1. Hơn 80% thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ đáp ứng với chế độ ăn uống có hướng dẫn
Thai phụ khi được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ sẽ được quản lý, điều trị ra sao?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: May mắn, hơn 80% thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ đáp ứng với việc ăn uống có hướng dẫn. Đối với 20% không đáp ứng, sau khi theo dõi từ 2 - 4 tuần nếu không đáp ứng theo hướng dẫn tại nhà sẽ vào khoa Sản khoa bệnh lý của bệnh viện trong 7 - 10 ngày để điều trị bằng chế độ ăn của khoa Dinh dưỡng.
Bệnh viện Hùng Vương có khoảng 30.000 ca sanh/năm, trong đó có khoảng 6.000 - 7.000 trường hợp mắc đái tháo đường thai kỳ (tương đương hơn 20%). Trong số đó sẽ có khoảng 1.500 - 1.700 trường hợp đái tháo đường thai kỳ phải nhập viện và có đáp ứng với chế độ ăn của bệnh viện. Chỉ có khoảng hơn 200 trường hợp không đáp ứng với chế độ ăn của bệnh viện. Lúc này các thai phụ sẽ được sử dụng thuốc - insulin. Tuy nhiên, khi sử dụng insulin có nguy hiểm nên sẽ kết hợp với khoa Nội tiết để tìm liều insilin thích hợp cho việc ăn uống của thai phụ để không chế đường huyết ở mức ổn định, giúp an toàn cho mẹ và thai nhi. Trong quá trình điều trị ghi nhận, việc kết hợp chế độ ăn với vận động (mỗi ngày 2 lần, mỗi lần đi bộ, vận động khoảng 30 phút) sẽ khống chế đường huyết tốt hơn. Điều này đang được áp dụng rộng rãi và đưa vào hướng dẫn quốc gia năm 2024.
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương
2. Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường thai kỳ
Dinh dưỡng đóng vai trò ra sao trong việc quản lý, điều trị đái tháo đường thai kỳ, thưa BS?
BS.CK1 Huỳnh Ngọc Phương Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Hơn 80% thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ đáp ứng tốt với điều trị bằng chế độ dinh dưỡng, bên cạnh việc kết hợp với chế độ vận động và sử dụng thuốc. Có 2 nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường thai kỳ:
- Chia nhỏ bữa ăn: Thông thường ăn 3 bữa/ngày thì nên chia thành 5 - 6 bữa/ngày để tránh tình trạng tăng đường huyết đột ngột sau ăn.
- Giảm lượng tinh bột (carbohydrate) trong khẩu phần ăn: Trong khẩu phần ăn bình thường lượng carbohydrate chiếm khoảng 70%. Người bị đái tháo đường thai kỳ nên giảm lượng carbohydrate xuống khoảng 50%. Nếu chưa cải thiện chỉ số đường huyết thì có thể giảm xuống khoảng 40% (mức tối đa), không cắt giảm hoàn toàn carbohydrate.
Ngoài ra, cần lưu ý lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Mỗi thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) khác nhau, chỉ số này phản ánh tốc độ lượng đường trong máu sau bữa ăn. Những thực phẩm có GI < 55 được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ.
BS.CK1 Huỳnh Ngọc Phương Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hùng Vương
3. Theo dõi đường huyết cho phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ nên thực hiện thế nào?
Thuốc điều trị đái tháo đường thai kỳ có ảnh hưởng đến thai nhi? Theo dõi đường huyết trên người phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ nên thực hiện như thế nào, thưa BS? Tại nhà người bệnh có thể làm gì và quá trình theo dõi tại phòng khám/ bệnh viện ra sao?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Điều trị đái tháo đường thai kỳ là quản lý lượng đường trong máu của thai phụ ở mức ổn định.
Phải giữ mức đường huyết của thai phụ không tăng quá cao bằng cách chia bữa ăn thành nhiều bữa. Tùy vào cân nặng và công việc của thai phụ, khoa Dinh dưỡng sẽ cung cấp bảng tổng năng lượng (calo) cần nạp vào trong ngày. Dựa vào đó chia thành 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ. Ít nhất phải có 5 bữa ăn: bữa sáng, giữa 2 bữa ăn, bữa trưa, giữa 2 bữa ăn, bữa chiều/bữa tối, có thể bổ sung thêm 1 bữa nhỏ vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Không được tự ý sử dụng insulin. Vì hàm lượng insulin được tính bằng đơn vị (1 ml = 100 đơn vị), một lần chỉ sử dụng vài chục đơn vị, nếu tự ý điều trị có thể gây hạ đường huyết. Điều trị insulin cần có sự phối hợp giữa chuyên khoa Sản và Nội tiết để dò tìm liều insulin phù hợp. Khi sử dụng sẽ theo dõi đường huyết chặt chẽ. Vì vậy, các thai phụ đến bệnh viện điều trị đái tháo đường thai kỳ bằng chế độ ăn không thành công phải sử dụng insulin thì bệnh viện sẽ có chương trình điều trị, hướng dẫn thai phụ cách theo dõi đường huyết (chích giọt máu ở đầu ngón tay trên máy đo thông thường). Sau đó, tiếp tục hướng dẫn tiêm thuốc an toàn trong khoảng 3 ngày đến 2 tuần.
Ngoài giữ mức đường huyết ổn định cho mẹ thì bé phải được theo dõi sinh tồn, đường huyết quá cao hoặc quá thấp có thể làm em bé tử vong.
4. Mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ cần lưu ý gì trong ăn uống và bổ sung vi chất dinh dưỡng?
Những nguyên tắc ăn uống khi mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ cần nhớ là gì, thưa BS? Mỗi tam cá nguyệt, chế độ dinh dưỡng ra khác nhau ra sao và có những điểm nào cần lưu ý?
- Con thì cần chất, nhưng mẹ lại kiêng khem khiến các chị em lo lắng, ăn uống thế nào để con khỏe, mẹ không âu sầu? Cắt giảm tinh bột, đường sao cho đúng ạ?
- Bổ sung vi chất dinh dưỡng trên mẹ bầu đái tháo đường thai kỳ cần lưu ý những gì, thưa BS?
BS.CK1 Huỳnh Ngọc Phương Thủy trả lời: Quan điểm khi có thai phải ăn gấp đôi là điều không đúng và không có chứng cứ khoa học.
- Đối với phụ nữ trước khi mang thai có tình trạng dinh dưỡng bình thường thì trong 3 tháng đầu thai kỳ không cần tăng khẩu phần ăn. Vì trong 3 tháng đầu chỉ cần tăng thêm 50 calo/ngày nên không cần thiết phải tăng thêm 1 bữa ăn (tương đương 500 Kcal).
- Ở 3 tháng giữa thai kỳ, phụ nữ mang thai cần tăng thêm khoảng 300 Kcal/ngày (tương đương 2 ly sữa).
- Ở 3 tháng cuối thai kỳ cần tăng thêm 450 Kcal/ngày.
Việc tăng 300 - 450 Kcal/ngày không phải là tăng gấp đôi khẩu phần ăn so với trước khi mang thai.
Các chất dinh dưỡng đa lượng như chất đường bột, chất đạm, chất béo, còn có thành phần vi chất rất quan trọng cần thiết cho cơ thể mẹ và sự phát triển của thai nhi. Dù cần một lượng rất ít là chất không thể thiếu. Lượng vitamin và chất khoáng (vi chất dinh dưỡng) hầu như được cung cấp qua thức ăn. Nếu tiêu thụ bữa ăn hằng ngày phong phú, đa dạng các loại thực phẩm thì cơ thể sẽ được cung cấp đầy đủ. Chỉ cần bổ sung thêm một số vi chất cần thiết cho quá trình mang thai như chất sắt và canxi.
Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung thêm các viên vi chất bổ sung, lưu ý:
- Không nên tự ý sử dụng các loại vi chất này mà cần có liều lượng phù hợp với từng cơ địa.
- Tránh các sản phẩm bổ sung có chứa đường.
5. Dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết trên mẹ bầu đái tháo đường thai kỳ là gì và xử trí ra sao?
Nhờ BS chia sẻ các vấn đề có thể gặp phải trên người bệnh đái tháo đường thai kỳ và cách xử trí?
- Cụ thể, các dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết trên mẹ bầu đái tháo đường thai kỳ? Xử trí hạ đường huyết này như thế nào ạ?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Việc hạ đường huyết rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Ví dụ, trong lần mang thai trước có vấn đề, mắc đái tháo đường thai kỳ nhưng không quản lý tốt dẫn đến thai lưu, thì lần này người mẹ lo lắng và không dám ăn gì dẫn đến em bé bị suy dinh dưỡng, gây hạ đường huyết.
Triệu chứng của hạ đường huyết là bủn rủn tay chân, mệt, xém xỉu,… Tuy nhiên triệu chứng này có thể bao gồm nhiều vấn đề khác như hạ huyết áp tư thế, thiếu máu thai kỳ (ở Việt Nam chiếm 15 - 17%), hội chứng tĩnh mạch chủ dưới,… Khi mang thai, tử cung to đè vào hệ thống mạch máu hồi lưu từ chi dưới về tim nên thay đổi tư thế đột ngột có thể choáng váng, té ngã,…
Hạ đường huyết thai kỳ và hạ huyết áp tư thế do mang thai giống nhau về triệu chứng té xỉu, mệt. Tuy nhiên hạ huyết áp tư thế khi nằm xuống nghỉ ngơi, nằm nghiêng một bên (đặc biệt là nghiêng bên trái) sẽ ổn định, còn hạ đường huyết thì sử dụng đường sẽ tỉnh táo lại. Nên các bệnh nhân đái tháo đường type 1 thường đem theo kẹo trong túi.
Để xác định hạ đường huyết cần đo lượng đường trong máu. Tại Bệnh viện Hùng Vương có chương trình khi bệnh nhân điều trị trong bệnh viện sẽ được hướng dẫn xét nghiệm. Nếu bệnh nhân không đủ kinh phí, bệnh viện sẽ cho mượn máy thử đường huyết, bệnh nhân chỉ cần mua thêm que thử khoảng 7.000 - 8.000 đồng/que/lần.
Một thai phụ không mắc đái tháo đường vẫn có thể xuất hiện triệu chứng chóng mặt, choáng váng,… Ngoài ra, thai phụ cũng có thể vừa mắc đái tháo đường thai kỳ, vừa thiếu máu thai kỳ và hạ huyết áp tư thế.
Chân thành cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng Bệnh viện Hùng Vương và AloBacsi trong chương trình này!
Bài viết khác
- Vai trò của xét nghiệm sàng lọc đái tháo đường thai kỳ (11-02-2025)
- Đái tháo đường thai kỳ: Nguyên nhân, hậu quả và cách tầm soát (11-02-2025)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 24: Giải mã bệnh đái tháo đường thai kỳ - Mẹ ơi đừng ưu phiền! (11-02-2025)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)