DÃN NÃO THẤT
1. Dãn não thất là gì?
- Trong não có năm khoang chứa đầy chất lỏng liên kết với nhau. Chúng được gọi là não thất. Não thất sản xuất và chứa đầy dịch não tủy; từ não thất dịch não tủy lưu thông vào ống sống trung tâm.
- Trong quá trình siêu âm, chiều rộng phần sau của hai não thất bên, nằm ở mỗi bên của đường giữa, được đo. Hai khoang song song này hẹp về phía trước và rộng về phía sau. Sừng sau của não thất bên có thể nhìn thấy rõ ràng khi siêu âm dưới dạng một vùng màu đen gần giống hình tam giác (vì nó chứa đầy chất lỏng) bên trong có một khối mô màu trắng gọi là “đám rối mạch mạc”.
- Đây là một khối các mạch nhỏ tạo ra dịch não-tủy.
Chiều rộng của sừng sau của não thất bên bình thường lên đến 10 mm.
- Chiều rộng 10-15 mm được gọi là dãn não thất. Nếu 10- 12 mm đó là dãn não thất “nhẹ”. Nếu đo được trên 15 mm thì được gọi là não úng thủy. Não thất bên lớn hơn một chút ở các bé trai.
- Dãn não thất xảy ra ở khoảng 1% thai nhi.
2. Các nguyên nhân của Dãn não thất?
- Có một số tình huống bất thường có thể gây tắc nghẽn sự lưu thông của dịch não-tủy. Một đường thông mỏng giữa não thất thứ ba và thứ tư, được gọi là ống dẫn nước, có thể bị tắc nghẽn, dẫn đến chất lỏng tích tụ bên trên và gây ra dãn não thất bên. Điều này có thể nhìn thấy trên siêu âm khi chất lỏng mở rộng chứa đầy khoảng trống phía trên vị trí tắc nghẽn.
- Các nguyên nhân thường gặp của dãn não thất/ não úng thủy:
+ Nhiễm trùng;
+ Dị tật não hoặc cột sống;
+ Bất thường nhiễm sắc thể;
+ Xuất huyết trong não.
3. Tôi cần làm thêm xét nghiệm gì không?
Khi bác sĩ siêu âm đo não thất bên rộng hơn 10 mm, bạn có thể sẽ được đề nghị thực hiện một số kiểm tra bổ sung:
- Thai nhi sẽ được khám kỹ lưỡng để loại trừ các dị tật khác.
- Đặc biệt chú ý đến những bất thường của não và cột sống, vì chúng có thể gây ra dãn não thất. Bác sĩ có thể đề nghị xem não của em bé bằng siêu âm qua đường âm đạo.
- Bạn có thể sẽ được đề nghị chọc ối để tìm các vấn đề về số lượng nhiễm sắc thể hoặc những thay đổi lớn trong nhiễm sắc thể. Ví dụ, những người mắc hội chứng Down có thêm một nhiễm sắc thể số 21. Một số thai nhi mắc hội chứng Down có não thất lớn, nhưng cũng có những tình trạng di truyền khác liên quan đến não thất lớn, chẳng hạn như ở thai nhi nam.
- Kiểm tra các bệnh nhiễm trùng để xem bạn có bị nhiễm trùng trong thai kỳ có thể gây ra dãn não thất hay không. Toxoplasmosis hoặc nhiễm CMV có thể gây ra dãn não thất.
- Trong một số trường hợp, chụp cộng hưởng từ (MR) não thai nhi có thể được thực hiện sau này trong thai kỳ, để quan sát xem lớp ngoài (vỏ não) của não có phát triển bình thường hay không và cố gắng hiểu rõ hơn lý do đằng sau phát hiện trên siêu âm.
Nếu tất cả các xét nghiệm này đều âm tính, thai nhi của bạn được cho là mắc chứng dãn não thất “đơn độc”.
Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi thai nhi của bạn bằng các lần siêu âm bổ sung để xem liệu sự mở rộng của não thất bên có ổn định, tăng hay giảm hay không.
4. Tiên lượng đối với con tôi khi được sinh ra?
- Tiên lượng của bệnh dãn não thất sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu nguyên nhân cơ bản đã được xác định hay chưa. Trong trường hợp dãn não thất “đơn độc” thì tiên lượng nói chung là tốt. Dãn não thất nhẹ có thể là bình thường ở những cậu bé có đầu to.
- Rất khó để cung cấp cho cha mẹ những con số đáng tin cậy về khả năng xảy ra vấn đề về thần kinh sau khi sinh ở trẻ được chẩn đoán mắc bệnh dãn não thất trong thai kỳ. Mặc dù vẫn chưa có đủ dữ liệu, nhưng các ấn phẩm hiện có trong tài liệu y khoa chỉ ra rằng nguy cơ suy giảm thần kinh không cao hơn 10% khi dãn não thất nhẹ và đơn độc. Điều này cũng giống như phần còn lại của dân số.
- Nếu não thất không tăng kích thước trong thai kỳ và nếu không tìm thấy lời giải thích nào khác cho việc dãn nhẹ, thì không có chỉ định cụ thể nào thêm về em bé sau khi sinh.
Lược dịch từ nguồn: Ventriculomegaly (Isuog.org)
BS. Nguyễn Nữ Yến Nhi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh
Bài viết khác
- Lớp tiền sản (23-05-2017)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Phụ nữ hiện đại - Chủ động tránh thai (15-11-2024)
- X - QUANG và những điều cần biết (14-11-2024)