Đái tháo đường thai kỳ: Nguyên nhân, hậu quả và cách tầm soát - Bệnh viện Hùng Vương

Đái tháo đường thai kỳ: Nguyên nhân, hậu quả và cách tầm soát - Bệnh viện Hùng Vương

Đái tháo đường thai kỳ: Nguyên nhân, hậu quả và cách tầm soát - Bệnh viện Hùng Vương

Đái tháo đường thai kỳ: Nguyên nhân, hậu quả và cách tầm soát - Bệnh viện Hùng Vương

Đái tháo đường thai kỳ: Nguyên nhân, hậu quả và cách tầm soát - Bệnh viện Hùng Vương
Đái tháo đường thai kỳ: Nguyên nhân, hậu quả và cách tầm soát - Bệnh viện Hùng Vương

Đái tháo đường thai kỳ: Nguyên nhân, hậu quả và cách tầm soát

      1. Phân loại đái tháo đường

     Bệnh lý đái tháo đường ngày càng gia tăng. Vậy còn với đái tháo đường thai kỳ thì như thế nào, thưa BS? Đái tháo đường thai kỳ được phân loại như thế nào và sự khác nhau giữa các loại này ra sao?

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Hiện nay, tình hình rối loạn chuyển hóa là một trong những bất thường về sức khỏe mà nhân loại phải đối đầu trong thời gian sắp tới, bên cạnh bệnh lý về tim mạch, tai nạn, thiên tai,…

     Trong đó, rối loạn chuyển hóa carbohydrate hay đái tháo đường là vấn đề ảnh hưởng đến rất nhiều bệnh lý khác nhau trong cơ thể con người. Tỷ lệ đái tháo đường trong cộng đồng (kể cả nam giới, những người không mang thai, trẻ em,…) có xu hướng gia tăng. Theo một số khảo sát, ở Việt Nam có khoảng 30 - 40%, thậm chí 50% người bệnh đái tháo đường không biết mình mắc bệnh.

     Đái tháo đường được chia thành 3 nhóm:

- Đái tháo đường type 1: Mắc bệnh từ lúc sinh ra do thiếu insulin tiết ra từ tuyến tụy.

- Đái tháo đường type 2: Liên quan đến lối sống, tuổi tác do thiếu insulin tương đối, đề kháng insulin, thay đổi do chế độ ăn, vận động ít.

Đái tháo đường type 3: Còn được gọi là đái tháo đường thai kỳ, chỉ xảy ra khi mang thai do rối loạn chuyển hóa carbohydrate.

     Thai phụ có thể mắc cả 3 type đái tháo đường. Chẳng hạn từ nhỏ đã mắc đái tháo đường type 1, dùng insulin gần như suốt đời, nếu không sẽ tổn hại đến các cơ quan quan trọng như tim, thận, mạch máu nhỏ…Phụ nữ thừa cân, mang thai muộn (sau 35 tuổi) có thể bị đái tháo đường type 2. Những người đã mắc đái tháo đường type 1, 2 có thể nặng hơn khi có yếu tố liên quan đến đái tháo đường thai kỳ.

     Nhìn chung, nhóm không mắc đái tháo đường type 1, 2 mà chỉ mắc đái tháo đường thai kỳ chiếm hơn 20%, tùy một số khu vực tỷ lệ này có thể cao hơn. Việt Nam là quốc gia có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao nhất Đông Nam Á. 

 

 

     2. Hậu quả của đái tháo đường thai kỳ

     Về hậu quả của đái tháo đường thai kỳ:

     - Căn bệnh này sẽ tác động và gây ra những rủi ro nào cho người mẹ và em bé? Tỷ lệ các biến chứng của người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ so với các thai phụ bình thường, khỏe mạnh ra sao, thưa BS?

     - Nguy cơ phát triển đái tháo đường type 2 thực sự trên người mẹ có đái thái đường thai kỳ ra sao, thưa BS? Những nguy cơ này sẽ cao hơn trên những chị em nào ạ?

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Một người mắc đái tháo đường type 1 không quản lý tốt (đường huyết không ổn định, lập gia đình và mang thai hoặc một người bị đái tháo đường type 2 nhưng không đi khám sức khỏe định kỳ, không biết mình mắc bệnh mà mang thai thì em bé sẽ gặp ảnh hưởng.

     Qua chỉ số HbA1c có thể đánh giá được tình trạng của rối loạn đường huyết trong 3 tháng. Nếu chỉ số này tăng cao, từ 5,7% trở lên là báo động và hơn 6% thì liên quan đến các dị tật ở em bé, thậm chí có những dị tật nặng ở tim mạch, hệ thống thần kinh trung ương,…

     Khi mang thai khoảng 24 - 28 tuần sẽ có test sàng lọc đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên nếu không phát được thì ngoài thai bị dị tật sẽ có nguy cơ đe dọa đến sự sinh tồn của thai.

     Vì trong quá trình phát triển của thai, chuyển hóa carbohydrate là vấn đề rất quan trọng, khi rối loạn sẽ dẫn đến tăng kích thước thai, tăng chuyển hóa thai, làm thai to nhưng không khỏe, phổi không có độ trưởng thành tương ứng so với tuổi thai.

     Nếu vì một lý do nào đó phải sanh ra sớm trước thời hạn thì cơ hội sống sẽ thấp hơn các thai nhi bình thường khác cùng tuổi thai. Ví dụ, thai nhi sanh ở khoảng 34 tuần mà mẹ không bị đái tháo đường thì cơ hội nuôi sống em bé lên đến 80 -90%. Nhưng ở người mắc đái tháo đường thai kỳ cơ hội này sẽ xuống thấp hơn, khoảng 60 - 70%.

     Cho đến nay chưa có lý giải cụ thể nhưng nhận thấy có mối tương quan giữa đường huyết không ổn định và thai lưu (thai chết trong tử cung đột ngột).

     Cần có quá trình theo dõi, phát hiện để chẩn đoán đái tháo đường. Sau đó, kiểm soát đường huyết của người mẹ ổn định thì thai nhi mới an toàn.

     Đối với người mẹ, ngoài việc tăng cân rất nhiều, tăng cân nhanh, sanh xong cơ thể vẫn như chưa sanh còn ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan trọng cơ thể.

     - Một số trường hợp nặng có thể gây nhiễm ceton acid hoặc tăng áp lực thẩm thấu trong máu dẫn đến hôn mê và nguy hiểm đến tính mạng.

     - Không lành vết thương: Nếu phải sanh mổ vết thương sẽ khó lành, dễ nhiễm trùng. Nếu sanh thường và có cắt may tầng sinh môn thì vết thương có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.

     - Nếu vỡ ối nguy cơ nhiễm trùng sẽ gia tăng lên nhiều lần so với người không mắc đái tháo đường.

 

 

     3. Nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường thai kỳ

     Nhiều mẹ bầu lo ngại, việc ăn ngọt (đồ ăn - thức uống ngọt như trái cây, bánh kẹo…) là nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường thai kỳ. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ? Những yếu tố nguy cao dẫn đến đái tháo đường thai kỳ là gì ạ?

     BS.CK1 Huỳnh Ngọc Phương Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Việc sử dụng quá nhiều đồ ngọt trong bữa ăn hằng ngày không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đái tháo đường thai kỳ.

     Nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường thai kỳ:

     - Thừa cân, béo phì trước mang thai: Khi ăn quá nhiều đồ ngọt sẽ là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến thừa cân, béo phì trước khi mang thai.

     - Phụ nữ trên 35 tuổi.

     - Tiền sử gia đình: Có cha mẹ, anh chị em ruột bị đái tháo đường.

 

 

     4. Các triệu chứng gợi ý đái tháo đường thai kỳ

     Các triệu chứng gợi ý đái tháo đường thai kỳ gồm những gì? Tầm soát đái tháo đường thai kỳ được thực hiện như thế nào và sẽ khác nhau ra sao giữa người có nguy cơ thấp - nguy cơ cao, thưa BS?

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Các nguy cơ của đái tháo đường rất lớn và tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ ở Việt Nam thuộc nhóm cao trên thế giới. Nên sự quan tâm này không chỉ ở các thai phụ hoặc cộng đồng mà còn có sự quan tâm từ phía chính phủ. Từ năm 2018, Vụ Sức khỏe Sinh sản, Bộ Y tế đã phối hợp với các bệnh viện chuyên ngành sản khoa lớn ở Việt Nam có quản lý thai phụ đưa ra những hướng dẫn liên quan đến khám, tầm soát, chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ. Nếu thai phụ được quản lý, khám sức khỏe định kỳ tốt (khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm), khám tiền hôn nhân thì có thể phát hiện đái tháo đường type 2 (có đường trong nước tiểu, đường huyết cao, HbA1c cao,…) từ đó điều trị ổn định trước khi mang thai để an toàn. Những người không khám sức khỏe định kỳ, ít quan tâm đến sức khỏe (thấy bản thân rất khỏe, ăn rất nhiều, dư cân…) là nhóm có nguy cơ cao hơn. Khi tiếp xúc với thai phụ từ lúc bắt đầu mang thai sẽ có bảng đánh giá nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ:

- Yếu tố gia đình trực hệ: Cha mẹ, anh chị em ruột có mắc đái tháo đường.

- BMI (chỉ số khối cơ thể) lớn.

- Tuổi mang thi cao.

- Bệnh lý nội khoa liên quan đến chuyển hóa carbohydrate.

     Trong quá trình khám thai ở 3 tháng đầu thai kỳ sẽ có các xét nghiệm để sàng lọc như xét nghiệm đường huyết lúc đói, xét nghiệm đường huyết bất kỳ, HbA1c.

     Đối với những người không nằm trong nhóm có nguy cơ cao thì theo diễn tiến đến khoảng nhạy cảm với chuyển hóa carbohydrate (24 tuần) sẽ thực hiện test. Đây không phải là thời gian trễ để xét nghiệm, mà được đặt ra bởi các nghiên cứu của rất nhiều chủng tộc và thế giới để chống lại chuyển hóa carbohydrate, đặc biệt ở thai phụ.

     5. Quy trình tầm soát đái tháo đường thai kỳ tại Bệnh viện Hùng Vương

     Tại Bệnh viện Hùng Vương, việc tầm soát đái tháo đường thai kỳ sẽ được thực hiện như thế nào, thưa BS?

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Từ năm 2018 đã có hướng dẫn của quốc gia. Cuối tháng 5/2024, Bộ Y tế đã bổ sung thêm về sàng lọc, quản lý, chẩn đoán, điều trị đái tháo đường hiệu quả.

     Bệnh viện Hùng Vương là một trong những đơn vị hàng đầu trong việc thực hiện các hướng dẫn này.

     Trong giai đoạn sớm của thai kỳ, cần quan tâm đến tiền sử, nhóm nguy cơ cao để có xét nghiệm, đánh giá xem thai phụ có mắc đái tháo đường type 2 không. Nếu không thì 24 - 28 tuần tất cả các thai phụ sẽ được sàng lọc.

     Chân thành cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng Bệnh viện Hùng Vương và AloBacsi trong chương trình này!

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác