Đái tháo đường thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương

Đái tháo đường thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương

Đái tháo đường thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương

Đái tháo đường thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương

Đái tháo đường thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương
Đái tháo đường thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương

Đái tháo đường thai kỳ

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ

         Làm mẹ là thiên chức cao quý của tất cả chị em phụ nữ. Tuy nhiên hành trình từ lúc mang thai luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con. Trong đó, đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là một tình trạng bệnh lý có tỉ lệ mắc gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây và gây ra nhiều biến cố nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Mặc dù vậy, cùng với sự tiến bộ của y học hiện đại, các biến cố của ĐTĐTK đều có thể hạn chế và phòng tránh được. Do đó, các mẹ bầu nên tìm hiểu về bệnh lý cũng như thăm khám đầy đủ để nhận được sự chăm sóc hợp lý.

Bệnh Viện Hùng Vương, với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ TPHCM nói riêng, đã thành lập đơn vị “Quản lý Đái Tháo Đường Thai Kỳ”, trực thuộc khoa Sản Bệnh với các bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, theo dõi và quản lý thai phụ ĐTĐTK. Ngoài ra, đơn vị còn tạo cầu nối với các chuyên gia dinh dưỡng và Nội Tiết để nhằm mang đến sự chăm sóc toàn diện nhất cho thai phụ, với mục tiêu giảm các biến chứng của bệnh, vì một hành trình mẹ tròn con vuông.

Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh lý ĐTĐTK nhé!

1. Định nghĩa: Theo hầu hết các tổ chức y tế trên thế giới, ĐTĐTK được định nghĩa là “Tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào và / hoặc tăng đường huyết khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”.

Định nghĩa này không loại trừ trường hợp bệnh nhân đã có tình trạng rối loạn dung nạp glucose từ trước nhưng chưa được phát hiện. Định nghĩa này cũng không phân biệt sau khi sinh bệnh nhân còn tăng glucose máu hay không.

2. Triệu chứng gợi ý:

Rất hiếm khi đái tháo đường khi mang thai gây ra triệu chứng rõ rệt. Bệnh chỉ được phát hiện trong những lần thăm khám định kỳ của thai phụ nếu có xuất hiện triệu chứng tiểu đường, bao gồm:

- Tiểu nhiều lần trong ngày

- Mệt mỏi

- Mờ mắt

- Khát nước liên tục

- Ngủ ngáy

- Tăng cân quá nhanh so với khuyến nghị.

3. Nguyên nhân

         Khi ăn uống hàng ngày, carbohydrate từ thực phẩm sẽ được chuyển hóa thành một loại đường mang tên glucose. Đường này đi vào máu, sau đó di chuyển đến các tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể nhờ hormone của tuyến tụy có tên insulin.

   Trong thời kỳ mang thai, nhau thai là cơ quan nuôi và cung cấp oxy cho em bé, tiết ra các hormone giúp thai nhi phát triển. Một vài hormone trong số này khiến cơ thể thai phụ khó sản xuất hoặc sử dụng insulin hơn (còn gọi là đề kháng insulin).

   Để giữ lượng đường trong máu ổn định, tuyến tụy của thai phụ phải tạo ra nhiều insulin hơn – gấp ba lần bình thường. Trong trường hợp tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin, lượng đường trong máu thai phụ sẽ tăng lên, gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.

   Nguy cơ mắc đái tháo đường trong lúc mang bầu của bạn sẽ tăng lên nếu:

• Bị thừa cân – béo phì trước khi mang thai

• Tăng cân rất nhanh trong thai kỳ

• Có người thân (cha mẹ, anh chị em) mắc bệnh tiểu đường tuýp 2

• Có lượng đường trong máu cao, nhưng chưa đủ để được chẩn đoán đái tháo đường. Có tiền sử mắc bệnh ở lần mang thai trước

• Trên 35 tuổi

• Từng sinh một hoặc nhiều bé nặng hơn 4kg

• Từng bị thai lưu, sinh con bị dị tật, sinh non

• Đã hoặc đang bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

4. Chẩn đoán

         Hiện nay trên thế giới, có xu hướng tiêu chuẩn hóa toàn cầu về chẩn đoán ĐTĐTK, bằng cách sử dụng test 75g đường để chẩn đoán ĐTĐTK cho tất cả các bà mẹ mang thai, có tuổi thai 24 - 32 tuần. Nhiều quốc gia đồng thuận sử dụng ngưỡng giá trị theo tiêu chuẩn này. Test dương tính khi các giá trị có một trong các chỉ số cao hơn bình thường, cụ thể

- Đường huyết lúc đói: 92 mg/dL (5,1mmol/l)

- Đường huyết sau 1 giờ uống 75g đường: 180 mg/dL (10,0mmol/l)

-  Đường huyết sau 2 giờ 153 mg/dL (8,5mmol/l)

Riêng đối với nhóm bà mẹ mang thai có yếu tố nguy cơ cao, cần thiết thực hiện xét nghiệm tầm soát sớm ngay ở lần khám thai đầu tiên. Nếu kết quả âm tính, vẫn cần lặp lại xét nghiệm vào tuổi thai 24 – 28 tuần. Trong một số tình huống cụ thể, có thể cần làm xét nghiệm HbA1c để chẩn đoán và tiên lượng các kết cục xấu của thai kỳ

5. Biến chứng

• Dị tật bẩm sinh.

• Thai chết lưu.

• Tăng hồng cầu, vàng da sơ sinh.

• Nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2 khi trưởng thành.

• Tăng nguy cơ sinh non.

• Tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên.

• Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

6. Điều trị

Chăm sóc ở bà mẹ bị ĐTĐTK cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như sản khoa, nội tiết, dinh dưỡng và nhi khoa.

+ Trong lúc mang thai:

Biện pháp đầu tay hữu hiệu là thay đổi lối sống, bao gồm: chế độ ăn tiết chế và vận động hợp lý.

Các nghiên cứu tại BV Hùng Vương và các tỉnh phía Nam cho thấy chế độ ăn tiết chế carbohydrate giúp kiểm soát đường huyết trong hơn 95% thai phụ ĐTĐTK. Nếu kết hợp vận động (30 phút mỗi ngày với các môn như bơi lội, yoga, đi bộ…) sẽ nâng khả năng kiểm soát đường huyết lên 97%.

Thai phụ cần cung cấp đủ năng lượng nhu cầu hàng ngày trung bình 1.800 - 2.500 calo, trong khẩu phần ăn giảm mỡ, giảm bột và tăng chất xơ. Các bữa ăn cần được chia làm nhiều lần (5-6 lần)/ngày, tránh tình trạng ăn no quá hay để đói quá. Mục tiêu cần đạt được là đường huyết trước ăn ≤ 95 mg/dL và đường huyết 2 giờ sau ăn ≤ 180mg/dL.

Các bác sĩ sẽ xem xét sử dụng thêm thuốc insulin nếu đường huyết vẫn chưa cải thiện sau 1-2 tuần thực hiện thay đổi lối sống, hoặc khi có tình trạng thai to, đa ối kèm theo. Thai phụ được khuyến khích tự theo dõi đường huyết tại nhà, hoặc sử dụng các phần mềm (IOH) trên điện thoại thông minh để nhắc nhở lịch thử đường huyết và kết nối với chuyên gai y tế khi cần.

Thai phụ cần tái khám thai mỗi 2 tuần một lần, nhằm phát hiện những bất thường khác để điều trị kịp thời. Ngoài ra, bác sĩ sẽ xem xét đánh giá sức khỏe thai bằng siêu âm Doppler, đo monitoring sản khoa, trắc diện sinh vật lý Manning khi cần thiết

+ Trong lúc chuyển dạ:

Nếu đường huyết mẹ ổn định, thai phụ có thể theo dõi chuyển dạ tự nhiên theo ngả sinh âm đạo, trừ những trường hợp có chỉ định mổ lấy thai. Trong lúc chuyển dạ sinh, cần theo dõi đường huyết mỗi 2 giờ/lần. Điều trị bằng insulin khi đường huyết tăng trên 6,8mmol/l.

+ Sau sinh:

Đa số tình trạng đề kháng insulin sẽ giảm đi nhanh chóng ngay sau sinh. Do đó, sản phụ thường không cần tiếp tục dùng thuốc hay phải giảm ½ liều đang dùng.

Trẻ sơ sinh có mẹ bị ĐTĐTK có nguy cơ hạ đường huyết sau sinh nhiều hơn các trẻ khác. Vì vậy, trẻ cần được cho bú mẹ sớm, bú nhiều lần trong ngày. Mẹ cần lưu ý các dấu hiệu gợi ý tình trạng hạ đường huyết như : trẻ lạnh, li bì, khóc thét, tím tái…

Mẹ nên nhớ tái khám lại ở mốc 6-12 tuần sau sinh để thực hiện lại test 75g đường -2 giờ, nhằm phát hiện sớm tình trạng đái tháo đường type 2 để nhận được các điều trị thích hợp

7. Phòng ngừa

- Hiện tại, chưa có biện pháp phòng ngừa tình trạng đái tháo đường khi mang thai được chứng minh là có hiệu quả tuyệt đối. Nhưng nếu bạn duy trì thói quen và lối sống lành mạnh trước/trong khi mang thai, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đáng kể. Các biện pháp phòng ngừa như:

- Chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe: Các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt… là lựa chọn tuyệt vời.

- Vận động thường xuyên: Hãy dành 30 phút vận động hợp lý, nhẹ nhàng mỗi ngày như tưới cây, lau dọn nhà cửa, đi bộ… cũng rất tốt cho sức khỏe mẹ và thai nhi.

- Giữ cân nặng hợp lý khi có ý định mang thai: Thừa cân – béo phì tiền mang thai là căn nguyên của một loạt vấn đề sức khỏe xảy đến trong thai kỳ, chẳng hạn như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non… Do đó, nếu bạn thừa cân và đang có kế hoạch sinh em bé, hãy giảm cân để tạo nền tảng cho một thai kỳ khỏe mạnh.

- Tránh tăng cân hơn mức khuyến nghị trong thời kỳ mang thai: Việc tăng cân quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, nhất là với những thai phụ thừa cân trước khi mang thai. Bác sĩ sẽ cho biết mức tăng cân hợp lý dành cho bạn, tùy thuộc vào cân nặng cũng như thể trạng của bạn và thai nhi.

 

Bs Phạm Huỳnh Phúc Hưng – Khoa Sản bệnh

Cập nhật 22/6/2023

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác