Chúng ta biết gì về bệnh lý nhau cài răng lược? - Bệnh viện Hùng Vương

Chúng ta biết gì về bệnh lý nhau cài răng lược? - Bệnh viện Hùng Vương

Chúng ta biết gì về bệnh lý nhau cài răng lược? - Bệnh viện Hùng Vương

Chúng ta biết gì về bệnh lý nhau cài răng lược? - Bệnh viện Hùng Vương

Chúng ta biết gì về bệnh lý nhau cài răng lược? - Bệnh viện Hùng Vương
Chúng ta biết gì về bệnh lý nhau cài răng lược? - Bệnh viện Hùng Vương

Chúng ta biết gì về bệnh lý nhau cài răng lược?

     Nhau cài răng lược là gì?

     Nhau cài răng lược (NCRL) là một biến chứng của thai kì xảy ra khi bánh nhau bám bất thường vào thành tử cung. Nhau thai là cơ quan cung cấp oxy và dưỡng chất cho thai nhi phát triển. Bình thường, nhau thai bám trên bề mặt của  thành tử cung, tuy nhiên trong trường hợp nhau cài răng lược bánh nhau bám chặt và xâm lấn bất thường vào thành tử cung từ quý 1 của thai kì và càng ngày càng xâm nhập sâu hơn vào cơ tử cung.

     Ai có nguy cơ bị NCRL?

     Tỷ lệ nhau cài răng lược khoảng 1,7/10 000 trường hợp mang thai, tỷ lệ mắc bệnh này tăng lên tuỳ thuộc vào yếu tố nguy cơ như: tuổi mẹ cao, sinh nhiều lần, tiền căn có phẩu thuật hoặc can thiệp vào lòng tử cung như nạo buồng tử cung, từng thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, phẫu thuật lấy thai, phẫu thuật bóc nhân xơ… Yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của NCRL là vết mổ cũ  lấy thai và nhau bám thấp hoặc nhau tiền đạo.

     Phân loại NCRL

     Phụ thuộc vào mức độ bánh rau xâm lấn vào thành tử cung mà có 3 thể nhau cài răng lược khác nhau:

 

Hình 1: Các thể nhau cài răng lược

- Thể nhau thai bám vào cơ tử cung (acreta): Mức độ nhẹ,  là tình trạng nhau bám vào lớp cơ tử cung (chiếm 75%).

- Thể nhau cài vào cơ tử cung (increta): Mức độ trung bình, là tình trạng nhau xâm lấn vào lớp cơ tử cung ( chiếm 18%).

- Thể nhau cài xuyên cơ tử cung (percreta): Mức độ cao, là tình trạng nhau xuyên qua cơ và ăn sang các cơ quan lân cận (chiếm 7%).

     Nhau cài răng lược có thể cài toàn bộ, một phần hoặc một phần nhỏ dựa trên số mô nhau bám vào cơ tử cung.

     Triệu chứng của NCRL là gì?

     Phụ nữ có NCRL thường không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào trong thai kỳ. Thông thường, chúng sẽ được phát hiện qua siêu âm khi bạn khám thai trước sinh. Tuy nhiên, NCRL vẫn có thể gây chảy máu âm đạo trong 3 tháng cuối thai kỳ. Mức độ chảy máu có thể nhẹ hoặc chảy ồ ạt.

     NCRL có thể phát hiện nhờ siêu âm không?

     Siêu âm có thể phát hiện sớm tình trạng NCRL và mức độ xâm lấn của bánh nhau vào cơ tử cung. Đặc biệt, với những trường hợp thai kì có nguy cơ NCRL cao như nhau tiền đạo, thai phụ có tiền căn mổ sanh nhiều lần đều được các bác sĩ siêu âm đánh giá kĩ lưỡng tình trạng NCRL, để theo dõi sát thai kì và có phương án xử trí kịp thời khi thai phụ đi sinh. Thời điểm tốt để tầm soát tình trạng NCRL sớm khi tuổi thai 18-24 tuần. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được phát hiện trước sinh mà đến khi sau khi sinh em bé ra mới phát hiện nhau thai không bong được do NCRL.

 

Hình 2: Hình ảnh” hồ huyết bất thường”, tăng sinh mạch máu tại bờ bánh nhau bánh nhau

     Vai trò của Chụp cộng hưởng từ(MRI) trong chẩn đoán NCRL?

     Chụp cộng hưởng từ có độ chính xác cao trong chẩn đoán NCRL. Cộng hưởng từ còn có vai trò chẩn đoán thể nhau cài răng lược. Tuy nhiên, MRI không phải là phương tiện đầu tay trong chẩn đoán NCRL, MRI hổ trợ trong các trường hợp kết quả siêu âm khó xác định hoặc trong những trường hợp nhau tiền đạo mặt sau tử cung. Thời điểm thực hiện MRI để đánh giá NCRL được khuyến cáo tuổi thai từ 24 -30 tuần.

     Nguy cơ của nhau cài răng lược  xảy ra khi vào chuyển dạ

     Sự bám chặt của bánh nhau vào cơ tử cung có thể làm nhau không bong được sau khi sổ thai dẫn đến tình trạng băng huyết nặng sau sinh. Tuy nhiên, có một số trường hợp NCRL thể acreta có thể không gây ra chảy máu nhiều sau khi sinh.

     Quản lý thai kì có NCRL như thế nào?

     Hướng quản lý nhau cài răng lược trong thai kỳ tuỳ thuộc vào bệnh viện bạn theo dõi thai kì và mức độ nhau cài răng lược. Bạn có thể phải mổ lấy thai và cắt bỏ tử cung kèm với nhau thai hoặc mổ lấy thai và bảo tồn tử cung cùng với nhau thai. Khi mang thai mà có yếu tố nguy cơ NCRL bạn cần phải khám và theo dõi thai kì tại cơ sở y tế chuyên khoa sản để quá trình sinh nở được an toàn.

     Nguy cơ tái phát NCRL ở lần mang thai tiếp theo nếu bảo tồn tử cung là 22-29%.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Liu X, Wang Y, Wu Y, Zeng J, Yuan X, Tong C. European Journal of Obstetrics & Gynecology and Reproductive Biology What we know about placenta accreta spectrum ( PAS ). Eur J Obstet Gynecol [Internet]. 2021;259(1):81–9. Available from: https://doi.org/10.1016/j.ejogrb.2021.02.001

2. Faralli I, Negro V Del, Chin A, Aleksa N, Ciminello E, Piccioni MG. Placenta Accreta Spectrum ( PAS ) Disorder : Ultrasound versus Magnetic Resonance Imaging. 2022;

3. Placenta Accreta spectrum disorder. https://www.isuog.org/clinical-resources/patient-information-series/patient-information-pregnancy-conditions/placental-anomalies/placenta-accreta-spectrum-disorder.html

BS. Phạm Võ Thùy Linh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh

 

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác