm nào có chỉ số GI thấp sẽ được hấp thu chậm và làm tăng đường huyết chậm.
- Phân loại thực phẩm: Thông thường thực phẩm sẽ được chia thành 3 nhóm theo chỉ số đường huyết. Lấy Glucose có chỉ số đường huyết (GI) chuẩn là 100:
+ Thực phẩm có GI cao (GI > 70): được hấp thu và chuyển hoá nhanh làm tăng nhanh đường huyết.
Ví dụ: gạo trắng, xôi, bánh mì trắng, đường, trà sữa, nước ngọt, kem, bánh quy, bí đỏ, dưa hấu,...
+ Thực phẩm có GI trung bình ( từ 56-69) sẽ được tiêu hoá, hấp thu và tăng đường máu ở mức trung bình
Ví dụ: gạo lứt, yến mạch, khoai sọ, chuối, nho, đu đủ, quả mơ, …
+ Thực phẩm có GI thấp (< 55): được tiêu hoá và hấp thu chậm làm tăng đường huyết từ từ và ổn định.
Ví dụ: các loại rau lá xanh, súp lơ, hành tây, cà chua, nấm, cà rốt, đậu Hà Lan, trái cây ít ngọt: bưởi, đào, cam, táo,.. sữa tiểu đường, sữa/ sữa chua không đường, ít béo,...
2. Thai phụ có nên lựa chọn thực phẩm dựa trên chỉ số GI ?
- Ở thai phụ có đái tháo đường nên:
+ Lựa chọn ăn thường xuyên các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
+ Ăn vừa phải các thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình
+ Ăn rất ít và hạn chế ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao
+ Chỉ số đường huyết của thực phẩm chỉ thể hiện sự ảnh hưởng của thực phẩm đến lượng đường trong máu, chứ không thể hiện lượng dinh dưỡng chứa trong thực phẩm. Ngoài ra, chất béo kết hợp với chất bột đường cùng làm cho chỉ số GI giảm (do quá trình tiêu hoá chất béo chậm hơn).
Ví dụ: khoai tây chiên có GI thấp hơn khoai tây luộc nhưng không có nghĩa là khoai tây chiên là thực phẩm lành mạnh hơn.
- Vì thế GI không nên là một chỉ số duy nhất để lựa chọn thực phẩm hay lên kế hoạch ăn uống, thai phụ nên lựa chọn các thực phẩm ít chất béo bão hoà, ít muối, và giàu dinh dưỡng. Trong bữa ăn, nên có đầy đủ và cân đối giữa các loại thực phẩm (bột đường, đạm, béo và chất xơ có tác dụng ngăn cản hấp thu đường nhanh, nên làm giảm GI chung của bữa ăn)
3. Thai phụ nên lựa chọn thực phẩm như thế nào ?
- Các yếu tố ảnh hưởng đến GI:
+ Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách thực phẩm tác động lên mức đường huyết của cơ thể:
- Khẩu phần ăn: Tổng số lượng chất bột đường bạn ăn rất quan trọng. GL (Glycemic load) là chỉ số tải đường của thực phẩm được tính với công thức liên quan đến GI, số gam suất ăn và lượng chất xơ trong suất ăn.
Ví dụ: một miếng dưa hấu có chỉ số tải đường thấp hơn một tô cơm ( dù GI của dưa hấu cao hơn). Vì thế, thai phụ nên chú ý đến số lượng thực phẩm mình tiêu thụ.
- Món ăn kèm: Ảnh hưởng của thực phẩm đến lượng đường trong máu cũng khác nhau khi chỉ ăn một loại và ăn kèm với nhiều loại.
Ví dụ: ăn một chén cơm trắng sẽ làm tăng đường huyết nhanh hơn ăn một chén cơm có kèm thêm rau và thịt/ cá.
- Cách chế biến: quy trình sản xuất và cách chế biến cũng ảnh hưởng đến lượng GI. Vì trong quá trình đó đã phá vỡ cấu trúc tế bào của thực phẩm làm cho chúng dễ tiêu hoá và hấp thu hơn, làm tăng nhanh lượng đường trong máu.
Ví dụ: cháo có GI cao hơn gạo tẻ, khoai tây nghiền có GI cao hơn luộc nguyên củ, gạo tẻ đánh bóng có chỉ số đường huyết cao hơn gạo nguyên cám.
- Thói quen đọc nhãn mác thực phẩm:
Trên nhãn dinh dưỡng đề cập tới hàm lượng của các chất dinh dưỡng là chất béo, chất đạm, tinh bột, đường, chất xơ, natri, vitamin và các khoáng chất,... Tùy thuộc vào chế độ ăn uống và tình trạng sức khỏe, mỗi người có thể lựa chọn thực phẩm phù hợp, sử dụng với lượng vừa đủ để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể và giảm thiểu các nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe. Ngoài ra, thai phụ cũng nên chú ý đến ngày sản xuất, hạn sử dụng và cách bảo quản để tránh trường hợp ngộ độc thực phẩm.
- Sử dụng mô hình healthy plate :
Để có một chế độ ăn cân bằng, lành mạnh, thai phụ có thể tham khảo mô hình sau. Trong đó:
- ½ khẩu phần là rau, củ và trái cây
- ¼ khẩu phần là ngũ cốc
- ¼ khẩu phần là chất đạm
Cần uống đủ nước theo nhu cầu, lựa chọn chất béo lành mạnh và vận động thể lực hợp lý.
CNDD Phạm Ngọc Khánh – Khoa DDTC
Bài viết khác
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)